Minh Quân
Sau khi trở thành ‘quốc gia hạnh phúc thứ 4 trên thế giới’ nhờ vào cách tính điểm ‘trên trời’ của vài tổ chức phi chính phủ đậm đặc dấu hiệu nhận tiền từ chính phủ Việt Nam, đất nước này đã thực sự vươn lên đầu bảng trong một đánh giá mới đây của Tổ chức Liêm chính Toàn cầu (Global Financial Integrity – GFI).
Việt Nam thời báo
Tổ chức Liêm chính Toàn cầu là tổ chức bất vụ lợi, từ năm 2008 đã khảo sát dòng tiền ra vào các nước đang phát triển để phát giác nghiệp vụ chuyển tiền phi pháp. Sau khi khảo sát tình hình của 148 nước đang phát triển trong giai đoạn 10 năm, từ 2006 tới 2015, họ đã kinh ngạc về trường hợp Việt Nam, là nước đứng đầu thế giới về dòng tiền phi pháp vào năm 2015 với ngạch số là gần 22 tỷ rưỡi đô la. Xếp sau Việt Nam là Thái Lan và Panama, lần lượt là 20,9 tỷ USD và 18,3 tỷ USD.
Nghiên cứu của GFI còn cho thấy dòng tiền bất hợp pháp chảy ra khỏi Việt Nam trong năm 2015, dựa trên dữ liệu của Liên Hợp Quốc, là 9,1 tỷ USD, sau các nước như Mexico và Brazil.
GFI định nghĩa: “Thương mại với hóa đơn sai” là một hình thức rửa tiền dựa trên kinh doanh thương mại thông qua việc các đối tác thương mại tự viết hóa đơn hoặc chuẩn bị các hóa đơn cho bên thứ 3 (thường là ở nơi được coi là thiên đường trốn thuế).
Nghiên cứu của GFI cho biết nguồn gốc của dòng tiền bất hợp pháp gồm có nguồn gốc không rõ, dòng tiền không được công khai cho chính phủ, tiền không được đánh thuế và các hoạt động bất hợp pháp như buôn lậu ma túy.
GFI nhận định một trong những lý do có thể khiến gian lận thương mại gia tăng ở Việt Nam trong những năm gần đây là vì dòng đầu tư trực tiếp từ nước ngoài cao và việc chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác.
Trong khi đó, một số chuyên gia độc lập ở Việt Nam hoàn toàn không ngạc nhiên về hiện tượng ‘Việt Nam bị xem là nước đứng đầu thế giới về dòng tiền phi pháp’. Những chuyên gia này cho rằng số tiền bất hợp pháp chảy vào và ra khỏi Việt Nam còn cao hơn thống kê của GFI nếu tính cả số tiền đưa ra nước ngoài để trốn thuế rồi một phần trong đó được đưa trở lại Việt Nam.
Chẳng hạn theo trích dẫn dữ liệu từ Hồ sơ Panama năm 2016, nhưng không được công bố trên truyền thông trong nước, số tiền của Việt Nam chuyển ra quốc tế lên tới 19 tỷ USD.
Ngoài mục đích đầu tư và chuyển tài sản ra nước ngoài của các doanh nhân, giới đại gia và quan chức, thì một lượng tiền rất lớn, có thể lên tới 1/3 trong số 19 tỷ USD là tiền liên quan đến rửa tiền – được lén lút chuyển từ Việt Nam ra nước ngoài, rồi sau đó lại chuyển từ nước ngoài về Việt Nam, nhưng nguồn gốc của núi tiền khổng lồ đó tiền hầu như đã biến mất, còn ‘tiền bẩn’ đã trở thành ‘tiền sạch’.
Có một sự trùng lặp giữa điểm xuất phát và điểm trở về của dòng tiền được rửa. Rất nhiều tiền của mà nhiều đại gia và quan chức Việt Nam tích góp được là nhờ vào hai thị trường đầu cơ – mà thực chất chất là thị trường cờ bạc – là chứng khoán và bất động sản. Từ những năm 2005, 2006 đến nay, giá cổ phiếu trên sàn và giá nhà đất tăng vọt như bão tố và khiến nhà cửa của các ‘chủ đầu tư’ có thể vỡ ra vì chật ních tiền.
Một nguồn tiền bẩn không nhỏ khác đến từ các phi vụ tham nhũng của giới quan chức.
Nhưng sau khi được chuyển ra nước ngoài và biến tấu dưới dạng giao dịch thương mại với hoa đơn sai hay theo những cách thức tương tự, dòng tiền bẩn biến thành tiền sạch và được chuyển trở về Việt Nam trên danh nghĩa ‘kiều hối’ hoặc ‘đầu tư’. Khi đó, một phần trong số ‘tiền sạch’ đó đã được đầu tư trở lại vào bất động sản và cả vào thị trường chứng khoán – đúng vào những nơi mà nó đã ra đi từ đó.
M.Q.
VNTB gửi BVN