KTS Trần Thanh Vân
Phần 1
Lời mở dầu
Trong những ngày giáp Tết nguyên đán Kỷ Hợi, nữ phóng viên Thanh Trúc của đài RFA gọi điện thoại phỏng vấn tôi về phong thủy năm Kỷ Hợi và những điều được, mất, hay, dở của ông TT Mỹ Donald Trump và ông Chủ tịch nước, TBT ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng, liên quan đến vận mệnh của đất nước VN.
Một câu hỏi thật lý thú nhưng rất khó trả lời vắn tắt qua điện thoại, tôi chỉ nói với Pv Thanh Trúc rằng năm Kỷ Hợi là năm Bình địa mộc – là cái cây trong vườn, hiền lành yếu ớt, không ảnh hưởng gì đến Ốc thượng thổ – Mái ngói trên nóc nhà của ông Donald Trump tuổi Bính Tuất, nhưng ông ta đã già rồi mà vẫn giữ những thói hư tật xấu không chịu an phận con chó cưng được nuôi trong cũi, thì thật khó tránh tai bay vạ gió. Nhưng khi nói đến vận mệnh tuổi Giáp Thân – Tuyền trung thủy – tức là Nước trong giếng, của ông TBT Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, thì tôi không hy vọng những gầu nước giếng của ông có thể tưới cho vườn cây được xanh tốt, bởi vì có thể nước đó đã bị ô nhiễm, có thể nước đó đã chứa nhiều chất độc hại và đến đây tôi buộc phải diễn giải đầy đủ về ý nghĩa của phong thủy trên góc độ vật chất.
Phong là gió, thủy là nước, từ cổ chí kim, từ Tây sang Đông, từ một thôn xóm nhỏ bé hay một đại đô thị, con người đều tìm ngọn gió lành và dòng nước trong, đó là nguyên lý phong thủy cơ bản nhất để tạo nên cuộc sống yên lành, hạnh phúc và bền vững. Tôi đã nói với nữ phóng viên Thanh Trúc những điều đó và tôi khẳng định rằng trong hoàn cảnh hôm nay, khi môi trường sống của Hà Nội, thủ đô của cả nước đang bị ô nhiễm nặng, khi hệ thống phong thủy của Thăng Long đầy hào khí khi xưa đang bị triệt phá nặng nề, thì với tư cách là người đứng đầu đất nước, ông Nguyễn Phú Trọng hay bất cứ ông lãnh đạo nào cũng sẽ bất lực. Không một ai sẽ làm được bất cứ điều gì cho đất nước, khi phong thủy bị triệt phá nặng nề. Thành phố Hà Nội ngày một to và nhiều nhà cao tầng mọc lên, nhưng trên 85% diện tích mặt nước sông hồ đã bị lấp, tất cả các con sông Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Kim Ngưu, sông Tích, sông Đáy… đều bị tắc nghẽn, đầy rác rưởi và xác súc vật, ngay cả Hồ Tây rộng mênh mông cũng đầy rác và cá chết. Khắp Hà Nội là những bãi rác bẩn thỉu, rác quét chỗ này, thì rác đến chỗ kia, rác tràn ngập từ các cơ quan công quyền đến những nhóm ăn nhậu vô công rồi nghề trên vỉa hè.
Để dọn dẹp hết những đống rác rưởi đó, không thể có biện pháp nào hơn là khôi phục sức sống của các dòng sông, nước chảy, khi động, gió thổi, sinh khí tràn đầy và cây cối tốt tươi, con người khỏe mạnh, sức sống tràn trề và xã hội mỗi ngày một tốt đẹp hơn. Đó là biện pháp duy nhất để khôi phục hệ thống phong thủy, để cứu rỗi cho vận may của đất nước.
Những ngày rộn ràng chúc tụng mừng năm mới trôi qua khá nhanh chóng. Tôi không thể không nghĩ đến một đại dự án về KHÔI PHỤC HỆ THỐNG SÔNG NGÒI mà tôi tâm đắc đã lâu.
Để minh chứng tính thực tế của một dự án nghe qua tưởng như lãng mạn viển vông, nhưng rất nhiều khả năng hiện thực, nếu có tiền và có quyết tâm. Điều quan trọng là các nhà lãnh đạo VN có hiểu và có quyết tâm phục hồi trục phong thủy cho thành phố thủ đô này hay không?
Phần 2
Tiếp cận nội dung dự án lớn
Suy nghĩ về hệ thống sông ngòi bao quanh Hà Nội, tôi đặt nhiều hy vọng vào khả năng phục hồi dòng sông Đáy, tổng chiều dài 240Km, từ cửa sông làng Hát Môn huyện Phúc Thọ, đi qua cầu Phùng, qua các huyện phía Tây thành phố, đến Phủ Lý, Ninh Bình, Nam Định rồi đi ra biển. Nếu dòng sông này được khôi phục, các mối nối với sông Nhuệ, sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu và các ao hồ được lập lại, nếu trên quãng đường 240Km này xuất hiện nhiều hồ điều hòa để tích trữ nước vào mùa mưa và cung cấp nước sạch vào mùa khô, thì các thảm họa về Môi trường sẽ không còn nữa. Nhưng thực hiện được những điều đó, không chỉ cần quyết tâm, mà cần phải có rất nhiều tiền.
Tôi ý thức được rằng giúp các nhà lãnh đạo các cấp hiểu được ý nghĩa của công việc này đã khó, nhưng tìm ra nguồn tài chính để đầu tư vào công việc này còn khó hơn nhiều.
Cuối tháng 4/2018, vào dịp lễ hội Hoa Lư, kỷ niệm 1050 năm vua Đinh Tiên Hoàng xây dựng nước Đại Cồ Việt và kinh đô Hoa Lư, tôi đánh bạo gửi tập tài liệu nghiên cứu LỘ TRÌNH VUA LÝ THÁI TỔ ĐI TỪ HOA LƯ VỀ THĂNG LONG đến một số vị lãnh đạo nhà nước và tôi thu nhận được kết quả thật thú vị.
Xin mời đọc tập tài liệu trước:
LỘ TRÌNH TỪ HOA LƯ ĐẾN THĂNG LONG
– Có rất nhiều giả thiết được đưa ra về lộ trình dời đô từ thành Hoa Lư về thành Đại La của vua Lý Công Uẩn.
– Tìm hiểu tài liệu của nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, xin triển khai giả thiết của ông về lộ trình dời đô bằng những hình ảnh chụp từ vệ tinh và một số ảnh tư liệu còn lưu được.
Toàn văn sách cũ chỉ ghi: “Mùa thu tháng bảy năm Canh Tuất (1010) Vua dời đô từ thành Hoa Lư đến thành Đại La. Thuyền tạm đỗ dưới thành, có Rồng Vàng hiện ra trên thuyền ngự, nên đổi Đại La thành Thăng Long
Hình 1: Bản đồ Hà Nội bên sông Hồng chụp từ vệ tinh và bản đồ Thăng Long thời Hồng Đức 1490
Ý kiến của KTS Trần Thanh Vân:
Tại đây có giả thiết khác: Để chuẩn bị cuộc Di Đô, Vua Lý Thái Tổ về Thăng Long hai lần. Lần đầu vào năm 1009 hoặc đầu 1010 sau khi lên ngôi. Vua đi thuyền từ sông Hồng vào sông Tô Lịch, ra Hồ Tây từ cửa Hồ Khẩu (ngày nay vẫn còn dấu tích cửa sông Tô ở làng Hồ Khẩu Quận Tây Hồ). Thuyền đỗ lại bên bờ Đầm Trị vì chỉ ở đó vào thời gian đó mới có thể nhìn thấy LONG QUYỂN THỦY (Rồng cuộn sóng bay lên cao).
Thực tế không có con Rồng nào cả mà chỉ là cột nước cuộn lên trong ráng chiều vàng, trông giống như con Rồng (Báo Người Hà Nội, đăng từ 2006, tác giả Lê Trần Minh)
Sau khi trở lại Hoa Lư, nhà vua triệu tập cả triều họp bàn và thống báo sự cần thiết phải di đô. Ngài viết Chiếu dời đô và đến tháng bảy năm 1010, chờ mùa nước lên, đoàn thuyền ngự khởi hành từ Hoa Lư và đã cập bến sông Tô Lịch bên thành Đại La.
Hình 2: Cuối năm 967, Đinh Bộ Lĩnh dẹp xong loạn 12 sứ quân, xây dựng nền thống nhất quốc gia. Năm sau, ông lên ngôi hoàng đế, đóng đô ở Hoa Lư (Ảnh Đền Vua Đinh – Hoa Lư – Ninh Bình)
Hình 3: Ngày ấy, kinh thành Hoa Lư có 2 khu vực: Thành Ngoại ở phía Đông; Thành Nội ở phía Tây. Con ngòi Sào Khê quanh co lượn khúc nối kinh thành với sông Hoàng Long (Trong ảnh là sơ đồ kinh thành Hoa Lư).
Hình 4: Hoa Lư thuở đó tuy giao thông thủy bộ cũng thuận lợi nhưng chưa phải là một trung tâm kinh tế hoặc văn hóa lớn. Đó là vùng núi non hiểm trở, thuận tiện cho việc phòng giữ, tự vệ về mặt quân sự hơn là hoạt động kinh tế
Hình 5: Không thể tiếp tục đặt kinh đô, đầu não của quốc gia ở vùng núi non hiểm trở, mùa đông năm 1009 Lý Công Uẩn lên ngôi vua thì mùa thu năm sau ông đã quyết định dời kinh đô về thành Đại La. Ông ban bố một bài chiếu gọi là “Chiếu dời đô”
Hình 6: Cuộc dời đô của vị vua sáng lập triều Lý đi theo đường thủy và đi vào cuối mùa hè. Chọn lộ trình và thời điểm như vậy hẳn là ông lợi dụng mùa nước lên để không lo bị mắc cạn, cũng như lợi dụng mùa gió nồm để buồm được no gió, đỡ nhiều công chèo chống.
Hình 7: Cuộc dời đô bắt đầu theo dòng Sào Khê ra bến sông Hoàng Long.
Sơ đồ các mối nối giữa sông Sào Khê đến sông Hoàng Long, ra ngã ba Giản Khẩu thì gặp sông Đáy, rồi đoàn thuyền ngược lên hướng Bắc.
Các nét vẽ mầu đỏ chỉ sông Sào Khê hiện nay vẫn còn, nhưng không còn rộng và sâu như xưa, thuyền lớn không qua lại được nữa.
Hình 8: Sông Hoàng Long ngày nay vẫn đẹp nên thơ với những thảm lúa uốn lượn hai bờ.
Hình 9: Từ bến sông Hoàng Long, thuyền xuôi về Đông, tới ngã ba Gián Khẩu – chỗ sông Hoàng Long hòa nước vào sông Đáy – thì thuyền ngược dòng theo sông Đáy lên hướng Bắc.
Hình 10: Bến thuyền ở ngã ba Gián Khẩu ngày nay
Hình 11: Tháng 7 âm lịch, gió nồm nên đi ngược cũng không khó khăn gì.
Tới chỗ nay là thị xã Phủ Lý, thuyền gặp ngã ba sông Châu.
Hình 12: Chỗ ngã ba này là nơi giáp ranh 3 đơn vị hành chính: phường Lương Khánh Thiện của thị xã Phủ Lý, thôn Ba của xã Phù Vân, xóm Bắc Sơn của xã Châu Sơn, huyện Kim Bảng (Hà Nam)
Hình 13: Từ Phủ Lý đến nơi giáp ranh xã Tiên Phong (huyện Duy Tiên) và xã Bình Nghĩa (huyện Bình Lục) thì sông Châu vốn là chỉ một nhánh.
Hình 14: Nhưng đến đây thì sông Châu chia dòng tách thành hai nhánh
Hình 15: Một nhánh chảy ngược lên phía Bắc tới nơi giáp ranh hai xã Yên Nam và Trác Văn (Duy Tiên) thì quặt sang Đông, đổ vào sông Hồng ở chỗ nay là xóm Tắc Giang, thôn Lỗ Hà, xã Chuyên Ngoại, ranh giới tự nhiên cho 2 huyện Duy Tiên – Lý Nhân.
Hình 16: Ngày nay nhánh sông chảy lên phía Bắc đã bị con đê mới đắp thời Pháp thuộc chặn lại. Song chỗ cửa sông cũ (chỗ gặp sông Hồng) còn khá rộng.
Hình 17: Nhánh còn lại từ xã Bĩnh Nghĩa chảy xuôi về Đông Nam làm ranh giới tự nhiên cho 2 huyện Bình Lục và Lý Nhân để rồi đổ ra sông Hồng ở xã Hòa Hậu (Lý Nhân).
Hình 18: Nhánh sông này cũng đã được xây cống với trạm bơm Hữu Bị.
Do vậy, sông Châu không ra tới sông Hồng được nữa.
Hình 19: Sông Châu (màu đỏ) giờ là con sông đang thoi thóp thở vì nó không còn có thể gặp sông Hồng được.
Nhưng cách đây nghìn năm thì sự thông thương trên sông là tất nhiên. Và thuyền nhà Lý đã theo sông Châu Giang ra sông Hồng có thể theo 1 trong 2 nhánh nói trên.
Hình 20: Sau đó thuyền theo sông Hồng (Trong ảnh là con sông Hồng ngày nay đoạn từ Hà Nam ngược lên Thăng Long)
Hình 21: Ngày nay cả hai nhánh của sông Châu nối với sông Hồng đều đã bị chặn. Hơn nữa đoạn cửa sông Tô Lịch đi vào Hồ Tây gặp sông Thiên Phù ở Bến Hàm Tân đã hoàn toàn biến mất. Phố Chợ Gạo, phố Quán Thánh, phố Thụy Khê…đã lấp kín và xây dựng nhà cao tầng
Hình 22: Bản vẽ tổng hợp, hành trình từ sông Sào Khê – sông Hoàng Long – sông Đáy – sông Châu – sông Hồng – sông Tô Lịch là lộ trình dời đô của Vua Lý Thái Tổ không bao giờ hồi phục được nữa.
Tuy nhiên, Toàn thư có ghi: “Vua dời đô từ Hoa Lư ra Đại La. Thuyền tạm đỗ dưới thành”. Chi Tiết “thuyền tạm đỗ dưới thành” hóa ra lại cũng là vấn đề. Vì như vậy là đoàn thuyền ngự đỗ sát ngay dưới chân thành Đại La. Thành Đại La không hề ở bên bờ sông Hồng, mà ở bên bờ sông Tô.
Vậy thuyền vào thành bằng nẻo nào?
Hình 23: Thành Đại La coi như gần trùng với vị trí thành Nhà Nguyễn sau này mà nay ai cũng biết mặt Bắc nhìn ra sông Tô (Trong ảnh là sơ đồ kinh thành Thăng Long, màu xanh chỉ sông Tô Lịch). Thuyền Rồng vào sông Tô Lịch, nhưng hiện nay cửa sông Tô đã bị lấp, từ phố Chợ Gạo vào Đương Quán Thánh, phố Thụy Khuê đến Chợ Bưởi đều đã là phố phường với nhiều nhà cao tầng. Sông Tô Lịch chỉ còn đoạn đầu đường Hoàng Quốc Việt dọc theo phố chợ Bưởi và đường Láng đi xuống Tây Nam thành phố.
Hình 24: Đường màu vàng chỉ con đường Quán Thánh. Xưa kia được coi là chạy dọc bờ sông Tô ra sông Hồng.
Hình 25: Các cuộc khai quật khảo cổ học trong các năm 2002 – 2003 ở khu 18 Hoàng Diệu đã có thêm những bằng chứng là thành Đại La nằm cùng khu vực với thành Nhà Nguyễn. Vậy năm 1010 trọng đại ấy, Vua Lý đã cho thuyền từ sông Hồng rẽ vào sông Tô, đến cửa Thành Đại La thì mới lên bộ mà vào thành
Hinh 26: Toàn cảnh Hà Nội ngày nay với đường chỉ đỏ là sông Tô Lịch hiện tại, đường chỉ vàng là sông Tô Lịch xưa đã biến mất.
Hình 27: Chập hình ảnh Hà Nội ngày nay với sơ đồ Hoàng thành Thăng Long xưa, ta được hình ảnh này khá ăn khớp.
Hình 28: Chập bản đồ vẽ Hà Nội năm 1885 lên phần ảnh vệ tinh Hà Nội ngày này ta được hình trên đây với khung vực hoàng thành của sơ đồ hoàn toàn khớp với vị trí thực của các di tích Hoàng thành ngày nay. Như vậy, sông Tô chính là con sông cuối cùng trên hành trình dời đô bằng đường thủy của Vua Lý Công Uẩn.
KTS Trần Thanh Vân có một giả thiết khác phù hợp với Di tích lịch sử và phù hợp với hiện trạng ngày nay.
1- Giai đoạn I của Hành trình Di Đô, đoàn thuyền của Triều đình trong đó có Thuyền Rồng của Vua Lý Thái Tổ đi từ Cố đô Hoa Lư , ra sông Hoàng Long, gặp sông Đáy ở giản khẩu rồi đi nược lên đến Phủ Lý là hoàn toàn chính xác. Quãng sông này khôi phục được, kỹ thuật không phức tạp
2- Tại Phủ Lý, sông Đáy gặp Sông Châu.
Nhưng tại Phủ Lý, sông Đáy vẫn còn đi tiếp rồi gặp sông Nhuệ và sông Tô Lịch ở Thăng Long là một giả thiết quan trọng không được bỏ qua. Giả thiết này vô cùng quan trọng vì nó phù hợp với LÝ THUYẾT PHONG THỦY: Sông đi, Nước chảy, Khí dẫn. Điều đó cũng phù hợp với kiến nghị PHỤC HỒI SÔNG ĐÁY LÀ PHỤC HỒI PHẦN QUAN TRỌNG CỦA CẤU TRÚC PHONG THỦY THĂNG LONG.
Hiện nay tại khu vực Hà Nội, Dự án Phục Hồi sông Tích lấy nước từ Hồ suối Hai và Hồ Đồng Mô đang Hối hả làm. Đó là việc vô cùng quan trọng không thể bỏ qua.
3- Vua Lý Thái Tổ lên Thành Đại La cập bến ở đâu? Người qua những đêm đầu tiên trên đất Đại La là nơi nào?
Trên Địa bàn Hà Nội ngày nay, đi đến cuối đường Láng Hạ (ngõ 155) hoặc ngõ 526 Đường Láng rẽ vào, sẽ gặp ĐÌNH ỨNG THIÊN.
Thuyền của vua Lý Thái Tổ đi trên sông Tô Lịch dừng lại nơi đây, người bước lên bãi cỏ này, thấy hơi ấm đầy sinh khí, Người truyền lệnh cho quân lính căng lều trại qua đêm. Thành Đại La lúc đó bỏ hoang phế đã lâu, sẽ phải dọn dẹp để xây Kinh đô, tạm dùng chỗ này qua đêm, nhà vua cảm thụ được sức sống huyền diệu của Trời Đất. Đến năm 1076, cháu nội của Người là vua Lý Thánh Tông xây Đền Hậu Thổ còn gọi là Nam Quốc chủ Đại Địa Thần để thờ người đàn bà đã giúp nhà Vua giữ được đất đai bờ cõi.
Đến nay nơi đó là gọi Đình Ứng Thiên thuộc Phường Láng Hạ, nhưng rất nhiều đại gia bất động sản đến đó xì xụp khấn vái vì họ nghĩ rằng Địa Mẫu sẽ giúp hộ chiếm được nhiều mảnh đất béo bở. Vậy nếu xác định được nơi nhà Vua đỗ thuyền là sông Tô Lịch, thì từ đây nối với sông Nhuệ sông Đáy trong quá trình khôi phục vô cùng dễ.
Phần 3
Đánh giá tính hiện thực & Giả định hư cấu
Các tư liệu lịch sử đều ghi rất tóm tắt, nhưng đã phản ánh một sự thật, là trong quá khứ, hành trình đó đã diễn ra, đánh dấu một mốc son rất quan trọng trong quá trình dựng nước và giữ nước của Dân tộc ta.
Khác với cuộc Di đô đơn giản từ Phong Châu Phú Thọ về Cổ Loa thành của An Dương Vương, rồi từ Cổ Loa thành dời về Đại La , rồi lại từ Đại La rút về Hoa Lư để bảo toàn lực lượng… Cuộc Di đô trở về Đại La để lập nên kinh đô Thăng Long của vua Lý Thái Tổ năm 1010, là một cuộc Di đô lớn, đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong lịch sử. Bởi vậy, cho dù văn bản lịch sử ghi lại tóm tắt, chúng ta vẫn hình dung được toàn bộ hành trình đó.
Nhà Hà Nội học quá cố Nguyễn Vinh Phúc có công khởi xướng cuộc khảo sát từ dịp Lễ hội 1000 năm Thăng Long 2010. Chúng tôi đã so sánh với những biến cố lớn suốt 1000 năm qua, để hình thành một giả thiết KHÔI PHỤC hành trình đó.
Từ đây chúng tôi đặt ra câu hỏi: “Xưa kia lạc hậu nghèo nàn là thế mà sao đoàn thuyền ngư đi được. Vậy ngày nay lớp con cháu văn minh với đầy đủ phương tiện kỹ thuật, có thể khai thông dòng sông, để đi từ Thăng Long về Hoa Lư được không?”
Khi gửi tập tài liệu này đến các vị nguyên thủ quốc gia đương nhiệm, chúng tôi đã thu được kết quả bất ngờ: Chiều ngày 24/4/2018, ông TBT Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu một đoàn đông đảo các quan chức TW đến Ninh Bình dự khai mạc Lễ Hội kỷ niệm 1050 năm, vua Đinh Tiên Hoàng Hoa Lư, lập nên nước Đại Cồ Việt và xây dựng kinh đô Hoa Lư. Chuyến đi long trọng của ông TBT khiến cho tất cả cá quan chức Ninh Bình vô cùng ngạc nhiên và xúc động.
Trong buổi đón tiếp hiếm hoi này, ông TBT nhắc đến ý tưởng phục hồi LỘ TRÌNH TỪ THĂNG LONG VỀ HOA LƯ và giao cho Tỉnh ủy Ninh Bình chỉ đạo phục hồi lộ trình thiêng liêng này, bắt đầu từ sông Sào Khê.
Cuộc gặp mặt dẫn đến một chuyện thật lý thú: Dự án Sông Sào Khê
Dự án sông Sào Khê?
Buổi khai mạc Lễ hội Hoa Lư qua đi nhanh chóng, nhưng không ai ngờ tới hậu quả của nó. Các vị lãnh đạo nhà nước thì hưng phấn trong chốc lát, nhưng với lãnh đạo tỉnh Ninh Bình thì vẫn không khỏi ngỡ ngàng sung sướng khi được ông TBT cùng đoàn khách TW về thăm và trực tiếp giao việc, bà Nguyễn Thị Thanh bí thư tỉnh ủy không thể nghĩ được gì sáng suốt hơn, ngoài hai tiếng Dự án Sào Khê là dự án khu du lịch sinh thái Tràng An, mà Tỉnh ủy Ninh Bình và UBND tỉnh đang say sưa đầu tư từ nhiều năm nay.
Có lẽ vì thế, vào đầu tháng 5/2018, ra trước Quốc Hội, bà Bí thư Tỉnh ủy giãi bày rằng Ninh Bình của bà đã đầu tư dự án sông Sào Khê 17 năm qua và đã đội vốn từ 72 tỷ lên 2595 tỷ và muốn xin cấp vốn để đầu tư thêm nữa.… bà bí thư trình bày say sưa, khiến cả quốc hội ngỡ ngàng, cả nước ngỡ ngàng và nó chỉ tạm lắng xuống khi Luật Đặc khu được đưa ra bàn cãi. Cho hay, vào giờ phút đó có người mê nhưng vẫn nhiều người tỉnh và Luật đặc khu vẫn bị dẹp bỏ thẳng thừng… Buồn cho nhân tình thế thái, khi nói đến dự án, người ta chỉ nghĩ đến các trò moi tiền.
Biết rằng câu chuyện trên chỉ là phép thử vui vui.
Chúng tôi quyết định tạm dừng bài diễn ca này lại.
Chờ một dịp khác thuận lợi hơn.
Phần 4
Manh nha một dự án có công nghệ hiện đại & có nguồn vốn tài trợ dồi dào
Gần một năm trôi qua, ước mong về một dự án Hồi phục dòng sông có nguồn tài trợ vẫn chưa nguôi.
Nhưng chúng tôi hiểu không thể đốt cháy giai đoạn, chúng tôi kiên nhẫn chờ đợi thời cơ và có những tín hiệu cho thấy thời cơ đã đến.
Gần 40 năm trước, tôi đã có dịp theo một chương trình đào tạo trên đại học có tên “International Post- graduate Training Course on Ecosystem Management” do hai tổ chức UNEP và UNESCO đài thọ tại trường TU Dresden và tôi hiểu với nhà nước Đức, quản lý nước là bước quan trọng hàng đầu trong quản lý môi trường.
Tôi cũng được biết, sau khi Đông Đức Tây Đức sát nhập, bà Angela Markel thủ tướng đương nhiệm đã từng trải qua một nhiệm kỳ giữ chức Bộ trưởng Bộ Môi trường nước Đức thống nhất trước khi bà nhận liền 4 nhiệm kỳ chức Thủ tướng CHLB Đức, nhiều nguồn tin cho hay bà Markel rất có thiện cảm với việc giúp VN khôi phục các dòng sông. Nếu lúc này phía Việt Nam có một tiếp cận tốt thì sẽ nhận được nguồn tài trợ này theo hình thức vay ưu đãi.
Tôi đã đọc một tập tài liệu khá dài có tên IWRM Research Viêt Nam do Gs Ts người Đức Harro Stolpe ký ngày 18/2/2013 thông báo những kết quả nghiên cứu giữa các chuyên gia nghiên cứu CHLB Đức và Việt Nam về nhiều dự án cân bằng nước ở rất nhiều địa điểm trên toàn cõi Việt Nam.
Có điều, đã là “cân bằng” thì cần thiết phải xem xét trên bình diện lãnh thổ rộng hơn, bao quát đầy đủ mùa mưa, mùa khô và với tất cả mọi tình trạng ô nhiễm.
Dự án phục hồi sông Đáy trải dài trên 240Km bao gồm toàn bộ lãnh thổ Hà Nội (Hà Tây cũ) Nam Hà Phủ Lý, Ninh Bình Nam Định… đi ra biển sẽ đáp ứng được câu hỏi lớn nói trên.
Chỉ có cách lập được dự án lớn, diện nghiên cứu tổng hợp, bao gồm quy hoạch lãnh thổ và quy hoạch thủy lợi, mới mong mang đến kết quả triệt để.
Phần khởi xướng ban đầu xin phép được tạm dừng tại đây, chúng tôi quan tâm tới những khả năng hiện thực và vạch ra hướng đi tới.
Đề xuất gợi ý
1. Căn cứ vào sơ đồ thành Thăng Long thời Hồng Đức. Đoạn sông Tô Lịch từ phố chợ Gạo đến đường Quán Thánh qua phố Thụy Khuê ra bến Hàm Tân chợ Bưởi nối với sông Thiên Phù đã bị lấp không thể khôi phục được nữa.
Nhưng đoạn tiếp theo từ đầu đường Hoàng Quốc Việt đi xuống phía Tây Nam qua Dinh Ưng Thiên để nối với sông Đáy, sông Nhuệ thì vẫn còn. Khó nhất là quy hoạch Hà Nội mở rộng nơi cuối đường Lê Văn Lương kéo dài (địa phận quận Hà Đông ngày nay) có một vài công trình cao tầng của khu chung cư mới xây dựng đã đè lên một đoạn sông Đáy đã bị lấp, trước khi đoạn sông này vòng sau đê bao quanh Đình Do Lộ phường Yên Nghĩa để ra cầu Mai Lĩnh trên Đường số 6 nối Hà Nội Hòa Bình. Các nhà nghiên cứu Dự án khả thi có thể có nhiều gợi mở.
Ngày nay Hoàng thành Thăng Long chỉ còn một chút nơi Điện Kinh Thiên, nhưng dấu tích nơi nhà vua đặt chân lên cửa thành Đại La (cửa Bảo Khánh) vẫn còn , nơi đây vẫn có thể dựng lại bến thuyền nơi sông Tô Lịch ở Đình Ứng Thiên phố Láng Hạ và đi xuôi xuống sông Nhuệ sông Đáy.
2. Gợi ý sơ đồ mới, hành trình mới:
Từ Phủ Lý, sông Châu đi ra sông Hồng đã bị lấp, và lên đến Hà Nội đoạn Tô Lịch đã bị lấp. Do vậy phải sử dụng lộ trình đi theo sông Nhuệ và sông Đáy nối với sông Tô Lịch ở vùng Thanh Liệt, Thanh Trì. Thêm nữa ở sông Nhuệ ở phía cuối đường Lê Văn Lương bị tắc một đoạn có thể cải tạo lại được.
Qua đây, có hai câu hỏi cần được sớm trả lời:
1 – Một tổ chức nghiên cứu đồng bộ trên nguyên tắc Quy hoạch lãnh thổ, bao gồm các đoạn sông cần nắn lại, các khu dân cư cần cải tạo, các hồ điều hòa để tích trữ nước trong mùa mưa… tạo nên một thế cân bằng hoàn chỉnh.
2- Hình thành một dự án đầy sức thuyết phục được Nhà nước VN thông qua và có đề xuất vay vốn đồng bộ gửi đến bà Thủ tướng nước Đức.
Qua kinh nghiệm của câu chuyện PHỤC HỒI LỘ TRÌNH TỪ HOA LƯ ĐẾN THĂNG LONG hồi tháng 4/2018 vừa qua, chúng tôi tin tính lãng mạn của dự án vẫn đủ sức thuyết phục các nhà lãnh đạo nhà nước Việt Nam.
Mặt khác tính hời hợt thể hiện lòng tham và sự bất lực của bộ sâu lãnh đạo tỉnh Ninh Bình, giúp các nhà quản lý dự án lựa chọn phương sách quản lý tài chính minh bạch và sáng suốt, để đồng tiền đến tận công trình một cách có hiệu quả.
Cuối cùng, với kiến thức khoa học được trang bị và trải nghiệm theo năm tháng, tôi muốn nhắc lại lần nữa rằng PHONG THỦY không có gì là huyền bí cho vận hạn của mỗi quốc gia, của mỗi đời người, mà nó là điều kiện tiên quyết để mỗi quốc gia, mỗi đời người có thể phát triển theo đúng trình tự và quy luật hay không.
PHONG LÀ GIÓ, THỦY LÀ NƯỚC. Gió lành và Nước sạch là hai thành phần tiên quyết để tạo ra môi trường sống trong sạch và lành mạnh. Khai thông phục hồi lộ trình từ Thăng Long trở lại Hoa Lư về bản chất là phục hồi môi trường sống lành mạnh và trong sạch vốn có khi xưa. Cho dù ngày nay, mọi phương tiện giao thông đều đã phát triển, thì một dòng nước trong vẫn tạo ra cho con người một cuộc sống lành mạnh.
Rất mong hai câu hỏi tiên quyết ở trên sớm được giải đáp, vì đó là nguyên lý cơ bản để phục hồi PHONG THỦY THĂNG LONG.
Một câu chuyện lý thú cuối cùng tôi muốn kể với mọi người rằng sau khi hoàn thành bản thảo cuối cùng dài 24 trang với đầy đủ nội dung hình ảnh như trên, tôi đã in ra bản in mầu đóng bìa cẩn thận gửi tới tận tay ông TBT CTN Nguyễn Phú Trọng (năm ngoái, vào dịp khai mạc Lễ Hội Hoa Lư, kỷ niệm 1050 năm vua Đinh Tiên Hoàng lập ra Kinh nước Đại Cồ Việt và xây dựng Kinh Đô Hoa Lư, ngày 9/3 Mậu Tuất, tôi đã một lần in ra bản phác thảo sơ bộ, tóm tắt ý tưởng) Lúc đó ông mới là TBT, nhưng tôi đã nhận được thông báo của các nhà Cảm xạ học, rằng con người nay có MỆNH VƯƠNG và tôi thử làm một cái Test xem sao.
Kết quả là chiều hôm đó, ông TBT đi Ninh Bình thật (xem bản tin tường thuật kèm phía đưới).
Năm nay, sau khi hoàn thành bản nghiên cứu công phu này, tôi đã cẩn thận in ra với niềm tin chắc chắn rằng ông TBT- CTN sẽ giao cho nhóm người cấp dưới nào đó nghiên cứu để có kế hoạch thực thi.
Khoảng 3,4 tỷ USD với một cá nhân là chuyện xa vời vợi, nhưng với chuyện thay đổi vận mệnh đất nước thì quá đơn giản.
Thế rồi,
Sáng ngày 4/4 năm nay, tôi đang chuẩn bị để sáng hôm sau, ngày 5/4, tôi sẽ dẫn đoàn tham quan Hội Kiến trúc sư Tràng An, do Gs KTS Tôn Đại dẫn đầu đi tham quan Chùa Khai Phúc và Hành Cung Vũ Lâm, nơi căn cứ địa chống quân Nguyên Mông lần thứ hai và lần thứ 3 năm từ năm 1284 đến năm 1288 của Vương triều nhà Trần và cũng là nơi vua Trần Nhân Tông xuống tóc đi tu 3 năm, trước khi ngài lên Yên Tử lập ra Thiền phái Trúc Lâm. Một di tích lịch sử quan trọng , một dấu tích vẻ vang từ thế kỷ thứ 13 của dân tộc ta… nhưng đã bị các nhà lãnh đạo tỉnh Ninh Bình cố tình xoa đi cho hết sạch dấu tích.
Họ cho đại gia Xuân Trường, nhà đầu tư khu Du lịch Tràng An xây chùa Khai Phúc giả và Hành cung Vũ Lâm giả trong khu Du lịch Tràng An, thậm chí họ cho người đến nơi chùa cũ cướp đi một số vật phẩm thờ cúng mang đến nơi mới …. Còn tại thôn Hành Cung, xã Ninh Thắng , huyện Hoa Lư thì họ có tình chà đạp hòng xóa sạch.
Nhưng không ai xóa được lòng dân, sư cô Diệu Nhân đã cùng nhân dân thôn Hành cung đóng góp, vay mượn để xây nên ngôi chùa mới.
Và trong năm 2018 chúng tôi đã nhiều lần về chùa, đã giúp dân địa phương đấu tranh với công luận và Trung ương Hội Phật giáo VN, bước đầu chúng tôi đã thắng lợi.
Sáng ngày 4/4 năm nay, tôi có một vị khách lạ đến thăm. Khách là một phụ nữ tuổi Nhâm Tý, xinh gái, hoạt bát
Không rõ vị khách này đã thăm dò từ đâu, cô ta đến thăm tôi, mang hoa quả tặng tôi, gọi tôi là cô xưng cháu rất thân mật và xin tôi cho đi theo với đoàn tham quan của Hội Kiến trúc sư Tràng An hôm sau .
Biết tôi quan tâm đến các chuyện Tâm linh, cô ta khoe rằng cô ta là người của “Cõi trên”, đã đi học Thiền ở Ấn Độ, Tây Tạng và nhiều nơi trên thế giới, hiện nay đang là một Thiên sư được quốc tế công nhận, cô ta muốn đến chùa Khai Phúc, “lập công ty Phong thủy” (?) mở lớp dậy Thiền và cô ta muốn kế tục sự nghiệp của Phật Hoàng Trần Nhân Tông.
Chưa đủ, cô ta còn khoe cô ta rất quan tâm đến Dự án PHONG THỦY của tôi.
Tôi đưa cho cô ta một tập bản thảo LỘ TRÌNH TỪ THĂNG LONG VỀ HOA LƯ và nói
– “Hãy xem đi, việc này hay nhưng khó lắm đấy, tốn kém lắm.”
Cô gái “Con Trời” này không xem và nói ngay với tôi:
– “Cháu nhận được LỆNH TRÊN rồi, Dự án này sẽ do Vingroup của anh Phạm Nhật Vượng làm.”
Cô ta cầm tập bản thảo cho vào túi và nói nói thêm
– “cháu sẽ mang tài liệu này về cho anh Lê Khắc Hiệp xem, anh Hiệp hiện là phó của anh Vượng”…..
Nghe tên Lê Khắc Hiệp, tôi thấy quen quen nhưng chưa nhớ ra là ai, cô ta lại nói tiếp:
– “Hay là cô đi cùng cháu đến gặp anh Hiệp để trình bày cho anh Hiệp nghe đi”
Tôi trả lời:
– 25
“Cái gì? Tôi phải đi gặp ai? Và sao tôi phải trình bày?”
Cô gái con Trời ra về.
Chiều hôm đó tôi ngồi một mình và nhớ ra: Lê Khắc Hiệp, người được Phạm Nhật Vượng cử về Việt Nam thành lập và làm TGĐ công ty VinCom, người đã va chạm với tôi từ năm 2007, khi đó VinCom và Tân Hoàng Minh đã dụ được lãnh đạo Hà Nội để chiếm đoạt 50ha đất và mặt nước Công viên thống Nhất để xây dựng cái gọi là Disneyland để kinh doanh kiếm lãi và đã bị tôi đánh cho đại bại. Hồ sơ lưu trữ vụ đó tôi vẫn còn
À thì ra cô gái duyên dáng này là “Đại sứ” đi săn dự án cho Tập đoàn Bất động sản giầu nhất nước?
Nhầm rồi
Chập tôi hôm đó , cô “Đại sứ” gọi điện đến:
– “Cô ơi, sáng mai cháu đưa xe đến đón cô nhé”
– “Cám ơn, tôi cần đi chung xe với mọi người để còn nói chuyện nữa chứ. À mà này, chiều nay tôi nhớ ra rồi. Anh Lê Khắc Hiệp là người tôi đã quen trong vụ va chạm ở Công viên Thống Nhất năm 2007. Nhờ cháu hỏi lại anh Hiệp xem, chắc anh ấy còn nhớ tôi lắm đó ”
Tối hôm đó cô “đại sứ” gọi đến, nói rằng cô ta có việc đột xuất nên xin lỗi không đi cùng chúng tôi được và kể từ hôm đó, tôi không thấy cô gái này tìm tôi nữa.
Kể đến đây chắc mọi người đoán ra điều gì rồi?
Chuyện một anh chàng làm nghề sản xuất mỳ ăn liền trên đất Liên Xô cũ đã dùng thủ đoạn gì để chiếm hết mọi khu đất vàng của Hà Nội để hưởng lãi vô số kể và nay đã là một vua bất động sản với số vốn nhất đất nước là một chuyên đề khác.
T.T.V.
Tác giả gửi BVN