Bản chất giá điện của EVN

Nguyễn Ngọc Chu

Phải nhìn đúng bản chất, rằng không phải tiểu xảo chơi số của EVN là nguyên nhân chính làm cho người dân phẫn nộ. Mà người dân phẫn nộ và sẽ còn phẫn nộ nữa – vì họ là tù nhân của một trò chơi gian lận không biết hồi cuối.
Giá mà các thành viên Chính phủ sống chỉ bằng lương. Lúc đó các bà vợ của các Bộ trưởng phải trực tiếp chi tiền điện, thì EVN đã không được Chính phủ chấp nhận tăng giá điện như bây giờ.

Tăng giá điện: lời giải cho Chính phủ

1. Mấy ngày qua, trên mạng xã hội sục sôi về tăng giá điện. Sục sôi là điều dễ hiểu. Bởi vì trên thực tế, giá điện không tăng 8,36% như EVN tuyên bố. Vì đó là ảo thuật số. Tiểu xảo đó không lừa được tính toán của các cháu học sinh giỏi toán cấp tiểu học. Càng không thể qua mặt các bà nội trợ, tuy không giỏi toán, nhưng hàng ngày phải bóp ví chi tiền, trước một hóa đơn điện bùng nổ, sẽ tự khắc biết nguồn cơn.

2. EVN đã không đủ dũng cảm để bóc tách thực tế tăng giá điện lũy tiến so với mức cơ sở trước khi tăng giá. Người tiêu dùng ở bậc 6 (từ 401 kwh trở lên) phải chỉ trả đến 2927 đồng cho 1kwh. Mức này tăng đến 189% so với giá cơ sở (1549 đ), và tăng đến 15% so với bậc 6 (174%) trước khi chưa tăng giá – không phải là 8,37% như EVN đệ trình để Chính phủ thông qua cho bậc 6. Đối với bậc 3 (101-200 kwh) theo EVN là phổ cập, thì mức giá mới 2014 đ sẽ có sự gia tăng lên 130% so với mức cơ sở (1549 đ) hơn 10% so với giá cũ 1858 đ (120%), khác với 8,4% mà EVN thông báo. Tương tự, sự gia tăng giá điện ở bậc 4 (201- 300 kwh) là 12,7% ( 163,7%-151%), và ở bậc 5 (301-400kwh) là 14.2% (183%-168,8%). Như vậy thực chất mức tăng mới là 10%, 12,7%, 14,2%,15%, khác với 8,33 – 8,40% trong đề xuất trình Chính phủ phê duyệt. Phần lớn người dân phải chịu mức tăng lũy tiến ở các bậc 130%, 163%, 183% và 189% so với mức cơ sở trước tăng giá. Một phép tính đơn giản. Để minh bạch cho chính EVN. Và để người dân biết sợ hãi mà kiểm soát tiêu dùng điện. Hai cách biểu diễn tuy cho cùng một kết quả, nhưng cách đệ trình của EVN ẩn đi một lần tăng giá, làm cho % tăng giá thấp hơn. Đây chính là mẹo biểu diễn % của EVN trước Thủ tướng trăm công ngàn việc. Nhằm làm nhẹ đi sự tăng giá điện để cho Thủ tướng dễ chấp nhận.

3. Nhưng Thủ tướng trăm công ngàn việc đã đành, còn các thành viên khác của Chính phủ thì sao?

Đích thân Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng đã từng nói: “Bản thân tôi là bộ trưởng lương chỉ 11,690 triệu, với mức lương này, tôi hỏi thật, chúng ta có đang sống bằng lương không?”

Giá mà các thành viên Chính phủ sống chỉ bằng lương. Lúc đó các bà vợ của các Bộ trưởng phải trực tiếp chi tiền điện, thì EVN đã không được Chính phủ chấp nhận tăng giá điện như bây giờ.

Chỉ khi đặt mình vào hoàn cảnh của người dân thì mới thấu hiểu được sự phẫn nộ của họ. Sự phẫn nộ ngày một dâng cao do tích lũy bức xúc từ mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội, chứ không chỉ riêng tăng giá điện của EVN.

4. Phải nhìn đúng bản chất, rằng không phải tiểu xảo chơi số của EVN là nguyên nhân chính làm cho người dân phẫn nộ. Mà người dân phẫn nộ và sẽ còn phẫn nộ nữa – vì họ là tù nhân của một trò chơi gian lận không biết hồi cuối.

Tù nhân – là bởi vì người dân buộc phải mua điện của EVN mà không thể mua của bất cứ ai khác. Sự độc quyền của EVN là nhà tù điện lực của người dân.

Mặt khác, EVN không biết và mãi sẽ vẫn không biết được chi phí sản xuất đích thực mỗi kwh điện. EVN cũng chưa bao giờ và mãi sẽ không bao giờ kiểm soát được quản lý phí từng kwh điện. Điều duy nhất mà EVN làm “tốt” – là cộng tất cả các chi phí rồi xác định giá, và áp đặt cho người tiêu dùng. Cho nên giá điện cho người tiêu dùng, từ trước đến nay, chưa bao giờ là giá đúng. Trong xã hội tham nhũng đến kinh hoàng này, thì giá thành sản xuất điện ngày càng gia tăng khác xa với giá thực; Giá quản lý phí cũng ngày càng gia tăng không kiểm soát. Trình độ yếu kém và tham nhũng là hai nhân tố không thể xác định. Hai nhân tố này sẽ khiến cho EVN và Chính phủ không bao giờ biết được giá đúng của 1kwh điện.

Như vậy, giá điện cho người tiêu dùng vì thế sẽ là một hàm số tăng không xác định. Người tù điện lực phải tham gia một trò chơi – buộc phải mua điện với giá không phải giá thực, lại bị tăng không biết điểm dừng. Đến đây thì tất cả chúng ta phải thừa nhận: chúng ta buộc phải chơi một trò chơi gian lận mỗi ngày một đắt giá. Điều đó lý giải tại sao EVN liên tục lỗ mà một bộ phận cán bộ của EVN vẫn ngày càng thêm giàu có.

Điều mà EVN gặp khó khăn là thuyết phục Chính phủ chấp nhận giá EVN đề nghị áp đặt cho người tiêu dùng. Tiếc thay, Chính phủ cũng không thể biết được giá điện để mà phản bác EVN. Điều mà Chính phủ biết được là EVN ngày càng thua lỗ. Chính phủ sẽ còn phải tiếp tục bảo lãnh cho EVN vay tiếp nợ (EVN còn đang nợ 9,7 tỷ USD – bằng 37% tổng nợ Chính phủ bảo lãnh). Các doanh nghiệp rên rỉ về giá thành sản xuất tăng. Người dân phẫn nộ vì lương không theo kịp giá, buộc phải mua hàng hóa Trung Quốc dù trong lòng không muốn.

5. Người dân sẽ còn phải sợ hãi với biên lai tiền điện. Không chỉ do sẽ không ngừng tăng giá, mà còn do sẽ không ngừng rơi vãi con số công tơ. Bài toán điện lực đối với Chính phủ hiện chưa có lời giải. Chính phủ đang rơi vào tình trạng “con kiến mà leo cành đa” với EVN. Bản thân Chính phủ, tuy là người chơi bài, nhưng lại tự mình bị lún sâu vào ván bài lỗ và bảo lãnh vay cho EVN – cũng không có hồi kết.

Bởi thế, mục đích bài viết này không nói về cái lỗi của EVN, không nói về cái phi lý của giá điện, mà chủ ý là đề xuất cho Chính phủ lời giải về bài toán điện lực.

Hai giải pháp cho bài toán điện lực quốc gia

1. Phá thế độc quyền của EVN

Biết rằng, trong một nhà nước độc quyền, thì phá thế độc quyền của các tập đoàn nhà nước không bao giờ có được giải pháp triệt để. Tuy không triệt để, nhưng sự mất độc quyền của các tập đoàn nhà nước, dù ở mức độ không hoàn hảo, rồi cuối cùng cũng kéo theo sự phá vỡ độc quyền nhà nước.

Phá vỡ độc quyền của EVN là giải pháp bắt buộc. Một Thủ tướng sáng suốt không thể không thấy điều tất yếu này.

Phá vỡ độc quyền của EVN như thế nào?

– Tách Tổng công ty truyền tải điện ra khỏi EVN thành công ty độc lập.

– Cho phép các nhà đầu tư xây dựng mới hệ thống truyền tải điện của riêng mình.

– Cho phép các nhà sản xuất điện, tư nhân hay nhà nước, liên doanh hay độc lập, cùng các nhà buôn điện, hình thành những nhà cung cấp điện cho người tiêu dùng.

Những nhà cung cấp điện này sẽ chào bán điện cho người tiêu dùng thông qua hệ thống truyền tải điện của riêng mình hay thuê các công ty truyền tải điện. Gía bán của các nhà cung cấp điện cho người tiêu dùng sẽ bao gồm cả chi phí truyền tải điện. Nhà nước giám sát và khống chế giá thành thực của các công ty truyền tải điện. Ở đây, vai trò các công ty truyển tải điện tương tự như các các nhà ga hàng không mà các hãng hàng không phải thuê lại, hay như các công ty vận tải hàng hóa. Như vậy, người dân sẽ có quyền lựa chọn nhà cung cấp điện. Và sẽ không chịu sự độc quyền buộc phải mua với bất cứ giá nào như hiện nay.

Khi xuất hiện những nhà cung cấp điện mới, thì rõ ràng nhóm thủy điện sẽ tách ra khỏi nhóm nhiệt điện, các nhà sản xuất điện cùng mức giá thành sẽ tự liên kết thành những nhà cung ứng điện độc lập. Và như vậy, phá vỡ độc quyền của EVN kéo theo cuộc cạnh tranh giảm giá thành điện và do đó phá vỡ cơ cấu các thành phần điện lực, thay đổi tỷ phần giữa thủy điện, nhiệt điện, điện mặt trời, điện gió và các loại năng lượng khác.

Khi tách công ty truyền tải điện thành công ty độc lập, khi xây mới các hệ thống truyền tải, khi hình thành các nhà cung ứng điện, thì EVN sẽ tự biến mất.

Biết rằng giải pháp nêu trên còn cần các đề xuất chi tiết, phải làm từng bước, và đòi hỏi thời gian. Đồng hành theo là các chính sách tài chính, các biện pháp tổ chức và nhân sự… Đó là một phức hợp các giải pháp. Tuy rằng rất khó nhưng không phải không làm được. Không thể ngồi kêu khó rồi không hành động. Người sẽ phản đối mạnh mẽ nhất cho giải pháp này không ai khác ngoài EVN.

Sẽ có người phản biện, rằng làm sao mà biết được điện của nhà cung cấp nào trên cùng một hệ thống đường dây tải điện đến người tiêu dùng? Trong thời đại công nghệ hiện nay, các công ty truyền tải điện và các nhà cung cấp điện tức khắc tự có phương kế. Còn nếu quả thực người nắm quyền điện lực không biết cách làm, thì dù là ai, cũng hãy từ chức để cho người khác cầm lái.

2. Đầu tư phát triển mạnh năng lượng tái tạo

Phá thế độc quyền của EVN chưa đủ để giải bài toán điện quốc gia. Vấn đề cốt lõi là giá thành hạ, sản lượng cung cấp đáp ứng đủ nhu cầu, an toàn, và khả năng cung cấp dài lâu.

Không ai phủ nhận lợi ích vượt trội của năng lượng tái tạo. Cũng không ai chối cãi về tai hại của nhiệt điện. Bởi thế, phải phát triển mạnh năng lượng tái tạo, trong đó hai nguồn điện vô cùng quan trọng là điện mặt trời và điện gió.

Loài người sẽ phải dựa vào mặt trời mãn kiếp. Việt Nam lại là nước có tỷ lệ ngày nắng rất cao. Cho nên Chính phủ phải nhìn nhận điện mặt trời là nguồn năng lượng chủ chốt trong tương lai gần. Mới phát triển, giá thành còn cao, nhưng cùng với tiến bộ công nghệ và phát triển đại trà thì điện mặt trời sẽ là nguồn năng lượng không hạn chế với giá thành thấp.

Khi Chính phủ xác định điện mặt trời là chủ chốt rồi tập trung phát triển, thì thế độc quyền của EVN bắt đầu bị phá vỡ. Lúc đó người dân vừa thoát khỏi cảnh người tù điện lực, vừa được hưởng ân huệ tự do tỏa sáng của mặt trời.

Phá thế độc quyền của EVN và phát triển điện mặt trời là 2 bảo bối cho Chính phủ giải quyết bài toán điện quốc gia. Kế sách hay dở còn tùy người sử dụng kế sách. Không phải ai cũng biết kế sách đúng sai. Nhận biết kế sách đúng rồi, càng ít người có khả năng hiện thực hóa kế sách.

Kế sách hay có gặp được chủ giỏi hay không còn phụ thuộc vào thời cuộc. Để giải quyết bài toán điện lực quốc gia cần một thủ tướng tài ba. Một thủ tướng như vậy chỉ có thể đi ra từ phá vỡ độc quyền nhà nước.

N.N.C.

Nguồn: FB Nguyen Ngoc Chu

This entry was posted in Tăng giá điện. Bookmark the permalink.