Việt Nam tại Kiểm điểm Nhân quyền trước LHQ ở Geneva

Trong phòng họp hôm 12/03 thuộc phiên họp 125 của Ủy ban Nhân quyền LHQ tại Palais Wilson ở Quai Wilson, Geneva. Bản quyền hình ảnh UN

Sang ngày thứ nhì của phiên họp 125 của Ủy ban Nhân quyền (Human Rights Committee) của Liên Hiệp Quốc tại Geneva, Thụy Sỹ, các câu hỏi cho thấy các quốc gia nắm rất sát tình hình thực tế về nhân quyền của Việt Nam.

Phiên họp ‘125th Session of Human Rights Committee’ diễn ra trong Palais Wilson ở Quai Wilson, Geneva và được đăng tải trên kênh truyền hình webtiv.un.org công khai của LHQ (Consideration of Viet Nam – 125th Session CCPR).

Nhiều vấn đề cụ thể

Những vấn đề về quyền dân sự, chính trị phía Việt Nam được các đại biểu nêu ra gồm cả câu hỏi về lực lượng Cờ Đỏ bị cho là thể hiện thù hằn tôn giáo, vấn đề tù nhân lương tâm, vấn đề tra tấn, về phân biệt đối xử với người thiểu số tin theo Thiên Chúa Giáo, luật an ninh mạng, luật lao động, về bình đẳng và không phân biệt giới tính, tự do báo chí…

Ngoài ra là vấn đề sức chứa tối đa của các phòng giam trong nhà tù, phòng tạm giam, tính độc lập của Bộ Tư pháp Việt Nam, việc tiếp cận dịch vụ y tế của người bị HIV…

Các câu hỏi khác là về vấn đề người Thượng hồi hương, về việc đảm bảo làm sao để cộng đồng bản địa, người thiểu số trước khi đất đai của họ bị đưa vào các công trình phát triển thì họ có được thông báo, và có cơ quan độc lập nào giám sát việc đó hay không.

Kể cả vấn đề đa nguyên chính trị, bầu cử, với sự tham gia của nhiều nhóm dân chúng không có hạn chế, khả năng tự ứng cử của những người không phải đảng viên cộng sản, về độc đảng ở Việt Nam cũng được nêu ra.

Một thành viên Ủy ban, bà Marcia Kran (Canada) hỏi nhiều về người thiểu số và đa nguyên chính trị ở Việt Nam. Bản quyền hình ảnh UN

Chẳng hạn có câu hỏi rằng nếu đa số các công chức, quan chức trong bộ máy chính quyền là Đảng viên Cộng sản thì làm sao đảm bảo tính đa nguyên?

Trong phiên họp hôm 11/03, có đại biểu nói Hiến pháp Việt Nam có một chương riêng để thúc đẩy quyền con người, nhưng khi LHQ đối thoại với các quốc gia thành viên “thì chúng tôi không chỉ đơn giản là nhìn ở trong nội dung của luật mà chúng tôi còn nhìn vượt ngoài khuôn khổ đó nữa”, theo video link công bố cùng ngày.

“Về mặt thực tế đặc biệt là việc thực hiện các quy định của công ước, những vấn đề nào mà người dân Việt Nam đang phải gặp phải trong việc thực hiện các quyền của mình, đặc biệt là quyền của những người bảo vệ nhân quyền, quyền của phụ nữ, quyền của dân tộc thiểu số và cũng như là làm sao để giúp cho họ để thực hiện các quyền được công nhận trong công ước,” đại biểu này nói.

chưa bao giờ quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí được như ngày nay

Quan chức đoàn VN

Thứ trưởng Bộ Tư pháp, ông Nguyễn Khánh Ngọc, trưởng phái đoàn Việt Nam đã trả lời, nêu ra nhiều con số khác nhau:

“Hiện nay Việt Nam thì cũng đã có 100 luật mới liên quan đến các điều luật liên quan tới công việc bảo vệ và đẩy mạnh quyền con người, quá trình làm luật đã được đẩy mạnh hơn để theo hướng ngày càng minh bạch và tiến bộ.

Ông cũng cho hay, trong những năm gần đây, “Việt Nam thì cũng đã tập trung rất nhiều vào việc thực thi pháp luật hệ thống tòa án ví dụ đã được cải cách với nhiều cơ sở và điều kiện làm việc tốt hơn”.

Đoàn VN trả lời câu hỏi tại phiên họp ở Geneva 12/03. Bản quyền hình ảnh  UN

Trong phiên họp đang tiếp tục trong ngày 12/03, một quan chức thuộc đoàn Việt Nam tại phiên Kiểm điểm nói Việt Nam bảo vệ quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận rất mạnh mẽ.

Ví dụ, theo ông, “báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, và phát sóng”.

“Luật tiếp cận thông tin có hiệu lực năm 2018, và yêu cầu nhu cầu giải trình của cơ quan nhà nước đối với các nhà báo và công dân.”

Vị quan chức cũng nói “chưa bao giờ quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí được như ngày nay”.

Ông nêu ra con số hàng nghìn nhà báo, con số hàng trăm đại diện báo chí nước ngoài ở Việt Nam nhưng không xác nhận Việt Nam có báo chí tư nhân hay không.

Về Luật An ninh mạng, ông nói Việt Nam “có công nghệ thông tin phát triển mạnh, với 2/3 người dân sử dụng internet, và làm sao bán được sản phẩm của người nông dân VN trên Amazon”.

“Tuy nhiên, có những điều ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội như vụ tin tặc ở hai sân bay lớn, các chuyến bay bị hoãn, một ví dụ đó, và các hoạt động mang tính tội phạm trên mạng thì rất nhiều nên chúng tôi phải xây dựng an ninh mạng… làm sao đảm bảo quyền biểu đạt trên mạng”.

Kết luận, ông nói, Việt Nam “rất tiếp thu các ý kiến của các bạn, để quyền tự do ngôn luận của người Việt Nam được phát huy hết”.

Sau đó, một đại diện nữ của Ban Tôn giáo, chính phủ Việt Nam, rồi đến đại diện của Ban Dân tộc lần lượt trả lời.

Về quyền của dân tộc thiểu số, đại diện VN nói rằng nước này chưa soạn luật về dân tộc thiểu số vì như thế thì lại là “phân biệt đối xử dân tộc đa số”.

Tuy thế, nữ đại biểu này nói Việt Nam đang nghiên cứu về luật hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số mà không phân biệt đối xử với người dân tộc đa số, và nghiên cứu này dự kiến sẽ hoàn tất trong năm 2019.

Các con số rất quan trọng

Có mặt tại phiên họp, một thành viên của tổ chức NGO Jubilee Campaign, ông Nguyễn Quốc Tuấn phê phán “đoàn Việt Nam tránh né trả lời vào câu hỏi của uỷ ban mặt khác khi tránh né không được thì họ sẵn sàng nói dối không biết ngượng”.

“Về các câu hỏi đặt ra thì chúng ta có thể thấy rõ những dữ liệu chúng ta trong vai trò xã hội dân sự, cung cấp qua các bản báo cáo đến Ủy ban Nhân quyền có giá trị quan trọng đặc biệt”.

Điều này cho thấy hiện vẫn có sự khác biệt lớn trong quan điểm về nhân quyền và các quyền liên quan giữa chính phủ Việt Nam và các nhóm vận động ở bên ngoài.

Nguồn: https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-47539002

This entry was posted in Nhân Quyền. Bookmark the permalink.