Cách mạng Việt Nam: Cấp tiến chống Bảo thủ

Nguyễn Quang Duy

Bạn đọc nhận xét “biết người, biết ta” nên không thể hy vọng vào thay đổi chính trị tại Việt Nam. Quả đúng nếu xem “ta” chỉ gồm vài tổ chức đấu tranh èo uột, chia năm xẻ bảy, chẳng ai phục ai,… còn cộng sản nắm quân đội, công an, nhân lực, tài lực đất nước.

Nhưng nếu biết “ta” gồm những người cấp tiến muốn thay đổi chính trị, muốn hướng đến tự do, còn “người” là thành phần bảo thủ kìm hãm thay đổi thì rõ ràng một cuộc cách mạng cấp tiến đang diễn ra tại Việt Nam.

Bài viết này giúp trả lời 2 câu hỏi của bạn đọc J. Trần:

(1) Ai là người đi tiên phuông (tiên phong cách mạng)? và

(2) Vũ khí nào tốt nhất để đi tiên phuông (tiên phong cách mạng)?

Cấp tiến hải ngoại

Ở nước ngoài, người Việt hầu hết sống trong các nước tự do, được hưởng dân chủ nên đều mong Việt Nam có tự do. Những người trước đây đã sống, đã chiến đấu bảo vệ miền Nam tự do, nay lại được sống ở các nước tự do, ao ước được thể hiện bằng hành động. Nhiều cộng đồng địa phương đã được hình thành, phát triển và đều có chung mục đích là hướng về một Việt Nam tự do.

Năm 2008, Hà Nội cho thay đổi Luật Quốc tịch đòi người hải ngoại phải ghi danh giữ quốc tịch nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Trong vòng 6 năm cho đến ngày 1/7/2014, chưa tới 6.000 trong số 4,5 triệu người ghi danh, nghĩa là chỉ hơn 0.1% người Việt hải ngoại muốn nhận Hà Nội làm đại diện cho họ và gia đình.

Cấp tiến trong dân

Ở trong nước mặc dù chưa có cuộc trưng cầu dân ý để có được con số chính xác về mức độ người dân muốn thay đổi thể chế, nhưng thực tế xã hội cho thấy tỷ lệ dân chúng muốn duy trì thể chế cộng sản cũng rất thấp không hơn gì con số 0.1%.

Trong vòng 30 năm qua trong nước đã xuất hiện nhiều tổ chức dân sự hoạt động công khai, vô vụ lợi, với nhiều mục đích khác nhau, bao gồm các tổ chức tôn giáo, đồng hương, nghiệp đoàn, từ thiện, hướng đạo, giáo dục, truyền thông, nghiên cứu, môi trường, các câu lạc bộ, các nhóm thân hữu…Những tổ chức dân sự này ngày một mở rộng. Những người hoạt động dân sự đều có chung một mong muốn là Việt Nam thay đổi để bắt kịp thời đại.

Nhiều nhóm dân sự âm thầm tổ chức hàng vạn cuộc biểu tình và đình công cho công nhân, cho nông dân mất đất, hay cho dân chúng đấu tranh đòi hỏi những quyền lợi thiết thực.

Những dân nghèo thành thị, công nhân, nông dân làm không đủ ăn, những doanh nghiệp tư nhân, người buôn bán lẻ bị đối xử bất công, những người trẻ có học thức v.v đều nhận ra những phi lý và bất công xã hội nên đều muốn thay đổi để đất nước tiến bộ. Trên các trang mạng xã hội ngày càng nhiều người thuộc nhiều tầng lớp, nghề nghiệp, tuổi tác, địa phương khác nhau đã công khai biểu lộ chính kiến bày tỏ mong muốn một xã hội tiến bộ, một đất nước tự do.

Tất cả những người mong muốn thay đổi thể chế chính trị đều có thể được xem thuộc thành phần cấp tiến.

Cấp tiến trong đảng Cộng sản

Văn kiện Đại hội 12, đảng Cộng sản nói rõ cán bộ đảng viên không còn tin vào con đường xã hội chủ nghĩa:

"Không ít cán bộ, đảng viên có những biểu hiện dao động, mất phương hướng, hoài nghi về vai trò lãnh đạo của Đảng, về mục tiêu, lý tưởng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam".

Đại Hội 13 sẽ đặt trọng tâm vào tình trạng cán bộ và đảng viên Cộng sản đang thay đổi tư tưởng chính trị, đang tự diễn biến, tự chuyển hóa. Thay đổi tư tưởng từ bên trong và bên trên đảng Cộng sản chính là điều mà thành phần bảo thủ cầm quyền lo ngại nhất nên thường xuyên khuyến cáo lực lượng công an và quân đội không được để các lực lượng cấp tiến hình thành tổ chức chính trị đối lập.

Trung cộng là mối đe dọa chủ quyền lãnh thổ lãnh hải Việt Nam, vì thế tâm lý của giới quân nhân là muốn xây dựng một thế đồng minh chiến lược với Hoa Kỳ.

Điều kiện cần và đủ để các cuộc cách mạng ở Đông Âu và Liên Xô thành công là Quân Đội trung lập hay gián tiếp ủng hộ và bảo vệ thành quả cách mạng.

Ai thuộc thành phần bảo thủ?

Bảo thủ bao gồm những thành phần được hưởng đặc quyền đặc lợi, thành phần này luôn kìm hãm mọi thay đổi nhằm duy trì thể chế Cộng sản toàn trị, nhưng vì phân chia quyền lợi không đều nên đang xâu xé lẫn nhau.

Đại hội 12, phe cực kỳ bảo thủ công khai loại trừ đồng chí X, rồi mở chiến dịch đốt lò thanh trừng vây cánh chống đối ngay trong Bộ Chính Trị và Trung ương Đảng Cộng sản. Nội bộ lãnh đạo Cộng sản càng tranh ăn đấu đá lẫn nhau, dân chúng và đảng viên cấp thấp càng nhận ra nhu cầu phải thay đổi chính trị.

Bởi thế không có gì là quá đáng nếu nhận định tỷ lệ dân Việt muốn duy trì thể chế cộng sản rất thấp con số có thể chỉ chừng 0.1%, nhưng có những lý do sẽ được bàn tới ở phần sau khiến cách mạng chưa bùng nổ.

Đa nguyên hải ngoại

Có bạn đọc cho rằng thành phần chống cộng “cực đoan” ảnh hưởng tiêu cực đến công cuộc đấu tranh. Đấu tranh cho tự do là đấu tranh cho sự khác biệt giữa người với người. Những người biểu lộ công khai và rõ ràng quan điểm chống cộng có thể lại là những người tích cực nhất.

Kinh nghiệm sống, chiến đấu bảo vệ miền Nam tự do buộc họ phải luôn đề cao cảnh giác Cộng sản xâm nhập hay thành phần bán đứng cộng đồng.

Có bạn lo ngại về việc tin giả, tin thất thiệt, tràn làn trên các diễn đàn, thì ngay cả truyền thông Tây Phương cũng đầy tin giả, tin thiếu kiểm chứng. Chấp nhận tự do ngôn luận là chấp nhận tin giả, tin sai sự thật, về lâu dài nó giúp bạn đọc cẩn thận chọn lọc thông tin.

Có bạn cho biết tình trạng hải ngoại vô cùng bát nháo, không ai nghe ai,… nó lại thể hiện môi trường sinh hoạt đa nguyên hải ngoại, các sinh hoạt chính trị chính mạch Mỹ, Úc, Âu châu cũng chẳng khác gì. Sinh hoạt hải ngoại là sinh hoạt trong vòng luật pháp nên bạo lực, mạ lỵ hay vu khống đều bị luật pháp nghiêm cấm và trừng trị.

Tất cả những điều trên về lâu dài đều tích cực đóng góp cho công cuộc đấu tranh chung, nhờ đó chúng ta mới biết được sự thật về nhiều cá nhân hay tổ chức.

Chắc bạn đọc vẫn nhớ Hồ Chí Minh từng sống ở Mỹ, ở Anh, ở Pháp,… là những nước dân chủ vào bậc nhất trên thế giới, nhưng cuối cùng lại chọn Liên Xô và Trung Cộng và mang các chế độ độc tài toàn trị này về Việt Nam.

Bởi thế cần cảnh giác với những tổ chức hải ngoại mang danh đấu tranh cho tự do dân chủ, nói thì hay nhưng bản chất là độc tài. Nếu họ thành công trên con đường cách mạng thì Việt Nam lại vướng vào thể chế độc tài không Cộng sản.

Thay đổi suy nghĩ

Phần trên chỉ là lý thuyết nếu không được mang ra thực hành.

Nhưng cũng vì thiếu lý thuyết dẫn dắt nên hơn 44 năm qua người Việt phản kháng Cộng sản một cách vô cùng thụ động, không biết người, không hiểu ta, nhìn quanh đâu cũng thấy kẻ thù, chống đối đa nguyên, thiếu tôn trọng sự thật, thiếu tôn trọng sự minh bạch, phản dân chủ và phản cảm.

Mô hình cấp tiến bên trên chính là con đường để xây dựng sự đồng thuận nhằm tranh đấu cho Việt Nam tự do.

Có tự do mới có dân chủ, có nhân bản, có nhân quyền, có thực lực để bảo vệ đất nước, bảo vệ vẹn toàn lãnh thổ, lãnh hải trước ngoại bang Trung cộng.

Có tự do mới có công bằng, có bác ái, có phát triển xã hội, có hãnh diện được làm người Việt Nam.

Tiên phong cách mạng cấp tiến

Trở lại với hai câu hỏi của bạn đọc J. Trần “Ai là người đi tiên phuông?” và “Vũ khí nào tốt nhất để đi tiên phuông?”

Nắm được lý thuyết và mô hình cấp tiến giúp chúng ta đánh giá đúng về mình (ta), mới biết và mới hiểu ai là bạn còn ai là đối phương, không sa vào hỏa mù trong cuộc đấu tranh cho tự do.

Người đi tiên phong chỉ cần mỗi ngày bước thêm vài bước, thúc dục bạn bè bước theo mình, thúc đẩy đối phương rời bỏ hàng ngũ bảo thủ, cô lập thành phần bảo thủ, khi điều kiện thuận lợi cuộc cách mạng cấp tiến tất yếu sẽ diễn ra.

Tư tưởng tự do chính là vũ khí tốt nhất cho cuộc cách mạng cấp tiến trong diễn biến hòa bình và là nỗi lo sợ ngày đêm của thành phần bảo thủ Cộng sản.

Người đấu tranh được trang bị tư tưởng tự do sẽ không mù quáng làm nô lệ cho guồng máy độc tài phản cách mạng hay làm tay sai cho ngoại bang.

Tự do bao gồm tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tôn giáo, tự do nghiệp đoàn, tự do thương mại, tự do học thuật, … cao nhất vẫn là tự do chính trị, tự do ứng cử và bầu cử. Thiếu tự do chính trị, sẽ không bao giờ có được một hiến pháp tự do để xây dựng một xã hội dân chủ và phát triển.

Tự do chính trị là chìa khóa để mọi cá nhân, mọi tổ chức đưa ra đường lối và chiến lược cạnh tranh để được dân chúng trao quyền đưa đất nước tiến lên kịp đà tiến bộ nhân loại.

Vì thế tùy khả năng và hoàn cảnh, cuộc cách mạng cấp tiến đầy thách thức nhưng đầy cơ hội cho mọi người. Mọi tầng lớp đều có thể dấn thân cho một Việt Nam tự do.

N.Q.D.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Cách mạng dân chủ. Bookmark the permalink.