Phải sợ Trung Quốc như thế nào?

Nguyễn Gia Kiểng

Xin bắt đầu bằng một câu chuyện hoàn toàn có thực. Một gia đình Châu Phi, hình như ở Guinée, mất một con gà. Đây là một biến cố không quan trọng ngay cả đối với một gia đình nghèo. Nhưng hôm sau bà chủ con gà đi chợ gần đó và thấy một người đang bán con gà của mình. Bà đòi lại, gây ra cãi cọ và xô xát. Người phụ nữ này bị thương và quay về gọi làng xóm tới bênh vực. Những người phe kia cũng trở về làng kêu tiếp viện. Kết quả là một cuộc đâm chém dữ dội làm hàng chục người chết. Một biến cố không đáng kể đã tạo ra một thảm kịch khó tưởng tượng. Đó là điều có thể xảy ra trong trường hợp Trung Quốc. Thế giới đang đứng trước một nguy cơ lớn.

so0

Hồng Kông, một biến cố không đáng kể đã tạo ra một thảm kịch khó tưởng tượng. Đó là điều có thể xảy ra trong trường hợp Trung Quốc.

Một trong những hiện tượng lớn nhất trong lịch sử thế giới đang diễn ra ngay trước mắt chúng ta là sự trỗi dậy kinh ngạc của Trung Quốc. Trong vòng 40 năm, kể từ năm 1978 khi Trung Quốc mở cửa ra với thế giới, tỷ lệ người sống dưới mức nghèo khổ 2 USD/ngày đã giảm từ 90% xuống dưới 1%. Nói cách khác hơn một tỷ người Trung Quốc đã thoát cảnh nghèo khổ. Ngày nay từ một quốc gia đáng thương hại Trung Quốc đã trở thành cường quốc kinh tế thứ nhì trên thế giới, chiếm 1/3 ngoại thương thế giới, xuất khẩu nhiều nhất, nhập khẩu hạng nhì, cạnh tranh với các nước tiên tiến ngay trong cả các kỹ thuật hiện đại nhất. Bảy trong số mười công ty xây dựng lớn nhất thế giới là của Trung Quốc. Trong ba năm từ 2015 đến 2018 Trung Quốc đã sử dụng một số xi măng lớn hơn tổng số xi măng mà Hoa Kỳ đã sử dụng trong cả thế kỷ 20. Sự hiện diện và ảnh hưởng của Trung Quốc lan tỏa như vũ bão với “sáng kiến Vành Đai và Con Đường” (Belt and Road Initiative). Từ một nước gần như không có hải quân Trung Quốc đã tạo dựng ra một hải quân hùng hậu nhất thế giới về số tàu chiến và số binh sĩ, dù mới chỉ là về lượng, về phẩm còn thua nhiều nước, nhất là Hoa Kỳ.

Trung Quốc vươn lên nhanh đến nỗi thế giới không kịp ngạc nhiên, như lời cố Tổng thống Tiệp Vaclav Havel.

Bẫy Thucydides và hiểm họa Hitler

Những tiến bộ đó bình thường phải đáng mừng và đáng khen nhưng đã gây lo âu vì ít nhất hai lý do.

Lý do thứ nhất là Trung Quốc càng mạnh lên càng hung hăng và bày tỏ quá rõ rệt tham vọng làm bá chủ thế giới. Ngay trong Đại hội 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, năm 2012, khi vừa được bầu làm Tổng bí thư, Tập Cận Bình đã dùng ngôn ngữ phục thù, tuyên bố phải rửa mối nhục mà Trung Quốc đã phải chịu đựng trong gần hai thế kỷ trước các nước phương Tây. Trong Đại hội 19, cuối năm 2017, ông không chỉ nhắc lại tham vọng đó mà còn đặt ra ba cột mốc: vào năm 2025 Trung Quốc sẽ phải đứng hàng đầu trong mười công nghệ hiện đại, kể cả xe không người lái, robot và kỹ nghệ truyền thông; năm 2035 Trung Quốc sẽ phải là cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới, hàng Trung Quốc sẽ tràn ngập mọi thị trường; năm 2049, kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Trung Quốc sẽ phải là cường quốc bá chủ hoàn cầu với một quân đội bách chiến bách thắng. Giấc mơ vĩ đại đó đã cuốn hút các đảng viên cộng sản đang hoang mang và khiến tên của Tập Cận Bình được đưa vào điều lệ của Đảng Cộng sản và Hiến pháp Trung Quốc. Vinh quang này vừa buộc Tập phải quyết tâm thực hiện cam kết vừa khiến thế giới lo sợ.

Nỗi lo sợ này được sử gia Graham Allison, giáo sư Havard, gọi là “bẫy Thucydides” theo tên của Thycydides, người đã sáng lập ra môn sử học cách đây gần 2500 năm, với cuốn sử đầu tiên trên thế giới mang tựa đề “Lịch sử cuộc chiến Penopolese”.

so2

“Bẫy Thucydides” là khi một cường quốc mới xuất hiện đe dọa giành vai trò bá chủ của cường quốc đang chế ngự thì chiến tranh là đương nhiên.

Theo Thucydides khi một cường quốc mới xuất hiện đe dọa giành vai trò bá chủ của cường quốc đang chế ngự thì chiến tranh là đương nhiên. Ông viết về cuộc chiến giữa Sparta và Athens đã làm tan nát vùng Cổ Hy Lạp như sau: “chính sự trỗi dậy của Athens đã gây lo âu cho Sparta và khiến chiến tranh không tránh khỏi”. Ngày nay, theo Allison, cường quốc đang trỗi dậy là Trung Quốc, cường quốc đang chế ngự thế giới là Hoa Kỳ. Ông liệt kê 16 trường hợp tranh hùng trong 500 năm qua và cho thấy đã có 12 trường hợp đưa đến chiến tranh. Nếu Allison nghiên cứu lịch sử Châu Á chắc chắn ông sẽ thấy một tỷ lệ chiến tranh cao hơn nhiều. Allison đã được mời điều trần tại Quốc hội Mỹ và đã được nhiều nguyên thủ quốc gia tiếp để trình bày nguy cơ xung đột Mỹ – Trung.

Còn một lý do thứ hai đáng lo ngại hơn nhiều, mà ta có thể gọi là hiểm họa Hitler. Đó là Trung Quốc trong khi trỗi dậy một cách thần tốc về kinh tế và quân sự vẫn ngoan cố khẳng định chế độ chuyên chính, phủ nhận mọi giá trị dân chủ và nhân quyền phổ cập. Từ năm 1978, sau khi Đặng Tiểu Bình giành được chính quyền và theo kinh tế thị trường, Trung Quốc đã bỏ lý tưởng thế giới đại đồng của chủ nghĩa cộng sản nhưng vẫn giữ nguyên bản chất độc tài hung bạo của nó. Với Tập Cận Bình, chế độ của Trung Quốc hiện nay không khác gì chế độ Nazi của Hitler trong thập niên 1930 đã dẫn tới Thế Chiến II. Chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc (Trung Quốc đặc sắc xã hội chủ nghĩa) chỉ là một tên gọi mới của chủ nghĩa quốc xã Đức.

Thucydides đã nhận định rất đúng nhưng ông đã không có mặt trong nửa sau của thế kỷ 20 để chứng kiến một bước đột phá tư tưởng của nhân loại. Sau Thế chiến II, trong đó trên một trăm triệu người thiệt mạng, một số trí thức Âu Mỹ đã nhìn ra nguyên nhân chính của chiến tranh là sự coi thường con người, coi con người chỉ là dụng cụ để thực hiện tham vọng quốc gia và vì thế có thể bị hy sinh. Sau hơn ba năm phấn đấu họ đã thuyết phục được đa số các quốc gia chấp nhận bản Tuyên ngôn Nhân quyền Phổ cập như là thành phần của Hiến chương Liên Hiệp Quốc.

Bản Tuyên ngôn Nhân quyền Phổ cập này về bản chất cũng là tuyên ngôn dân chủ vì nội dung của nó quy định những quyền con người trong một nước dân chủ. Họ đã nhìn thấy dân chủ là yếu tố cốt lõi để tránh chiến tranh. Và thực tế đã chứng minh họ có lý. Chiến tranh chỉ xảy ra khi ít nhất một trong hai chế độ lâm chiến là một chế độ độc tài chứ không bao giờ có chiến tranh giữa hai nước dân chủ. Đức và Nhật đã vươn lên rất mạnh mẽ sau Thế Chiến II nhưng đã không làm ai lo sợ vì đã trở thành những nước dân chủ. Trung Quốc là một đe dọa cho nhân loại bởi vì đã mạnh lên nhưng vẫn là một chế độ độc tài ngang ngược không khác chế độ quốc xã của Hitler. Sự ngang ngược được biểu lộ rõ rệt qua sự khuyến khích và giật dây chế độ côn đồ Triều Tiên, những hăm dọa đối với Đài Loan, những khiêu khích đối với Nhật quanh quần đảo Điếu Ngư và nhất là với đường Lưỡi bò xấc xược trên Biển Đông song song với những hành động thô bạo, gần đây nhất là tại Bãi Tư Chính, trong vùng độc quyền kinh tế của Việt Nam. Mối nguy Trung Quốc ngày càng hiện rõ.

Sợ hay không sợ?

Sự lo âu thể hiện qua các phát biểu của phần lớn các chuyên gia Phương Tây về Trung Quốc. Họ nhìn thấy một nguy cơ Thế chiến III mà hậu quả sẽ rất kinh khủng. Giáo sư Graham Allison kêu gọi tập trung trí tuệ, sáng suốt và dũng cảm để lập lại kỳ tích của giai đoạn sau Thế chiến II trong đó sau một cố gắng quyết liệt, bền bỉ và có phối hợp, một nhóm trí thức lỗi lạc đã thuyết phục được các chính quyền dân chủ liên kết với nhau thành lập ra Liên Hiệp Quốc như một định chế bảo vệ hòa bình trên nền tảng nhân quyền. Riêng Hoa Kỳ, dù chỉ chấp nhận rất trễ bản Tuyên ngôn Nhân quyền Phổ cập, cũng đã tận tình giúp Châu Âu phục hồi sau chiến tranh qua kế hoạch Marshall và chủ động liên minh với các nước dân chủ Tây Âu để thành lập Minh ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) để đương đầu với sự trỗi dậy của Liên Xô. Do it again! (hãy làm lại như thế) là lời kêu gọi của Allison. Ông không giấu sự lo lắng trước chính sách đơn phương thô lỗ của Donald Trump.

Khá nhiều người, như chuyên gia địa chính George Friedman, coi chiến tranh Mỹ – Trung là khó tránh khỏi và phải chờ đợi nó. Nhiều người khác, như David Brook, chuyên gia ngoại giao Anh từng phục vụ lâu năm tại Trung Quốc và hiện đang giảng dạy về bang giao quốc tế tại London School of Economics, cho rằng Mỹ và các nước dân chủ phải có đủ khôn ngoan để chấp nhận sự trỗi dậy của Trung Quốc và chia sẻ quyền lãnh đạo thế giới với Trung Quốc, nhất là tại Châu Á, ngay cả nếu phải hy sinh một số giá trị được coi là phổ cập. David Brook còn biện hộ cho thái độ nhân nhượng này bằng cách biện luận rằng văn hóa Trung Quốc thực ra cũng là một văn hóa đa nguyên vì đã cho phép Khổng giáo, Phật giáo và Lão giáo cùng hiện diện một cách hài hòa! Thật là nhảm nhí.

Sau cùng cũng có những người như Martin Jacques cho rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc là tự nhiên, không thể đảo ngược và giải pháp duy nhất là chấp nhận để Trung Quốc thống trị thế giới. Cũng may là những “chuyên gia” như Martin Jacques không nhiều và họ chỉ được biết đến nhờ được Trung Quốc thổi phồng.

Nói chung các chuyên gia này đều kinh ngạc trước những tiến bộ ngoạn mục của Trung Quốc và đều tin là Trung Quốc sẽ tiếp tục mạnh thêm nhưng họ không đưa ra một lập luận có cơ sở nào để chứng minh niềm tin đó. Họ suy nghĩ theo kiểu đường thẳng nối dài.

Điều đáng lưu ý là phần lớn các chuyên gia gốc Trung Quốc đứng về phía – ngày càng đông đảo – những người cho rằng Trung Quốc đang đi dần tới khủng hoảng và không đáng sợ. Có lẽ vì họ hiểu Trung Quốc hơn. Phe này đưa ra những lập luận chính xác dựa trên những dữ liệu cụ thể.

Trước hết là núi nợ khổng lồ trên 40.000 tỷ USD, 303% GDP theo Bắc Kinh, cao hơn nhiều theo các định chế tài chính quốc tế, trong đó nợ công – gồm nợ chính phủ và nợ của các công ty nhà nước – là trên 200%. Khối nợ này không thể chịu đựng nổi trong một quốc gia mà GDP trên mỗi đầu người chỉ xấp xỉ 8.000 USD mỗi năm. Chính quyền Bắc Kinh đã nhìn thấy nguy cơ và trong mười năm qua đã nhiều lần đưa ra các biện pháp hạn chế tín dụng. Mỗi lần họ đều phải triệt thoái. Như vậy phải hiểu rằng sự nguy ngập của kinh tế Trung Quốc không có giải pháp. Mặt khác tỷ lệ dân số trong tuổi hoạt động đang giảm, giai đoạn dân trẻ đã qua rồi.

Tỷ lệ tăng trưởng 6,2% trong sáu tháng đầu năm 2019, thấp nhất từ 27 năm qua, cũng không đúng. GDP và tỷ lệ tăng trưởng là những con số mà người ta có thể thao tác và đó là điều mà chính quyền cộng sản Trung Quốc đã làm, bằng cách gia tăng đầu tư và chi tiêu công cộng. Và đầu tư để xây dựng những xa lộ không có xe chạy, những đường sắt với một hay hai chuyến tàu mỗi ngày và những thành phố ma. Trung Quốc hiện đang có hơn 70 triệu căn hộ không người ở. Nếu bỏ qua những “đầu tư” không chỉ vô ích mà còn làm mất đất canh tác này thì tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc là một con số âm.

Tuy vậy kinh tế không phải là nguy cơ chính của Trung Quốc. Nguy cơ chính là môi trường đã bị đã bị hủy hoại ở mức độ không thể phục hồi. Cả miền Bắc đã trở thành khô cằn, nhiều nơi gần như bị sa mạc hóa, hậu quả một chính sách tăng trưởng hoang dại bất chấp con người và môi trường. Trong những năm gần đây Bắc Kinh đã có những cố gắng phục hồi môi trường rất lớn và rất đúng nhưng đã quá trễ. Số người Trung Quốc bị ung thư vì ô nhiễm hiện nay tương đương với dân số Hoa Kỳ. Trong lần tham quan Ai Cập mùa hè năm trước tôi đã gặp một cặp vợ chồng người Bắc Kinh đang tìm cách di cư sang Châu Âu hoặc Mỹ. Họ là một trường hợp trong số hàng trăm triệu người khá giả đang tìm cách rời Trung Quốc không phải lý do kinh tế mà vì sợ chết vì ô nhiễm.

Trung Quốc cũng không đáng sợ về mặt quân sự. Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc lớn thứ nhì thế giới nhưng vẫn chưa bằng một nửa ngân sách quốc phòng của Mỹ. Chênh lệch lực lượng giữa hai nước đã rất lớn lại ngày một lớn hơn. Số tàu chiến của hải quân Trung Quốc tuy nhiều nhưng khả năng chiến đấu bị tất cả các chuyên gia về quân sự đánh giá là rất kém so với các tàu chiến của Nhật và Đài Loan, chưa nói tới Mỹ, Anh và Pháp. Không quân còn kém hơn. Đã thế 25% chương trình huấn luyện của quân đội Trung Quốc được dành để học tập chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Mao Trạch Đông.

Những người không sợ Trung Quốc gây ra thế chiến hoàn toàn có lý.

Thái độ hung hăng của Trung Quốc trên Thái Bình Dương, nhất là tại Biển Đông Việt Nam, là một sai lầm rất lớn trong cách tiếp nhận di sản lịch sử.

Trung Quốc trong suốt dòng lịch sử hơn 2200 năm dù từng là đế quốc chế ngự vùng Đông Á nhưng vẫn chỉ là một đế quốc địa phương và lục địa chứ chưa hề có tham vọng đại dương. Cho tới gần đây hải quân và thương thuyền Trung Quốc không đáng kể. Kết quả là tuy có hơn 15.000 km bờ biển nhưng Trung Quốc gần như bị vây hãm. Nhật, Đài Loan, Hàn Quốc, Philippines, Indonesia, Singapore và Malaysia đều là những đồng minh của khối NATO. Trung Quốc sẽ tức khắc bị phong tỏa nếu xảy ra xung đột. Cách xử lý đúng đắn và bắt buộc di sản lịch sử đó là dân chủ hóa và dứt khoát chọn đường lối phát triển trong hòa bình như Nhật và Đức đã làm (sau một sai lầm bi đát!). Cả hai nước đều không cần có quân đội mạnh nhưng không hề bị cô lập và đã vươn lên mạnh mẽ sau Thế chiến II. Nếu cũng chọn con đường đó Trung Quốc sẽ đương nhiên trở thành cường quốc số 1 trên thế giới trong trung hạn mà không gây lo ngại cho bất cứ ai, dù có thể phải chấp nhận một mức độ tản quyền lớn, kể cả sự ly khai của một số tỉnh. Bắc Kinh đã chọn chính sách ngược lại, gây tranh chấp để càng bị cô lập. Phải chăng vì Đảng Cộng sản Trung Quốc tin rằng mình không thể tồn tại sau một cuộc chuyển hóa về dân chủ? Sai lầm lớn nhất của các quốc gia là không nhìn đúng để quản lý đúng lịch sử của mình.

Trung Quốc từng là đồng minh của Liên Xô và hiện đang là đồng minh của Liên Bang Nga, nhưng điều ngạc nhiên là Trung Quốc không rút ra bài học Liên Xô. Thành tích tăng trưởng của Trung Quốc không phải là chưa từng có. Sau Thế chiến II Liên Xô còn vùng lên nhanh hơn. Dù bị tàn phá tan tành, Liên Xô đã chỉ cần khoảng mười năm để vùng lên gần như về mọi mặt để tranh hùng với Hoa Kỳ. Đã chế tạo được bom nguyên tử, đã gửi được phi thuyên lên không gian trước Mỹ và đã đủ giàu mạnh để yểm trợ các đảng cộng sản anh em khắp nơi, kể cả Đảng Cộng sản Việt Nam, đã dồn được Mỹ và các nước dân chủ vào thế thủ. Nhưng rồi chính vì đã cố gắng quá sức mà Liên Xô đã gục ngã. Đó là số phận đang chờ đợi chế độ cộng sản Trung Quốc.

Phải sợ gì?

Tuy vậy chúng ta không thể chia sẻ sự yên tâm của các chuyên gia thuộc phe không sợ. Chúng ta phải sợ Trung Quốc vì một lý do khác và vì chúng ta là người Việt Nam.

Câu chuyện con gà Châu Phi ở đầu bài này cho thấy là một chuyện nhỏ có thể có những hậu quả lớn vì tâm lý con người phức tạp. Tâm lý của của các quốc gia và các thị trường càng phức tạp hơn. Chúng ta vừa có một thí dụ cụ thể. Ngày Chủ nhật 04 tháng 8 vừa qua Donald Trump phát đi một tweet nói rằng sẽ đánh thuế 10% trên số hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 300 tỷ USD bắt đầu từ tháng 9. Thiệt hại tối đa cho Trung Quốc nếu không ai có phản ứng nào cả là 30 tỷ USD. Nhưng hôm sau các thị trường chứng khoán đã sụt giá trên dưới 3% vì đồng Yuan chao đảo. Sau đó các thị trường chứng khoán tiếp tục sụt giá ở mức độ tương tự hai lần nữa. Tính nhẩm thiệt hại cho các thị trường chứng khoán – và tài sản của những người chủ các cổ phần – vào khoảng 10.000 tỷ USD, nghĩa là 300 lần lớn hơn số tiền mà Donald Trump hy vọng thu được từ Trung Quốc.

Chúng ta phải sợ Trung Quốc ít nhất vì hai lý do. Một là Trung Quốc chắc chắn sẽ lâm vào khủng hoảng kinh tế và có thể tan vỡ trong một tương lai gần kéo theo những dao động lớn trên thế giới trong khi nước ta vừa ở gần đám cháy vừa quá lệ thuộc vào ngoại thương. Hai là nếu vì một hành động mị dân trong lúc bối rối Trung Quốc đánh chiếm các đảo Trường Sa còn lại hay một vùng đất biên giới nào đó, Việt Nam vừa khó bảo vệ vừa khó lấy lại. Giai đoạn này đang đòi hỏi một chính quyền rất sáng suốt mà rõ ràng là chúng ta không có.

Biến cố lịch sử lớn nhất trên thế giới cho đến nay đã là sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết. Một đế quốc chuyên chính độc hại với quân lực mạnh thứ hai trên thế giới đã tiêu tan và nhiều dân tộc đã được tự do mà không có đổ máu cũng không khiến thế giới lâm vào khủng hoảng kinh tế. Thật khó tưởng tượng. Điều phải sợ là sự sụp đổ chắc chắn của chế độ cộng sản Trung Quốc có thể sẽ không diễn ra như thế.

N.G.K.

(15/08/2019)

Nguồn: https://www.thongluan-rdp.org/quan-di-m/item/13963-ph-i-s-trung-qu-c-nh-th-nao?fbclid=IwAR2llh6az8QA1anlvkOsEEPowCqG5AIU2daJwAVeSn3CtXD3sULnb78SFo8

This entry was posted in Cộng sản sụp đổ, Thương chiến Mỹ - Trung. Bookmark the permalink.