Thảo Vy
Khoảng 1.900 dịch vụ y tế dự kiến sẽ điều chỉnh giá theo mức lương cơ sở từ ngày 1-7-2019. Cùng với đó, giá dịch vụ y tế sẽ được tính thêm khoản gọi là ‘chi phí quản lý’. Hiện giá dịch vụ khám chữa bệnh đã bao gồm chi phí trực tiếp và tiền lương.
Lý do tăng: “Trên cơ sở ý kiến của Bộ Tài chính tại công văn số 14818/BTC-QLG ngày 27 tháng 11 năm 2018; Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trong toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế trong một số trường hợp” – Thông tư số 39/2018/TT-BYT giải thích như vậy.
Tuy gọi là ‘một số trường hợp’ nhưng có tới 1.900 dịch vụ y tế dự kiến sẽ tăng. Nội dung chi tiết của văn bản, có thể tham khảo tại đây http://bit.ly/2Ix1pM4
Điều chỉnh tăng theo mức lương cơ sở
Lý giải về sự điều chỉnh giá này, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Bộ Y tế cho biết, giá dịch vụ y tế hiện nay bao gồm hai khoản chi phí là chi phí trực tiếp và chi phí tiền lương, chưa tính chi phí quản lý và khấu hao tài sản.
Tiền lương tính trong giá dịch vụ y tế hiện nay vẫn tính theo mức lương cơ sở được ban hành từ năm 2013 là 1.150.000 đồng. Trong thời gian vừa qua, Chính phủ cũng nhiều lần tăng lương cơ sở, đặc biệt từ ngày 01-07-2019, tăng lương cơ sở từ 1,39 triệu đồng/tháng lên 1,49 triệu đồng/tháng.
Dĩ nhiên là các khoản phí trích đóng bảo hiểm xã hội, công đoàn, và… ‘Đảng phí’ cũng tăng theo do tính theo tỷ lệ phần trăm tính trên tiền lương.
Với người dân, giá dịch vụ y tế tăng là chất thêm nỗi lo về gánh nặng kinh tế, nhất là đối với bệnh nhân nghèo. Hiện nay, theo con số từ cơ quan chức năng thì cả nước có khoảng 85% dân số tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), với nhóm dân số chưa tham gia BHYT thì việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế sẽ khiến họ gặp khó khăn.
Một điều dưỡng Khoa ung bướu ở Bệnh viện Bình Dân làm phép tính, hiện tại bệnh nhân ung thư điều trị và phẫu thuật, chưa đến giai đoạn phải xạ trị, nếu đúng tuyến thì chi phí phần lớn được BHYT chi trả đến 80%; một số xét nghiệm y khoa có phần đồng chi trả hạn chế, hoặc không chi trả BHYT, như chụp MRI, chỉ đồng thanh toán nếu như bệnh nhân ấy tham gia đóng bảo hiểm liên tục 5 năm liền.
Thông thường, một ca chữa trị ung thư, chưa đến mức xạ trị, nếu không có BHYT, số tiền thực tế phải chi trả có thể hơn 200 triệu đồng. Nhưng với mức phải thanh toán gọi là đồng chi trả với cơ quan BHYT khoảng 60 triệu đồng vẫn là số tiền lớn, với nhiều người nghèo là không dễ xoay xở được.
“Qua đánh giá 1.900 dịch vụ y tế đã được công bố giá, chúng tôi nhận thấy vẫn còn nhiều dịch vụ có thể giảm giá do các yếu tố đầu vào chưa chuẩn. Cùng một dịch vụ sử dụng dịch truyền nhưng giá lại chênh lệch quá nhiều, dẫn đến giá thay đổi.
Cách tính viện phí theo hướng lương tăng thì phí tăng là đúng theo luật giá, nhưng khi giá đầu vào thay đổi thì cần tính toán lại đầu vào và đầu ra để có giá mới phù hợp. Sẽ có rất nhiều người bệnh bị ảnh hưởng bởi phí dịch vụ y tế tăng. Điều mà người bệnh mong mỏi là được chăm sóc điều trị tốt nhất, tương xứng với đồng tiền họ phải bỏ ra để chữa bệnh”. Ông Dương Tuấn Đức, Giám đốc Trung tâm giám định và thanh toán đa tuyến phía bắc của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, nhận xét.
Tiêu chí công bằng của tài chính bệnh viện trong chuyện viện phí tăng
Các cơ chế cấp tài chính cho cơ sở cung cấp dịch vụ y tế gồm có: cấp từ ngân sách nhà nước, từ quỹ BHYT và chi trả viện phí trực tiếp của người bệnh.
Về bản chất, hầu hết các nguồn cấp tài chính này đều do người dân đóng góp. Ngân sách nhà nước được hình thành từ thuế và một phần từ viện trợ quốc tế; quỹ BHYT được hình thành từ phí bảo hiểm tính theo tỷ lệ thu nhập của người lao động và sự đóng góp của người sử dụng lao động; chi trả trực tiếp hay còn gọi là chi từ tiền túi của người dân cho dịch vụ y tế và cho hiệu thuốc.
Các nguồn cấp tài chính cho cơ sở dịch vụ y tế thông qua ngân sách nhà nước và quỹ BHYT được coi là tài chính công (hay chi tiêu công/chi từ quỹ chung), còn nguồn chi trả trực tiếp của người dân cho dịch vụ y tế, hoặc để mua thuốc được coi là nguồn tài chính tư (hay chi tư/chi riêng của từng cá nhân).
Khi nguồn chi tư chiếm hơn 50% tổng chi cho y tế của toàn xã hội, thì đó là dấu hiệu của một cơ chế tài chính mất công bằng quá mức. [Theo WHO. Strategy on Health care financing for the countries of the Western Pacific and South – East Asia Regions (2006 – 2010). Manila; 2005].
Bởi vì nếu trên 50% là nguồn chi tư (tức là nguồn chi trả trực tiếp của người bị đau ốm), thì trên thực tế “ai ốm đau nhiều sẽ phải chi trả nhiều”, không có sự chia sẻ đầy đủ của các nguồn tài chính được tập hợp thành quỹ, hay tài chính công (ngân sách nhà nước và BHYT), trong đó có sự đóng góp đáng kể của những người khoẻ mạnh và những người có thu nhập cao.
Đây là điểm khác biệt cơ bản của công bằng trong chăm sóc sức khỏe. Nếu trong kinh tế công bằng là “phân phối theo mức đóng góp vốn và các nguồn lực khác”, thì công bằng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe hoàn toàn không phải như vậy, không có nghĩa là ai đau ốm nhiều thì phải trả nhiều tiền, tức là không thể gắn khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản với khả năng chi trả.
Những lập luận nói trên là căn cứ theo góc nhìn của Tổ chức Y tế Thế giới WHO. Ở Việt Nam thì mọi chuyện không như vậy.
Bộ trưởng Y tế cứ như đang sống ở… cõi trên!
Ngày 01-03-2016, đã có hơn 1.800 dịch vụ y tế đồng loạt tăng giá theo quy định của Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29-10-2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính, quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc. Lúc đó, bà Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng khi viện phí tính cả lương bác sĩ, các bệnh viện sẽ phải chạy đua để tăng chất lượng dịch vụ, thay đổi thái độ với người bệnh… vì nếu không bệnh viện sẽ phải ngồi chơi xơi nước.
Chưa hết, trước thắc mắc được báo chí chuyển đến Bộ Y tế: “1.800 dịch vụ y tế đồng loạt tăng thì những người nghèo chúng tôi làm sao có cơ hội chữa bệnh?”, thì ông Nguyễn Nam Liên – Vụ trưởng Kế hoạch Tài chính Bộ Y tế, hồi đáp đầy chất ‘tuyên giáo’ trong một văn bản có nội dung nguyên văn như sau: “Theo chính sách của Đảng và Nhà nước ta hiện nay toàn bộ người nghèo theo chuẩn nghèo do Thủ tướng quy định. Trong đó, người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng kinh tế xã hội khó khăn; người dân sinh sống ở vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; các xã đảo, huyện đảo… được Nhà nước cho phép mua thẻ bảo hiểm y tế nên khi đi khám chữa bệnh được bảo hiểm xã hội thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh.
Đối với người cận nghèo thì đã được Nhà nước hỗ trợ 70% để mua thẻ bảo hiểm y tế. Như vậy, người cận nghèo chỉ phải bỏ ra 30% mệnh giá thẻ bảo hiểm y tế (khoảng 186.000 đồng), khi đi khám chữa bệnh được bảo hiểm xã hội thanh toán 95% chi phí khám chữa bệnh nên việc tăng giá dịch vụ y tế thì không ảnh hưởng đối với nghèo vì đã được bảo hiểm y tế thanh toán…”.
Như vậy, với những người nghèo nếu đã thực hiện các quy định về thủ tục hành chính liên quan chuyện nghèo này thì họ mới cơ may được hưởng những phúc lợi an sinh từ Đảng và Nhà nước như lời trần tình của ông Nguyễn Nam Liên. Giờ thì sắp sửa điều chỉnh tăng hơn 1.900 dịch vụ y tế, chắc chắn người nghèo khi bệnh tật sẽ thêm khốn khó.
Dẫn chứng liên quan về chuyện ‘hộ nghèo/cận nghèo’: Trong văn bản có tên “Quyết định số 299/QĐ-UBND về việc phê duyệt số liệu hộ nghèo và hộ cận nghèo cuối năm 2017” của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương [http://bit.ly/2ZJ9vqr], thì “số liệu hộ nghèo và hộ cận nghèo cuối năm 2017 của các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau: Số hộ nghèo là 3.206 hộ nghèo trên tổng số 294.573 hộ nhân dân của tỉnh, chiếm tỷ lệ 1,09%.
Trong đó số hộ nghèo thuộc chỉ tiêu giảm nghèo là: 1.989 hộ trên tổng số 294.573 hộ nhân dân của tỉnh, chiếm tỷ lệ 0,68%; Số hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội là: 1.217 hộ trên tổng số 294.573 hộ nhân dân của tỉnh, chiếm tỷ lệ 0,41%; Số hộ cận nghèo là 2.883 hộ trên tổng số 294.573 hộ nhân dân của tỉnh, chiếm tỷ lệ 0,98%”.
Ở Quyết định kể trên cho biết ở thành phố Thủ Dầu Một chỉ có 29 hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội – tức nằm trong diện được Đảng và Nhà nước chăm lo về BHYT như lời của ông Nguyễn Nam Liên.
Những con số liên quan ‘nghèo’ ở tỉnh Bình Dương xem ra khó thuyết phục về độ tin cậy. Tuy nhiên đó lại là chứng cứ pháp lý cho chuyện liên quan BHYT.
Oái oăm hơn là số liệu của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thì cho rằng ở tỉnh Bình Dương là tỉnh duy nhất của cả nước không còn hộ nghèo căn cứ vào thống kê Tổng hợp diễn biến hộ nghèo cả nước năm 2016. [Nguồn: Quyết định số 945/QĐ-LĐTBXH về phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2016 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 trên phạm vi toàn quốc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung ký ban hành ngày 22-6-2017 – http://bit.ly/2xbNnZS]
Xem ra ‘ở cõi trên’ không chỉ có bà bộ trưởng Y tế, mà còn có cả ông bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội; hay nói rộng hơn là còn cả Bộ Chính trị – cơ quan quyền lực nhất quốc gia trong mọi vấn đề sách lược an sinh.
Ước gì các quan chức Bộ Chính trị từng bị… nghèo tiền!
Chuẩn nghèo mà Chính phủ ban hành giai đoạn 2016 – 2020 quy định mức thu nhập là 700.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 900.000 đồng/người/tháng ở thành thị.
Trong khi đó, tháng 10-2016, UBND tỉnh Bình Dương ban hành chuẩn nghèo của tỉnh với mức thu nhập 1,2 triệu đồng/người/tháng ở nông thôn và 1,4 triệu đồng/người/tháng ở thành thị. Điều này giải thích cho chuyện chênh lệch số liệu như đã đề cập ở phần trên.
Do khập khiễng về chuyện chuẩn nghèo, nên trước đây gia đình ông Lê Văn Trung 75 tuổi, ngụ khu phố 8, phường Tương Bình Hiệp, thành phố Thủ Dầu Một, thuộc diện hộ nghèo, được hưởng chế độ bảo trợ xã hội. Tuy nhiên, từ tháng 8-2016, gia đình ông được khu phố 8 và UBND phường Tương Bình Hiệp đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo, đồng thời cắt luôn chế độ bảo trợ xã hội.
Ông Trung kể vợ chồng ông đều già yếu: “Tôi có 4 người con đều nghèo khó, ở nhà trọ, cũng không có tiền để cho vợ chồng tôi. Bản thân tôi cũng muốn đi làm nhưng lớn tuổi rồi không ai mướn cả”. Còn theo bà Bông, vợ của ông Trung, hằng ngày hai ông bà sống nhờ gạo từ thiện của một cơ sở tôn giáo, còn thức ăn thì hàng xóm cho.
Việc đưa gia đình ông Trung ra khỏi danh sách hộ nghèo, ông Lê Văn Chí, Trưởng ban Điều hành khu phố 8, phường Tương Bình Hiệp, phân trần: “Ở khu phố còn nhiều người nghèo hơn, chúng tôi phải đưa những trường hợp như gia đình ông Trung ra khỏi danh sách để đưa những người khó khăn hơn vào cho họ hưởng chế độ bảo hiểm y tế và nhận quà vào những dịp lễ tết”.
Ông Chí cũng giải thích: “Do chuẩn nghèo của tỉnh quá cao so với quốc gia nên phải xét như vậy để đảm bảo quyền lợi cho người nghèo”.
“Tỷ lệ hộ nghèo còn bị khống chế theo đề án xây dựng nông thôn mới. Không giảm được hộ nghèo thì ấp không đạt danh hiệu khu ấp văn hóa. Xã không đạt mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Trong khi đó những hộ nghèo như đã nói ở trên chúng tôi xác định là nghèo bền vững”. Ông Lê Văn Thanh, Trưởng ban Điều hành ấp Yên Ngựa, xã Định Thành, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương, cho biết.
Người nghèo – đặc biệt là với ‘nghèo bền vững’ lại phải thắt họng khi khám chữa bệnh kể từ ngày 01-07 tới đây xem ra là điều hiển nhiên trong bối cảnh có những chuẩn nghèo đầy ‘cõi trên’ đến như vậy!
T.V.
VNTB gửi BVN