Ngoại giao đa phương, hóa thù thành bạn là lẽ sống

Chu Mộng Long

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2019/06/H7-16.jpg

Ảnh minh họa. Nguồn: Aging Capriciously

Ngoại giao tốt thì hóa thù thành bạn. Ngoại giao tồi thì hóa bạn thành thù.

Việt Nam và nhiều quốc gia đã từng trả giá từ chiến tranh nóng đến chiến tranh lạnh. Chết chóc và đói khát xảy đến cho dân tộc mình cũng từ ngoại giao. Ai từng mất mát, từng đói khát thì đều thấm thía điều này. Chỉ những kẻ không mất sợi lông, cả đời, cả họ sống vinh thân phì da thì mới hung hăng đòi chiến hết với kẻ này đến kẻ khác.

Tôi hoan nghênh Bộ Ngoại giao Việt Nam đã đối thoại mềm dẻo với chính phủ Singapore sau phát ngôn của Thủ tướng Lý Hiển Long. Cụm từ “lấy làm tiếc” trong trường hợp này là chuẩn mực. “Lấy làm tiếc” vì sau bao nhiêu năm của cuộc chiến chống Khmer đỏ, hơn cả thành tích chống khủng bố mà thế giới đang làm, mà Lý Hiển Long vẫn chưa thay đổi nhận thức, xem quân đội Việt Nam tấn công tiêu diệt Khmer đỏ là “xâm lược”. Đó là “lấy làm tiếc” về nhận thức dẫn đến phát ngôn gây phẫn nộ.

Và tôi cũng hoan nghênh trả lời của Bộ Ngoại giao Singapore, rằng cách nói của ông Lý Hiển Long không nhằm mục đích xấu, và tuyệt nhiên không có chuyện ủng hộ diệt chủng. Chống một quốc gia can thiệp bằng vũ lực vào một quốc gia khác không thông qua Hội đồng bảo an Liên Hiệp quốc không đồng nghĩa với ủng hộ bọn diệt chủng. Cũng như ta có quyền lên tiếng chỉ trích Hoa Kỳ tấn công Afganistan, Lybia hay Irac không đồng nghĩa với ta đang ủng hộ khủng bố hay sử dụng vũ khí sinh học, hóa học.

Chụp mũ người ta ủng hộ diệt chủng thì khác nào gậy ông đập lưng ông, nếu không nói cố tình khoét sâu thù địch?

Tất nhiên, tôi không ủng hộ cách biện hộ này, bởi sự thực diệt chủng của Pol Pot đã được Tòa án quốc tế xét xử công khai và thuyết phục toàn cầu. Phát ngôn của ông Lý Hiển Long chẳng qua là một quán tính của nhận thức, không chỉ của ông mà của nhiều quốc gia như tôi đã viết ngay trong bài đầu tiên.

Song đây là lúc Việt Nam ta cần đối thoại thẳng thắn, ôn hòa, không vì khác biệt mà thêm thù địch.

Không kích động, không thù địch, đó là thiện chí hòa bình và xây dựng. Chỉ vì lời nói mà kích động xung đột, mâu thuẫn, điều đó có thể làm tan rã khối đại đoàn kết ASEAN và ảnh hưởng đến hòa bình khu vực. Và điều đó chỉ có lợi cho âm mưu bá quyền của nước lớn. Các nước nhỏ xung đột và gây chiến tranh chỉ có thể là nguồn lợi lớn của những kẻ ôm mộng bá quyền, dù đó là Mỹ hay Trung.

Sau thời kỳ chiến tranh nóng và chiến tranh lạnh, quan hệ ngoại giao đa phương, hóa giải thù thành bạn là đường lối ngoại giao đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam cần được phát huy.

Tuy nhiên, xem ra nỗ lực đó đang bị nhiều kẻ “nổi máu anh hùng” phá hoại một cách vô tình hay hữu ý. Nhiều kẻ muốn thân Trung chống Mỹ hoặc ngược lại thân Mỹ chống Trung đều cực đoan. Chiến tranh với Mỹ hay với Trung rốt cuộc đều để lại máu và nước mắt, trì hoãn sự phát triển của đất nước hàng trăm năm. Những kẻ chỉ thấy máu của người khác mà không thấy máu của mình mới hung hăng hết đòi chiến với người này đến chiến với người khác.

Chỉ một câu nói của Lý Hiển Long khác biệt với quan điểm của mình mà đã hung hăng đòi cả máu của người ta thì chỉ có thể là kẻ hiếu chiến, trong khi quan hệ ngoại giao lâu nay giữa hai quốc gia hoàn toàn tốt đẹp.

Kể cả việc gào lên bắt Lý Hiển Long phải cúi đầu xin lỗi Việt Nam cũng là thái độ trịch thượng, mục hạ vô nhân, cố tình làm nhục kẻ khác để chứng tỏ ta lớn hơn người.

Không ít người quay sang chỉ trích Bộ Ngoại giao Việt Nam vì sao dùng cụm từ “lấy làm tiếc”, cách nói đó là “ươn hèn, nhu nhược”. Không lấy làm tiếc thì dùng súng đạn đánh nhau hay sao?

Đến lúc chúng ta phải giải trừ nhiều thứ để sống hòa bình với nhân loại và phát triển đất nước. Một là giải trừ ý thức hệ cực đoan. Người ta có quyền theo ý thức hệ cộng sản để vươn tới lý tưởng hòa đồng bác ái nhưng cũng không thù địch với ý thức hệ tư sản hay tôn giáo. Hai là giải trừ truyền thống đối đầu bằng vũ lực. Sử dụng vũ lực là hạ sách khi không thể đối thoại. Ba là, giải trừ căn bệnh nhìn đâu cũng thấy thù địch. Khi nhìn đâu cũng thấy thù địch thì không thể có cuộc sống bình thường.

Hòa bình là gốc của nhạc (Nguyễn Trãi). Một bản nhạc bao gồm những âm khác biệt, nhưng xuyên suốt bản nhạc là sự hòa điệu. Biết hòa điệu những khác biệt mới là tư tưởng lớn chứ không phải khoét sâu mâu thuẫn để gây xung đột theo cách của kẻ tiểu nhân. Hòa bình là tiếng nói chung để đi đến hòa điệu những khác biệt giữa các quốc gia dân tộc.

Biết bàn về chính trị sẽ đụng đến những vấn đề nhạy cảm, thậm chí còn bị nhiều kẻ cực đoan khủng bố (Tôi đang báo công an về mấy kẻ điện thoại, nhắn tin khủng bố). Nhưng phải bàn. Vì chính trị liên quan đến miếng cơm manh áo và máu xương của người dân và ảnh hưởng lâu dài đến tương lai của cả dân tộc. Đó là trách nhiệm của trí thức hiểu biết.

C.M.L.

Nguồn: FB Chu Mộng Long

This entry was posted in Ngoại Giao. Bookmark the permalink.