“Nhóm tương trợ” có thể thay thế “Nghiệp đoàn độc lập” ở Việt Nam?

Kiều Phong

Nhu cầu thành lập nghiệp đoàn trong mỗi ngành lao động đã không thể tránh khỏi ở Việt Nam. Mọi ngành nghề giờ đây càng ngày càng nhạy cảm, càng ngày càng xảy ra nhiều tai vạ và người lao động bắt đầu nghĩ đến nghiệp đoàn như mảnh khiên để bảo vệ cho mình. Trong khi chờ mở cửa luật nghiệp đoàn, giải pháp thay thế được đưa ra là “Nhóm tương trợ” với đầy đủ tính năng tương tự.

https://2.bp.blogspot.com/-cenI9l9Zits/XKIp03m4ThI/AAAAAAAABfo/xKvGg_-lya8ywYkrIHMHVcJm0Io9MPx2QCLcBGAs/s640/quy-tuong-tro.jpg

Nhóm tương trợ

Lợi thế của Nhóm tương trợ.Tại thời gian này, nếu mở nghiệp đoàn thì e rằng dẫn đến đàn áp chính trị. Cho nên, nhiều nhóm người lao động trong một ngành nghề đang hoạt động âm thầm chủ yếu dưới dạng thức “Nhóm tương trợ”. Nghĩa là, họ không có bầu cử ai là chủ tịch, ai là phó chủ tịch, ai là thư ký, nhưng mọi người vẫn có mối liên hệ mật thiết với nhau, giúp đỡ nhau trong nghề nghiệp của mình.

Nhóm tương trợ này tuy không mấy hiệu quả trong mấy lĩnh vực sản xuất như công ty giày da, công ty may mặc, nhưng đặc biệt hiệu quả trong khối ngành công sở. Một số nhóm tương trợ đã khá thành công, nhường cơm sẻ áo và thăm hỏi nhau khi đau ốm. Những nhóm tương trợ làm những công việc nhỏ như vậy, dần dần làm được mối liên kết giữa những người cùng làm trong một ngành, một công sở…Chính vì nhỏ, lẻ, không làm truyền thông ầm ĩ nên các nhóm tương trợ hoạt động êm xuôi. Tuy nhiên do còn ở dạng thức sơ khai, chưa tiến lên được mức độ chuyên nghiệp của nghiệp đoàn, cho nên các nhóm tương trợ thường tồn tại một thời gian rồi tự giải tán mà không cần một lý do cản trở nào.

Còn khi đi vào dạng thức nghiệp đoàn thì mối ràng buộc đã cụ thể hơn, ai nấy nhận thức được tầm quan trọng của mình- là một phần tử đảm bảo cho sự ổn định của mạng lưới chung. Dĩ nhiên, người viết bài này không có ý ép buộc tất cả các nhóm tương trợ phải ra mặt hoặc chuyển đổi thành nghiệp đoàn. Mỗi hình thức hoạt động có ưu và nhược điểm của nó, bao gồm cả yếu tố vùng miền. Trong điều kiện hiện tại, nhóm tương trợ hẳn là cơ động hơn và linh hoạt hơn so với việc kết hợp lại thành tổ chức lớn dễ bị chú ý.

Nguồn cung nhân sự nào cho các nghiệp đoàn độc lập?

Các nhóm tương trợ, nếu đủ kiên trì tồn tại cho được, thì đến một ngày nào đó cũng có nhu cầu phải chuyển đổi thành nghiệp đoàn lao động chuyên nghiệp, như kinh nghiệm thường thấy ở các nghiệp đoàn Tây phương. Người Việt nổi tiếng nhiệt huyết, nhưng không được dài lâu, làm đang dở nghỉ giữa chừng. Cho nên có thể thấy nhiều nhóm tương trợ với tôn chỉ ban đầu khá rạo rực và tâm huyết, sau đó lại tự tan đi rất đáng tiếc. Do đó, hình thức nhóm tương trợ không thể thay thế được hình thức nghiệp đoàn, nếu xét về lâu dài.

Cho dù ngay bây giờ, nếu chính phủ Hà Nội mở cửa cho thành lập nghiệp đoàn một cách tự do thì nhân sự cho các nghiệp đoàn vẫn là không đủ, nếu không muốn nói là rất khan hiếm. Trường đại học Công đoàn ở Hà Nội chỉ đào tạo ra những người đốc công, những quản lý nhân công, không phải là những cán bộ nghiệp đoàn mẫn cán.

Hiện tại, đã có nhiều tổ chức phổ biến kiến thức nghiệp đoàn cho tất cả những ai quan tâm. Trong đó, có thể kể đến Mạng lưới nghiệp đoàn hoạt động công khai tại Việt Nam, với người đại diện tại Hà Nội. Mạng lưới nghiệp đoàn cung cấp kiến thức thành lập, quản lý, điều phối nghiệp đoàn theo mô hình Anh – Úc – Mỹ. Các nhóm tương trợ đang hoạt động nhỏ lẻ tại khắp ba miền Việt Nam có thể tham khảo để học cách phát triển tổ chức theo hình mẫu Tây phương. Ngoài ra, cũng có một số liên đoàn, phong trào lao động khác để quý vị tham khảo và yêu cầu giúp đỡ về kinh nghiệm nếu cần.

Tin cho biết, một số nghiệp đoàn như nghiệp đoàn nghề cá Phú Yên, tuy được nhà nước thành lập thử nghiệm nhưng cũng đã được mở rộng khoảng tự do hoạt động rất lớn. Cộng thêm điều kiện thông tin ngày càng dễ dàng, các nghiệp đoàn ngày càng có tiếng nói trong xã hội Việt Nam, dù là nghiệp đoàn quốc doanh hay nghiệp đoàn do tư nhân lập nên. Dù gì, cũng cần thừa nhận, các nghiệp đoàn hay nhóm tương trợ tư nhân, xuất phát từ nhu cầu thực tế và tự do của người lao động, vận hành hiệu quả và trơn tru hơn những nghiệp đoàn do chính quyền địa phương tổ chức.

K.Ph.

VNTB gửi BVN

This entry was posted in nghiệp đoàn độc lập. Bookmark the permalink.