Tham nhũng chính sách

Mai Quốc Ấn

Là một loại tham nhũng đặc biệt! Thay vì chỉ thụt két công quỹ như tham nhũng thì việc tạo ra các hành lang pháp lý bất hợp lý để trục lợi từ đó với mức độ lâu dài, nguy hại cao hơn.

Lấy một ví dụ về việc tiêu tốn năng lượng của xã hội như cách ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phát biểu về việc thì lại bằng lái xe nếu bị mất. Sẽ mất không chỉ tiền xăng xe, thời gian, cơ hội công việc để đi thi lại của rất nhiều trường hợp tài xế mất bằng lái. Mà còn là các khoản thu của các trung tâm tổ chức thi lái xe.

Một ví dụ khác, việc không công bố kết quả quan trắc môi trường công khai để người dân giám sát khiến các doanh nghiệp có cơ hội xả thải mà dân không biết kêu ai. Độc quyền thông tin kết quả quan trắc khiến ngành tài nguyên môi trường cũng dễ dàng hơn trong việc kiểm tra và định đoạt mức phạt nếu doanh nghiệp vi phạm. Muốn xử nhẹ, phải “ngoan”. Và như vậy, ô nhiễm xuất hiện thì nhân dân lãnh đủ với ngay cả chỉ phí y tế, từ khám chữa bệnh do bảo hiểm xã hội chi trả cũng có nguồn gốc từ thuế dân.

Hôm qua, 8/3/2019, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) tổ chức họp báo cung cấp thêm thông tin về dự thảo TCVN-12607:2019 quy phạm thực hành sản xuất nước mắm. Họp báo về quy chuẩn nước mắm nhưng lại không mời các hiệp hội Nước mắm truyền thống như Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc, Hiệp hội Nước mắm Phan Thiết, Hiệp hội Lương thực thực phẩm TP.HCM… mà chỉ mời Công ty Liên Thành và Công ty Xuyên Việt. Họp báo về nước mắm nhưng chuyên gia giơ tay xin phát biểu thì không cho nói. Hiểu một cách đơn giản là một khi các quy chuẩn được ban hành theo kiểu “giết” nước mắm truyền thống thì người Việt chỉ còn một lựa chọn là nước chấm có vẻ giống nước mắm với bản chất là nước muối, đạm công nghiệp và hương liệu.

Nhưng nếu chỉ nhìn một hội thảo liên quan đến các nhân vật có mặt, những nhân vật không được nói thì hiểu về tham nhũng chính sách quá hời hợt! Những tài phiệt đứng sau chi tiền thông thường không muốn/không cần xuất hiện. Cái họ cần là chính sách có lợi cho tập đoàn của họ, bất chấp là dùng cách nào.

Một trong những cách để tham nhũng chính sách là bịt kín thông tin phản biện, kể cả dùng trò bẩn.

Ví dụ một người hay một nhóm người khiếu nại, khởi kiện, tố cáo quan chức xử lý sai về quyền sử dụng đất của mình thì bị vu là… phản động, tụ tập đông người gây mất trật tự, bị thế lực thù địch lợi dụng v.v… Hồi ban hành Nghị định 109/2010 về xuất khẩu gạo, có một anh chủ doanh nghiệp đã được “mời lên uống trà” vì phản đối sự độc quyền mà nghị định này dành cho các Tổng Công ty lương thực của hai miền.

Tại Việt Nam, có rất nhiều ví dụ như vậy về tham những chính sách.

Tựu trung, các bộ ban ngành nếu xuất hiện tham nhũng chính sách thì có hai dạng: Một là bảo vệ quyền lợi của bộ, ban, ngành mình qua việc cấp phép, đào tạo, đánh giá, thẩm định, kiểm tra (giấy phép con). Hai là tạo hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp sân sau chiếm đoạt tài nguyên, thao túng nguyên liệu, độc quyền thị trường,.v.v..

Những người bị tác động lớn nhất của tham nhũng chính sách không hẳn chỉ là người trong lĩnh vực mà chính sách bị tham nhũng tác động xấu. Về bản chất, toàn thể nhân dân hay toàn thể người tiêu dùng mới là nạn nhân. Lớn hơn nữa, đất nước cũng là nạn nhân của tham nhũng chính sách.

Đào tài nguyên lên và bán thôi mà cũng lỗ cả trăm ngàn tỷ như các Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam đang vận hành chính là một ví dụ tiêu biểu về tham nhũng chính sách. Bán tài nguyên giá rẻ rồi nhập về giá cao cũng là một điển hình của tham nhũng chính sách. Nói cách khác tham nhũng chính sách ăn mất phần con cháu của chúng ta và tô điểm thêm sự xa hoa của con cháu chúng nó.

Tham nhũng chính sách mà xuất hiện trong giáo dục thì có thể tạo ra nhiều lớp dân ngu. Cái dễ thấy nhất của việc ngu dân là những kẻ ngu xuẩn nhất lại đi ca ngợi bọn tham nhũng chính sách. Tham nhũng chính sách cũng tạo ra những lớp dân hèn. Tiêu biểu của cái hèn đó đó chính là việc im lặng trước bất công. Thậm chí là coi những người chính trực đang bảo vệ quyền lợi của mình, của cộng đồng hay của đất nước là… phản động.

Nhưng ô nhiễm hay nợ công thì về bản chất chia đều cho tất cả. Việc ngu hóa, hèn hóa, bần cùng hóa nhân dân chỉ mang lại sự giàu sang, xa hoa, danh tiếng cho các quan chức, chủ doanh nghiệp thao túng chính sách và người thân của họ.

Nếu con đỉa chỉ hút máu người thì tham nhũng chính sách có thể hút luôn trái tim nhân ái, hút cả não trạng để phân biệt đúng sai, hút hết sức sáng tạo lẫn nhân cách đứng lên đối diện với bất công. Tham nhũng chính sách mà liên quan đến ô nhiễm thì có thể hút cả sinh mệnh con người trên một diện rộng và để lại hậu quả về thoái hóa giống nòi qua nhiều thế hệ.

Trước tham nhũng, chính sách không có chuyện “ngu si hương thái bình”. Trước tham nhũng chính sách, biết mà im cũng chết, biết mà đấu tranh cũng chết. Nên trước tham nhũng chính sách có nhiều người đã vứt bỏ tôn nghiêm, tự trọng và lòng nhân để tham gia trở thành một bộ phận tham nhũng chính sách.

Tham nhũng chính sách là một cách nói khác của việc đi ngược lại các giá trị phổ quát và con đường chân, thiện, mỹ mà nhân loại hướng đến.

Với tôi, bọn tham nhũng chính sách chỉ là bọn giống người bởi thức ăn, nước uống và việc tiêu dùng xa hoa của chúng đều có thặng dư bằng sinh mệnh của con người.

Nguồn: FB Mai Quốc Ấn

This entry was posted in Tham nhũng chính sách. Bookmark the permalink.