Nguyễn Đình Cống
Một đảng đã xâm lưoc biên giới đất liền của ta, giết hại hàng vạn đồng bào , chiến sĩ ta, chiếm Hoàng Sa của ta, chiếm bãi Tư Chính của ta, chiếm Gạc Ma của ta, một đảng như thế mà Đảng CS Việt Nam coi nó là đồng chí, đảng anh em cùng lí tưởng thì có được không?
Lại bá vai bá cổ thảo luận các thứ lí thuyết xã hội chủ nghĩa coi có được không? Nguy cơ bị xâm lược đang hiện hữu. Một đảng như thế có lãnh đạo nhân dân bảo vệ Tổ quốc được không?
Đại hội đảng lần thứ 13 nên suy nghĩ vấn đề này một cách nghiêm túc.
Đại hội XIII của ĐCSVN cũng giống như các ĐH trước đây, có 2 việc quan trọng nhất là Nhân sự và Báo cáo. Về 2 việc này tôi đã có bài đăng trên Báo Tiếng Dân và Boxitvn (bài Góp ý về chuẩn bị ĐH XIII, ngày 11/6 / 2019; bài Trao đổi về ĐH XIII, ngày 10/6/2019). Tôi cho rằng nếu không có những thay đổi cơ bản về nhận thức và cách làm thì mặc dầu tốn rất nhiều công sức, thời gian và kinh phí, vẫn chỉ có thể chọn ra đội ngũ cán bộ làng nhàng với nhiều kẻ cơ hội, chỉ có thể soạn ra một báo cáo dài dòng với lời lẽ văn hoa nhưng nội dung thiếu chân thật, tạo ra sự lãng phí lớn.
Bài này tôi trình bày vài suy nghĩ theo hướng đánh giá tình hình.
1- Các mức độ của sự thật
Hãy nhìn thẳng vào sự thật. Đó là phương châm, là khẩu hiệu được nêu ra mạnh mẽ từ ĐH VI của ĐCSVN.
Chuẩn bị cho ĐH XIII, một số văn kiện nhắc lại khẩu hiệu trên. Quan trọng của nhìn vào sự thật chủ yếu không phải để ca ngợi thành tích và vinh quang mà là để thấy được những điều bất cập, những sai lầm. Nhưng nhìn mà có thấy không? Thấy rồi có dám công nhận và công khai nói ra hay không? Nhìn và nhận là hai việc khác nhau.
Sai lầm, có thứ lộ rõ, ai cũng thấy, có thứ ẩn giấu hoặc bị che đậy, mà thông thường cái ẩn giấu mới là bản chất. Thấy được cái sai lộ rõ là tương đối dễ. Thấy cái sai ẩn giấu, thuộc bản chất là khó, đặc biệt là quá khó đối với những cái đã được nhận nhầm là chân lý, được nhồi sọ, đã tốn công sức để nghĩ ra và thực hành, đã có được một số thành công nào đó, đã mang lại lợi ích và tiếng tăm cho một số người, đã được bồi bút ca ngợi đến tận mây xanh.
Để thấy được những sai lầm bị ẩn giấu cần có trí tuệ cao, dũng cảm lớn, phương pháp đúng. Khi thiếu những thứ đó thì rất cần giúp đỡ từ bên ngoài, của những người phản biện, mà phải là những phản biện có trí tuệ cao, có phương pháp tốt. Được nghe lời khen thì sướng lỗ tai, nhưng phần lớn là vô ích. Nghe chỉ trích, có thể khó chịu, nhưng biết nghe sẽ sửa được sai lầm. Mà phản biện của những người trung thực, đặc biệt là của đối lập thì không tránh khỏi những lời chỉ trích.
Sự thật có thứ rõ ràng, trần trụi, nhưng đa số có ngóc ngách, có phần lộ ra, có phần ẩn giấu. Xin ghi nhớ câu châm ngôn “Một nửa cái bánh mỳ vẫn là bánh mỳ, còn một nửa của sự thật lắm khi là dối trá”.
Đại hội XIII của ĐCSVN dự kiến thảo luận những vấn đề về củng cố và làm trong sạch Đảng, về những kế hoạch phát triển đất nước. Những việc làm đó chỉ có giá trị khi được dựa trên nhận thức đúng, đánh giá đúng tình hình thực tế. Khi nhận thức sai, đánh giá sai, chỉ dựa vào một phần sự thật sẽ dễ dàng tạo ra cách làm sai, vạch ra đường lối trái quy luật. Nhìn lại nhiều ĐH trước đấy của ĐCSVN thấy rằng phần lớn đã phạm phải nhận thức sai sự thật, chỉ dựa vào một phần sự thật, vì vậy đã tạo ra nhiều sai lầm và thất bại.
2- Liệu Đảng CS có tìm thấy sự thật
Có chứ, nhưng tiếc rằng chỉ tìm thấy một phần. Đó là thành tích và một số sai lầm lộ rõ. Tiếc rằng phần tìm được ấy chứa đựng rất ít bản chất. Phải tìm được phần sự thật bị giấu kín, chứa đựng bản chất của sai lầm mới thực sự có giá trị. Thế nhưng theo cách làm của Đảng hiện nay thì rất khó, hầu như không thể làm được.
Chuẩn bị cho ĐHH XIII, lãnh đạo Đảng vẫn kiên trì Mác Lê, vẫn theo tư tưởng và cách làm cũ, đã lỗi thời, vẫn dựa vào đội ngũ cán bộ trung thành nhưng kém năng lực. Mặc dầu có Hội đồng Lý luận, có Ban Tuyên giáo, lập thêm nhiều Ban chuẩn bị văn kiện, tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tăng cường lãnh đạo của Bộ Chính trị, của Ban Bí thư, phát huy đến tối đa trí tuệ và dân chủ, v.v., nhưng rồi cũng không thể nào tìm được sự thật ẩn giấu.
Vì sao vậy?
Vì những người tham gia vào việc tìm kiếm này, ngoài kém trí tuệ, thiếu dũng cảm, không có phương pháp đúng, họ còn không được tự do, bị vòng kim cô Mác Lê chụp lên đầu, bị nguyên tắc tập trung dân chủ khống chế, bị 19 điều cấm trói buộc. Họ chỉ được phép tìm ra những sự thật mà lãnh đạo muốn nghe và chấp nhận.
Có thể một số đảng viên cán bộ thấy được phần nào sự thật ẩn giấu, nhưng không dám phát biểu công khai khi còn phải dựa dẫm vào Đảng để tồn tại. Còn những người được lọt vào diện quy hoạch, được cơ cấu thì dù có thấy cũng tìm cách che đậy. Những đảng viên dũng cảm, dám nói lên sự thật thì lập tức bị quy kết vào tội tự diễn biến, bị thi hành kỷ luật, một số buộc phải từ bỏ Đảng để được làm người trung thực. Chu Hảo là một trong số đó.
3- Làm sao để có được sự thật còn bị giấu kín
Sự thật bị giấu kín có 2 loại: che giấu và ẩn giấu.
Che giấu một mưu mô, một mục đích, là khi chủ thế biết rõ, có chủ trương thực hiện, nhưng giữ bí mật. Điều họ nói ra công khai về lý do và mục đích, luôn trong sáng, tốt đẹp, nhưng chỉ nhằm lừa dối. Đó là lý do phụ, mục đích phụ, là một phần của sự thật, nhưng họ biến phụ thành chính. Họ kết hợp một phần sự thật đó với thuật ngụy biện. Thí dụ ông chủ tịch tỉnh nọ, làm dự án xây tượng đài hết trên ngàn tỷ. Điều chủ yếu ông nhắm tới là qua việc này có thể tham nhũng được vài trăm tỷ để chia nhau. Nhưng ông giấu kín mưu mô. Ông tuyên bố làm tượng đài là để phục vụ nhu cầu văn hóa của nhân dân.
Có phục vụ không? Có phục vụ, nhưng mục đích chính đối với ông chủ tịch nằm ở chỗ khác, được che giấu.
Sự thật bị ẩn giấu là khi chủ thể cũng không biết đến nó, không lường trước được nó sẽ xuất hiện trong tương lai. Chủ thể không biết vì kém trí tuệ, thiếu kinh nghiệm hoặc bị lừa.
Thí dụ 1: Khi nông dân Đà Lạt làm nhiều nhà kính để trồng cây, họ không lường trước mưa sẽ làm ngập lụt.
Thí dụ 2: Năm 1983 Quốc hội thông qua luật “Đất đai sở hữu toàn dân”. Nhiều đại biểu bỏ phiếu vì chỉ nghe được những mặt hay, mặt tốt của luật mà không lường trước được rằng luật đó là nguồn gốc của tham nhũng và thảm họa của dân oan.
Khi sự thật bị che giấu, người ngoài muốn biết được, việc đầu tiên là nghi ngờ, rồi tiến hành điều tra, nghiên cứu hoặc nhờ một dịp may nào đó. Không biết nghi ngờ một cách khoa học thì khó mà biết được sự thật ẩn giấu. Biết rồi, muốn cho người khác cùng biết thì cần có tự do ngôn luận, tự do báo chí. Nếu không có tự do mà biết sự thật nhiều khi nguy hiểm. Trong lịch sử nhiều người đã bị giết chết chỉ vì biết được sự thật mà người ta cần giấu kín.
Muốn biết được sự thật bị che giấu hoặc ẩn giấu, trước hết cần có những con người tự do, có trình độ và dũng cảm. Họ không bị trói buộc bởi và không cần trung thành với bất kỳ học thuyết nào, không bị khống chế bởi bất kỳ thế lực nào. Họ dám nghi ngờ điều mà nhiều người khác đã và đang tin là đúng.
Trong tình hình của xã hội Việt Nam hiện nay, khi mà ĐCSVN bị một số hạn chế để tự mình không thể nào tìm ra được sự thật bị ẩn giấu thì một trong những biện pháp để tiếp cận chúng là tổ chức đối thoại giữa các trường phái, mà chủ yếu là bên A và B.
Bên A đại diện cho Đảng.
Bên B đại diện cho những người có cách nhìn khác về một số đường lối và hoạt động của Đảng.
Cần đối thoại vì mỗi bên tự cho mình là hay, là đúng, là thật sự yêu nước thương dân và lên án bên kia. A cho rằng B thuộc loại thù địch, phải đấu tranh để loại bỏ chứ không thể hợp tác. B cho rằng A giáo điều, bảo thủ, đi sai đường, cản trở sự phát triển của dân tộc.
Đối thoại tạo cho mỗi bên trình bày, bảo vệ quan điểm, tiếp nhận những lập luận và phê phán của bên kia, để hợp tác, tìm ra đâu là sự thật. Tốt nhất là tổ chức đối thoại công khai để có sự tham gia, chứng kiến của nhân dân. Nhưng trước mắt có thể tổ chức đối thoại trong phạm vi hẹp.
Chính ông Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tuyên giáo của ĐCS đã phát biểu: “Không sợ đối thoại, không sợ tranh luận, bởi vì sự phát triển của mỗi lý luận và của học thuyết cách mạng nào rồi cũng phải dựa trên sự cọ xát và tranh luận”.
Cần có tự do ngôn luận hoặc tổ chức đối thoại. Hiện nay, cách làm của A nhằm triệt hạ B chỉ gây chia rẽ dân tộc, làm hủy hoại tinh hoa, làm yếu đi sức mạnh của phát triển.
Đối thoại giữa A và B có thể làm cho vài người lãnh đạo khó chịu vì bị B công khai chỉ ra những sai lầm được che giấu.
Sai lầm như khối u ác tính ở bên trong. Nếu khôn ngoan, chịu phẩu thuật cắt đi thì có hy vọng phục hồi sức khỏe. Nếu cố tình che giấu thì sẽ đến lúc phải chấp nhận hậu quả thảm hại.
4- Một vài điều là thật hay giả dối ở đâu
Xin nêu ra vài điều mà quan điểm của A và B khác nhau để mọi người tham gia bàn luận.
Về Chính quyền
– A: Đảng đã lập nên chính quyền của dân, do dân, vì dân, gồm 3 tầng, Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, dân làm chủ (thông qua Mặt trận TQ). Chính quyền là thống nhất gồm 3 quyền theo phân công (lập pháp, hành pháp, tư pháp).
– B: Chính quyền, đúng ra phải là của Dân, nhưng đã bị biến thành của Đảng. Ba tầng lớp Đảng – Chính quyền – Mặt trận dẫm đạp lên nhau, nặng nề, kém hiệu lực. Cần xây dựng thể chế Dân chủ với Tam quyền phân lập.
Về ổn định
– A: Việt Nam đang rất ổn định về chính trị và xã hội, được nhiều nước và tổ chức quốc tế đánh giá cao. Có ổn định là nhờ tài lãnh đạo của Đảng và lòng tin của dân.
– B: Giữa ổn định chính trị và ổn định xã hội thì ổn định xã hội quan trọng hơn. Ổn định chính trị là một trong những điều cần cho ổn định xã hội. Ổn định chính trị của VN là không bền vững (không được như ổn định của con búp bê lật đật, dưới nặng trên nhẹ). Ổn định chính trị của VN phải được chống đỡ, dựa vào thế lực của công an trị làm cho dân sợ và tuyên truyền dối trá để đánh lừa. Ổn định chính trị tạm thời của VN đang bị thử thách vì lòng tin của dân vào Đảng đang giảm sút nghiêm trọng. Còn về xã hội thì VN chưa có được sự ổn định cần thiết. Không thể xem ổn định vững chắc khi xã hội có nhiều rối loạn như hiện nay.
Về nguyên nhân của tham nhũng và nhiều tai họa
– A: Nguyên nhân chủ yếu là do một số đảng viên, cán bộ thoái hóa, biến chất, tự diễn biến, tự chuyển hoá, do các cấp ủy Đảng lơ là, không kịp thời trong lãnh đạo, kiểm tra, xử lý.
– B: Số thoái hóa về phẩm chất và số tự diễn biến về tư tưởng là hoàn toàn khác nhau. Chính sự độc quyền toàn trị của Đảng làm sinh ra và nuôi dưỡng bọn thoái hóa, chúng là sản phẩm của chuyên chính vô sản. Vậy nguyên nhân cơ bản, nguyên nhân chủ yếu của nhiều tai họa là xuất phát từ sự độc quyền đảng trị của chuyên chính vô sản.
Về Chủ nghĩa Mác Lê
– A: Mác Lê là chân lý, là ánh sáng, là kim chỉ nam, kiên trì thực hiện nó sẽ đưa dân tộc đến tương lai tươi sáng.
– B: Mác Lê phạm những sai lầm ngay từ gốc, đem lại cho nhân loại lợi ít hại nhiều. Liên xô và phe XHCN đã sụp đổ. Cần từ bỏ Mác Lê, kiên trì nó chỉ dẫn dân tộc đi sai đường.
Về Quy hoạch cán bộ
– A: Quy hoạch cán bộ nhằm chọn được những người đủ đức đủ tài, ngăn cản những kẻ chạy chức chạy quyền và bọn hậu duệ kém năng lực, nó là kết tinh trí tuệ của lãnh đạo.
– B: Quy hoạch cán bộ tuy có một số điểm tích cực, nhưng chứa đựng không ít nội dung phản dân chủ, phản tiến bộ, phản khoa học. Theo quy hoạch ấy khó tìm được tinh hoa thực chất mà chỉ chủ yếu tìm được bọn cơ hội lắm mưu mô.
Tạm kể ra vài điều như trên, chủ yếu liên quan đến thể chế chính trị. Xin trích một ý kiến của học giả nước ngoài về kinh tế.
Đó là ý kiến của Michael Spence, người đã từng đoạt giải thưởng Nobel về kinh tế và là Giáo sư Kinh tế học tại Đại học New York, thành viên cao cấp tại Viện Hoover, Chủ tịch Ủy ban nghiên cứu độc lập về Tăng trưởng và Phát triển…
Ông viết về VN trong bài The Inequality of Nations (Sự bất bình đẳng của các quốc gia):
“Nhà nước Việt Nam độc tài lo củng cố quyền lực chính trị, tạo một sân chơi kinh tế thu hẹp tối thiểu lo phục vụ cho lãnh đạo và thân tộc. Những bất công và nghịch lý làm phí phạm tài nguyên và hiệu năng kinh tế, chưa tạo điều kiện thịnh vượng cho đất nước, không thoả mãn nhu cầu cho mọi tầng lớp dân chúng trong đời sống hàng ngày và sinh hoạt xã hội, nhà nước biến Việt Nam thành một xã hội thị trường. Thay vì dùng tiền để thanh toán cho các trao đổi trong thị trường, họ dùng tiền để mua bán cho toàn bộ hoạt động xã hội, những phạm vi không thuộc về thị trường. Hậu quả là uy lực đồng tiền chế ngự mọi quan hệ không có đặc tính thị trường, tất cả được định bằng một trị giá trao đổi. Đời sống gia đình, quan hệ thân thiết, bảo vệ sức khoẻ, cơ hội giáo dục, định mức tội phạm, xác định trình độ văn hoá và cơ hội tuyển dụng là chuyện mua bán, mà tiền đâu là đầu tiên. Cuối cùng, tham nhũng lên ngôi thành quốc nạn và đạo đức suy vi tận đáy. Trầm trọng nhất mà Adam Smith không thể nhận thức được đề cập tới là hiểm hoạ diệt vong cho đất nước, khi giới lãnh đạo Việt Nam công khai biến lãnh thổ, tài nguyên và độc lập dân tộc thành một món hàng mua bán”.
Về chính trị, điều đáng quan tâm là tổng kết của Zbigniew Brzezinski (1928-2017), trong sách THẤT BẠI LỚN – Sự ra đời và cái chết của chủ nghĩa cộng sản… (THE GRAND FAILURE – The Birth and Death of Communism…). Brzezinski, cố vấn an ninh của mấy đời Tổng thống Mỹ, khẳng định rằng Chủ nghĩa cộng sản thế nào cũng sụp đổ do thiếu trí tuệ.
(Còn tiếp)
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN