Trường Giang – Xuân Cường
(Đời sống) —> (Tieudung.vn) – “Thu phí cầu hay thu phí đường?”, đó là câu hỏi mà nhiều tài xế đã chất vấn khi đi qua trạm BOT An Sương – An Lạc nhưng chưa có được câu trả lời đúng tuyệt đối trong một giao dịch mua – bán dịch vụ. Nhà đầu tư IDICO – IDI và Sở GTVT TP Hồ Chí Minh đã rất cầu thị và nỗ lực làm rõ. Tuy nhiên, có vẻ như vấn đề mang tính “nút thắt” của những tranh cãi liên quan tới dự án BOT này chưa được tháo gỡ một cách triệt để, văn minh, đa chiều.
Thời gian thu phí cải tạo, nâng cấp QL1A đã hết, sao 6 trạm vẫn còn đó?
Thông báo kết luận số 1423/KL-TTCP ngày 6/6/2017 của TTCP nêu rõ: Dự án BOT cải tạo, nâng cấp QL1A, đoạn An Sương – An Lạc được Bộ GTVT giao cho Công ty CP đầu tư phát triển hạ tầng IDICO – IDI làm nhà đầu tư; chiều dài tuyến 13,7 km; thi công từ tháng 4/2001 tới quý I/2004; tổng mức đầu tư hơn 831,6 tỉ đồng, trong đó 30% là vốn chủ sở hữu, 70% vốn vay ngân hàng; thời gian thu phí hoàn vốn là 114 tháng (tới tháng 1/2017).
Giao lộ QL1A – Đường số 7 – Đường M1 không có cầu vượt nhưng vẫn thu phí.
Cũng vì các dự án BOT, ngày 17/8/2012, Báo Thanh Niên có bài “Ma trận trạm thu phí: 10 km, 5 trạm”, phản ánh tình trạng TP Hồ Chí Minh bị BOT “bủa vây cửa ngõ”, cụ thể:
“Trên địa bàn TP.HCM hiện có 7 trạm gồm: An Sương – An Lạc, Kinh Dương Vương, Nguyễn Văn Linh, xa lộ Hà Nội, cầu Bình Triệu 1, cầu Bình Triệu 2, cầu Phú Mỹ. Tuy không dày đặc nhưng được bố trí theo kiểu bủa vây.
…Những xe nếu đã “trót lỡ” chạy vào QL1A từ hướng An Sương đi An Lạc thì phải trả tiền cho “hệ thống” trạm thu phí An Sương – An Lạc. Gọi là hệ thống vì ngoài trạm chính ở QL1A (An Lạc, quận Bình Tân) thì ngay cửa ngõ vào KCN Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh) cũng có thêm một trạm “con”, đến ngã tư Gò Mây (quận Bình Tân), dù rẽ trái vào đường Lê Trọng Tấn hay rẽ phải vào đường Nguyễn Thị Tú cũng đều trả phí vì có 2 trạm “con” án ngữ cả hai phía. Tương tự ngay đầu đường Tân Kỳ Tân Quý, giao với QL1A cũng có một trạm “con”, tất cả đều thuộc dự án An Sương – An Lạc…”.
Về “hệ thống trạm thu phí” trên QL1A nêu trên, vào ngày 23/10/2012, Sở GTVT đã thông tin:
Theo Quyết định số 3510/QĐ-BGTVT ngày 21/9/2005 của Bộ GTVT, hệ thống thu phí dự án BOT cải tạo, nâng cấp QL1A đoạn An Sương – An Lạc gồm 01 trạm thu phí chính và 05 trạm thu phí phụ để thu phí hoàn vốn cho dự án.
Mua vé tại cabin thu phí giao lộ QL1A – Đường số 7 – đường M1
Hiện tại, Công ty IDICO đã lắp đặt 01 trạm thu phí chính (tại Km 1906+700) và 03 trạm thu phí phụ tại các nút giao: Ngã ba Bà Quẹo (Km 1907+156), Ngã tư Gò Mây (Km 1904+186), giao lộ đường số 7 (KCN Vĩnh Lộc) – đường M1 (KCN Tân Bình) và QL1A.
Việc thu phí hoàn vốn dự án BOT Cải tạo, nâng cấp QL1A đoạn An Sương – An Lạc thực hiện theo nguyên tắc: Các loại xe ô tô sử dụng tuyến đường của dự án BOT An Sương – An Lạc lưu thông trên tuyến QL1A từ An Sương đến An Lạc và ngược lại sẽ phải trả tiền thu phí 01 lần, theo lộ trình như sau:
– Hướng xe lưu thông từ An Sương đến An Lạc: Thu phí tại trạm chính đặt tại Km 1906+700.
+ Rẽ phải vào KCN Vĩnh Lộc (theo đường số 7) và ngược lại: Thu phí tại cabin đường số 7.
+ Rẽ trái vào KCN Tân Bình (theo đường M1) và ngược lại: Thu phí tại cabin đường M1.
+ Rẽ phải vào Khu công nghiệp Vĩnh Lộc (theo đường Nguyễn Thị Tú) và ngược lại: Thu phí tại trạm thu phí phụ Gò Mây.
+ Rẽ trái vào đường Lê Trọng Tấn và ngược lại: Thu phí tại trạm thu phí phụ Gò Mây.
– Hướng xe lưu thông từ An Lạc đến An Sương: Thu phí tại trạm thu phí chính tại Km 1906+700.
+ Rẽ phải vào đường Tân Kỳ Tân Quý và ngược lại: Thu phí tại Trạm thu phí phụ Ngã ba Bà Quẹo.
– Các phương tiện ô tô lưu thông trên tuyến BOT An Sương – An Lạc sẽ chỉ phải đóng phí 01 lần, đối với các phương tiện băng ngang qua đường (từ đường Nguyễn Thị Tú sang đường Lê Trọng Tấn và ngược lại tại trạm thu phí phụ nút giao Gò Mây, từ KCN Vĩnh Lộc sang KCN Tân Bình và ngược lại tại trạm thu phí phụ giao lộ đường số 7 – đường M1 và QL1A) mà không lưu thông trên tuyến BOT An Sương – An Lạc sẽ được thu và trả lại tiền theo phương thức vé thế chấp.
Tuy nhiên, khi thời hạn thu phí dự án BOT cải tạo, nâng cấp QL1A đoạn An Sương – An Lạc chiều dài tuyến 13,7 km đã kết thúc từ tháng 1/2017, hệ thống trạm BOT của IDICO vẫn không bị dẹp bỏ, vẫn “bủa vây” TP Hồ Chí Minh và khu vực vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Và lý do để “kéo dài” thời gian tồn tại các trạm thu phí cũng thật bất ngờ.
Xuất hiện các phụ lục hợp đồng “đầu tư bổ sung” để kéo dài thời gian thu phí tới 2033
Sau khi các tài xế phản đối BOT An Sương – An Lạc “thu lố” từ đầu tháng 12/2018, các cơ quan chức năng và nhà đầu tư đã thông tin rộng rãi về “giai đoạn 2” của dự án.
Mới đây, báo Sài Gòn Giải Phóng đã dẫn văn bản của Sở GTVP TP Hồ Chí Minh về BOT An Sương – An Lạc. Theo đó, Sở GTVT cho biết, dự án cải tạo nâng cấp QL1A đoạn An Sương – An Lạc được đầu tư theo hình thức Hợp đồng BOT đã và đang thực hiện với 02 thời kỳ.
Thời kỳ 01, Bộ GTVT làm chủ đầu tư từ 2000 đến 2010.
Trong thời kỳ này, 04 nút giao Thuận Kiều, Bà Quẹo, Bà Hom và Bình Chánh đều là nút giao bằng (đồng mức) có bố trí đảo dẫn hướng, đảo phân luồng và điều khiển giao thông bằng đèn tín hiệu.
Đến thời kỳ 02, dự án được chuyển giao cho UBND TP Hồ Chí Minh quản lý từ 2010 đến nay.
Cầu vượt Tỉnh lộ 10B vắt ngang qua QL1A, là đường hướng tâm giúp giao thông nội đô – Tây Sài Gòn thêm thông thoáng.
Do tuyến QL1A đoạn An Sương – An Lạc đang được nhà đầu tư khai thác, thu phí và thực hiện nghĩa vụ đảm bảo an toàn giao thông thông suốt theo Hợp đồng BOT đã ký kết với Bộ GTVT nên để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý được đồng bộ, UBND TP và Bộ GTVT kiến nghị và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chuyển giao Hợp đồng BOT đã ký kết từ Bộ GTVT về UBND TP.
Sau khi QL1A đoạn An Sương – An Lạc được đầu tư mở rộng (thời kỳ 1), lưu lượng các phương tiện giao thông trên tuyến ngày càng tăng dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông tại các nút giao, nhất là tại các nút giao với các đường hướng tâm có nhiều phương tiện lưu thông. Vì vậy, việc đầu tư xây dựng cầu vượt tại các nút giao thông này là cấp thiết.
Do đó, Bộ GTVT, UBND TP và các đơn vị liên quan cho rằng cần đầu tư bổ sung các hạng mục cầu vượt vào dự án nhằm đảm bảo khai thác hiệu quả và đồng bộ toàn tuyến. Xuất phát từ yêu cầu này, UBND TP và nhà đầu tư đã đàm phán, đầu tư xây dựng bổ sung vào dự án BOT An Sương – An Lạc các công trình cầu vượt tại nút giao QL1A với Tỉnh lộ 10B, Tỉnh lộ 10, Hương lộ 2, đường Lê Trọng Tấn – đường Nguyễn Thị Tú (nút giao Gò Mây). Các công trình đầu tư bổ sung đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.
Theo dự án được duyệt và phương án thu phí hoàn vốn đầu tư, các phương tiện xe cơ giới lưu thông trên tuyến QL1 đoạn An Sương đến An Lạc phải trả phí theo nguyên tắc trả một lần cho một lượt đi.
Việc đầu tư, quản lý và khai thác các hạng mục bổ sung (nút giao khác mức – cầu vượt) được gắn liền trong tổng thể dự án BOT An Sương – An Lạc với mục tiêu giảm ùn tắc giao thông, tạo điều kiện cho các phương tiện giao thông thuận lợi, an toàn và thông suốt trên QL1A (bao gồm cả nút giao) do cùng trong một mặt bằng xây dựng, quản lý, khai thác công trình BOT và không thể đặt thêm trạm thu phí riêng cho các hạng mục công trình này…
Đó là quan điểm của Sở GTVT TP Hồ Chí Minh.
Cần minh bạch thu phí cầu hay thu phí đường để “gỡ nút thắt” giao lộ QL1A – Đường số 7 – Đường M1
Liên quan tới “giai đoạn 2” dự án BOT đầu tư QL1A đoạn An Sương – An Lạc, theo thông báo của IDICO và các cơ quan chức năng, IDICO được Thủ tướng và cơ quan nhà nước cho phép đầu tư bổ sung các hạng mục: Cầu vượt nút giao Tỉnh lộ 10 và 10B (tổng mức đầu tư 704.584.000.000 đồng, hoàn thành vào 30/8/2013); Cầu vượt nút giao Hương lộ 2 (tổng mức đầu tư 407.039.000.000 đồng, hoàn thành vào 31/12/2014); Cầu vượt nút giao Lê Trọng Tấn (tổng mức đầu tư 511.543.000.000 đồng, hoàn thành vào 17/5/2017).
4 cây cầu, 3 lần đầu tư ở 3 giai đoạn khác nhau nhưng được “gom” thành 1 dự án và IDICO vay tới 85% vốn
Doanh nghiệp đã đầu tư tổng cộng 1.623.166.000 đồng cho 04 cầu vượt (không phải gần 2.500 tỉ đồng như một số báo đưa – PV) để được kéo dài thời gian thu phí hoàn vốn thêm 16 năm, từ 1/2/2017 đến 31/1/2033.
Về 04 cây cầu này, các cơ quan chức năng chưa làm rõ vì sao lại cho phép nhà đầu tư IDICO “gộp” 04 cầu khác nhau, hoàn thành vào 03 khoảng thời gian cách xa nhau vào 01 “giai đoạn” để IDICO đi vay tới 85% tổng vốn đầu tư, khiến người dân thắc mắc vì sao họ phải “oằn mình” trả lãi vay, phí quản lý,… tới 2033 (!?).
Bên cạnh đó, về vị trí đặt 06 trạm thu phí cũng gây tranh cãi.
Theo Báo Lao Động, “trước nghi vấn của người dân, sao không đặt trạm thu phí ở các cây cầu vượt mới mà vẫn đặt ở vị trí cũ; mặt khác, nhiều người cho rằng họ không sử dụng cầu vượt (đi dưới mặt đường kế bên cầu) thì tại sao phải nộp phí? Sở GTVT cho rằng, việc đầu tư, quản lý, khai thác các cầu vượt bổ sung là gắn liền trong tổng thể của dự án BOT An Sương – An Lạc nên không thể tách rời. Nếu tách riêng để thu phí thì phải giải phóng mặt bằng và đặt thêm trạm thu phí, làm chi phí đầu tư tăng cao.
Mặc khác, hiệu quả xây dựng cầu vượt mang lại giúp các phương tiện lưu thông qua nút giao không bị ùn tắc. Vì vậy, tất cả người tham gia giao thông qua đây đều phải trả phí, cho dù đi trên cầu vượt hay đi dưới cầu“.
Như vậy, theo quan điểm của Sở GTVT TP, việc IDICO thu phí phương tiện lưu thông qua các giao lộ nói trên (QL1A – Trần Văn Giàu, QL1A – Tỉnh lộ 10, QL1A – Hương Lộ 2, QL1A – Lê Trọng Tấn – Nguyễn Thị Tú) thông thoáng nhờ cầu vượt, thì dù đi trên cầu hay dưới cầu là phù hợp.
Cần phải nói thêm, hướng từ An Lạc – An Sương, IDICO đầu tư 04 cầu vượt lần lượt là: Cầu vượt Tỉnh Lộ 10 B (bắc ngang QL1A) – Cầu vượt Tỉnh lộ 10 (cùng chiều và nằm trên QL1A) – Cầu vượt Hương Lộ 2 (cùng chiều và nằm trên QL1A) – Cầu vượt Gò Mây (cùng chiều và nằm trên QL1A).
Tuy nhiên, Sở GTVT lại quên mất rằng, ngoài 04 giao lộ giảm ùn tắc nhờ có 04 cầu vượt trên, có 01 giao lộ lớn cách xa khu vực cầu vượt Gò Mây nhưng vẫn tồn tại 02 trạm thu phí từ giai đoạn cải tạo, nâng cấp QL1A (giai đoạn 1) đã hết thời hạn thu phí từ tháng 1/2017 (!?).
Giao lộ QL1A – Đường số 7 – Đường M1 cách xa Cầu vượt Gò Mây còn tồn tại 2 trạm thu phí từ đầu của dự án BOT An Sương An Lạc
Đó chính là giao lộ QL1A – Đường số 7 – Đường M1, nơi các phương tiện từ hướng KCN Vĩnh Lộc (Đường số 7) và KCN Tân Bình (Đường M1) ra An Sương (quận 12) dù chỉ sử dụng QL1A và cách xa giao lộ Gò Mây (có cầu vượt Gò Mây do IDICO đầu tư – PV), không có tiện ích cầu vượt nhưng vẫn phải mua vé qua trạm khiến người dân bức xúc.
Sự tồn tại của 02 trạm thu phí trên Đường số 7 và Đường M1 nói trên có dấu hiệu không phù hợp với thực tế khách quan (kể cả trên cả bản đồ), ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp và người dân trong khu vực cũng như các doanh nghiệp hoạt động tại KCN Vĩnh Lộc và KCN Tân Bình. Thậm chí, các trạm thu phí tại đây, theo người dân, còn gây mất thời gian, phiền toái và khiến giao thông thêm ùn ứ.
Để minh bạch các nội dung trong kết luận của TTCP, các dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng về đầu tư, tài chính,… liên quan tới dự án BOT An Sương – An Lạc chắc chắn sẽ mất nhiều thời gian. Tuy nhiên lúc này, Sở GTVT TP Hồ Chí Minh và các ban, ngành liên quan cần nhanh chóng xem xét sự hợp lý của 02 trạm thu phí ở giao lộ QL1A – Đường số 7 – Đường M1.
Như đã nói, đây là giao lộ mà các phương tiện từ hướng KCN Vĩnh Lộc và KCN Tân Bình ra An Sương chỉ sử dụng QL1A và cách xa giao lộ Gò Mây (có cầu vượt Gò Mây do IDICO đầu tư – PV), chỉ được hưởng lợi gián tiếp như bao phương tiện đi trên QL1A cách xa phạm vi 04 cầu vượt tại 04 giao lộ QL1A – Trần Văn Giàu, QL1A – Tỉnh lộ 10, QL1A – Hương Lộ 2, QL1A – Lê Trọng Tấn – Nguyễn Thị Tú, nhưng vẫn phải mua vé qua trạm (?).
T.G. – X.C.
(Kỳ tiếp: Những góc khuất từ kết luận của TTCP và quá trình đầu tư xây dựng 4 cầu vượt)