Tiếng nói của tuổi trẻ – Dân chủ phải đâu là xây dựng tổ chức chính trị để lật đổ chính quyền độc tài?

Lương Thị Huyền

Có lẽ tôi đưa ví dụ về tổ chức Liên minh chống tra tấn Việt Nam trong bài viết trước vẫn còn chưa đủ để mọi người hiểu ý của tôi trong loạt bài tôi viết về tổ chức. Thông qua cmt của nhiều người thì tôi mới biết rằng có rất nhiều sự hiểu lầm, cho rằng cái tôi đang nói đến là tổ chức chính trị. Và nói đến việc lập tổ chức để đấu tranh cho dân chủ, tự do thì đa số chúng ta thường chỉ nghĩ ngay đến tổ chức chính trị, với mục đích cao nhất là tranh thủ sự ủng hộ của quần chúng rồi tiến tới đảo chính, lật đổ chính quyền, bầu Chính phủ mới. Chúng ta cũng thường cho rằng đó là đích đến của tiến trình dân chủ hoá và dân chủ là cứu cánh cho mọi vấn đề trong xã hội. Chính vì đi theo lối suy nghĩ này nên nhiều người mới lầm tưởng rằng khai dân trí có nghĩa là làm cách nào để cho nhân dân chịu bước xuống đường là xong.

Thưa không, đi theo con đường đó nghĩa là thực hiện một cuộc thay đổi từ trên xuống. Chúng ta có thể nhìn sang quá trình chuyển đổi dân chủ của Myanmar (Năm 2015) để hình dung rõ hơn, đó vốn là một cuộc chuyển giao quyền lực đẹp như giấc mơ, nhưng người dân Myanmar cho đến hôm nay vẫn còn chưa chạm tới quyền làm chủ thực sự của mình. Tôi khẳng định rằng việc thay đổi từ trên xuống, ngoài việc nó không khả thi khi nhìn vào hoàn cảnh của Việt Nam hiện giờ, thì chẳng lấy gì để đảm bảo rằng chúng ta sẽ không chuyển đổi từ nhà nước độc tài này sang nhà nước độc tài khác, và thể chế dân chủ cũng sẽ không phát huy được sự ưu việt của nó nếu người dân không được trang bị ý thức để tiếp nhận dân chủ. Tôi từng viết rằng chúng ta không thể tự do khi mà ta không có ý thức về tự do. Tôi sẽ bàn sâu hơn về những điều này trong một bài khác, còn bây giờ tôi sẽ giải thích về loại hình tổ chức mà tôi đang nói tới trong toàn bộ loạt bài, là loại tổ chức mà chúng ta, những người dân hoàn toàn có thể lập ra để bảo vệ và phát huy các quyền của mình, tạo một thế tương quan với chính quyền thông qua việc sử dụng khả năng làm chủ của mình đối với đất nước, dù là sống dưới bất kỳ thể chế nào, cộng sản hay chính quyền mới sau này. Xã hội dân sự là biểu hiện của dân trí, là quyền lực của người dân, nó không chỉ là điều kiện cần của tiến trình dân chủ hoá mà còn đóng vai trò cốt yếu trong việc duy trì nền dân chủ bền lâu, để rồi từ đó hướng tới mục tiêu cao nhất là tạo điều kiện cho mọi công dân trong xã hội có thể theo đuổi các giá trị tự do, nhân phẩm, công bằng, hoà mình vào thế giới văn minh.

Xã hội dân sự được định nghĩa một cách dễ hiểu nhất: “Là xã hội trong đó các tổ chức của các công dân như đảng phái, công đoàn, hợp tác xã, nhóm… thực hiện mối liên hệ giữa công dân với nhà nước, không để cho nhà nước áp bức các công dân của mình” (Định nghĩa trong “Chế độ dân chủ, nhà nước và xã hội”). Dễ hiểu hơn thì ta liên tưởng tới các công đoàn độc lập của công nhân là xã hội dân sự, hội phụ nữ, hội nông dân, hội cựu chiến binh, hội bảo vệ người khuyết tật… đều thuộc xã hội dân sự, tất nhiên không tính bối cảnh hiện giờ, mọi hội nhóm, công đoàn đều chỉ là cánh tay nối dài của Đảng CS thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chúng ta chưa có xã hội dân sự đúng nghĩa. Cho nên tổ chức mà ta xây chính là cái này nè.

Nếu định nghĩa này vẫn còn mơ hồ, thì bây giờ chúng ta hãy cùng tưởng tượng, ngay ngày mai nếu đảng trưởng kính yêu của chúng ta bỗng dưng hồi phục sau cơn đột quỵ. Những ngày qua, ở gần với lằn ranh sinh tử đã khiến ngài nhận ra nhiều điều, ngài bỗng cảm thấy rằng quyền lực nghiêng trời thực ra cũng chẳng có ý nghĩa gì, khi mà đất nước nguy ngập trong cơn hiểm nghèo, các giá trị đạo đức cốt lõi bị băng hoại, xã hội loạn lạc, phía Bắc thì ngoại bang nhòm ngó, nhân dân khổ sở mà nguy cơ mất nước thì hiện lên ngày một rõ ràng. Ngài bỗng cảm thấy cái đảng của ngài vơ vét của dân bao nhiêu năm đó đủ rồi, phá hoại giang sơn cũng đủ rồi, ngài muốn trao lại quyền hành cho dân chúng để họ tìm những người có đức có tài, xây dựng lại non sông gấm vóc, để còn có gì truyền lại cho con cháu mai sau…

Thế là ngài tuyên bố giải thể Đảng Cộng sản, phi chính trị hoá quân đội, trao quyền lại cho dân. Vậy thì chuyện gì sẽ xảy ra? Ai đó sẽ nói với tôi rằng, chúng ta thực hiện tổng tuyển cử tự do, bầu chính phủ mới rồi đi theo thể chế tam quyền phân lập (hình thức nhà nước này có vẻ được nhiều người đấu tranh ủng hộ!). Được rồi, đồng ý, thậm chí cứ cho rằng ta đã có sẵn một lực lượng tinh hoa, đủ năng lực nắm quyền để được dân bầu đi. Đất nước như vậy là đã thoát độc tài, thoả ước nguyện về dân chủ, nhưng chúng ta phát huy quyền làm chủ của mình như thế nào đây? Hay chúng ta phó mặc hết cho chính quyền, y như khi đất nước còn trong bàn tay cộng sản? Người dân đối thoại với chính quyền, đóng góp ý kiến, chia sẻ nguyện vọng, quản lý đất nước và xây dựng xã hội bằng cách nào? Đừng nói với tôi là cứ cái gì trái ý thì chúng ta xuống đường lật đổ chính quyền nha.

Đây là lúc chúng ta nên tìm hiểu về xã hội dân sự, và tìm hiểu rồi thì ta sẽ thấy rằng, khai dân trí một cách có chiều sâu, là xã hội dân sự, gắn kết các lực lượng trong xã hội với nhau để tạo lực xoá bỏ độc tài, là các tổ chức xã hội dân sự, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tạo thế và lực vững chắc cho người dân để gìn giữ nền dân chủ ấy, cũng là xã hội dân sự. Khi xã hội dân sự phát triển là cùng lúc người dân đã có ý thức sâu sắc về quyền của mình, họ biết cách tập hợp, biết cách tổ chức, họ không thua kém nhà cầm quyền cả về thế và lực, họ đồng hành cùng chính quyền trong quản lý và phát triển quốc gia, tới lúc đó thì không ai còn có thể tước bỏ được tự do của họ, cũng không còn quyền lực độc tài nào quay trở lại được nữa. Bằng cách duy nhất đó, chúng ta thực sự bước vào vầng sáng văn minh trong một tiến trình không thể nào đảo ngược. Đây mới là mục đích cuối cùng của chúng ta khi nói tới 3 từ Khai dân trí.

Trên đây chỉ là một vài ý rất sơ lược trong khuôn khổ một bài viết ngắn. Nhưng mà tôi sẽ còn viết, sẽ còn đưa những ví dụ dễ hiểu nhất, để mọi người hiểu rằng một người trẻ bình thường, với kiến thức và khả năng hạn hẹp như tôi mà còn có thể là một phần trong đó, thì không có lý do gì mà các bạn lại không thể. Tất cả vì một đất nước tự do và văn minh, chúng ta không có gì mà không học được cả.

L.T.H.

Nguồn: FB Lương Thị Huyền

This entry was posted in khai dân trí. Bookmark the permalink.