Các ý kiến về Luật Lao đông sửa đổi 2019 của Việt Nam

1. LUẬT LAO ĐỘNG SỬA ĐỔI 2019 – ĐỐI PHÓ & MƠ HỒ

Lê Ngọc Anh

Gửi đến cho BBC từ Washington, Hoa Kỳ

Luật Lao động sửa đổi có giúp đảm bảo quyền lợi của người lao động Việt Nam? Bản quyền hình ảnh CHAU DOAN/GETTY IMAGES

Bộ Luật Lao Động sửa đổi ngày 19/11/2019 hiện có một loạt vấn đề mà tác giả cho rằng không đảm bảo việc phục vụ cho quyền lợi của người lao động, mà thậm chí còn ngăn cản việc thành lập nghiệp đoàn độc lập.

Những sửa đổi vừa có dường như chỉ có mục đích tạo ấn tượng là Việt Nam đã tuân thủ những đòi hỏi cần thỏa đáng từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết với CPTPP và với EU (nhưng còn đang đợi Hội Đồng Liên Âu chuẩn thuận), chứ không hẳn là để cải tiến tình trạng của người lao động.

Có ít nhất 3 Chương trong bộ luật này cho thấy rất rõ những điều được viết rất chung chung, mơ hồ.

Những chương này gồm: Chương 1 – Những quy định chung; Chương 13 – Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở – doanh nghiệp hoặc công ty; và Chương 15 -Quản lý của nhà nước về lao động.

Luật Lao động sửa đổi có giúp đảm bảo quyền lợi của người lao động Việt Nam? Bản quyền hình ảnh AGF/GETTY IMAGES

– Chương 1 – Điều 5.c:

Người lao động có quyền thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức đại diện người lao động, tổ chức nghề nghiệp và tổ chức khác theo quy định của pháp luật.

Nhìn sơ đây có vẻ là điều mang nhiều hứa hẹn, nhưng so với Công ước số 87 về Tự do Liên kết và Bảo vệ Quyền Tổ chức của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế (ILO), Điều 5.c mơ hồ và không nêu rõ như Điều 5 của Công ước 87, được viết như sau:

Luật Lao động sửa đổi có giúp đảm bảo quyền lợi của người lao động Việt Nam? Bản quyền hình ảnh CHAU DOAN/GETTY IMAGES

”Các tổ chức của người lao động và của người sử dụng lao động có quyền tập họp (liên kết) thành các liên đoàn, tổng liên đoàn; và mọi tổ chức, liên đoàn hoặc tổng liên đoàn đó đều có quyền gia nhập và đều có quyền liên kết với các tổ chức quốc tế của người lao động và người sử dụng lao động”.

Điều này có nghĩa là mặc dù được quyền thành lập tổ chức đại diện người lao động, quyền tập họp (liên kết) thành các liên đoàn, tổng liên đoàn, v.v. chưa được cho phép cho đến khi công ước 87 được Việt Nam phê chuẩn.

Bộ luật Lao động sửa đổi 2109 cần phải được Nhà nước Việt nam sửa đổi nhiều hơn nữa thì mới thực sự đạt được cải tiến cần có để phục vụ cho quyền lợi của người lao động. Bản quyền hình ảnh PETER CHARLESWORTH/GETTY IMAGES

– Chương 13, Điều 170.1:

Người lao động có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn theo quy định của Luật Công đoàn.

Luật này áp dụng cho Công Đoàn trực thuộc TLĐLĐVN nhưng lại không ghi rõ là những nghiệp đoàn không trực thuộc TLĐLĐVN (theo Chương 1 – Điều 3.3) thì KHÔNG phải theo Luật Công đoàn.

– Chương 13, Điều 174.9:

Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Tuy vậy, Điều 174.9 này hoàn toàn không ghi chi tiết các quy định của Chính phủ là những gì!

Tất cả các Điều 172.1, 172.4, Điều 173.2, Điều 174.6 d, Điều 174.9 của Chương 13 đều trái ngược với Công Ước 87 của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế (ILO):

• Người lao động và người sử dụng lao động, không phân biệt bất kỳ hình thức nào, đều không phải xin phép trước mà vẫn có quyền được tổ chức và gia nhập các tổ chức theo sự lựa chọn của mình, với một điều kiện duy nhất là phải tuân theo điều lệ của chính tổ chức đó (Điều 2 của ILO).

• Các tổ chức của người lao động và của người sử dụng lao động có quyền lập ra điều lệ, những quy tắc quản lý, tự do bầu các đại diện, điều hành hoạt động và soạn thảo chương trình hoạt động của mình (Điều 3.1 của ILO).

• Các cơ quan có thẩm quyền phải tránh mọi sự can thiệp có tính chất hạn chế quyền đó, hoặc cản trở việc thi hành hợp pháp quyền đó (Điều 3.2 của ILO).

– Chương 13, Điều 178.8:

Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Cũng như Điều 174.9 ở trên, Điều luật này không ghi rõ các quyền khác là quyền gì?

– Chương 15, Điều 213 quy định:

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về lao động trong phạm vi cả nước.

2. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về lao động.

3. Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện và phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trong quản lý nhà nước về lao động.

4. Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về lao động trong phạm vi địa phương mình.

Tất cả các Điều 213.1, 213.2 và 213.3 và 213.4 nêu trên đều không đúng với Điều 8.2 của Công Ước 87: Pháp luật quốc gia không được có những quy định mang tính chất xâm hại, cũng như không được áp dụng với mục đích xâm hại tới những đảm bảo đã được quy định trong Công Ước này.

Qua những điểm vừa nêu ta có thể đúc kết tính đối phó cũng như mơ hồ của bộ Luật Lao Động cải sửa 2019 như sau:

1. Bộ Luật Động cải sửa được Quốc hội thông qua chỉ nhằm tạo ấn tượng đáp ứng Cam Kết Riêng của Việt Nam với 10 thành viên trong hiệp định CPTPP, chứ không quy định rõ về nghiệp đoàn độc lập như đã cam kết thực thi trong các hiệp định thương mại quốc tế.

2. Luật xác nhận người lao động có quyền thành lập nghiệp đoàn, nhưng chỉ giới hạn tại cơ sở (tức là chỉ tại doanh nghiệp).

Luật này không nêu rõ là nghiệp đoàn có thể liên kết thành liên đoàn và tổng liên đoàn như trong Công Ước 87 (mà Việt Nam, dù đã phê chuẩn hay chưa phê chuẩn, vẫn phải tuân thủ và thực thi 8 công ước cơ bản của Tổ chức Lao động Quốc tế với thiện chí thực sự khi Việt Nam gia nhập tổ chức này).

3. Việc giới hạn chỉ cho thành lập nghiệp đoàn tại doanh nghiệp cơ sở sẽ làm suy yếu khả năng thương lượng tập thể của công nhân đối với chủ nhân về tiền lương, điều kiện làm việc và những lợi ích mặc định khác.

4. Tổ chức đại diện của người lao động gồm có 2 loại: a) công đoàn trực thuộc TLĐLĐVN, và b) tổ chức nghiệp đoàn độc lập.

Cả hai đều bị kiểm soát chặt chẽ bởi nhà nước Việt Nam: tính hợp pháp sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp đăng ký, quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký; thẩm quyền, thủ tục cấp đăng ký, thu hồi đăng ký; quản lý nhà nước đối với vấn đề tài chính, tài sản của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp; hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, quyền liên kết của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.

5. Qua bộ Luật Lao Động sửa đổi, nhà nước Việt Nam còn đối phó với người lao động, bằng cách chặn lối người đấu tranh cho công bằng dân chủ, dù hết hạn tù, nhưng nếu chưa xóa án tích thì không được là thành viên Ban Lãnh Đạo nghiệp đoàn.

Nói tóm lại, Bộ luật Lao động sửa đổi 2109 cần phải được nhà nước Việt nam sửa đổi nhiều hơn nữa thì mới thực sự đạt được cải tiến cần có để phục vụ cho quyền lợi của người lao động.

L.N.A.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả Lê Ngọc Anh, hiện làm việc tại Bộ Lao động và Công nghệ tại tiểu bang Washington, Hoa Kỳ.

Nguồn: https://www.bbc.com/vietnamese/forum-50703655

———–

2. CÔNG ĐOÀN ĐỘC LẬP Ở VIỆT NAM: CON ĐƯỜNG CÒN DÀI

Thanh Phương

Một nhà máy lắp ráp xe gắn máy tại Hải Phòng. Ảnh chụp ngày 03/11/2018. Reuters

    Share

    Để đáp ứng đòi hỏi của các hiệp định tự do mậu dịch, Việt Nam đã buộc phải sửa đổi Luật Lao động. Văn bản sửa đổi đã được các đại biểu Quốc hội Việt Nam thông qua ngày 20/11/2019.

    Sẽ có hiệu lực vào năm 2021, luật mới đặc biệt cho phép thành lập các công đoàn độc lập, tức là không thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, công đoàn duy nhất hiện nay. Đây được coi là một thay đổi quan trọng nhất trong Luật Lao động của Việt Nam.

    Trong thông cáo đưa ra ngày 20/11, Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế ILO Việt Nam, Chang Hee Lee nhận định bộ Luật Lao động sửa đổi vừa được thông qua là “một tiến bộ quan trọng”, còn đại sứ quán Mỹ thì xem đây là một “đạo luật lịch sử”.

    Điểm tích cực

    Trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ ngày 04/12, luật sư Hoàng Cao Sang, Văn phòng Luật sư Hoàng Việt Luật, một trong những luật sư chuyên về lao động ở Việt Nam, ghi nhận một điểm tích cực, đó là Việt Nam đã sửa đổi Luật Lao động ngay cả trước khi phê chuẩn Công ước 87 của Tổ chức Lao động Quốc tế, tức là công ước về việc thành lập công đoàn độc lập:

    "Thường là người ta phê chuẩn công ước rồi thì mới thực hiện cái sửa đổi. Thường người ta hay kéo dài việc sửa đổi những cái gì mang tính bất lợi. Vấn đề thành lập hiệp hội tự do, ở đây là công đoàn độc lập, vẫn là chuyện nhạy cảm đối với xã hội Việt Nam, cho người ta hay có tâm lý kéo dài. Nhưng ở đây họ lại sửa đổi luật lao động trước, rồi theo lịch trình thì đến năm 2023 mới ký Công ước 87. Đó là một thiện chí, nếu thật sự họ muốn thay đổi".

    Tuy nhiên, con đường đi đến việc thành lập thật sự các công đoàn tự do ở Việt Nam hãy còn dài. Luật Lao động sửa đổi đã được thông qua, nhưng còn phải chờ xem luật sẽ được áp dụng trên thực tế như thế nào, cụ thể là các nghị định, thông tư sẽ có nội dung cụ thể ra sao.

    Bất hợp lý trong việc ban hành

    Về vấn đề này, luật sư Hoàng Cao Sang nêu lên một điểm bất hợp lý trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật ở Việt Nam:

    "Theo luật quy định về việc ban hành các văn bản pháp luật của Việt Nam, thường là sau khi Quốc hội thông qua luật, chính phủ sẽ là bộ phận viết thêm các điều luật cho nó chi tiết để áp dụng. Sau khi chính phủ đã ban hành nghị định rồi, nếu có những cái gì chi tiết hơn nữa, thì một bộ nào đó, ở đây có thể là bộ Lao động-Thương binh-Xã hội, ban hành một thông tư để hướng dẫn thực hiện bộ Luật Lao động này.

    Ở đây có một điều bất hợp lý: luật là ý chí của nhân dân thông qua đại diện là các đại biểu Quốc hội, tuy nhiên, Quốc hội ban hành luật thì chỉ quy định những cái chung nhất còn sau đó các cơ quan hành pháp lại ban hành các văn bản dưới luật để hướng dẫn luật này. Trong thực tế lại có những cái hướng dẫn đi sâu hơn hoặc xa hơn, thậm chí còn trái với các điều luật mà Quốc hội ban hành, thường là theo hướng có lợi cho các cơ quan hành pháp, đẩy những cái khó về phía người dân".

    Trong thông cáo đưa ra ngày 20/11/2019, đại sứ quán Mỹ cũng đã khuyến cáo chính phủ Việt Nam “củng cố những cải cách trong bộ Luật Lao động, bao gồm cải cách thông qua các văn bản pháp luật sắp được ban hành về thành lập, đăng ký và hoạt động của các tổ chức công đoàn độc lập và sự bảo vệ đầy đủ đối với quyền thương lượng tập thể và quyền đình công”.

    Về phần Giám đốc ILO Việt Nam, ông lưu ý là quyền tự do hiệp hội trong bộ Luật Lao động sửa đổi hiện chỉ áp dụng đối với người lao động trong doanh nghiệp, nên sẽ cần phải được mở rộng phạm vi trong những năm tới đây «để song hành với những nỗ lực của chính phủ hướng tới phê chuẩn Công ước số 87 của ILO vào năm 2023».

    Tuy nhiên, theo ông, trước mắt phải giải thích các điều khoản mới, thông qua việc ban hành các nghị định hướng dẫn và thiết lập các thiết chế thực chất để áp dụng và triển khai những điều khoản mới đó.

    Phải sửa nhiều luật

    Mặt khác, theo luật sư Hoàng Cao Sang, cùng với việc sửa đổi Luật Lao động và việc phê chuẩn Công ước 87, Việt Nam còn phải sửa đổi những luật khác có liên quan đến việc thành lập hội:

    "Tôi nghĩ là không chỉ có luật về thành lập hội, mà rất nhiều luật cũng phải được sửa đổi theo tinh thần Công ước 87. Chúng ta thường hay gọi Công ước 87 là công ước về quyền tổ chức công đoàn độc lập trong lao động, nhưng thật ra công ước quy định về quyền tự do hiệp hội, tức là đối với các hiệp hội nói chung, chứ không riêng gì công đoàn".

    Vì có những hội khác, cho nên chúng ta cũng phải sửa tất cả những gì liên quan đến hội và các tổ chức cho nó phù hợp với tinh thần của Công ước 87.

    Cũng theo tinh thần này thì các tổ chức của người lao động và của người sử dụng lao động đều có quyền thành lập các liên đoàn và tổng liên đoàn một cách tự do, có thể thuộc Tổng liên đoàn Việt Nam hoặc không.

    The Diplomat: Nên thận trọng

    Trên trang mạng The Diplomat ngày 29/11/2019, nhà báo David Hutt cũng đề cập đến sự kiện Quốc hội Việt Nam thông qua bộ Luật Lao động sửa đổi cho phép thành lập công đoàn độc lập.

    David Hutt trước hết tỏ ra thận trọng khi viết: «Dĩ nhiên chúng ta phải chờ xem có phải đây là một sự thay đổi bề ngoài mà Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn quen làm, trên giấy tờ thì rất là hay, nhưng không bao giờ được thực thi đàng hoàng».

    Tác giả bài viết đặc biệt ghi nhận Luật Lao động sửa đổi quy định là công đoàn độc lập phải xin phép thành lập từ các cơ quan Nhà nước, như vậy là Đảng Cộng sản sẽ có thể từ chối cấp phép cho các lãnh đạo công đoàn thẳng thắn và đòi hỏi khắt khe.

    Nhà báo David Hutt viết tiếp: «Nếu các công đoàn độc lập thật sự được phép thành lập ở Việt Nam, ta có thể dự báo là đình công sẽ trở nên phổ biến hơn. Công nhân cũng sẽ có một tổ chức đại diện cho họ tốt hơn. Thứ hai, cho phép các công đoàn độc lập hoạt động là một dấu hiệu khác cho thấy Đảng sẵn sàng nới lỏng sự kiểm soát của họ lên xã hội như thế nào để tối đa hóa mức tăng trưởng kinh tế, nay là yếu tố chủ yếu tạo nên tính chính đáng của Đảng».

    David Hutt viết tiếp: «Trong những năm 2000, Đảng về cơ bản đã mất sự thống trị đối với công chúng, với sự xuất hiện của Internet và mạng xã hội của Mỹ, chủ yếu là Facebook. Các phương tiện truyền thông do Đảng điều hành hiện đang thất thế, sau khi đã nắm giữ quyền lực đáng kể vào những năm 1990. Khi thoái vốn khỏi các doanh nghiệp Nhà nước và trao quyền lực cho nhiều thực thể ngoài Đảng hơn, đảng Cộng sản hiện cũng đang tự mình rời khỏi nền kinh tế. Sự phát triển nhanh chóng của y tế và giáo dục tư nhân trong thập kỷ này cũng thách thức độc quyền của Đảng về mặt phúc lợi xã hội».

    Đảng sẽ công nhận các tổ chức khác?

    Ông David Hutt viết tiếp: «Ta có thể nói, đúng phần nào, rằng ở Việt Nam hiện đang có một cuộc chiến giữa một khối xã hội dân sự, tập hợp các nhóm cộng đồng phi Nhà nước hình thành từ cơ sở, và một khối xã hội «phi dân sự», gồm các tổ chức xã hội của Đảng do Mặt trận Tổ quốc quản lý. ( … ).

    Khối xã hội phi dân sự thì được nhiều ưu đãi, còn khối xã hội dân sự bên ngoài sự kiểm soát của Đảng hiện còn nhỏ và phân tán, nhưng nó đang phát triển. Và các sửa đổi của bộ Luật Lao động sẽ thêm một yếu tố quan trọng vào xã hội dân sự đó dưới hình thức thành lập công đoàn độc lập.

    Điều này phải chăng sẽ thúc đẩy đảng Cộng sản chính thức thừa nhận các tổ chức ngoài Đảng khác? Hiện giờ có lẽ là không. Nhưng các tổ chức nhà báo, trí thức, nhà văn, nông dân và phụ nữ «bất hợp pháp và không chính thức» đã mọc lên như nấm trong những năm gần đây, tất cả đều nhằm cạnh tranh với các tổ chức xã hội phi dân sự của Đảng».

    David Hutt kết luận: «Bằng cách chấp nhận không còn là tổ chức đại diện cho toàn thể công nhân, đảng Cộng sản đã có một sự thừa nhận không thể thay đổi. Vai trò lãnh đạo một nền «chuyên chính vô sản» đã bị khai tử từ cách đây nhiều năm. Bây giờ Đảng nói là họ bảo vệ cho mọi giai cấp, chứ không riêng gì những người bán sức lao động. Nhưng nếu bây giờ họ mất độc quyền đối với các định chế xã hội, giống như họ đã mất độc quyền đối với nền kinh tế và công chúng, liệu tiếp theo đó có sẽ mất luôn cả độc quyền đối với chính trị? Hãy nhớ rằng chính công đoàn Đoàn Kết ở Ba Lan, công đoàn độc lập đầu tiên ở các nước Cộng Sản Đông Âu, đã là một động lực thúc đẩy các sự kiện năm 1989».

    T.P.

    Nguồn: http://vi.rfi.fr/việt-nam/20191209-công-đoàn-độc-lập-ở-việt-nam-con-đường-còn-dài

    This entry was posted in Luật Lao động. Bookmark the permalink.