Vụ án “trốn thuế” ở Nha Trang: Tuyên án kiểu xã hội đen!

Nguyễn Tường Thuỵ

Nó như kiểu “phán quyết” của xã hội đen. Con cái nợ nần, không trả được hoặc bỏ trốn thì bắt bố mẹ phải trả thay.

https://1.bp.blogspot.com/-XwBC0rnymsQ/XdQWyxnVoWI/AAAAAAAAE_I/oIqOasXsIk0tF_p4AcatSscOvR5DAICzwCLcBGAsYHQ/s640/TVH%2Ba%25CC%2589nh%2BNAT.jpg

Luật sư Trần Vũ Hải đến dự phiên tòa hôm 13/11, Ảnh fb Tuan Ngo

Dư âm

Vụ án “trốn thuế” ở Nha Trang là điển hình về sự thối nát của nền tư pháp Việt Nam. Các luật sư chỉ ra đây là phiên tòa nhằm mục đích triệt hạ Ls Trần Vũ Hải, dằn mặt những luật sư thẳng thắn, tài năng hay dồn tòa vào thế bí vì sợ hội chứng ấy lan rộng. Một phiên tòa kết thúc bằng mấy cái án treo nhưng quy mô và sự chuẩn bị thì khủng khiếp. Phiên tòa thôi thúc lương tri của các luật sư, trên 60 luật sư tình nguyện bào chữa miễn phí cho các bị cáo.

Phiên tòa huy động một lực lượng bảo vệ khổng lồ, với nhiều lớp từ vòng ngoài đến vòng trong, canh cả lối đi vệ sinh, cấm đường; ra nội quy gồm cả những nội dung tự đặt ra không có trong pháp luật để gây khó cho quyền hành nghề hợp pháp của luật sư; cấm luật sư đem máy móc vào phòng xử án, nắn bóp luật sư; cản trở báo chí; Hội đồng xét xử làm việc tùy tiện, đuổi luật sư để thị uy; không công bố cáo trạng mặc dù luật sư yêu cầu; cắt điện khi các luật sư yêu cầu đọc biên bản phiên toà…. Đây là vụ án “kinh dị” (chữ của Ls Trần Đình Triển) sẽ đi vào những trang đen tối nhất của lịch sử tố tụng.

Cũng như các phiên tòa bỏ túi khác, nhất là các phiên tòa xử tù nhân lương tâm, phiên tòa xử Ls Trần Vũ Hải là một phiên tòa “cả vú lấp miệng em”. Bị các luật sư dồn vào thế không thể cãi thì chơi bài lảng, tuyên án cứ tuyên theo kiểu tao có quyền, tao phán thế đấy, làm gì được tao.

An ninh thì thiếu đứng đắn khi kiểm tra những người vào tòa. Theo lời kể của Ls Trần Đình Triển thì lực lượng này dùng tay vuốt từ cổ áo xuống lưng và xuống tận… mông chị Ngô Tuyết Phương làm chị kêu ầm lên. Cử chỉ đáng xấu hổ ấy làm cháu Hoàng (con anh Hải chị Phương) phẫn nộ. Lập tức, cháu chỉ vào mặt tay an ninh đó quát: “Mày là cán bộ, tại sao không đeo biển hiệu? Mày tư cách gì sờ mông mẹ tao?”. Thật là ê chề.

Có một câu chuyện cười, qua đó có thể thấy máu cay cú và cả trình độ của HĐXX. Khi nêu ý kiến xong, Ls Trần Đình Triển trịnh trọng “đề nghị Hội đồng xét xử gồm 2 Hội thẩm nhân dân và Thẩm phán ‘ĐẸP – CÓ – HẠNG’ chấp thuận đề nghị của tôi” (Thẩm phán chủ tọa phiên tòa là Nguyễn Thị Hạng; Hội thẩm nhân dân là Lưu Văn Có và Nguyễn Đức Đẹp)

Có lẽ do thiếu kinh nghiệm trước một đối thủ già dặn như Ls Trần Đình Triển, Nguyễn Thị Hạng phản ứng tức thì: “Đề nghị luật sư Triển không xúc phạm Hội đồng xét xử!”.

Chỉ chờ có thế, Ls Triển mới thong thả hỏi lại: “Tôi đọc tên chính xác của Hội đồng xét xử, sao lại kết luận tôi xúc phạm? Có giận hờn chi nhau mà không được gọi tên?”, làm cả hội trường cười mà không dám phát ra tiếng. Rõ là Hội đồng xét xử bị Ls Trần Đình Triển chọc quê mà không làm gì được.

Phán quyết kiểu xã hội đen

Tôi không bàn về xử sai đúng ra sao vì điều này nhiều luật sư đã lên tiếng và báo chí đã tường thuật. Ở đây, tôi muốn nói đến một chi tiết hết sức kỳ lạ mà tôi chưa thấy điều tương tự ở bản án nào.

Tôi không được đọc bản án nhưng theo báo chí thì “Ông Lắm bị buộc nộp hơn 280 triệu đồng tiền trốn thuế; trường hợp ông không thực hiện thì ba bị cáo trong vụ án có trách nhiệm đóng”.

Tôi sửng sốt trước lời tuyên án này. Bằng suy nghĩ thông thường, tôi cũng hiểu đây là nội dung cực kỳ vớ vẩn. Khi đã buộc ông Lắm nộp 280 triệu thì phận sự ấy là của ông Lắm. Thế mà lại tuyên tiếp, nếu ông Lắm không nộp thì 3 người kia phải nộp!?

Nó như kiểu “phán quyết” của xã hội đen. Con cái nợ nần, không trả được hoặc bỏ trốn thì bắt bố mẹ phải trả thay.

Nó chẳng khác gì tuyên án tù giam cho một người, nếu phạm nhân bỏ trốn thì vợ hay người thân phải đi tù thay vậy.

Đấy là suy nghĩ theo lẽ thường. Dù không tin việc này phù hợp với luật pháp nhưng tôi cứ thử tìm hiểu luật nói gì. Nếu luật cho phép như thế thì cần phải sửa luật. Thế nhưng tôi không thể tìm được điều khoản nào cho phép bắt người khác phải làm nghĩa vụ thay cho một ai đó.

Lời tuyên án phải mạch lạc rõ ràng, phải cụ thể, rành rọt trách nhiệm, nghĩa vụ của từng người. Tòa có thể buộc trách nhiệm cho 1 người, 2 người, 3 người hoặc cả 4 người, số tiền từng người phải nộp cụ thể là bao nhiêu, căn cứ vào mức độ sai phạm của họ. Không thể có chuyện bắt người khác nộp thay người bị buộc trách nhiệm.

Rõ ràng, lời tuyên án này là rất tùy tiện, nó nói lên trình độ non kém của HĐXX. Rồi đây, có thể có phiên tòa phúc thẩm nếu các bị cáo kháng án. Dù như thế nào thì bản án phúc thẩm cũng phải sửa đoạn buộc trách nhiệm vô lý này đi.

N.T.T.

VNTB gửi BVN

This entry was posted in luật pháp, Luật sư. Bookmark the permalink.