Nước máy bẩn: “Sống trong sợ hãi”, giờ làm thế nào?

Quốc Phương – BBC News Tiếng Việt

Vụ nước máy ô nhiễm ở Hà Nội cho thấy năng lực quản lý rất kém của các nhà quản lý và chính quyền, tuy nhiên để xử lý triệt để vấn đề, cần phải xem xét trách nhiệm, trong đó có cả trách nhiệm hình sự, dân sự và kinh tế của các bên liên quan để xảy ra sự việc, theo khách mời Bàn tròn thứ Năm của BBC Tiếng Việt.

Hà Nội

Người dân Hà Nội dùng xô chậu nhận nước từ xe bồn thay thế cho nước máy bị ô nhiễm vào trung tuần tháng 10/2019. Ảnh: GETTY IMAGES

Trách nhiệm chính trị cũng được các khách mời đề cập, trong đó có nhắc đến việc cải cách tư pháp, đằng sau việc đảm bảo xử lý pháp luật nghiêm minh ở Việt Nam để ngăn ngừa những sai phạm trong đó có sai phạm trong quản lý của chính quyền và quản lý dịch vụ công gắn với dân sinh, mà từ sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời, dường như vẫn ‘trì trệ’.

Trước hết, từ Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam, Tiến sỹ xã hội học, Viện trưởng Khuất Thu Hồng bình luận với Tọa đàm hôm 17/10/2019 về vụ ô nhiễm nước cấp, nước máy ở thủ đô của Việt Nam:

Những vụ việc như thế này cực kỳ nghiêm trọng và nó phản ánh một thực tế là năng lực của những người quản lý, năng lực của những người cung cấp dịch vụ, trách nhiệm của họ rất là thiếu

Tiến sỹ Khuất Thu Hồng

"Tôi cho rằng những vụ việc như thế này cực kỳ nghiêm trọng và nó phản ánh một thực tế là năng lực của những người quản lý, năng lực của những người cung cấp dịch vụ, trách nhiệm của họ rất là thiếu và ở đây còn vấn đề nữa là cơ chế phản hồi khiếu nại ở Việt Nam rất yếu.

"Người dân bức xúc, giận dữ, lo lắng, nhưng mà không biết nói ở đâu, không biết phản hồi đi đâu, không biết làm như thế nào cả. Chỉ có biết kêu ca với nhau, rồi than vãn và chịu đựng.

"Thế thì tôi nghĩ hệ thống này rất là có vấn đề ở những cái mà liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân.

"Chúng ta nghe được những chuyện như là thuốc giả, nghe về những chuyện là người dân có những vấn đề về sức khỏe không được chăm sóc đến nơi, đến chốn, những câu chuyện về nâng điểm, rồi bây giờ là câu chuyện về nước sạch".

Nhà xã hội học Khuất Thu Hồng

Nhà xã hội học Khuất Thu Hồng cho rằng vấn đề rất nghiêm trọng và cũng bộc lộ việc thiếu năng lực của nhà quản lý, nhà cung cấp dịch vụ. Ảnh: BBC/BÀN TRÒN THỨ NĂM

Bàn về vấn đề trách nhiệm quản lý, và trách nhiệm chính trị, nhà báo tự do, blogger Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh nói:

"Khi mà nói về trách nhiệm quản lý, tôi muốn nhìn ngược lại vấn đề này, tức là vấn đề quy hoạch đô thị và tổ chức đô thị và nhìn rộng ra toàn quốc là tất cả những vấn đề như thế này, như là một độc giả BBC nói là không phải chỉ có ở Hà Nội, mà ở toàn quốc và ở rất nhiều lĩnh vực.

"Sự phát triển mở rộng thành phố Hà Nội là quá mức, đó là một hậu quả làm cho hệ thống quản lý không thể đủ sức để chịu đựng và có đủ trình độ để quản lý xã hội, còn có nhiều lý do khác nữa.

"Và thứ hai nữa trách nhiệm. Cái này trong nhiều vụ việc rất là rõ rồi, trách nhiệm là tất cả những chuyện xảy ra thì đều không có, hoặc rất là ít những người phải chịu hậu quả".

‘Khởi tố nhưng chỉ hơi mừng thôi’

Và nhà điểm tin, điểm báo độc lập này nói thêm:

Chúng ta nhìn ngược lại vụ Formosa trước đây, trong nhiều năm. Cuối cùng là gì? Không phải người dân kiện được doanh nghiệp đó, mà chính phủ và doanh nghiệp đó đã thỏa thuận với nhau

Blogger, nhà báo tự do Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh

"Tại sao lại như thế, thì phải nhìn ngay sang vấn đề thứ hai là vấn đề luật pháp. Mới hôm nay, vừa có một tin là đã khởi tố hình sự việc này. Đó là một điều hơi mừng. Tại sao chỉ hơi mừng thôi?

"Thứ nhất là mới khởi tố hình sự việc đổ dầu thôi, còn chưa xem xét là liệu có khởi tố hình sự việc tắc trách, để cho một lượng nước như thế vào hệ thống kiểm soát, hệ thống lọc nước và như là vô trách nhiệm hoặc là nhắm mắt làm ngơ. Chuyện này là chuyện tối thiểu trong quản lý nước sạch. Cái này là cái tôi cho là chưa thể yên tâm trong chuyện khởi tố hình sự này.

Hà Nội

Người dân Hà Nội xếp hàng lấy nước thay thế nước máy, từ xe bồn chở nước. Ảnh: GETTY IMAGES

"Thứ hai, đằng sau chuyện khởi tố này và bên cạnh hình sự, nó còn vấn đề dân sự. Thì người dân cần có quyền và cần được tạo điều kiện để kiện dân sự về vụ việc này. Chúng ta nhìn ngược lại vụ Formosa trước đây, trong nhiều năm. Cuối cùng là gì? Không phải người dân kiện được doanh nghiệp đó, mà chính phủ và doanh nghiệp đó đã thỏa thuận với nhau và không hiểu tại sao có được một kết quả như thế.

"Và bây giờ xảy ra chuyện này, thì hai chuyện rất giống nhau ở điểm là trong này, người dân không có vai trò, không được thuận lợi trong việc họ kiểm soát và họ khởi kiện ra tòa và luật pháp phải bảo vệ nó. Chính quyền không bảo vệ được thì phải có hệ thống luật pháp bảo vệ, thì cái này là cái rất đáng lo.

"Thứ ba là vấn đề độc quyền trong cung cấp dịch vụ dân sinh. Người ta nói nhiều đến chuyện điện, có lẽ vì nó động chạm nhiều đến túi tiền của người dân nhiều, nước lâu nay người ta nghĩ rằng rẻ hơn điện, nhưng mà hóa ra hôm nay mới nhìn thấy là nước lại quan trọng hơn điện, bởi vì nó ảnh hưởng đến ngay sinh mạng và sức khỏe của người dân. Thì đấy là ba vấn đề rất cần lưu tâm trong vụ việc này".

Từ ‘sống trong sợ hãi’ này đã trở thành biểu trưng của người dân khi người ta nói đến ô nhiễm nguồn nước, nói đến ô nhiễm không khí, đến bụi mịn, rồi đến các vấn đề rủi ro về môi trường khác, chưa nói đến những tai họa của thiên nhiên

TS Khuất Thu Hồng

Có ý kiến cho rằng người dân bị ảnh hưởng tới những quyền cơ bản, trong đó có dân sinh và mưu sinh chính vì việc tranh đấu bảo vệ cho các quyền này từ chính phía của người dân và cộng đồng còn hạn chế, từ góc độ quan sát xã hội dân sự Việt Nam, nhà hoạt động, Kỹ sư Nguyễn Lân Thắng đưa ra bình luận:

"Đây là một hệ quả tất yếu bởi những hành động của nhà nước trước đây. Tôi lấy một chuyện đơn giản là việc biểu tình chống chặt phá cây xanh năm 2015, thì có rất nhiều người đã xuống đường, người ta đã thể hiện tình yêu cây, yêu cầu rằng phải chặt cây, phải bảo vệ cây một cách minh bạch.

"Thế nhưng rất nhiều người bị bắt về đồn, rất nhiều người bị đàn áp, và trong đó chúng ta có một nhà báo rất nổi tiếng là nhà báo Phạm Đoan Trang, trong cuộc bố ráp ấy, đã bị đánh thương tật ở chân và bây giờ để lại những di chứng vĩnh viễn.

"Thế thì rõ ràng rằng khi mà người dân và nhất là những người còn thấp cổ bé họng, không quen với những sinh hoạt xã hội, người ta nhìn những chuyện ấy, người ta cũng kinh hãi. Và làm sao mà ai có thể dám xuống đường, dám nêu ý kiến, dám làm những chuyện mạnh hơn so với việc là người ta chỉ có thể than thở với nhau thôi".

Blogger Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh

Nhà báo độc lập, Blogger Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh cho rằng phải mở rộng dân chủ và công nhận các quyền cơ bản, trong đó có quyền biểu tình và tự do ngôn luận để người dân có thể bảo vệ quyền sống, quyền dân sinh của mình tốt hơn. Bản quyền hình ảnh BBC/BÀN TRÒN THỨ NĂM

Tiếp tục nhấn mạnh vai trò của pháp luật liên quan đến trách nhiệm của chính quyền và nhà quản lý, nhà báo, blogger Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh nhấn mạnh:

"Đúng như chính quyền nói và lý thuyết của chính quyền này và tất cả những tên có đuôi nhân dân thể hiện là phục vụ nhân dân, nhưng trên thực tế, hệ thống luật pháp, từ các bộ luật cho đến hệ thống tư pháp, không thuận lợi cho người dân để bảo vệ quyền lợi của mình.

"Tôi chưa nói đến hệ thống hành chính, hệ thống hành pháp, lập pháp mà chất lượng của luật không thể bàn được ở đây hôm nay, nhưng hệ thống tư pháp là cực kỳ kém, hệ thống này, tôi cho rằng hiện tại, cần phải thay đổi mạnh mẽ và ông Nguyễn Phú Trọng là người thay ông Trần Đại Quang trong Ban chỉ đạo cải cách tư pháp, nhưng trong nhiều năm nay không thay đổi được gì cả và vẫn rất trì trệ.

"Kiện dân sự và kiện kinh tế là hai cái đảm bảo cho đời sống xã hội bình yên là một, hai nữa nó đảm bảo cho phát triển kinh tế, nếu không làm cải cách cái đó, thì kinh tế cũng sẽ bị trì trệ, người đầu tư sẽ sợ và nước ngoài người ta cũng sẽ sợ".

‘Sống trong sợ hãi’ và giải pháp?

Khi được hỏi cần có hành động gì để xử lý, cần thực hiện giải pháp và giải pháp ưu tiên nào, để tránh mắc lại những vấn đề như trong vụ ô nhiễm nước máy ở Hà Nội, nhà xã hội học Khuất Thu Hồng nói:

Hà Nội

Một phụ nữ ở Hà Nội lấy nước cung cấp từ xe bồn về nhà. Ảnh: GETTY IMAGES

"Bây giờ để đưa ra một giải pháp, tôi nghĩ là rất khó ở trong bối cảnh như thế này. Nhiều người dân có chia sẻ rằng là bây giờ người Hà Nội hay là người Việt Nam nói chung là luôn luôn sống trong sợ hãi.

"Từ ‘sống trong sợ hãi’ này đã trở thành biểu trưng của người dân khi người ta nói đến ô nhiễm nguồn nước, nói đến ô nhiễm không khí, đến bụi mịn, rồi đến các vấn đề rủi ro về môi trường khác, chưa nói đến những tai họa của thiên nhiên.

"Tôi cho rằng tăng cường năng lực của hệ thống là điều rất quan trọng, nếu nói đến điều này, phải nói đến câu chuyện dài hơn và rộng hơn, đó là câu chuyện về tuyển chọn, lựa chọn cán bộ, rồi có rất nhiều câu chuyện liên quan khác, về tính minh bạch và sự liêm chính, tính công chính, đấy là những câu chuyện rất là lớn.

Tất cả những hệ lụy chúng ta nhìn thấy ở đây, những hệ lụy ở trong xã hội là do vấn đề thể chế chính trị này đã lỗi thời và không đáp ứng được những mong muốn và nguyện vọng của nhân dân

Kỹ sư Nguyễn Lân Thắng

"Nhưng tôi nghĩ là để những câu chuyện ấy, những vấn đề như là công chính, liêm chính, năng lực, như là minh bạch được giải quyết, thì có lẽ trước hết cơ chế phản hồi, khiếu nại, cơ chế mà người dân được quyền lên tiếng, được quyền chất vấn và được trả lời một cách thỏa đáng là phải được thiết lập ngay, hoặc là phải được củng cố.

"Chẳng hạn như là luật biểu tình. Tôi nghĩ Luật Biểu tình nếu được ra đời và người dân có quyền tập trung để mà khiếu nại, để mà đưa ra những yêu cầu của mình một cách hòa bình, một cách có tổ chức, để những người có trách nhiệm, những người cung cấp dịch vụ, những người đã nhận đồng lương từ tiền thuế của người dân, thì họ phải có trách nhiệm một cách rất cụ thể.

"Chứ nếu cứ để thắc mắc một cách vu vơ, để kêu trời, kêu đất, than vãn ở trên Facebook, tôi nghĩ sẽ không bao giờ giải quyết vấn đề, bởi vì những người thực sự chịu trách nhiệm, họ không bao giờ phải đối mặt trực tiếp với người dân cả".

Nhà hoạt động, Kỹ sư Nguyễn Lân Thắng

Nhà hoạt động, Kỹ sư Nguyễn Lân Thắng đồng ý về việc cần mở rộng các quyền của người dân và cải tổ mới giải quyết được các vấn đề trong xã hội Việt Nam như hiện nay. Bản quyền hình ảnh BBC/BÀN TRÒN THỨ NĂM

Về giải pháp ưu tiên, nhà báo tự do, blogger Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh nói:

"Ưu tiên chỉ có một thôi, đó là mở rộng dân chủ. Trong đó có cái như Tiến sỹ Hồng nói là được phép biểu tình, thông qua Luật Biểu tình và nhiều quyền tự do của nhân dân, Hiến pháp quy định, nhưng mà luật pháp không có, hoặc là gò bó, rồi gần như là không được thực thi trong khoảng năm, sáu quyền tối thiểu của con người mà trên thế giới người ta đều được luật pháp cho phép hết, ở Việt Nam chưa có.

"Theo tôi, phải mở rộng dân chủ thông qua các luật đó, thì tất cả sẽ thay đổi, thay đổi từ gốc đó, lấy dân làm gốc, chính là làm gốc chỗ đó!".

Từ góc nhìn của mình, Kỹ sư Nguyễn Lân Thắng nói:

"Tôi cũng nhất trí với ý kiến của anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, bởi vì tất cả những hệ lụy chúng ta nhìn thấy ở đây, những hệ lụy ở trong xã hội là do vấn đề thể chế chính trị này đã lỗi thời và không đáp ứng được những mong muốn và nguyện vọng của nhân dân.

"Trước sau gì chúng ta (Việt Nam) cũng sẽ phải thay đổi thì đất nước này mới thay đổi được", nhà hoạt động xã hội dân sự nói với Bàn tròn thứ Năm của BBC News Tiếng Việt hôm 17/10/2019.

Q.P.

Nguồn: https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-50110364

This entry was posted in Dân quyền, Môi Trường, Phá hoại môi trường. Bookmark the permalink.