Liệu còn tia sáng nào cuối đường hầm?

Blogger Chiến Sỹ

Tweet

Nhìn vào bài phát biểu kết thúc của ông Trọng, thấy rõ là họ coi như trên Biển Đông không có gì xảy ra. Bất luận với cách giải thích gì, thì cũng cho thấy rằng người dân và đảng viên tiếp tục phải đứng ngoài "cuộc chơi bí hiểm-nguy hiểm" này. Mối quan hệ hai đảng CSVN-CSTQ đã được định vị – lập trình sẵn trong suốt hơn nửa thế kỷ qua.

"Chỉ có chút ít thay đổi khi mà ban lãnh đạo CSVN có những nhân vật ít nhiều bản lĩnh. Còn hiện tại, là thời điểm nó yếu kém hơn nhiều so với khi tái lập ngoại giao thân thiện cuối thế kỷ trước. Từ đó có thể luận ra có hay không một "sách lược" hay hớm gì. Như tôi từng bình luận, chỉ trong một chữ "đu dây, cơ hội".

Đáng lo là trong cuộc gọi là "chống tham nhũng", nhân dân vẫn bị cho đứng ngoài một cách nghiệt ngã. Một khi như vậy, đừng mơ kết quả gì tử tế, và cũng dễ lý giải đó là cuộc gì

Nhà báo, blogger Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh

Ảnh minh họa: Hình ông Nguyễn Phú Trọng chụp hôm 14/5/2019.  AFP

Vậy là Hội nghị Trung ương lần thứ 11 đã không có bất cứ Nghị quyết nào về Biển Đông.

Giờ đây, những ai quan tâm đến các động thái của Việt Nam chống lại sự lộng hành của Trung Quốc tại khu vực Bãi Tư Chính, chỉ còn lại một niềm tin phập phù như ngọn nến trước gió. Lấy đâu ra “khí thế mới”, “xung lực mới” như lời hiệu triệu của Tổng chủ khi những khó khăn, thách thức từ nay chính ông cũng thừa nhận, sẽ khác xa so với trước đây, nhưng các biện pháp đối phó thì lại y hệt như cũ.

Lại vẫn “kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo quốc gia trên cơ sở luật pháp quốc tế” như lời phát biểu của Tổng chủ khi kết thúc Hội nghị chiều 12/10/2019.

Theo ông Nguyễn Phú Trọng, cuộc đấu tranh ấy gắn với sự “chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới”. Nếu ông Trọng còn sống thêm được mươi, mười lăm năm nữa, ông ấy vẫn có thể cho đưa quyết sách này vào các văn kiện của Trung ương hay Đại hội, đố có sai! Tình hình khu vực và thế giới biến động từng ngày, thậm chí từng giờ, trong khi đường lối chủ trương của đảng ông hầu như lấy từ các bia đá đang “ngẩn ngơ” trước các dòng thác lịch sử chưa biết đổ về đâu.

Từ nhiều năm nay, ông Trọng hầu như không đề cập gì đến hai từ “Biển Đông”. Danh từ ấy như một huý kỵ đối với ông và các đồng chí tâm phúc trong bộ chính trị hoặc ban chấp hành trung ương.

Sau ba tháng trời tàu các loại của Trung Quốc “đan lưới” trong vùng EEZ của Việt Nam từ Bắc xuống Nam, từ Tây sang Đông, mà ông chỉ cho phép Bộ Ngoại giao duy trì mức phản ứng ở cấp độ tuyên bố của người phát ngôn. Cho nên hôm khai mạc Hội nghị trước đấy một tuần lễ, lần đầu tiên Nguyễn Phú Trọng “bật đèn xanh” cho việc “phân tích, dự báo bla… bla…, nhất là tình hình Biển Đông” thì dư luận xã hội Việt Nam “cựa quậy” được một chút từ giấc ngủ bao lâu nay, rằng “chuyện Biển Đông đã có đảng và nhà nước lo”.

Với các biện pháp ông Trọng vừa công bố như là kết quả 6 ngày làm việc khẩn trương của hơn 200 đồng chí trung ương, chẳng khác nào ông đã dội một gáo nước lạnh vào cái “bếp hồng” đang âm ỉ một thứ chủ nghĩa yêu nước luôn phải trốn tránh sự đàn áp vừa khốc liệt vừa hiểm độc của đảng ông đối với trí thức và người dân nào nào còn le lói niềm hy vọng đấu tranh chống lại chính sách Hán hoá dân tộc này.

Với đà hiện nay thì những kỹ sư tin học Trần Huỳnh Duy Thức sẽ còn bị đày ải chưa biết đến tận bao giờ, những kỹ sư nuôi tôm Nguyễn Ngọc Ánh sẽ còn bị đánh đến liệt cả hai chân, không còn lấy chân lành nào để lết ra gặp người thân như tuần qua nữa đâu. Tính mạng của hơn 200 tù nhân lương tâm trong ngục tối của chế độ “ưu việt gấp vạn lần nên nền chủ Tây phương” quả thực đang bị đe doạ từng ngày một.

Câu chuyện của các nhà đấu tranh dân chủ từ nhà tù nhỏ trở về với nhà tù lớn (sau khi kết thúc thi hành án) là những giấc mơ ám ảnh về các cuộc theo dõi, o ép kinh hoàng đến nỗi anh Huỳnh Anh Trí (nay đã qua đời) từng nói: Có lẽ sẽ phải đi tù trở lại thôi. Ở ngoài này khắc nghiệt quá. Trong tù chỉ phải chiến đấu với một đối tượng là quản giáo. Ở ngoài, vừa phải kiếm ăn lại vừa phải đối phó với không biết bao rình rập khác. Tội ác của ĐCSVN hiển hiện từng ngày từng giờ như thế, bất chấp luật pháp quốc nội cũng quốc tế. Từ sự toa rập của chính quyền Hà Nội đối với quan thầy Bắc Kinh, những người đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam chẳng khác nào “chim treo trên lửa, cá nằm dưới dao”.

Từ chủ trương của chế độ đối với các giải pháp trên biển đảo, có thể “đọc vị” những thoả hiệp, thậm chí là sự thần phục của ĐCSVN đối với ĐCSTQ.

Cuối tuần trước, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, thông qua Đại sứ quán của họ tại Hà Nội đã đưa ra gợi ý, do sự quần thảo ở cường độ cao của các tàu Trung Quốc, đề nghị chính phủ Việt Nam có một Tuyên bố của Bộ Ngoại giao để cho khu vực và thế giới biết rõ hơn về tầm mức nguy cấp của tình hình xung quanh Bãi Tư Chính. Washington hứa sẽ ra tuyên bố hưởng ứng ngay lập tức! Nhưng lời đề nghị ấy đã bị Bộ Ngoại giao Hà Nội lịch sự khước từ, xin lùi lại một thời gian nữa (Chắc mấy ông tính chờ Tàu cắm xong giàn khoan HD-982 thì mới ra Tuyên bố). Chính phủ Mỹ tỏ ra lúng túng, vì Hoa Kỳ vẫn chưa hiểu được, cuối cùng thì chính phủ Việt Nam muốn gì ở Mỹ trong giai đoạn tới đây.

Tóm lại, đánh giá chung đối với cuộc họp trung ương vừa qua là thất vọng “toàn tập”.

Có nhà phân tích nói Trung ương Đảng (vừa họp xong) hay Quốc hội (sắp họp) sở dĩ đã và sẽ không ra Nghị quyết nào riêng về Biển Đông là vì sợ lộ bí mật các bước đi trong tương lai.

Điều này thật mỉa mai, bởi vì với chính sách đối nội và đối ngoại như Tổng chủ vừa trình bày trong phát biểu hôm qua hay trong Nghị quyết sẽ công bố nay mai thì chẳng có gì là bí mật cả.

Về nội trị, Nguyễn Phú Trọng vẫn chủ trương tìm kiếm cái mới trong những thứ đã bị thế giới loại bỏ, đó là tìm kiếm những giá trị của thời kỳ quá độ – khái niệm cũ rích và không tồn tại trên thực tế.

Về ngoại giao vẫn kiểu đi hàng hai, đu dây như bao năm nay. Trung Quốc chẳng bao giờ tin tưởng vào Việt Nam đã đành mà Hoa Kỳ cũng chẳng biết sẽ phải hợp tác với Việt Nam theo phương hướng nào.

Con thuyền thúng Hà Nội xoay tròn giữa các dòng xoáy của bao sự kiện đến bao giờ? Điều này thì đến Tổng chủ Nguyễn Phú Trọng và cả 200 uỷ viên trung ương đảng theo ông và đang chống lại ông cũng chẳng có câu trả lời rành mạch.

C.S.

Nguồn: https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/light-end-tunnel-10132019181014.html

This entry was posted in Kiện Trung Quốc. Bookmark the permalink.