Mai Hưng dịch
Ngày 3 tháng 7, Lầu Năm Góc đã lên án các cuộc thử nghiệm phi đạn này, nói rằng đó là một hành động gây rối trái ngược với các cam kết của Trung Quốc rằng sẽ không quân sự hóa khu vực này.
Thử nghiệm phi đạn gần đây của Bắc Kinh tại Biển Đông đã làm gia tăng các mối lo ngại về các hoạt động quân sự của Trung Quốc tại vùng biển hiện đang bị tranh chấp gay gắt.
Cuối tuần qua, một quan chức Mỹ yêu cầu được giấu tên, đã cho Reuters biết rằng Trung Quốc đã thử nghiệm nhiều tên lửa đạn đạo chống hạm trong vùng biển tranh chấp.
Ngày 3 tháng 7, Lầu Năm Góc đã lên án các cuộc thử nghiệm phi đạn này, nói rằng đó là một hành động gây rối trái ngược với các cam kết của Trung Quốc rằng sẽ không quân sự hóa khu vực này.
Trung tá Dave Eastburn, phát ngôn viên của Lầu Năm Góc, nói trong một tuyên bố rằng “Tất nhiên, Lầu Năm Góc biết rõ về những vụ phóng tên lửa này của Trung Quốc từ các công trình nhân tạo ở Biển Đông gần quần đảo Trường Sa”.
Ông East Eastburn nói thêm “Tôi sẽ không nói thay cho tất cả các quốc gia có chủ quyền trong khu vực, nhưng tôi chắc chắn một điều rằng họ đồng ý rằng hành vi của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là trái với tuyên bố của chính Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa rằng họ muốn mang lại hòa bình cho khu vực và rõ ràng là những hành động như thế này là những hành động cưỡng buộc nhằm đe dọa những quốc gia khác cùng có những yêu sách về khu vực Biển Đông này”.
Mối quan hệ giữa Bắc Kinh và các nước láng giềng đã có lúc trở nên gay gắt do tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Ngoài Trung Quốc, Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan, tất cả đều có những tuyên bố đối chọi nhau đối với các đảo, các rạn san hô và các thực thể đá tại vùng biển giàu tài nguyên này.
Để hậu thuẫn cho các tuyên bố của mình đối với các thực thể này, Bắc Kinh đã tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực, bao gồm cả khu vực xung quanh các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, nơi Bắc Kinh đã kiến tạo các đảo nhân tạo với việc thiết đặt các căn cứ hải quân và không quân.
Trong một cuộc họp báo thường kỳ vào ngày 2 tháng 7 (2019), Cảnh Sảng, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã không có bình luận nào khi được hỏi về tuyên bố của Hoa Kỳ. Cảnh Sảng đã giới thiệu phóng viên này sang Bộ Quốc phòng Trung Quốc để được trả lời về câu hỏi này.
Theo Reuters, Bắc Kinh cho biết họ đang thực hiện các cuộc tập trận ở khu vực giữa quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa từ cuối tuần trước cho đến ngày 3 tháng 7, và cảnh báo về việc ra vào khu vực được ấn định cho cuộc tập trận này.
Ngày 29 tháng 6 (2019), Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) đã đưa tin rằng Bắc Kinh đã thực hiện lệnh cấm du lịch bằng tàu thuyền ở Biển Đông. Văn phòng hàng hải Tam Sa, một thành phố ở phía nam của tỉnh Hải Nam của Trung Quốc, đã tuyên bố rằng lệnh cấm là do các cuộc tập trận quân sự ở vùng biển này, và cho biết rằng các hạn chế sẽ kéo dài đến hết ngày 3 tháng 7, 2019.
Diễn tiến này trước hết được NBC News đưa tin, vào ngày 1 tháng 7, trích dẫn một nguồn tin chính thức của Hoa Kỳ được yêu cầu giấu tên, rằng Bắc Kinh đã lần đầu tiên tiến hành các vụ thử tên lửa trong khu vực này.
Hồi tháng Năm năm ngoái, Trung Quốc đã lắp đặt tên các lửa hành trình chống hạm và các hệ thống tên lửa đất đối không trên ba trong số các tiền đồn của họ tại Biển Đông, CNBC đưa tin, trích dẫn các nguồn có thông tin trực tiếp về các báo cáo tình báo của Hoa Kỳ.
Quốc gia Philippines
Trong những năm gần đây, Hoa Kỳ đã tái khẳng định cam kết tăng cường hiện diện quân sự và đảm bảo tự do hàng hải trong vùng biển khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Hồi đầu tháng 6 (2019), cựu quyền Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Patrick Shanahan đã cảnh báo rằng Hoa Kỳ sẽ không “rón rén” nữa về các hành vi của Trung Quốc trong khu vực này nữa. Shanahan đã đưa ra những nhận xét trong Đối thoại hàng năm tại Shangri-La (Singapore), một diễn đàn an ninh lớn nhất của châu Á.
Việc mở rộng sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ tại Châu Á có thể bắt đầu với Philippines, vì Hải quân Hoa Kỳ hiện đang xem xét việc quay trở lại một xưởng đóng tàu tại Vịnh Subic, tờ báo Sao và Vạch (Stars and Stripes) của quân đội Hoa Kỳ đã đưa tin vào ngày 26 tháng Sáu như vậy.
Tư lệnh Nate Christensen, phó chỉ huy phụ trách các vấn đề công cộng của Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ cho biết rằng “Hải quân Hoa Kỳ đang nghiên cứu các năng lực của Nhà máy đóng tàu Hanjin tại vịnh Subic để sử dụng như một cơ sở sửa chữa và bảo trì tiềm năng”.
Xưởng đóng tàu này nằm trong vịnh Subic, trên bờ biển phía tây của hòn đảo lớn nhất Philippines, mở ra Biển Đông. Cho đến năm 1992, vịnh này là căn cứ của một trong những căn cứ hải quân nước sâu lớn nhất của Hoa Kỳ trong khu vực Biển Đông.
Theo báo Sao và Vạch (Stars and Stripes), tàu chiến và thủy quân lục chiến Hoa Kỳ vẫn thực hiện các chuyến ghé thăm thường xuyên mỗi khi đến vịnh này.
Nhà máy đóng tàu này hiện đang chờ đợi một nhà điều hành quản lý mới, kể từ khi chi nhánh Philippine của công ty Công nghiệp nặng và Xây dựng Hanjin của Hàn quốc, nộp đơn xin phá sản sau khi vỡ nợ với khoản nợ trị giá vào khoảng 1,3 tỷ đô la vào tháng 1 (2019). Từ thời điểm đó, các nhà máy đóng tàu từ nhiều quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc, Úc và Hoa Kỳ, đã bày tỏ sự quan tâm đến việc tiếp quản cơ sở này.
Đại úy hải quân đã nghỉ hưu Brian Buzzell, trong một ấn phẩm được xuất bản trên tạp chí Kỷ yếu hàng tháng của Viện Hải quân Hoa Kỳ hồi tháng 6 (2019), cho biết rằng việc để ngỏ này đã mở ra “một cơ hội vàng” cho việc Hải quân Hoa Kỳ trở lại vịnh này.
Ông này nói rằng sự trở lại của Hải quân Hoa Kỳ “sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Bắc Kinh rằng, bất chấp những nỗ lực của Trung Quốc, liên minh giữa Hoa Kỳ và Philippines vẫn sẽ rất mạnh mẽ và không thể phá vỡ”.
Buzzell cũng nói thêm rằng một cảng ở Vịnh Subic sẽ có nghĩa là các tàu chiến của Hải quân Hoa Kỳ sẽ không cần phải đến Trân Châu Cảng để bảo trì hoặc sửa chữa nữa trong khi họ đang làm nhiệm vụ ở vùng phía tây Thái Bình Dương.
Quốc gia Campuchia
Trong một báo cáo gần đây của Lầu Năm Góc về chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương, Campuchia được lưu ý là một quốc gia mà Hoa Kỳ đang tìm cách tăng cường hợp tác quân sự.
Theo bản báo cáo này, Hoa Kỳ tìm kiếm một sự cam kết với Campuchia mà sẽ “bảo vệ chủ quyền của mình, thúc đẩy một sự chuyên nghiệp quân sự và giúp nước này trở thành người đóng góp có trách nhiệm và có năng lực cho an ninh khu vực”, bất chấp một sự thật là quốc gia này đã đình chỉ mọi cuộc tập trận chung với Hoa Kỳ trong năm 2017.
Hồi tháng 6 (2019), Joseph Felter, Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ tại Nam và Đông Nam Á, đã viết một lá thư gửi Tia Banh – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Campuchia trong đó bày tỏ lo ngại rằng Campuchia có thể đang lên kế hoạch dọn đường cho việc bố trí các cơ sở quân sự của Trung Quốc tại căn cứ Hải quân Ream, theo báo Nikkei của Nhật Bản.
Tờ Nikkei đưa tin rằng ông Felter cho biết những lo ngại đã xuất hiện sau khi Campuchia đột ngột tuyên bố vào hồi tháng Sáu rằng các nguồn tài trợ của Hoa Kỳ sẽ không còn cần thiết cho việc nâng cấp tại căn cứ này nữa. Hồi tháng Một, khi Felter đi thăm căn cứ này, các quan chức Campuchia đã yêu cầu các nguồn tài trợ của Hoa Kỳ để nâng cấp sửa chữa căn cứ này, tờ Nikkei của Nhật Bản cho biết thêm như vậy.
Căn cứ hải quân Ream nằm ở phía nam của Sihanoukville, thành phố vốn có cảng nước sâu duy nhất của Campuchia. Theo Nikkei, vùng nước gần căn cứ Ream đủ sâu để bố trí các tàu tuần tra nhỏ.
Ông Tia Banh nói với Nikkei rằng ông đã nhận được thư của Felter, nhưng phủ nhận rằng Campuchia đang lên kế hoạch dọn đường cho việc bố trí các cơ sở quân sự của Trung Quốc tại căn cứ Hải quân Ream này.
Chính quyền Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều vào Campuchia thông qua sáng kiến chính sách đối ngoại “Một Vành đai Một Con đường” mà kết quả là sẽ dẫn quốc gia này đến việc mắc nợ Bắc Kinh nặng nề. Campuchia hiện đang nợ Trung Quốc đến 3 tỷ đô la Mỹ – gần bằng một nửa tổng số nợ nước ngoài của Campuchia.
M.H.
Bản gốc: China Missile Tests in South China Sea Highlights Beijing’s Ambitions in Region
VNTB gửi BVN