Thường Sơn
Cuộc đối thoại nhân quyền thường niên giữa Liên minh châu Âu (EU) và chính quyền Việt Nam đã diễn ra tại Brusells, Bỉ – nơi đặt trụ sở của EU – vào ngày 4/3/2019 mà không nhận được bất kỳ phản ứng tích cực nào của đoàn Việt Nam, bất chấp phía EU đã nêu ra rất nhiều vấn đề.
Những vấn đề nhân quyền mà EU nêu ra liên quan tới quyền tự do biểu đạt (trực tuyến và ngoại tuyến), an ninh mạng, án tử hình, quyền lao động, môi trường và hợp tác trong khuôn khổ Liên Hợp Quốc bên cạnh các vấn đề khác. Trước cuộc đối thoại đã diễn ra các cuộc tham vấn với xã hội dân sự tại châu Âu và Việt Nam.
EU đã chỉ ra sự gia tăng các vụ bắt giữ và kết án cũng như những hạn chế trong quyền tự do đi lại của những nhà bảo vệ nhân quyền kể từ năm 2016. Cùng với việc đề cập tới một số trường hợp cá nhân cụ thể, EU cũng đưa ra tuyên bố về kỳ vọng rằng tất cả các quyền của những người bị giam giữ cần được tôn trọng phù hợp với Hiến pháp Việt Nam và các điều khoản về nhân quyền quốc tế, đồng thời nhắc lại rằng tất cả những cá nhân bị bắt giam vì đã thực hiện quyền tự do biểu đạt của mình một cách ôn hòa trên mạng hay không qua mạng cần phải được trả tự do. Ngoài ra, EU còn khuyến khích Việt Nam đưa ra lời mời thường trực dành cho các Thủ tục Đặc biệt của LHQ.
Liên minh châu Âu nhắc lại vai trò rất quan trọng của các tổ chức Xã hội dân sự trong việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người cũng như trong việc tăng cường sự phát triển kinh tế – xã hội bền vững.
Đoàn đàm phán EU do ông David Daly, Trưởng ban Đông Nam Á thuộc Cơ quan Đối ngoại châu Âu (EEAS) dẫn đầu cùng Bà Luisa Ragher, Trưởng ban Nhân quyền thuộc EEAS. Phái đoàn Việt Nam do ông Đỗ Hùng Việt, Quyền Vụ trưởng Vụ Các Tổ chức Quốc tế, Bộ Ngoại giao Việt Nam cùng với các vị đại diện đến từ các cơ quan, bộ ngành khác nhau.
Đoàn đàm phán EU do ông David Daly, Trưởng ban Đông Nam Á thuộc Cơ quan Đối ngoại châu Âu (EEAS) dẫn đầu.
Chẳng có gì đáng ngạc nhiên trước hiện tượng phía EU ‘độc thoại’ trong cuộc đối thoại nhân quyền với Việt Nam. Bởi hiện tượng này đã xảy ra nhiều lần trong những cuộc đối thoại nhân quyền hàng năm trước đó.
Trong hầu hết các cuộc đối thoại nhân quyền với EU, chính quyền Việt Nam chỉ cử quan chức là một vụ trưởng, hoặc quyền vụ trưởng Vụ Các Tổ chức Quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam làm trưởng đoàn, mà về thực chất là quan chức này không có bất cứ quyền hạn nào để quyết định bất cứ nội dung chính nào mà đoàn đàm phán EU đòi hỏi.
Thậm chí ngay cả cấp trên và cao hơn hẳn của trưởng đoàn đối thoại Việt Nam là Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, thân là Ủy viên Bộ chính trị, cũng không thể quyết định những vấn đề mà EU nêu ra, mà phải hỏi ý kiến… Bộ Chính trị, hay cụ thể hơn là ý kiến của ‘Tổng chủ’ Nguyễn Phú Trọng.
Trước khi cuộc đối thoại nhân quyền EU – Việt Nam diễn ra, ông Phạm Bình Minh đã có một chuyến đi lặng lẽ tới Đức, với một tâm thế có vẻ như miễn cưỡng, nơi mà ông ta phải tìm cách xử lý vụ nhà nước Đức tố cáo Trịnh Xuân Thanh bị mật vụ Việt Nam bắt cóc và cơn khủng hoảng ngoại giao Đức – Việt kéo dài suốt từ tháng 8 năm 2017 đến nay mà chưa có lối ra.
Trong khi toàn bộ phái đoàn của Việt Nam vẫn ‘cấm khẩu’, điểm nhấn lớn nhất của cuộc đối thoại nhân quyền ở Brusells là “chúng tôi không chỉ đối thoại mà thôi, mà chúng tôi còn yêu sách áp lực cho nhân quyền tại Việt Nam” – theo bà Maya Kocijancic, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Liên Âu về Chính sách An ninh.
Cuộc đối thoại nhân quyền EU – Việt Nam vào đầu tháng 3 năm 2019 có bối cảnh khác hẳn: vào giữa tháng 11 năm 2019, lần đầu tiên Nghị viện châu Âu tung ra một bản nghị quyết lên án Việt Nam vi phạm nhân quyền với nội dung rất rộng và sâu, lời lẽ rất cứng rắn; và vào tháng 2 năm 2019, Hội đồng châu Âu đã thẳng tay quyết định hoãn vô thời hạn việc phê chuẩn EVFTA khiến chính quyền Việt Nam ‘mất ăn’ khi tưởng như đã nuốt trôi mọi thứ.
EU đang đặc biệt quan ngại về những vi phạm nhân quyền trầm trọng của chính quyền Việt Nam liên quan đến số phận EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do châu Âu – Việt Nam), và gần đây EU đã chuyển quan điểm từ ‘EVFTA trước, nhân quyền sau’ sang ‘nhân quyền trước, EVFTA sau’.
Nhưng điều trớ trêu là trong khi Phạm Bình Minh phải đi điều đình ở Đức và đoàn Việt Nam im như thóc tại cuộc đối thoại nhân quyền với EU, chính quyền Việt Nam vẫn tiếp tục đàn áp những tiếng nói bất đồng, đàn áp người dân mà chưa có bất kỳ biểu hiện nào sẽ ‘cải thiện nhân quyền’ như bao lần hứa hẹn.
EVFTA, cũng bởi thế, vẫn hoàn toàn bế tắc cho chính thể độc đảng chỉ muốn ‘ăn sẵn’ ở Việt Nam.
T.S.
VNTB gửi BVN