Mỹ Hằng
MyHang.Tran@bbc.co.uk
Bennet Murray: ‘Việt Nam có ‘đồng minh’ mạnh hơn trên Biển Đông?’ (Ảnh minh họa). Bản quyền hình ảnh STR/GETTY IMAGES
Trong khi căng thẳng tiếp tục leo thang tại Bãi Tư Chính, một số nhà quan sát cho rằng Việt Nam đang thực hiện một chiến lược mới: Bắt tay với các ‘đồng minh’ mạnh hơn, trong trường hợp này là Nga, thông qua hợp tác khai thác dầu khí tại các khu vực tranh chấp trên Biển Đông.
Tranh chấp khởi đầu từ năm 2017 khiến Việt Nam, năm 2018, phải ngưng dự án thăm dò dầu khí trị giá hàng trăm triệu đô la với tập đoàn năng lượng Repsol của Tây Ban Nha dưới sức ép của Trung Quốc.
Nhưng giới quan sát cho rằng lần này, Việt Nam ở vị thế khác khi có đối tác ‘rắn hơn’: Tập đoàn dầu khí quốc gia Nga Rosneft.
Công ty Rosneft Vietnam BV, một công ty con của Rosneft, đang có các hoạt động khoan thăm dò tại Lô 06.01, thuộc thềm lục địa Việt Nam, từ tháng 7/2018.
“Trong khi Repsol chỉ là một công ty tư nhân đến từ một nước không phải cường quốc, với chút ít vị thế địa chính trị, Nga được kỳ vọng sẽ dùng sức mạnh chính trị của mình để đảm bảo dòng tiền của chính phủ. Dẫu rằng Nga chưa bao giờ chính thức đứng về phía Việt Nam trong vấn đề Biển Đông, và thậm chí ông Putin từng tuyên bố ủng hộ quan điểm của Trung Quốc, hiện chỉ có Nga đang vận hành [hoạt động dầu khí] tại khu vực Việt Nam khẳng định chủ quyền và nằm trong Đường Chín Đoạn của Trung Quốc,” Bennet Murray, nhà báo Mỹ hiện đang làm việc cho Thông tấn xã Đức tại Việt Nam, viết trên Foreign Policy.
“Hợp tác của Nga với Việt Nam là một đối đầu ‘nghiêm trọng’ với Trung Quốc, dù Kremlin đã cẩn thận tránh thu hút sự chú ý đến quan hệ đối tác này. Trong khi người ta không trông chờ Nga sẽ triển khai quân từ Vladivostok để thách thức Hải quân Trung Quốc, Bắc Kinh hẳn sẽ tổn thất nhiều nếu họ mạnh tay với Rosneft”, trong bối cảnh Bắc Kinh đã đổ hàng tỷ đô la vào Ukraine, Georgia, Kazakhstan, các nước mà Nga coi là sân sau của mình, trong tham vọng triển khai sáng kiến Vành đai Con đường kết nối Á Âu”, vẫn theo Bennet Murray.
Việt Nam có thể trông đợi vào Nga?
Nhà báo Bennet Murray bình luận với BBC Việt Ngữ hôm 21/8:
‘Đồng minh’ là một từ mạnh. Biên tập viên của Foreign Policy đã sử dụng nó trong tiêu đề bài viết của tôi để mô tả mối quan hệ giữa Việt Nam và Tập đoàn dầu khí Nga Rosneft. Trong khi tôi hiểu tại sao từ này được sử dụng, tôi sẽ không hiểu theo nghĩa đen là Nga và Việt Nam là ‘đồng minh’ trong vấn đề Biển Đông. Một điều hoàn toàn chắc chắn là Nga đã không công khai ủng hộ Việt Nam ở Biển Đông, và trên thực tế, Putin thậm chí dường như còn công khai hỗ trợ Bắc Kinh.
Bennett Murray: ”Putin và ông Tập không công khai đứng lên chống lại lợi ích của nhau không có nghĩa là họ không xung đột về lợi ích”. Bản quyền hình ảnh BENNETT MURRAY
“Nhưng tất cả những điều này cần phải được đặt trong bối cảnh của nó. Cả Kremlin và các đối tác Trung Quốc đều ghét các thể chế quốc tế, đặc biệt là các thể chế mà họ cho là thiên vị phương Tây, khi mà các thể chế này luôn muốn bảo họ phải làm gì. Đối với Nga, ví dụ rõ ràng nhất là trong việc sát nhập bán đảo Crimea của Ukraine năm 2014. Khi đó Mỹ và gần như toàn bộ châu Âu nói rằng Nga chống lại luật pháp quốc tế, sau đó áp dụng lệnh trừng phạt lên Nga, Nga đã quyết định rằng chơi theo những quy tắc đó là trái với lợi ích của Nga”.
“Trung Quốc luôn cảm thấy như vậy về Biển Đông, đặc biệt là vào năm 2016 khi các thẩm phán của Tòa Trọng tài Thường trực Quốc tế tại Hague phán quyết chống lại Đường Chín Đoạn”.
“Cả ông Putin và ông Tập Cận Bình đều hiểu được rằng mối quan tâm chung của họ là cùng nhau chống lại các thể chế quốc tế đang nói với họ rằng họ không thể có những gì họ muốn về địa chính trị. Và cả hai đều xem phương Tây là những kẻ đạo đức giả, những kẻ phá vỡ các quy tắc khi chúng phù hợp với Trung Quốc và Nga”.
Việt Nam hợp tác với tập đoàn dầu khí của chính phủ Nga là một bước đi khôn ngoan để đương đầu với Trung Quốc trên Biển Đông? (Ảnh minh họa). Bản quyền hình ảnh YURI SMITYUK/GETTY IMAGES
“Nhưng ông Putin và ông Tập không công khai đứng lên chống lại lợi ích của nhau không có nghĩa là họ không xung đột về lợi ích. Hẳn là như thế, các mối quan hệ đối tác của Tập đoàn dầu khí Rosneft, Gazprom và Vietsovpetro với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hiện đều nằm trong khu vực Đường Chín Đoạn của Trung Quốc”.
“Tương tự như vậy, chúng ta có thể thấy Trung Quốc đã đầu tư hàng tỷ đô la vào Ukraine, nơi từ năm 2014 đã ở trong tình trạng chiến tranh không công khai nhằm chống lại Nga”.
“Lần này, tôi ngờ rằng Trung Quốc sẽ muốn Nga phải làm gì đó để đổi lấy việc Trung Quốc đã nhắm mắt làm ngơ cho Nga khoan thăm dò tại Bãi Tư Chính. Những cuộc đàm phán liên quan đến màn trao đổi lợi ích đó có thành công hay không là một vấn đề khác. Nhưng chúng chắc chắn sẽ không bao giờ được công khai”.
“Riêng đối với việc tàu khảo sát Trung Quốc quay trở lại Bãi Tư Chính, theo tôi thật khó để lý giải lý do thật sự. Có thể đó là một thông điệp được Trung Quốc tính toán kỹ lưỡng, hoặc cũng có thể chỉ là lý do kỹ thuật. Mặc dù sự hiện diện của con tàu này rõ ràng là mối nguy cho lợi ích của Việt Nam, miễn là Tập đoàn Dầu khí quốc gia Nga Rosneft và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam vẫn tiếp tục các dự án dầu khí tại đây thì Việt Nam vẫn chưa mất Bãi Tư Chính,” ông Bennett Murray nói với BBC.
Trong khi đó, viết trên Asia Times, nhà báo Mỹ David Hutt cũng cho rằng một trong những lý do khiến lần này Việt Nam cứng rắn hơn trước Trung Quốc là do Việt Nam đã có các đồng minh mạnh hơn. Ngoài Mỹ, Nhật, Pháp, Liên minh châu Âu, Việt Nam còn có Nga.
“Trong một diễn biến mới, Nga đã ám chỉ rằng họ cũng có thể ủng hộ Hà Nội, thông qua hợp tác thăm dò dầu khí với Việt Nam trên khu vực Biển Đông nơi Bắc Kinh cũng khẳng định chủ quyền”, Davit Hutt viết.
Cây bút Panos Mourdoukoutas thì bình luận trên Forbes rằng “Sự hiện diện của Nga ở vùng biển tranh chấp có thể là yếu tố giúp thay đổi cuộc chơi của Việt Nam. Sẽ vô cùng khó khăn để Bắc Kinh đối đầu với hải quân Nga – lực lượng sẵn sàng bảo vệ lợi ích của Moscow trong khu vực. Và điều đó có thể giúp làm giảm tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông, và cứu vãn hòa bình trong khu vực”.
EU ủng hộ quan điểm của Việt Nam về căng thẳng ở Biển Đông
Các ‘đồng minh’ khác?
Ngoài Nga, Việt Nam năm nay còn có Mỹ, theo các nhà quan sát – nước vốn im tiếng khi Trung Quốc gây hấn với Việt Nam trên Biển Đông năm ngoái.
Năm nay, Mỹ lên tiếng cáo buộc Trung Quốc có hành động ‘bắt nạt’ nước láng giềng. Mỹ cũng ngỏ ý “muốn củng cố mối quan hệ quân sự chặt chẽ hơn với Hà Nội, mặc dù Việt Nam vẫn tỏ ra thận trọng và vẫn duy trì các chính sách ngoại giao không cam kết”, David Hutt viết trên Asia Times.
Mới đây, Liên minh châu Âu (EU) công khai cho hay “hoàn toàn ủng hộ quan điểm và lo ngại của Việt Nam về tình hình và căng thẳng gia tăng ở Biển Đông”, và rằng Việt Nam “có thể trông cậy vào Liên hiệp châu Âu để không những hướng tới việc giảm căng thẳng, mà còn, trước tiên, là bảo vệ việc tôn trọng luật pháp quốc tế một cách đầy đủ”.
EU cũng sẽ sớm ký Hiệp định hợp tác quốc phòng, an ninh với Việt Nam, theo Tuổi Trẻ.
Trước đó, hồi tháng 9/2018, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp và Việt Nam đã ký kết Tuyên bố tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng giai đoạn 2018-2028, theo truyền thông Việt Nam. Sau đó, tại hội nghị quốc phòng thường niên Shangri-La 2019 tổ chức tại Singapore, đại diện Pháp đã hứa sẽ “ít nhất hai năm một lần điều tàu tới Biển Đông” và tiếp tục ủng hộ việc tuân thủ luật pháp quốc tế liên quan, theo Asia Times.
Việt Nam mới đây cũng tuyên bố kéo dài thời gian hoạt động của giàn khoan Hakuryu-5 thuộc Công ty khoan Nhật Bản (JDC) tại khu vực lô 06.1 bể Nam Côn Sơn đến hết ngày 15/9 giữa bối cảnh bị tàu Trung Quốc quấy rối, theo Tuổi Trẻ.
Thế còn ‘lòng dân’?
Người biểu tình trước Đại sứ quán Trung Quốc hôm 8/6 không mang theo cờ đỏ sao vàng. Bản quyền hình ảnh REUTERS
Nhưng dù có quốc tế hóa vấn đề Biển Đông và có tranh thủ được thêm các đồng minh mạnh thế nào, giới quan sát cho rằng Việt Nam cần phải xem xét đến vấn đề chính trị nội bộ.
“Không giống như Bắc Kinh, những người cầm quyền cộng sản ở Hà Nội đang thua trong cuộc tranh luận về chủ nghĩa dân tộc. Những năm gần đây họ đã chứng kiến những cuộc biểu tình lớn – và ngày càng dữ dội – công khai phản đối chính phủ trong vấn đề đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam. Việc người dân cho rằng chính phủ Việt Nam hành động như một “con rối Bắc Kinh” là một mối đe dọa chết người ở Việt Nam – nơi tinh thần bài Trung đã ăn sâu bám rễ trong lịch sử”, Davitt Hutt viết trên Asia Times.
Trong khi đó, Bennett Murray nói với BBC Việt Ngữ: “Tôi không nghĩ thái độ của công chúng Việt Nam đối với Trung Quốc thay đổi nhiều, nhưng tôi nghĩ rằng thái độ của chính phủ đối với các cuộc biểu tình chống Trung Quốc đã thay đổi. Các cuộc biểu tình nói chung ở Việt Nam ngày nay hiếm hơn nhiều so với chỉ vài năm trước. Chính phủ không nhẹ tay với người biểu tình như trước“.
“Ngoài ra còn phải tính đến những thay đổi về mặt chính trị. Cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong các phát biểu công khai, từng khuyến khích thái độ cứng rắn đối với Trung Quốc, và ở một mức độ nào đó có vẻ nhân nhượng hơn đối với các cuộc biểu tình chống Trung Quốc, như một cách để gửi một thông điệp tới Trung Quốc rằng Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ phải đối mặt với các vấn đề chính trị nếu họ không tỏ ra cứng rắn trong vấn để Biển Đông”.
“Nhưng kể từ khi ông Dũng ra đi và Tổng bí thư Trọng có thêm quyền lực tại Đại hội Đảng 2016, chính phủ dường luôn theo sau các cuộc biểu tình nói chung. Đảng Cộng sản [dưới thời ông Trọng] chắc chắn sẽ không cổ súy cho những người biểu tình chống Trung Quốc. Trong khi vào năm 2011 và 2014, chúng ta thấy những người biểu tình với cờ đỏ sao vàng, thì nay, những cuộc biểu tình chống lại Đường Chín Đoạn, nếu có diễn ra, thì đều là của các nhóm bất đồng chính kiến chống cộng, và họ không mang theo quốc kỳ Việt Nam nữa”.
M.H.