Minh Quân
Ngành gỗ Việt Nam đang xảy ra một hiện tượng rất bất thường: Từ đầu năm 2019 đến nay, số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ngành chế biến gỗ tăng đột biến, trong đó chủ yếu là các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc.
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 6 tháng đầu năm 2019, tổng số dự án FDI đăng ký đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến gỗ là 44 dự án, trong đó Trung Quốc có tới 29 dự án, chiếm 66%.
Theo phân tích của giới chuyên gia, tuy số lượng các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào ngành gỗ của Việt Nam tăng đột biến nhưng số vốn đầu tư lại khá nhỏ. Theo đó, tổng nguồn vốn đầu tư của 44 dự án là 135,7 triệu USD, bình quân 3 triệu USD/dự án, trong đó số vốn đầu tư bình quân vào một dự án của doanh nghiệp Trung Quốc là 2,4 triệu USD/dự án, còn của các nước khác là 4,3 triệu USD/dự án.
Một điều cũng khá bất thường là, bên cạnh việc tăng mạnh về kim ngạch xuất khẩu lâm sản (7 tháng đầu năm 2019 đạt 6,047 tỷ USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2018) thì giá trị nhập khẩu gỗ, lâm sản cũng tăng đáng kể.
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, giá trị nhập khẩu lâm sản và gỗ 7 tháng đầu năm 2019 đạt 1,457 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ 2018, trong đó Trung Quốc, Mỹ, Cameroon, Chi Lê, Thái Lan là 5 thị trường có giá trị nhập khẩu lớn của Việt Nam, đạt 757,6 triệu USD, chiếm 52% giá trị nhập khẩu.
Vì sao có hiện tượng doanh nghiệp gỗ Trung Quốc ồ ạt sang Việt Nam đầu tư?
Nhiều bộ ngành của Việt Nam lo ngại rằng có thể có hiện tượng doanh nghiệp đầu tư sang Việt Nam để mượn tên xuất khẩu ngược gỗ sang Mỹ để tránh thuế do chiến tranh thương mại Mỹ – Trung. Việc gian lận này chủ yếu theo hình thức, các doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm hoặc bán sản phẩm từ Trung Quốc sau đó sơ chế để xuất khẩu sang Mỹ bằng xuất xứ hàng hóa Việt Nam.
“Điều này sẽ rất nguy hiểm, gây tổn hại lớn đến ngành gỗ nếu chính quyền Mỹ đánh giá việc gian lận xuất xứ hàng hóa của Việt Nam là nghiêm trọng và từ đó có những chính sách trừng phạt ngành gỗ của Việt Nam tương tự như ngành thép trong thời gian qua” – ông Nguyễn Quốc Trị – Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) nói.
Còn ông Nguyễn Tôn Quyền – Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam thì nhận định rằng: ván dán đang là mặt hàng bị nghi ngờ có hành vi gian lận thương mại khi xuất khẩu sang Mỹ bởi con số xuất khẩu ván dán của Việt Nam sang Mỹ tăng một cách đột biến.
“Kẻ lạm dụng thương mại tồi tệ nhất”
Nguy cơ Việt Nam bị Mỹ trừng phạt thương mại là hoàn toàn có thật.
Vào cuối tháng 6 năm 2019, trong cuộc trả lời phỏng vấn trực tiếp trên đài Fox Business, Tổng thống Trump đã thốt ra một cách mỉa mai và có phần nổi đóa, cho rằng Việt Nam là “kẻ lạm dụng thương mại tồi tệ nhất”.
Biệt danh đầy miệt thị trên, không có vẻ là cách nói bốc đồng của Trump, đã phát ra một chỉ dấu đáng sợ: nền kinh tế Việt Nam – lảo đảo như một kẻ say rượu trong suốt 11 năm suy thoái qua – và lần này phải đối mặt với một nguy cơ thực sự khi Việt Nam có thể trở thành đối tượng thứ ba, sau Trung Quốc và Mexico, bị Trump áp thuế trừng phạt lên hàng hóa xuất khẩu vào thị trường Mỹ.
Nói là làm. Chỉ ít ngày sau sự xuất hiện biệt danh “kẻ lạm dụng thương mại tồi tệ nhất” của Tổng thống Mỹ, Bộ Thương mại nước này đã thông báo sẽ đánh thuế lên các sản phẩm thép từ Việt Nam có xuất xứ từ Hàn Quốc và Đài Loan nhằm tránh thuế chống bán phá giá, với thuế suất có thể lên tới 456,23% – một cú bồi tiếp theo việc Mỹ đánh thuế thép Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc lên đến 531% vào cuối năm 2017.
Nguồn cơn khiến Trump và nhiều quan chức Mỹ giận dữ là chính quyền Việt Nam đã trở thành một nhân tố tiếp tay cho hàng Trung Quốc gắn nhãn ‘made in Vietnam’ tràn ngập thị trường Hoa Kỳ.
Trong vụ tung ra biện pháp trừng phạt đánh thuế “thép Việt Nam có nguồn gốc Trung Quốc” vào tháng 12/ 2017, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã xác định rằng có đến 90% sản phẩm thép từ Việt Nam nhập sang Mỹ có xuất xứ từ Trung Quốc.
Trong khi đó ở Việt Nam, một số chuyên gia độc lập đã cảnh báo về việc nhôm tấm Trung Quốc mượn đường Việt Nam sang Mỹ nhưng chính phủ và Bộ Công thương Việt Nam không có hành động cứng rắn gì. Không những thế, còn có một lỗ hổng pháp lý mà dường như bộ này cố tình để lại cho Trung Quốc tuồn hàng qua Việt Nam.
Cũng có nghĩa là thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ bao gồm cả giá trị hàng hóa thép và nhôm có xuất xứ từ Trung Quốc, tức Việt Nam đã thông đồng với Trung Quốc để lừa người Mỹ.
M.Q.
VNTB gửi BVN