TS Nguyễn Thành Sơn trả lời phỏng vấn về các dự án khai thác titan tại Bình Thuận

Bài phỏng vấn dưới đây do CTV Nguyễn Thành Sơn gửi đến BVN, từ góc độ chuyên môn của ngành khai khoáng nêu lên một vài kiến giải xung quanh việc khai thác titan tại Bình Thuận vốn đang là vấn đề nổi cộm khiến dư luận bức xúc lâu nay. Bên phỏng vấn là Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) và bên trả lời là TS khai khoáng Nguyễn Thành Sơn (NTS). Nhưng bài trả lời phỏng vấn hoàn thành cũng đã khá lâu mà không thấy bên phỏng vấn hồi âm, vì vậy TS Nguyễn Thành Sơn đã gửi cho BVN  để tùy nghi sử dụng. Chúng tôi xin cảm ơn người gửi và trân trọng đăng lên để bạn đọc rộng đường tham khảo.

Bauxite Việt Nam

TTXVN: Thời gian qua, tình hình quản lý các dự án khai thác titan tại Bình Thuận còn nhiều bất cập, công tác kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác titan còn bỏ ngỏ… gây hệ lụy nghiêm trọng về môi trường, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân trong vùng, ông nhận xét thế nào về vấn đề này?

NTS: Đúng vậy, việc quản lý các dự án khai thác titan nói chung, và tại Bình Thuận nói riêng, trong thời gian qua còn nhiều bất cập. Trong đó, bất cập lớn nhất và gây ra nhiều hệ lụy nhất là công tác quy hoạch (trách nhiệm thuộc Bộ Công Thương) và cấp phép (trách nhiệm thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường).

Trước hết, phải nói rằng, đến nay Bộ Công Thương (CT) đã cho “ra lò” hàng chục quy hoạch liên quan đến thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các tài nguyên khoáng sản của đất nước. Nhưng, chất lượng của các quy hoạch, đặc biệt là các quy hoạch quan trọng về than, bauxite và titan thì chất lượng cực kỳ thấp. Nguyên nhân chủ yếu có thể chỉ ra, đó là: năng lực của các cơ quan tư vấn được giao lập các quy hoạch này rất thấp (thể hiện trong phương pháp, tư duy và cách tiệm cận của các đơn vị tư vấn còn đơn giản); bên đặt hàng là Bộ CT không có đủ năng lực và trình độ để nghiệm thu (đó là điều dễ hiểu), nhưng lại không chịu tiếp thu các ý kiến phản biện của các nhà khoa học (đó là điều khó hiểu).

Thứ hai, công tác cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cũng không có cơ sở khoa học, rất tùy tiện và rất “lợi ích nhóm”. Toàn bộ các khoáng sàng chứa titan ven biển miền trung đã được nhóm lợi ích nặng về tư duy “nhiệm kỳ”, cấp phép theo kiểu “chia phần” đã “băm nát” nguồn tài nguyên khoáng sản vô giá của nền kinh tế để cấp phép cho những doanh nghiệp không có năng lực chế biến sâu, chỉ có năng lực “chộp giật” và xuất khẩu lậu.

Thực ra, việc “kiểm tra, giám sát” của các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến các địa phương không hề bị “bỏ ngỏ”. Nhưng, chính việc cấp phép của các cơ quan quản lý kém hiểu biết và việc khai thác và chế biến đều theo kiểu “chộp giật” của các doanh nghiệp không có năng lực đã gây ra các hệ lụy không nhỏ về môi trường. Việc xuất khẩu lậu đã không mang lại nguồn thu cho ngân sách địa phương.

Tóm lại, titan như “quả trứng vàng” của nền kinh tế, nhưng lại được giao không đúng chỗ.

TTXVN: Hiện việc khai thác titan tại Bình Thuận đã chiếm dụng đất quá lâu, trong khi đó thu ngân sách lại quá ít; đồng thời còn chồng lấn với các dự án đầu tư phát triển kinh tế-xã hội làm ảnh hưởng đến việc kêu gọi đầu tư vào tỉnh, vậy ông đánh giá ra sao về việc này?

NTS: Việc “chiếm dụng đất quá lâu” là do bất cập trong cấp phép. Việc “thu ngân sách quá ít” là do không có chế biến sâu, các doanh nghiệp chỉ chế biến ra được loại tinh quặng ilmenite có hàm lượng ôxít titan rất thấp (dưới 60%) rồi đưa đi xuất khẩu lậu. Đối với titan, khái niệm “chế biến sâu” cần được hiểu là chế biến ra được chất màu (pigment) có hàm lượng TiO2>93% hay xỉ titan và titan xốp có đủ tiêu chuẩn để làm nguyên liệu đầu vào cho luyện titan kim loại. Chỉ khi có chế biến sâu đến các sản phẩm như vậy thì ngân sách mới có nguồn thu và sẽ thu rất lớn (lớn hơn hàng vài trăm lần so với xuất khẩu quặng ilmenite như hiện nay).

Việc “chồng lấn” cần được hiểu đúng thực chất. Nhiều dự án du lịch hay bất động sản ở Bình Thuận cũng được cấp phép theo kiểu “xí phần” và chiếm “mặt tiền”. Nhiều chủ doanh nghiệp núp danh “du lịch” và “bất động sản” để hy vọng sẽ tổ chức khai thác titan cũng theo kiểu “chộp giật” trên diện tích đã được cấp, hoặc để sẽ được “đền bù” khi giải phóng mặt bằng cho các dự án khai thác titan hay dự án năng lượng sạch. Vì vậy, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có không ít các dự án “ma”. Hiện tượng này đang gây khó khăn cho các chủ doanh nghiệp chân chính muốn phát triển năng lượng sạch hay titan (không núp danh, không chộp giật, có chế biến sâu).

Nhân đây cũng cần làm rõ về cách xử lý cái gọi là “chồng lấn” giữa các dự án titan và các dự án du lịch (bất động sản) và năng lượng sạch (điện gió và điện mặt trời) ở Bình Thuận. Cả 3 lĩnh vực này đều là thế mạnh của Bình Thuận và TƯ cũng đã có nghị quyết phát triển tỉnh Bình Thuận thành “trung tâm” của 3 lĩnh vực này. Theo nguyên lý của kinh tế thị trường, để phát triển bền vững, tỉnh Bình Thuận phải dựa vào “thế mạnh cạnh tranh cốt lõi” (Core Competitive Strengths) của mình. Tương tự, các nhà đầu tư cũng tìm kiếm những nơi đầu tư có “thế mạnh cạnh tranh cốt lõi” để bỏ tiền, chứ người ta không bỏ tiền theo phong trào “xúc tiến kêu gọi” hay “trải thảm đỏ mời”.

TTXVN: Theo Quyết định số 1546 của Thủ tướng Chính phủ năm 2013, tổng trữ lượng và tài nguyên titan đã được đánh giá là 599 triệu tấn, chiếm 92 % tổng trữ lượng titan của cả nước, nhưng thực tế sau gần chục năm khai thác, quy hoạch titan không như mong đợi dẫn đến hậu quả rất tai hại. Vậy theo ông đâu là nguyên nhân gây ra sự việc trên (cụ thể sai phạm bắt nguồn từ đâu? Mức độ sai phạm thế nào?…)

NTS: Titan “không được như mong đợi” có nguyên nhân chủ yếu và trước hết là do chúng ta không hiểu gì về titan. Không ai trên thế giới sử dụng khái niệm “tổng trữ lượng và tài nguyên” như trong các quy hoạch và các văn bản pháp quy khác của VN. “Trữ lượng” và “tài nguyên” là hai khái niệm kỹ thuật khác hẳn nhau. “Trữ lượng” là cái có thật (đã có), còn “tài nguyên” là cái có thể có, có thể không. Dùng mập mờ khái niệm “trữ lượng và tài nguyên” trong lĩnh vực khai khoáng cũng tương tự như “thóc trong bồ và thóc ngoài đồng” trong nông nghiệp. Đây là cách “chơi chữ” của những kẻ cơ hội chính trị, không có chỗ đứng trong kỹ thuật. Trong tổng số khoảng 600 triệu tấn cái gọi là “tổng trữ lượng và tài nguyên” titan thì hiện nay chỉ mới có khoảng vài chục triệu tấn có thể tạm gọi là “trữ lượng” titan, còn lại hơn 550 triệu tấn chỉ là “tài nguyên”. Tóm lại, “không hiểu gì về titan” là nguyên nhân của mọi nguyên nhân.

Ngoài ra, như trên tôi đã nói, nguyên nhân trực tiếp gây ra “hậu quả tai hại” như hiện nay bắt nguồn từ công tác quy hoạch (của Bộ Công Thương) và cấp phép (của Bộ TN&MT). Còn mức độ sai phạm trong hai lĩnh vực này cần được làm rõ và đánh giá bởi các cơ quan chức năng (UBKT TW và/hoặc Thanh tra CP).

TTXVN: Có nhiều chuyên gia đã cảnh báo về nguy cơ ô nhiễm phóng xạ do hoạt động khai thác titan tại Bình Thuận. Hiện mức độ ô nhiễm phóng xạ ra sao, có ảnh hưởng gì đến người dân, công nhân và hoạt động trên địa bàn tỉnh đó chưa và cách nào hạn chế tác hại, thưa ông?

NTS: Cám ơn nhà báo đã đưa ra câu hỏi “xoáy” này. Nhân đây, tôi cũng xin nói rõ về vấn đề “nhạy cảm” này. Ở VN, trong công nghiệp khai khoáng, nếu nhắc đến “phóng xạ” thì người ta (các nhà chuyên môn) chỉ nghĩ đến mỏ than Núi Hồng (Thái Nguyên) có chứa gecmani (Ge), và mỏ than Nông Sơn (Quảng Nam) có chứa urani (U). Tuy hàm lượng các chất phóng xạ này không đáng kể, nhưng, hiện nay, than của cả hai mỏ này đang được TKV sử dụng tập trung cho phát điện để quản lý được nguy cơ phóng xạ. Còn các khoáng sàng sa khoáng (cát ven biển) thường là các loại quặng chứa các kim loại thông thường (như sắt, nhôm), kim loại hiếm (như titan (Ti), zirconi (Zr)). Ngoài ra, cũng có thể có các quặng chứa cả kim loại đất hiếm nhóm nhẹ (như beri (Be), liti (Li), rubidi (Rb), xezi (Cs), và rất ít khi chứa cả kim loại đất hiếm nhóm tán xạ (như reni (Re), gali (Ga), Indi (In), tali (Tl), gecmani (Ge), hafni (Hf), selen (Se), telu (Te)).

Ở VN, cách đây vài chục năm, Bộ Cơ khí và Luyện kim (thời Bộ trưởng Nguyễn Văn Kha) đã có chương trình khảo sát/tìm kiếm các kim loại hiếm và kim loại đất hiếm, nhưng chỉ ghi nhận các mỏ đất hiếm ở vùng Tây Bắc (Nậm Xe, Đông Pao, Mường Hum, v.v.). Còn trong sa khoáng ven biển (trong đó có Bình Thuận) chưa có nghiên cứu cụ thể nào về khả năng chứa các nguyên tố kim loại hiếm phóng xạ, nên chưa thể đánh giá mức độ “cao/thấp”. Tuy nhiên, về nguyên lý, không loại trừ khả năng đi kèm với quặng ilmenite trong sa khoáng ven biển là các quặng có chứa đất hiếm (chủ yếu là các nguyên tố đất hiếm nhóm nhẹ với hàm lượng rất nhỏ). Như vậy, trong điều kiện tự nhiên (không có các dự án khai khoáng) thì ở các bãi cát ven biển Bình Thuận xác suất để một người nào đó hít phải một hạt bụi nào đó có chứa một chất (kim loại) phóng xạ nào đó là rất thấp. Còn trong điều kiện có các dự án khai khoáng, về nguyên lý, các dự án khai thác và chế biến khoáng sản (đúng quy trình) sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ (xác suất) con người bị phơi nhiễm chất phóng xạ (nếu có), vì sau khi khai thác/chế biến các quặng có khả năng chứa phóng xạ được gom hết vào “quặng đuôi”, không còn khả năng phát tán như khi chúng còn nằm trong cát ven biển. Vì vậy, đối với người dân, việc khai thác/chế biến titan sẽ làm giảm thiểu (thậm chí là vô hiệu hóa) nguy cơ phơi nhiễm phóng xạ.

Còn đối với công nhân trong các nhà máy chế biến tinh quặng, xác suất bị phơi nhiễm đương nhiên sẽ tăng lên, nhưng hoàn toàn có thể tránh được bằng các giải pháp rất đơn giản (như khử bụi, đeo kính, đeo khẩu trang…) ở một số công đoạn sản xuất (như chuyển tải, bốc xếp, đóng gói…).

TTXVN: Để đảm bảo khả thi hiệu quả, bảo vệ môi trường và phát triển hài hòa với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội có liên quan trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, theo ông tỉnh cần có những giải pháp cụ thể nào nhằm đề xuất điều chỉnh Quy hoạch titan theo Quyết định số 1546 của Thủ tướng Chính phủ năm 2013?

NTS: Giải pháp thì có nhiều, nhưng cần tập trung vào “gốc” của vấn đề, đó là công tác quy hoạch và cấp phép, cụ thể như sau:

(i) Chỉ đưa vào quy hoạch và chỉ cấp phép cho khai thác những dự án/doanh nghiệp có chế biến sâu thực sự (với sản phảm cuối cùng phải là pigment TiO2, và/hoặc xỉ titan và/hoặc titan xốp và/hoặc titan kim loại. Đồng thời cấm xuất khẩu tinh quặng titan (có hàm lượng TiO2 dưới 75%). Điều này là khả thi vì từ năm 1993, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 03 về vấn đề này. Khi đó, trong nghị quyết chỉ ghi là “chế biến sâu” đối với các loại tài nguyên khoáng sản, nhưng đối với titan đến nay cần quy định rõ và cụ thể về mức độ “chế biến sâu”. Rất nên yêu cầu/bắt buộc các chủ đầu tư phải đầu tư cho khâu chế biến sâu trước khi được cấp phép khai thác vì trong ngành titan, chi phí (đầu tư và sản xuất) cho khâu khai thác chỉ chiếm 3÷5%, còn cho khâu chế biến 95÷97%.

(ii) Các dự án khai thác/chế biến titan phải được cấp phép và triển khai với quy mô đủ lớn (ít nhất là với diện tích 5÷10 km2) và phải cấp phép khai thác hết chiều sâu của tầng chứa quặng (ít nhất là 100÷120 m tính từ bề mặt). Điều này sẽ loại bỏ được các bất cập hiện nay là doanh nghiệp không có thực lực cũng “xí phần” khai thác, khai thác theo kiểu “chộp giật” gây tổn thất tài nguyên, không đầu tư chế biến sâu, chỉ xuất khẩu quặng tinh, không có đóng góp cho ngân sách địa phương, và đặc biệt là không khai thác theo đúng bài bản (cuốn chiếu) để hoàn thổ, sớm trả lại đất để phát triển các dự án du lịch/năng lượng và bảo vệ môi trường.

(iii) Titan là một sản phẩm công nghệ cao. Việc phát triển ngành titan không thể theo “phong trào” hay “xã hội hóa”. Theo kinh nghiệm thực tế của các nước có công nghiệp titan phát triển (Nga, Mỹ, Trung Quốc), sản phẩm titan (cũng giống như sản phẩm pin năng lượng mặt trời) phải được phát triển dựa trên các doanh nghiệp có “liên kết dọc”. Đó là quy luật.

TTXVN: Trong thời gian tới, nhằm phù hợp với quy hoạch tổng thể của tỉnh, theo ông, nên hay không nên dừng khai thác titan ở Bình Thuận (giải thích cụ thể tại sao, hướng giải quyết…)?

NTS: Tôi cho là không nên dừng, với những lý do sau:

(i) Về vĩ mô: Titan là một trong số rất ít kim loại được coi là rất đặc biệt. Trên thế giới, người ta dựa vào quy mô và mức độ sử dụng các sản phẩm của titan là titan kim loại (Ti) và pigment (TiO2) để đánh giá trình độ phát triển công nghiệp (quốc phòng và vũ trụ) và tốc độ phát triển nền kinh tế. Thực tế cho thấy, sử dụng titan kim loại lớn nhất là Mỹ và Nga, còn sử dụng pigment lớn nhất là Mỹ và Trung Quốc. Điều đó có nghĩa, muốn phát triển công nghiệp công nghệ cao và phát triển nền kinh tế, VN rất cần titan kim loại và pigment.

(ii) Về cơ bản: Không chỉ đối với Bình Thuận, kể cả đối với các tỉnh khác, khi được “trời ban cho duy nhất chỉ một lần” (như Các Mác nói về tài nguyên khoáng sản) nguồn tài nguyên titan như vậy thì nên khai thác. Vấn đề là KHAI THÁC NHƯ THẾ NÀO?QUY HOẠCH phát triển kinh tế-xã hội tổng thể trên một địa bàn cụ thể phải được lập bài bản. Điều bất cập nhất trong các quy hoạch ở VN là chỉ quy hoạch trong không gian 2 chiều (trên mặt đất). Quy hoạch các đô thị ở các nước, người ta phải bắt đầu từ dưới lên trên (từ tầng chứa nước ngầm, tầng thoát nước, tầng GTVT ngầm, tầng cấp điện ngầm, tầng cấp nước ngầm rồi lên mặt đất). Đối với vùng và lãnh thổ cũng vậy, phải quy hoạch từ tầng chứa tài nguyên khoáng sản dưới đất lên mặt đất. Ví dụ, ở các nước, người ta quy định các hồ thủy điện hay các công trình bề mặt không được thiết lập bên trên các khoáng sản chưa khai thác hoặc phải khai thác trước khi xây dựng các công trình vĩnh cửu bên trên.

(iii) Về trước mắt: Ở Bình Thuận, xử lý vấn đề “chồng lấn” giữa titan với du lịch và năng lượng sạch rất đơn giản vì tầng chứa titan ở ven biển VN chỉ có bề dầy (chiều sâu kể từ mặt đất) khoảng 100÷120 m, nhưng kéo dài dọc bờ biển hàng trăm cây số. Nếu việc khai thác titan được tiến hành theo kiểu “cuốn chiếu” sẽ giải phóng được mặt bằng vĩnh viễn cho các dự án du lịch hoặc năng lượng, đồng thời vẫn mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương. Trong 3 ngành (du lịch, titan và năng lượng sạch) được coi là thế mạnh của Bình Thuận, thì khả năng đóng góp vào GDP cho tỉnh cao nhất (tính theo quy định) chính là titan. Lĩnh vực du lịch có giá trị gia tăng rất thấp, còn điện mặt trời hay điện gió chỉ tạo thêm việc làm ở nước ngoài thôi.

Vấn đề thứ hai là “môi trường” cũng có thể xử lý theo hướng tích cực “một mũi tên, hai con thỏ”: Công nghệ khai thác titan sẽ thải ra tới 99,5% khối lượng chất thải dưới dạng cát (chiếm 90% về khối lượng) và bùn sét (khoảng 10%). Nếu biết cách làm, cát thải ra ở Bình Thuận có thể thay thế cho các loại cát xây dựng đang được khai thác theo kiểu “thổ phỉ” làm sạt lở bờ sông ở các tỉnh miền Đông nam bộ hoặc dùng để tôn tạo các hòn đảo ở ngoài khơi (Trường Sa).

(iv) Về lâu dài: Như trên tôi đã nói, để phát triển bền vững và có hiệu quả (kêu gọi được các nhà đầu tư) Bình Thuận phải dựa trên “thế mạnh cạnh tranh cốt lõi”. Theo sách giáo khoa của Trường Quản trị Kinh doanh Tuck School thuộc ĐH Dartmouth của Mỹ, thế mạnh cạnh tranh cốt lõi của Bình Thuận là titan (đáp ứng đủ 100% tiêu chí).

Còn về “hướng giải quyết”, theo tôi cũng đơn giản và dễ làm (chưa cần đến “quyết tâm chính trị”, nhưng phải thực sự muốn làm), đó là:

(i) Về quy hoạch không gian: Ưu tiên phát triển các dự án du lịch theo “mặt tiền”- bám sát bờ biển. Bên trong các dự án du lịch (tính từ bờ biển) ở những vùng có nền móng (đất) vững chắc và ở ngoài khơi cần ưu tiên phát triển các dự án điện gió có cột gió cao (tương ứng với công nghệ cao và hiệu suất cao). Tiếp đến là ưu tiên các dự án khai thác titan nhanh (bằng cách gom các dự án titan “vừa” và “nhỏ” đã chót cấp phép thành một dự án lớn) để sớm giải phóng mặt bằng cho các dự án điện mặt trời. Tiếp sâu trong đất liền là ưu tiên các dự án khai thác titan quy mô lớn có chế biến sâu. Cần lưu ý, các dự án điện mặt trời không nhất thiết phải làm ngay vì giá pin mặt trời ngày càng giảm nhanh (sau mỗi 5 năm, chi phí đầu tư và giá điện mặt trời sẽ giảm còn 50%).

(ii) Về “kiến tạo”: Các dự án điện mặt trời và điện gió nên được quy hoạch tập trung thành các “công viên tuabin gió” hay “trang trại điện mặt trời” có quy mô lớn vài chục cây số vuông để “phân lô” (giống như các khu đô thị mới) thành nhiều “nền” lớn/nhỏ phù hợp với mọi chủ đầu tư mạnh/yếu có thể tham gia và đặc biệt là để bên mua điện là EVN không “ngại” phải đầu tư các đường điện đấu nối với lưới điện quốc gia.

(iii) Về “đơn giản thủ tục”: Chính phủ chỉ cần quy định và công bố công khai các điều kiện cần và đủ cụ thể (có định lượng) cho mỗi loại dự án (điện gió, điện mặt trời hay titan) và chỉ cần “hậu kiểm” sau khi dự án đã được đầu tư (giống như nghĩa vụ nộp thuế hay hải quan) thay cho “tiền” kiểm hiện nay. Như vậy, các chủ đầu tư được toàn quyền quyết định và chủ động phát triển dự án, nhưng nếu “hậu kiểm” không đạt thì sẽ bị xử lý (đóng cửa hoặc phạt rất nặng giống như việc trốn thuế hay gian lận thủ tục hải quan). Điều này sẽ loại bỏ được các nhóm lợi ích chỉ ưa “tiền” kiểm để “hành” doanh nghiệp (gây cản trở cho các doanh nghiệp có thực lực và có ý nguyện làm thật), và cũng loại bỏ được các nhà đầu tư “rởm” (chỉ “ôm” đất để chờ đền bù).

N.T.S.

TS N.T.S. gửi BVN

This entry was posted in Khai thác, Titan. Bookmark the permalink.