Rodion Ebbighausen
Hiếu Bá Linh biên dịch
Đó là nhận định của Bill Hayton, chuyên gia Đông Nam Á của Viện nghiên cứu Chatham House Hayton tại Anh, trong một cuộc nói chuyện với đài Deutsche Welle (Làn sóng Đức). Sau đây là bản lược dịch bài báo „Tranh chấp mới ở Biển Đông“ đăng trên trang web của đài Deutsche Welle (Làn sóng Đức) hôm nay 11/10/2019:
Từ nhiều tháng nay, Trung Quốc đã gia tăng sự đối đầu ở Biển Đông. Các quốc gia ven biển có ít lựa chọn để chống lại. Tại Việt Nam, ngày càng có nhiều tiếng nói đòi kiện Trung Quốc. Ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (CPC), phát biểu hôm thứ Tư tuần rồi tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành trung ương rằng tình hình ở Biển Đông „cần được phân tích và đất nước phải lường trước những thách thức có thể xảy ra”. Trang tin tức Việt Nam VNExpress đưa tin như vậy. Trong ngôn ngữ của Đảng, thường được đặc trưng bởi sự kiềm chế, đây là nhiều hơn một phát biểu rõ ràng.
Căng thẳng giữa các quốc gia ven biển trong cuộc xung đột lãnh thổ, đặc biệt là giữa Trung Quốc và Việt Nam, đã gia tăng đáng kể trong những tuần gần đây. Nguyên nhân gây ra là sự khiêu khích kéo dài của Trung Quốc từ nhiều tháng nay. Một mặt, tàu thăm dò Hải Dương 8 (Haiyang Dizhi 8) với sự hộ tống của lực lượng hải cảnh Trung Quốc đã hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (EEZ) từ nhiều tuần qua. Đồng thời, giàn khoan nước sâu Hải Dương Thạch Du 982 (Haiyang Shiyou 982) được cho là đang trên đường đến vùng biển tranh chấp ở Biển Đông. Năm 2014, việc sử dụng một giàn khoan khác của Trung Quốc đã dẫn đến các cuộc đụng độ dữ dội giữa lực lượng bảo vệ bờ biển của cả hai nước và dẫn đến những cuộc bạo loạn ở Việt Nam đập phá một số công ty nước ngoài và bốn công dân Trung Quốc bị giết chết.
Giai đoạn mới của xung đột lãnh thổ
Từ vài tháng nay, một giai đoạn mới rõ ràng đã bắt đầu, như Bill Hayton đã xác nhận trong một cuộc nói chuyện với đài Deutsche Welle (Làn sóng Đức): “Đây là một hành vi gây hấn mới của Trung Quốc, tạo ra nhiều áp lực nặng nề hơn”. Trung Quốc đang tiến hành ngày càng nhiều việc sử dụng các đội tàu đánh cá và lực lượng hải cảnh của mình để ngăn chặn các quốc gia ven biển khác đánh bắt cá và thăm dò các mỏ dầu khí, cũng như Trung Quốc thực hiện thăm dò tại vùng lãnh hải của các quốc gia khác. Theo chuyên gia Đông Nam Á này của Viện nghiên cứu Chatham House Hayton tại Anh, điều đó có thể xảy ra ở mức độ như vậy là nhờ vào các cảng của những đảo nhân tạo có thể được sử dụng để tiếp tế cho các tàu thuyền Trung Quốc. “Các hòn đảo này rất quan trọng đối với Trung Quốc để gây tác động quân sự đến tận phía nam Biển Đông”.
Tại bãi Tư Chính đã có những căng thẳng tái diễn nhiều lần giữa các tàu Trung Quốc và Việt Nam trong những tuần gần đây.
Những lựa chọn của các nước ven biển
Những nước ven biển không có nhiều lựa chọn để đối phó chống lại Trung Quốc. Con đường đàm phán ngoại giao không dẫn đến thành công trong việc lay chuyển Trung Quốc hợp tác, như các cuộc đối đầu gần đây cho thấy. Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã bị chia rẽ từ nhiều năm nay và do đó không thể xây dựng một thế đối trọng với Bắc Kinh. Về mặt quân sự, các quốc gia Đông Nam Á không ngang hàng với Trung Quốc, nước này vốn đã được vũ trang ồ ạt từ nhiều năm nay.
Vì vậy không có gì đáng ngạc nhiên, khi những chuyên gia Việt Nam khác nhau vào tháng 8 (chú thích của người dịch: chính xác là 6/10/2019) tại một cuộc tọa đàm ở Hà Nội đã lên tiếng, Việt Nam nên khởi kiện Trung Quốc ra trước một tòa án quốc tế.
Hoàng Việt, một chuyên gia về Biển Đông, nói với Đài Á Châu Tự do (RFA), “Phần đông cử tọa đều thống nhất rằng Việt Nam cần thay đổi chính sách đối ngoại, trong đó có đề nghị thẳng thắn là phát triển quan hệ hơn nữa với Hoa Kỳ, thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc”. Phần lớn các chuyên gia thống nhất rằng luật pháp quốc tế đứng về phía Việt Nam.
Bill Hayton cũng coi khởi kiện là công cụ hữu hiệu nhất để chống lại Trung Quốc. “Lập luận rằng Trung Quốc không để cho Việt Nam có một lựa chọn nào khác là khá thuyết phục”. Bill Hayton bác bỏ sự phản bác rằng Philippines đã thắng hầu như tất cả các điểm trong vụ kiện năm 2016 tại Tòa án Trọng tài Hague, nhưng nó không có tác dụng đáng kể. Ông viện dẫn đến chính phủ Philippines dưới thời Tổng thống Duterte: “Đó là lỗi của chính phủ khi nó không tận dụng cơ hội có một không hai này”. Thay vì thúc giục thi hành phán quyết này, chính phủ mới đắc cử của Philippines lại đi đường hướng xích gần với Trung Quốc.
Lo sợ các cuộc biểu tình chống chế độ cộng sản
Nhận xét về vụ kiện, Hayton bổ sung về khía cạnh giới hạn: “Quyết định này đối với Việt Nam có thể sẽ gây ra một hậu quả lớn. Nó sẽ phá vỡ mối quan hệ Trung-Việt”.
Đối với Việt Nam, nhiều cái sẽ lâm vào tình trạng nguy hiểm, bởi vì Trung Quốc không chỉ là một đối tác thương mại quan trọng, mà còn là một đồng minh ý thức hệ đối với Đảng Cộng sản Việt Nam (CPV).
Một vấn đề khác có thể là trong nước. Các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc năm 2014 tại nhiều tỉnh khác nhau đã nhanh chóng chuyển sang chống lại các điều kiện lao động và hệ thống chính trị của Việt Nam. “Đó sẽ là kịch bản ác mộng đối với Đảng, nếu họ cho phép các cuộc biểu tình chống Trung Quốc và sau đó mở rộng thành các cuộc biểu tình chống chế độ cộng sản”. Trong chừng mực này, Hayton tin rằng thời điểm cho một vụ kiện chống Trung Quốc chưa đến.
R.E.
H.B.L. Biên dịch
Nguồn bản gốc: https://m.dw.com/de/neuer-streit-im-s%C3%BCdchinesischen-meer/a-50793279?fbclid=IwAR2SYb2g3HJpslR7QUwXjv9UL7wkOPMWNqfzdG5pcIANr2KDbECCtpI9P28
Nguồn bản dịch: https://www.danluan.org/tin-tuc/20191012/khoi-kien-la-cong-cu-huu-hieu-nhat-de-chong-lai-trung-quoc