Đàn áp tôn giáo – một cuộc khủng hoảng toàn cầu cần hành động khẩn cấp

Mai Hưng dịch

Ngày 16 tháng 7, Sam Brownback – Đại sứ lưu động của Hoa Kỳ phụ trách Tự do Tôn giáo Quốc tế cho biết rằng “Việc đàn áp những người có đức tin là một cuộc khủng hoảng toàn cầu vốn nhận được quá ít sự chú ý”.

Trong bài phát biểu khai mạc của Hội nghị cấp Bộ trưởng về Thúc đẩy Tự do Tôn giáo hàng năm lần thứ hai do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tổ chức tại Washington, ông Brownback cho biết rằng chính quyền Trump cam kết chống lại cuộc đàn áp tôn giáo trên toàn thế giới.

Ông Brown Brownback nói “Chính quyền này (Trump) nhận thấy có sự giết chóc, tù đày, quấy rối và đàn áp trên cơ sở niềm tin tôn giáo trên khắp thế giới. Và chúng tôi cũng nhận thấy đó là một cuộc khủng hoảng toàn cầu mà cho đến nay vẫn nhận được quá ít sự chú ý – một cuộc khủng hoảng toàn cầu mà chúng tôi quyết tâm đảo ngược”.

Ông Brownback cho rằng trong khi hầu hết mọi người trên thế giới đều tuyên xưng đức tin, thì có đến 80 phần trăm là những người sống ở những nơi bị hạn chế tôn giáo.

Ông nói “Đã đến lúc phải loại bỏ những hạn chế tôn giáo này”.

Theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Hội nghị kéo dài ba ngày này đánh dấu sự kiện tự do tôn giáo lớn nhất thế giới và quy tụ hơn 1.000 xã hội dân sự và các nhà lãnh đạo tôn giáo từ hàng chục quốc gia.

Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị, ông Mike Pompeo – Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ nói “Chúng tôi được đón tiếp những thân hữu từ xã hội dân sự và từ Kitô giáo, Hồi giáo, Do Thái, Ấn Độ giáo, đạo Sikh, Phật giáo, Pháp Luân Công và các nền tảng thế tục khác”.

“Tôi muốn cảm ơn tất cả mọi người ở đây đã cống hiến một phần đời để giúp đỡ những người bị bức hại và để bảo vệ quyền không thể tách rời trong việc thực hành một tôn giáo và tuân theo lương tâm của họ và chăm sóc linh hồn của họ”.

Ông Pompeo cũng bày tỏ hy vọng rằng hội nghị sẽ thông báo về công việc của Ủy ban Những quyền không thể tách rời mới được thành lập gần đây, một ủy ban của các chuyên gia, các nhà hoạt động và các nhà lập pháp được giao nhiệm vụ cung cấp cho ban thư ký những tư vấn về việc làm thế nào để giải thích các quyền con người dựa trên các nguyên tắc sáng lập quốc gia và Tuyên ngôn Phổ quát về Quyền con người năm 1948.

Điểm nhấn: Trung Cộng

Trong khi hơn 100 phái đoàn nước ngoài được mời tham dự hội nghị, thì những quốc gia vi phạm quyền tự do tôn giáo như Trung Quốc, Iran và Pakistan đều không.

Trong hai thập kỷ qua, Trung Quốc được Bộ Ngoại giao Mỹ xác định là một “quốc gia cần phải quan tâm đặc biệt”, điều đó có nghĩa là quốc gia này có can dự, dính líu vào “các vi phạm tự do tôn giáo có hệ thống, liên tục, [và] nghiêm trọng”.

Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ, bà Nancy Pelosi (thuộc đảng Dân chủ, đại diện cho bang California), phát biểu trong một cuộc thảo luận cấp tiểu ban của hội nghị, nói rằng tính đến ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc, thì quy mô tầm mức lớn của các vi phạm tự do tôn giáo ở quốc gia này là một “thách thức đối với lương tâm của thế giới” .

Bà Pelosi nói “Nếu chúng ta không sẵn sàng lên tiếng chống lại những vi phạm quyền con người và những vi phạm quyền tự do tôn giáo ở Trung Quốc, chúng ta sẽ đánh mất tất cả mọi thẩm quyền đạo đức để nói về nó ở bất kỳ một nơi nào khác trên thế giới”.

Ông Pompeo, phát biểu tại buổi công bố báo cáo thường niên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về tự do tôn giáo toàn cầu hồi tháng Sáu, đã lên án Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vì “sự thù địch cực đoan đối với tất cả các tín ngưỡng tôn giáo, kể từ khi nó (ĐCSTQ) được thành lập”.

Ông nói, lúc đó “đảng (ĐCSTQ) đòi hỏi rằng chỉ một mình nó (ĐCSTQ) được gọi là Chúa”.

“Tại Trung Quốc, việc đàn áp dữ dội đối của chính quyền đối với nhiều tín ngưỡng như các học viên Pháp Luân Công, các Kitô hữu và các Phật tử Tây Tạng là một quy định (của chính quyền Trung Cộng).

Cựu Hạ nghị sỹ Hoa Kỳ – ông Frank Wolf, người mà đã một thời gian dài là người ủng hộ tự do tôn giáo trên toàn thế giới, nói tại hội nghị rằng các vụ lạm dụng ở Trung Quốc là tồi tệ nhất trong vòng 30 năm qua.

Ông Wolf nói rằng trong số các vi phạm của chế độ (Trung cộng) gồm có sự thâm nhập vào và đồng hóa Giáo hội Công giáo, việc giam giữ hàng loạt hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác ở khu vực Tân Cương trong các trại giam, và nạn “diệt chủng văn hóa” của những người theo đạo Phật Tây Tạng.

Ông Wolf cũng đề cập đến việc chế độ Trung cộng tiến hành cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ những tín đồ Pháp Luân Công vốn bị giam giữ vì niềm tin của họ.

Ông Wolf  nói “Tình hình hiện nay tồi tệ hơn so với bất cứ thời gian nào trước đây mà tôi đã từng phải đối phó với những vấn đề này”.

Tình hình đã xấu đi vì Hoa Kỳ – và đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp – đã không lên tiếng đủ mạnh như trước đây họ đã từng lên tiếng để chống lại Liên Xô trong những năm 1970 và 1980, ông Wolf nói tiếp.

Bà Pelosi nói rằng sau vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989, bà và nhiều nhà lập pháp khác đã ủng hộ việc Trung Quốc không được hưởng quy chế giao dịch ưu đãi với Hoa Kỳ. Nhưng bà đã nhận được sự phản kháng đáng kể từ cộng đồng doanh nghiệp với lập luận rằng sự cởi mở về kinh tế sẽ dẫn đến các quyền tự do lớn hơn.

Ba mươi năm sau, điều này đã không xảy ra, bà Pelosi nói. Trong khi đó, thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ với Trung Quốc đã tăng từ 5 tỷ đô la một năm lên 5 tỷ đô la mỗi tuần, bà nói thêm.

“Những gì họ [các nhóm lợi ích thương mại] đã gợi ý đã cho thấy là chúng không mang lại hiệu quả, nhưng họ không chịu trách nhiệm về điều đó”, bà Pelosi nói tiếp.

Ông Wolf phát biểu rằng các công ty nước ngoài hợp tác với chế độ Trung Cộng để phát triển các công nghệ được sử dụng vào việc đàn áp các nhóm tín ngưỡng, như công nghệ giám sát hàng loạt và trí tuệ nhân tạo, cần phải bị truy cứu trách nhiệm.

Ông nói tiếp “Các công ty phương Tây không nên hợp tác với người Trung Quốc để làm việc này. Tôi nghĩ rằng họ cần phải bị kiện ra tòa”.

Dân chúng cần phải tiến hành các vụ kiện chống lại các công ty như vậy, và các thiệt hại cần phải được bồi thường cho các nhóm nạn nhân, như người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng và các học viên Pháp Luân Công, ông Wolf nói.

Bà Pelosi ủng hộ đề xuất này, nói rằng các công ty cần phải bị lên án vì đã trợ giúp (các chế độ) vi phạm nhân quyền.

“Chúng ta cần phải bóc trần (sự thật này) và nói ‘quý vị là các tòng phạm của những hành động rất xấu xa’. Quý vị có muốn được nổi tiếng / được biết đến vì điều đó không?”

Nguồn: Religious Persecution a Global Crisis Needing Urgent Action, US Ambassador Says

VNTB gửi BVN

This entry was posted in Tôn giáo, Tự do tôn giáo. Bookmark the permalink.