‘Tréo ngoe’ đại biểu kiêm nhiệm gặp cử tri chuyên trách & Hội trường 200 chỗ, chỉ 15 người đến thì sao?

“Họ mời những người thuộc thành phần cơ bản và những người già như chúng tôi cho yên tâm”, ông Quang [bộ đội xuất ngũ] nói. Thực tế, thành phần tham gia các buổi tiếp xúc cử tri lâu nay hầu hết là những người đã nghỉ hưu.

Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng từng nói có một điều tréo ngoe trong công tác tiếp xúc cử tri hiện nay là ĐBQH thì phần nhiều kiêm nhiệm, còn cử tri lại “chuyên trách”.

Lê Nhung

Báo chí nêu ý kiến rằng đa số đại biểu Quốc hội chỉ thực hiện “tối thiểu” nghĩa vụ của mình, đó là đến gặp các “đại cử tri” ở hội nghị tiếp xúc cử tri và hầu hết họ đi tiếp xúc cử tri một cách “chiếu lệ”.

Nhưng cũng dễ hiểu vì sao các đại biểu không có động lực để không làm một cách chiếu lệ: nhận xét của cử tri về họ không quan trọng bằng nhận xét của “tổ chức”, không quan trọng bằng việc họ “được cơ cấu”. Đấy là căn bệnh chính mà nếu không sửa thì chuyện hình thức, chuyện đại biểu kiêm nhiệm tiếp xúc cử tri chuyên nghiệp, vẫn sẽ là chuyện dễ hiểu.

Nguyễn Quang A

‘Tréo ngoe’ đại biểu kiêm nhiệm gặp cử tri chuyên trách

Lê Nhung

“Người ta gọi tôi là cử tri chuyên nghiệp”, ông Quang chia sẻ. Hầu hết cử tri hai quận ngồi trong phòng họp hôm nay cũng vậy. Đến nỗi, chỉ cần một người được mời phát biểu là ông Quang nhận xét được ngay vị này sẽ nói dài hay ngắn.

Tham gia tiếp xúc cử tri đa phần là cán bộ nghỉ hưu đầu bạc. Ảnh: Lê Nhung

Tham gia tiếp xúc cử tri đa phần là cán bộ nghỉ hưu đầu bạc. Ảnh: Lê Nhung

Là bộ đội xuất ngũ, ông Quang luôn được tín nhiệm mời đến tất cả các buổi tiếp xúc của Quốc hội với dân, chính quyền với dân, hội đồng nhân dân các cấp…

“Họ mời những người thuộc thành phần cơ bản và những người già như chúng tôi cho yên tâm”, ông Quang nói. Thực tế, thành phần tham gia các buổi tiếp xúc cử tri lâu nay hầu hết là những người đã nghỉ hưu.

Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng từng nói có một điều tréo ngoe trong công tác tiếp xúc cử tri hiện nay là ĐBQH thì phần nhiều kiêm nhiệm, còn cử tri lại “chuyên trách”.

Thậm chí, để đảm bảo mời đúng “đại cử tri”, không ít người phải qua các vòng “soát giấy mời” cực kỳ nghiêm ngặt.

Nói như ông Hoàng Ngọc Khôi (quận Cầu Giấy) trong buổi tiếp xúc với Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng mới đây, thì từ lúc gửi xe vào đến Hội trường, ông phải qua ba vòng soát giấy mời.

Đại biểu QH nên nghe được nhiều tiếng nói của nhiều giai tầng xã hội, nhiều lứa tuổi, nhiều đối tượng… Phải nghe được nhiều hơn những tiếng nói hờn giận oán sầu trong dân gian”, ông Khôi góp ý.

Hiến pháp năm 1992 ghi rõ: “Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, không chỉ đại diện cho nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình mà còn đại diện cho nhân dân cả nước. Đại biểu Quốc hội phải liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến và nguyện vọng của cử tri với Quốc hội và các cơ quan nhà nước; thực hiện chế độ tiếp xúc và báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và Quốc hội, trả lời những yêu cầu và kiến nghị của cử tri…”.

Để thực hiện nhiệm vụ đã được hiến định, đại biểu phải thường xuyên liên lạc với cử tri mới có thể trở thành cầu nối giữa chính quyền với nhân dân.

Theo quy định, đại biểu có thể chọn lựa nhiều hình thức tiếp xúc khác nhau. Chẳng hạn, tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri (định kỳ trước và sau kỳ họp;  theo nơi cư trú, nơi làm việc; theo chuyên đề, lĩnh vực mà đại biểu quan tâm) hoặc gặp gỡ, tiếp xúc cá nhân hoặc nhóm cử tri.

Như vậy, tối thiểu mỗi năm đại biểu tiếp xúc cử tri bốn lần, trước và sau mỗi kỳ họp.

Thực tế, đa số đại biểu chỉ thực hiện “tối thiểu” nghĩa vụ của mình, đó là đến gặp các “đại cử tri” ở hội nghị.

Theo một nữ cán bộ ở Mặt trận Tổ quốc quận Ba Đình, giấy mời được phát cho cả các bạn trẻ nhưng ai cũng bận đi làm. Ảnh: Lê Nhung

Theo một nữ cán bộ ở Mặt trận Tổ quốc quận Ba Đình, giấy mời được phát cho cả các bạn trẻ nhưng ai cũng bận đi làm. Ảnh: Lê Nhung

Thậm chí, như chia sẻ của nhiều đại biểu sống một nơi nhưng được bầu ở nơi khác thì nhiều khi, do bận bịu, họ không thể “bay” từ Hà Nội về các tỉnh thành khác để tiếp xúc theo lịch, đành phó thác cho địa phương. Vậy là ngoại trừ số ít ỏi các vị chuyên trách, hầu hết đại biểu đi tiếp xúc “chiếu lệ”.

Trong cuộc tiếp xúc với Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng sau kỳ họp thứ bảy vừa qua, có vị “đại cử tri” đề xuất mỗi đại biểu phải “vi hành” nhiều hơn. Họ nên chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình, nội dung tiếp xúc cử tri và công bố rộng rãi cho cử tri khu vực mình ứng cử biết. Hơn nữa, tùy vấn đề quan tâm, đại biểu có thể tiếp xúc với các cử tri là nhà khoa học, với thanh niên…

“Đừng ngồi đó chờ cử tri đến với mình mà phải biết đến với cử tri khi cần thiết. Ví dụ khi báo chí phản ánh một vấn đề bức xúc của địa phương hoặc một hoàn cảnh cụ thể nào đó thì đại biểu nên tới đó gặp gỡ người ta coi sao. Như thế vừa chia sẻ được vừa có thể với tư cách đại biểu làm gì đó giúp họ”, trưởng đoàn ĐBQH TP HCM Trần Hoàng Thám nói.

Còn đại biểu Nguyễn Minh Thuyết, đại biểu Danh Út lại tâm sự, sau mỗi phiên chất vấn họ luôn nhận được nhiều cuộc điện thoại, nhiều tin nhắn của người dân chia sẻ, tán thành.

Rõ ràng, không thiếu “kênh” để đại biểu đến với dân, vấn đề là đại biểu có muốn?

L. N.

Nguồn: http://vietnamnet.vn/chinhtri/201006/Treo-ngoe-dai-bieu-kiem-nhiem-gap-cu-tri-chuyen-trach-918716/

Hội trường 200 chỗ, chỉ 15 người đến thì sao?

Nguyễn Quang A

Mỗi năm hai lần, sau kỳ họp Quốc hội, các đại biểu lại về địa phương được phân công để báo cáo cử tri kết quả kỳ họp.

Số người nghe nhiều lắm là vài trăm nhưng thường có lẽ chỉ mấy chục (vì hội trường chỉ có ngần ấy chỗ!) nên cử tri muốn đến phải có giấy mời.

Một cuộc tiếp xúc cử tri ở Hà Nội. Ảnh: LN

Một cuộc tiếp xúc cử tri ở Hà Nội. Ảnh: LN

Vì phải có giấy mời nên những người tổ chức thường mời những người họ đã biết (thí dụ những người đã dự lần trước vì tên họ có trong hồ sơ hay các cụ về hưu), cách làm này rất tiện đối với họ và thế là các cử tri này bị mang danh là “cử tri chuyên trách”.

Các nơi có đại biểu Quốc hội “cỡ bự”, thì còn phải vài ba lần “kiểm tra” giấy mời để đảm bảo an ninh, sau đó các đại diện cử tri mới vào được phòng họp. Người không có giấy mời chắc không thể tham dự.

Đấy là cách làm “tiện lợi” cho những người tổ chức song lại khiến cho bị mang tiếng là các cuộc “tiếp xúc cử tri được dàn dựng”, làm cho các cuộc tiếp xúc đó mang tính hình thức và ít hiệu quả.

Hãy sửa lại cách làm: Thông báo công khai trước (có thể vài tuần trước cũng chẳng khó khăn gì) nhưng không mời ai cả, cử tri nào muốn đến thì đến. Để đảm bảo trật tự và an ninh, người muốn đến dự phải đăng ký (ghi tên) trước, nếu cần thì lắp máy kiểm tra an ninh để rà người vào nếu có đại biểu lớn. Ai đăng ký trước được vào trước cho đến khi không còn chỗ trong hội trường. Nên chọn hội trường lớn và mắc loa ra ngoài cho các cử tri quan tâm nhưng do đăng ký chậm nên không còn chỗ phải ở ngoài theo dõi, để biến các buổi đông ngoại lệ thành bình thường.

Làm được như vậy thì mới thực sự là tiếp xúc cử tri, chắc chắn ý kiến của cử tri sẽ sát thực tế hơn, bệnh hình thức sẽ đỡ hơn.

Cách làm này có mấy cái bất tiện cho những người tổ chức. Thứ nhất, họ vất vả hơn. Nhưng với tinh thần tận tụy phục vụ thì vất vả không phải là lý do.

Thứ hai, nhỡ hội trường 200 chỗ mà chỉ có 15 người đến thì sao? Sự thờ ơ của cử tri cũng là một tín hiệu rất biết nói đối với Quốc hội. Nếu họ thờ ơ thật thì hãy vui với 15 cử tri thật, hơn là có đủ 200 cử tri chuyên nghiệp rất tiện cho việc tivi đưa tin. Vì sự thờ ơ của cử tri là một tín hiệu quan trọng, nên giả như chỉ có 15 người thì tivi vẫn nên đưa như bình thường.

Thứ ba, nhỡ có cử tri thật có ý kiến hóc búa nêu ra cho đại biểu Quốc hội thì sao? Chắc họ phải hoan nghênh, nhưng có thể vẫn nhiều vị ngại. Cho nên không có lý do xác đáng nào để bác cách làm được kiến nghị ở trên cả.

Báo chí nêu ý kiến rằng đa số đại biểu Quốc hội chỉ thực hiện “tối thiểu” nghĩa vụ của mình, đó là đến gặp các “đại cử tri” ở hội nghị tiếp xúc cử tri và hầu hết họ đi tiếp xúc cử tri một cách “chiếu lệ”.

Chắc chắn trước khi “được chọn” để “dân bầu”, họ tích cực hơn nhiều. Có lẽ đã đến lúc cần công khai các số liệu thống kê (việc họ bỏ phiếu ra sao, chẳng hạn về đường sắt cao tốc, mở rộng Hà Nội, các ý kiến và phát biểu của họ, kể cả việc tiếp xúc “chiếu lệ” như báo chí đã nêu), để cho công luận được rõ trách nhiệm, chất lượng của các đại biểu, để cử tri có thể theo dõi hoạt động của các vị đại diện cho mình.

Nhưng cũng dễ hiểu vì sao các đại biểu không có động lực để không làm một cách chiếu lệ: nhận xét của cử tri về họ không quan trọng bằng nhận xét của “tổ chức”, không quan trọng bằng việc họ “được cơ cấu”. Đấy là căn bệnh chính mà nếu không sửa thì chuyện hình thức, chuyện đại biểu kiêm nhiệm tiếp xúc cử tri chuyên nghiệp, vẫn sẽ là chuyện dễ hiểu.

N. Q. A

Nguồn: http://vietnamnet.vn/chinhtri/201006/Hoi-truong-200-cho-chi-15-nguoi-den-thi-sao-918928/

This entry was posted in quốc hội. Bookmark the permalink.