Các công ty công nghệ lớn bị kiểm duyệt chặt chẽ hơn vì luật An ninh Mạng

Khánh Anh dịch

Khi Chính phủ Việt Nam đã không phật lòng với một trò chơi trên Google Play, trong trò chơi này người chơi có thể chiến đấu với các nhân vật được đặt tên theo tên các lãnh đạo Việt Nam, công ty công nghệ khổng lồ đã nhượng bộ.

https://1.bp.blogspot.com/-CSEgokXZNoU/XI_E_0QGd_I/AAAAAAAABOo/DpYFPj0saTwFB75flgA8gIs0BOqJJTqOgCLcBGAs/s640/maxresdefault.jpg

Trò chơi “Lấy lại Quê hương” bị cấm tại Việt Nam.

Ứng dụng này bị chặn truy cập tại Việt Nam, một trong những thị trường trực tuyến hứa hẹn nhất châu Á và là quốc gia mà các nhà lãnh đạo cộng sản từ lâu đã hạn chế tự do ngôn luận và chỉ trích Chính phủ.

Luật An ninh Mạng có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 và yêu cầu tuân thủ trong vòng một năm, thì những hạn chế sẵn có lại trở nên nặng nề hơn. Việt Nam có thể là một mô hình cho các chính phủ đàn áp khác về cách kiểm soát thông tin và đàn áp giới bất đồng chính kiến trực tuyến đồng thời tiếp tục phát triển một lĩnh vực công nghệ sôi động – với các nhà hoạt động lo ngại các công ty sẽ chọn tiếp cận thị trường béo bở thay vì những e ngại kiểm duyệt.

Mặc dù các văn bản hướng dẫn thực hiện luật chưa được ban hành, Luật An ninh Mạng sẽ không chỉ buộc các công ty như Google và Facebook xóa nội dung mà Chính phủ cho là xúc phạm mà còn phải lưu trữ dữ liệu ở tại Việt Nam. Ngoài ra, họ phải thiết lập văn phòng trong nước, điều mà họ không muốn làm vì sợ nhân viên phải chịu áp lực hoặc thậm chí bị bắt.

Kiểm soát nội dung internet và yêu cầu của Chính phủ trong việc giám sát rộng hơn các công ty công nghệ nước ngoài đang là xu hướng phát triển ở châu Á.

Ấn Độ gần đây đã bắt buộc lưu trữ dữ liệu trong nước và đang tìm cách mở rộng quy định cho các các công ty Mỹ, đặc biệt là WhatsApp, ứng dụng nhắn tin của Facebook.

Thái Lan đã thông qua dự luật an ninh mạng của riêng mình vào tháng trước, làm dấy lên những lời chỉ trích từ doanh nghiệp và các nhà hoạt động tự do dân sự.

Việt Nam, trong khi đó, vẫn là một trong những thị trường tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực mặc dù có những hạn chế mới xuất hiện.

Năm ngoái Google và Temasek Holdings của Singapore đã ví nền kinh tế Internet của Việt Nam một con rồng đang được sổ lồng. Theo báo cáo, lập kế hoạch du lịch, truyền thông, thuê xe và thương mại trực tuyến đạt trị giá 9 tỷ đô la tại Việt Nam vào năm 2018 và dự kiến sẽ đạt 33 tỷ đô la Năm 2025.

Người ta lo ngại rằng những công ty công nghệ khổng lồ như Facebook và Google sẽ sẵn sàng tuân thủ các yêu cầu của Chính phủ để họ có thể duy trì sự hiện diện ở thị trường đang bùng nổ này.

Khác với Trung Quốc chặn truy cập toàn bộ Google và Facebook đồng thời tạo ra những các nền tảng Internet của riêng họ, Việt Nam đã chọn từ từ áp dụng các quy định về quản lý công ty công nghệ.

Không qua được thương mại

Tuy nhiên, Luật An ninh Mạng làm tăng thêm luật lệ trong một môi trường đã đầy đàn áp ở quốc gia Đông Nam Á này. Chính phủ có thể duy trì “sự độc quyền về quyền lực chính trị và không cho phép bất kỳ thách thức đối với sự lãnh đạo của họ”, theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền HRW.

Luật An ninh Mạng đã được thông qua dễ dàng bất chấp những nỗ lực vận động hành lang mạnh mẽ của các công ty Hoa Kỳ, theo Jeff Paine, giám đốc điều hành của Liên minh Internet châu Á (AIC), một hiệp hội ngành công nghiệp bao gồm Google, Facebook và các công ty công nghệ khác của Hoa Kỳ.

Phần lớn họ vận động hành lang không phải là vì mối quan tâm của các nhà hoạt động mà vì nếu việc Chính phủ Việt Nam thực thi luật nghiêm ngặt thì lợi ích kinh tế mà các công ty công nghệ sẽ bị giảm sút. Ông Paine cho biết nỗ lực vận động bao gồm cả cuộc đối thoại với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hồi tháng 4 năm ngoái cũng như các đề xuất về điều chỉnh luật.

“Cuộc đối thoại rất thú vị. Nhưng tiếc là diễn ra quá ngắn vì vào tháng Sáu khi luật An ninh Mạng này được đưa ra thì có nhiều điều cần quan tâm. Tôi muốn nói luật An Ninh Mạng này có lẽ là thách thức lớn nhất cho nhiều công ty công nghệ trong năm 2018”.

Việt Nam tin chắc rằng với thị trường khoảng 95 triệu người của họ sẽ đủ hấp dẫn để các công ty công nghệ sẽ đáp ứng yêu cầu của họ thay vì bỏ đi. Hiện tại, các công ty đang chờ các văn bản hướng dẫn cuối cùng – một quy trình mà ông Paine mô tả là “rất khó hiểu”.

Thay vì xây dựng hệ thống pháp lý mạnh mẽ cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế thông qua công nghệ, Chính phủ đang “bận tâm về tin giả và bất cứ điều gì có thể làm ảnh hưởng sự ổn định chính trị”, Vũ Minh Khương một giáo sư tại đại học Chính sách công tại Singapore cho biết.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã không trả lời yêu cầu bình luận. Chính phủ đã nói rằng luật An ninh Mạng cần cấp để “bảo vệ quốc phòng và đảm bảo trật tự xã hội”.

Bkav, một công ty an ninh mạng của Việt Nam, đã cho biết virus máy tính gây ra thiệt hại 642 tỷ đô la tại Việt Nam vào năm ngoái và 1,6 triệu máy tính đã bị mất dữ liệu.

Mục tiêu chính của Luật An ninh Mạng

Theo các nhân viên công nghệ và các nhà hoạt động thì mục tiêu chính của luật An ninh Mạng là Google và Facebook.

“Luật An ninh Mạng là một nỗ lực của Chính phủ nhằm kiểm soát không gian duy nhất nơi mọi người có thể lên tiếng thoải mái”, Mai Khôi, một ca sĩ và nhà hoạt động chính trị nổi tiếng của Việt Nam nói.

Người phát ngôn của Facebook từ chối bình luận khi được hỏi liệu họ có tuân thủ luật An ninh Mạng hay không.

Từ tháng 12 năm 2010 đến tháng 6 năm 2016, Facebook đã nhận được năm yêu cầu xóa nội dung của Chính phủ. Trong năm 2017, họ đã nhận được 67 yêu cầu. Từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2018, theo dữ liệu mới nhất có sẵn, có 49 yêu cầu, con số cao nhất trong sáu tháng cho đến nay.

Trong số 7.366 nội dung Google được yêu cầu xóa kể từ năm 2009, 7.359 yêu cầu trong số đó nhận được vào năm 2017 và nửa đầu năm 2018. Tỷ lệ phần trăm yêu cầu xóa kể từ năm 2017 chưa bao giờ giảm xuống dưới 79%. Gần như tất cả các yêu cầu đều liên quan đến nội dung trên YouTube.

Trong một ví dụ được do Google đưa ra, Chính phủ đã yêu cầu công ty xóa hơn 3.000 video YouTube chủ yếu chỉ trích Đảng Cộng sản và các quan chức chính phủ. Theo Google quyền truy cập hạn chế “đối với đa số dân chúng”.

Phát ngôn viên của Google cho biết, “Chúng tôi có chính sách rõ ràng đối với các yêu cầu xóa thông tin từ Chính phủ trên khắp thế giới. Chúng tôi dựa vào việc Chính phủ thông báo cho chúng tôi nội dung mà họ tin là bất hợp pháp thông qua các quy trình chính thức và sẽ hạn chế nội dung đó sau khi xem xét kỹ lưỡng. Các yêu cầu này được theo dõi và đưa vào Báo cáo minh bạch của chúng tôi”.

Mai Khôi, đã gặp Chủ tịch Google lúc bấy giờ Eric Schmidt vào năm 2017 khi ông đến thăm Việt Nam, đã bày tỏ sự thất vọng về những gì bà thấy khi các công ty công nghệ không cương quyết hơn.

“Các công ty này phải đối mặt với một lựa chọn đơn giản giữa việc tuân thủ luật pháp – và vi phạm nhân quyền – hoặc từ chối tuân thủ và bảo vệ nhân quyền”, bà nói. “Thật không may, có vẻ như họ đã chọn tuân thủ”.

Việc gia tăng các yêu cầu gỡ bỏ nội dung trên Google năm 2017 đã khiến cho nhân viên Google phải có các cuộc họp ở Washington với đại diện của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, cũng như các thành viên của văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ.

Tháng trước, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius đã tham gia Google với tư cách là phó chủ tịch phụ trách chính sách công và các vấn đề Chính phủ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Nguồn: Under Vietnam’s new cybersecurity law, U.S. tech giants face stricter censorship

VNTB gửi BVN.

This entry was posted in Luật An ninh mạng. Bookmark the permalink.