Nguyễn Đình Ấm
Ở một quốc gia, vùng lãnh thổ chỉ do một thế lực chính trị duy nhất cầm quyền thống nhất từ trung ương đến địa phương gọi là chế độ tập quyền, độc tài toàn trị.
Ở Việt Nam từ năm 1954 (ở miền bắc) và từ năm 1975 (ở miền Nam) do đảng CS nắm quyền là chế độ độc tài toàn trị, tập quyền triệt để nhất. Đảng CS nắm quyền từ trung ương đến cả những tổ chức, cơ quan, đơn vị dân cư, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang nhỏ nhất.
Đặc điểm bộ máy cầm quyền của đảng từ trung ương đến cơ sở do “đảng cử, dân bầu”, tức không do dân lựa chọn mà do cơ quan, cán bộ đảng cấp trên “quy hoạch”, chỉ định, bố trí, quản lý không liên quan, phụ thuộc đến bất kỳ thế lực nào khác. Do đặc điểm này mà cán bộ ngày càng trở nên quan liêu, tách biệt với nhân dân bởi sự “hưng, vong” của họ chỉ phụ thuộc quan trên có quyền phán xét họ chứ không phụ thuộc ý nguyện của dân. Ngày 27/12/2018 trong buổi tiếp xúc cử tri HĐNDTP Đà Nẵng, bị cử tri chất vấn về sai phạm của mình, Chủ tịch thành phố Huỳnh Đức Thơ nói rất thật: “Việc tôi đi hay ở là do trung ương quyết định…” (Tức không liên quan đến dân mà hỏi lôi thôi).
Tập quyền tham nhũng
Với bộ máy quyền lực đơn nhất khi họ “đồng tâm” việc gì thì “cộng hưởng” quyền lực thành thế lực, kể cả trong lĩnh vực tham nhũng.
Ở VN thời chiến tranh, bao cấp cán bộ có lý tưởng bảo vệ Tổ quốc, ít tiếp xúc với lợi ích, của cải nên quan chức chỉ tham ô, tham nhũng nhỏ. Thời HTX cán bộ địa phương, chủ nhiệm tham ô tạ thóc, cân chè, con gà, cà phê, con gà, lợn (heo)… Quan chức huyện, tỉnh, trung ương cũng chỉ được cấp dưới biếu xén đồ ăn cao cấp, thuốc thang, cái xe đạp, xe máy, radio, TV… Tức buổi “bình minh” tham nhũng chỉ mang tính cục bộ. Thế nhưng, từ những năm 1990 đến nay do kinh tế thị trường và mở cửa với bên ngoài nên nhiều thứ tài nguyên đặc biệt là đất đai, khoáng sản, rừng, biển, những vụ thương mại, dự án, trao đổi kinh tế lớn, lên chức, lên quyền… trở nên giá trị cao. Từ đây pháp luật cũng sản sinh để gắn kết trách nhiệm của các ngành, cấp, cơ quan quản lý các hoạt động ấy.
Thủ Thiêm (Tp. HCM) trở thành một trong nhiều biểu hiện của tập quyền tham nhũng
Luật đất đai quy định, “… thu hồi đất phục vụ dự án kinh tế-xã hội” thì cán bộ nhà cầm quyền dễ cướp đất của dân bằng cách đền bù rẻ mạt giao cho doanh nghiệp phân lô, làm nhà bán ăn chênh lệch 2,5,10, 20… lần chia nhau. Đất đai, tài nguyên, hoặc mọi hoạt động kinh tế mỗi quan chức ở từng cấp được quyền quyết định, phán xét theo quy mô tài sản, giá trị. Vì vậy, để tham nhũng được ở mỗi quy mô thì phải có sự hợp đồng, chia chác của số quan chức liên quan nhất định. Vụ nhỏ thì liên quan ít chỉ cần thông đồng chia chác trong phạm vi hẹp. Ngược lại, vụ càng lớn thì số người biết, liên quan đến thẩm quyền càng nhiều người, nhiều cấp thì số quyền lực cần tập hợp lại đông hơn. Những vụ rất lớn thì có khi liên quan đến cả “hệ thống chính trị” từ trung ương đến cơ sở. Vì vậy, mỗi một vụ tham nhũng lớn diễn ra thì phải bao gồm hầu hết bộ máy nhà nước từ trung ương đến cơ sở biết, tham gia, chia chác tức “tập quyền tham nhũng”. Thời gian qua đã diễn ra rất nhiều vụ “tập quyền tham nhũng” mà điển hình như vụ khu đô thị mới Thủ Thiêm, sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất, vụ Mobifone mua AVG, BOT, vụ 500 ha đất ở Văn Giang, vụ Đồng Tâm, vụ tập đoàn dầu khí…
– Vụ khu đô thì mới Thủ Thiêm dù diễn ra ở TPHCM nhưng chứng tỏ có sự liên quan của cán bộ quản lý từ chính phủ tới thành phố, quận, phường, bộ, ngành… chức năng. Bản đồ quy hoạch 367 năm 1996 của chính phủ bắt buộc phải lưu trữ ít nhất ở văn phòng chính phủ, bộ kế hoạch đầu tư, bộ xây dựng, văn phòng, sở xây dựng thành phố HCM, phòng xây dựng quận 2… Thế nhưng tất cả các cơ quan quản lý ấy bị “đồng loạt mất” bản đồ-cơ sở để thực hiện đúng dự án. Chuyện đó không thể là sự ngẫu nhiên mà phải cả bộ máy quản lý “hàng dọc” từ trung ương đến quận 2 và “hàng ngang” là “Hải-Quân-Đua-Tài…” (tức các lãnh đạo TPHCM: Lê Thanh Hải, Lê Hoàng quân, Nguyễn Văn Đua, Nguyễn Thành Tài) “bắt tay dưới gầm bàn” phủ nhận quyết định của Thủ tướng, phá vỡ quy hoạch cướp đất của dân với thặng dư hơn 6 tỷ USD! Trong vụ này cũng khó mà không có sự “thông cảm” của thanh tra chính phủ. Họ đã từng thanh tra nhiều lần nhưng sự việc đơn giản ấy vẫn nhùng nhằng không được kết luận rõ ràng. Năm 2018 trước sôi sục của dư luận, sự phẫn nộ của nhân dân họ phải thanh tra lần nữa nhưng thái độ vẫn đứng về bọn tham nhũng. Họ gọi sai phạm hết sức liều lĩnh, tàn bạo gây sự thống khổ cho hàng nghìn dân lành, cho chính uy tín của ĐCSVN xuống dốc không phanh là “thiếu sót” và chỉ thừa nhận 4,3 ha bọn cướp của dân “ngoài ranh” quy hoạch và lờ tịt 160 ha dân được định cư tại chỗ nhưng bị đuổi đi nơi khác để bọn tham nhũng giao cho doanh nghiệp.
– Vụ Mobifone mua AVG: Vụ nâng khống giá trị doanh nghiệp AVG lên nhiều lần để bán cho DN nhà nước Mobifone có sự phán xét “tập quyền” Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ…
– Vụ BOT: BOT (giao thông chẳng hạn) là dự án do tư nhân bỏ vốn làm (do “nhà nước không có vốn”) để cạnh tranh với các con đường cũ nhưng hầu hết BOT lại chủ yếu vay vốn ngân hàng, không qua đấu thầu, làm đường, cầu mới một nơi, sửa cải tạo đường cũ nhưng thu phí trên những con đường mà dân đã đóng thuế, phí từ hàng trăm năm tạo dựng, cướp quyền đi lại, “trấn lột” tiền của họ. Hành vi cực kỳ sai trái, mờ ám này đều được “tập quyền”: Cán bộ ở Chính phủ (và một số cơ quan như Bộ Giao thông, Bộ Tài chính,…), chính quyền địa phương “chụm đầu” phê duyệt.
– Vụ cướp 500 ha đất của dân Văn Giang có sự “tập quyền” của nhóm cán bộ từ TƯ cho đến địa phương, ở khu vực tòa án cho đến tài nguyên và môi trường. Nhóm người này đã dùng mọi thủ đoạn, lực lượng, biện pháp đe dọa, tước đoạt quyền công dân, tổ chức giang hồ đánh, khủng bố, phá hoại hoa màu, tài sản, bắt cóc người không nhận tiền, giao đất…. Tất cả bộ máy “tập quyền” phối hợp rất nhịp nhàng. Từ Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt dự án chưa có quy hoạch, trái thẩm quyền (theo VP LS Trần Vũ Hải) đến công an bày binh bố trận trang bị vũ khí “đến tận răng” huy động hàng ngàn lượt CSCĐ tổ chức nhiều cuộc cưỡng chế, vây ráp, bắt bớ trấn áp dân để giao đất cho doanh nghiệp. Cuối cùng, sau 10 năm (2004-2014) cả bộ máy “tập quyền” đã đoạt xong 500 ha đất của dân để nhóm lợi ích thu về khoản lời chưa thể tính nổi. Một m2 đất của dân chỉ bồi thường hơn 100 đến vài trăm ngàn đ nhưng nay căn hộ chung cư khu Aquabay sky có giá 30 triệu đ/m2, một m2 biệt thự song lập 70 triệu đ/m2, đơn lập 100 triệu đ/m2, một căn nhà khu Marina 630 m2 giá 100 tỷ đ… Trong vụ này nhiều cán bộ ban tổ chức TW đảng CS cũng “có phần”. Theo tài liệu của dân Văn Giang ít nhất 7 cán bộ ban TCTW được mua với giá bèo (2.000. 000đ/m2) 7 lô đất biệt thự đã có hạ tầng kỹ thuật diện tích mỗi lô từ 500-1.200 m2. Qua đó ta thấy “tập quyền” tham nhũng vụ này đầy đủ “quân, binh chủng” như thế nào.
– Vụ sân golf sân bay Tân Sơn Nhất: Mặc dù sân bay quốc tế nhộn nhịp nhất, “yết hầu” giao thông HK Việt Nam đã bị lấn chiếm từ hơn 3.000ha (trước năm 1975) xuống 1.150 ha(2004) bọn tham nhũng quân đội vẫn nhẫn tâm chiếm 157,6 ha làm sân golf, nhà hàng, khách sạn, nhà trường, chung cư làm cho sân bay tắc nghẽn cả trên không, mặt đất, ngập lụt. Đây là việc làm hết sức liều lĩnh, ngu xuẩn gây cản trở sự phát triển của ngành hàng không của đất nước, thiệt hại khó có thể tính nổi. Sở dĩ sự việc tai hại này diễn ra từ những năm 2004 đến nay mà vẫn vô sự là có sự “tập quyền” của từ ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, một số tướng soái thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ GTVT, chính quyền TP. HCM. Tất cả bộ máy quyền lực này cùng đồng ý với hành vi “xẻ thịt” sân bay thì việc “con voi mới chui lọt lỗ kim” như vậy….
– Vụ Đồng Tâm: 59 ha cánh đồng Sênh được hàng nghìn dân canh tác hàng trăm năm khó có thể “xập xí, xập ngàu” thành “đất quốc phòng” nhưng “tập quyền” gồm lãnh đạo TP Hà Nội, huyện Mỹ Đức, quân đội, xã Đồng Tâm đã huy động lực lượng tổng hợp của chính quyền để hòng cướp nguồn sống của hàng nghìn dân. Họ dùng cả hệ thống truyền thông vu cáo, đe dọa, khủng bố, lực lượng vũ trang trấn áp, đánh đập, bắt cóc người, khởi tố, triệu tập… Ngoài bí thư đảng ủy, chủ tịch HĐND xã Đồng Tâm Nguyễn Thị Lan đứng về phía dân còn lãnh đạo từ thành phố đến huyện, xã, thanh tra, đại diện quân đội đều “tập quyền” vào vụ tham nhũng. Do dân Đồng Tâm kiên cường đoàn kết đấu tranh họ chưa cướp được đồng Sênh đã cay cú khai trừ bà Lan ra khỏi đảng, loại bà khỏi chức chủ tịch HĐND…
Không thể kể hết những vụ tham nhũng mà bộ máy chính quyền kiêm tham nhũng.
Hậu quả khủng khiếp
-1/ Điều hết sức nguy hiểm là khi “tập quyền tham nhũng” thực hiện một vụ nào đó thì có đủ cơ quan quyền lực mang danh nhà nước tham gia nên mọi kiện cáo lên mọi cấp đều vô hiệu vì chính cả hệ thống quyền lực “có phần” trong vụ đó. Vụ cánh đồng Sênh ở Đồng Tâm (chỉ cách quận Ba Đình 40km) dân kiện 14 lá đơn lên các lãnh đạo đảng, nhà nước, cơ quan chức năng thành phố Hà Nội, trung ương, Quốc hội trong hai năm liền nhưng không có ai trả lời, phán xử. Dân Thủ Thiêm kiện cáo suốt 20 năm trong vô vọng… Chứng tỏ đường dây tham nhũng trải khắp bộ máy đảng, nhà nước, chúng ngăn chặn mọi kiện cáo của dân không đến được các lãnh đạo, cơ quan chức năng ở cấp cao.
Chuyện bà Lê Hiền Đức cùng dân oan tình cờ “bắt sống” cán bộ thanh tra Hà Nội đem những bao tải đơn thư “chưa bóc”của dân bán cho đồng nát chắc chắn không phải là cá biệt. Người không trong đám ăn chia cũng sợ uy quyền của cả một “dây” quyền lực mà phải làm ngơ, thậm chí bị loại khỏi ekip công việc “Người không tham nhũng thì bị tham nhũng cô lập” (lời ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương – đoàn Quảng Bình). Hệ thống truyền thông nhà nước dù biết cũng sợ thế lực tham nhũng chỉ dám công khai khi được “bật đèn xanh” của cấp trên. Vì thế trên cả nước ta hiện nay oan sai, kiện cáo chồng chất không thể tính nổi còn các lãnh đạo đảng, nhà nước không biết điều gì thật sự xảy ra trên đất nước này dẫn đến những câu nói rất xa lạ với thực tế, “cười ra nước mắt”.. Những thống kê bao nhiêu vụ “khiếu kiện đông người, đã xử lý 70, 80%…” là dối trá. Hiện kẻ về hưu già yếu bất tài này nhưng cũng đang có rất nhiều hồ sơ những vụ tham nhũng, oan sai thảm thương dân gửi đến nhờ giúp đỡ, có ai thống kê những vụ này không?
Dân Đồng Tâm rào làng chống bọn tham nhũng vào bắt người đấu tranh chống tham nhũng
2/- Điều nguy hiểm nữa là “tập quyền tham nhũng” trở thành thế lực quá mạnh nên bất chấp yêu cầu chống tham nhũng của Đảng CS. Mặc dù “tham nhũng nhìn đâu cũng thấy, sờ đâu cũng có”(Lời TBT, chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng) nhưng chính quyền, cơ quan chức năng nhiều tỉnh, thành lớn cả năm “không phát hiện” vụ tham nhũng nào. Số ít vụ tham nhũng bị phanh phui cũng không thể xử lý (như ở sân bay TSN, Bạch Mai, Gia Lâm…) hoặc rất khó khăn. Các vụ dầu khí, ngân hàng, Đinh La Thăng… diễn ra hàng chục năm trước (riêng tôi đã đăng bài về sai phạm, lộng hành của Đinh La Thăng từ năm 2012) nhưng đến khi mắt xích “đầu trò” trong “tập quyền” bị gẫy thì mới xử lý được. Vụ Thủ Thiêm, ông Tất Thành Cang vi phạm pháp luật tàn bạo như vậy từ hai chục năm trước nhưng đến nay ông mới bị “sờ” đến do mấy yếu nhân trong “tập quyền ” đã giảm quyền lực. Dù vậy Tất Thành Cang cũng chỉ bị khai trừ cơ bản các chức vụ đảng mà vẫn còn những chức vụ rất “hữu dụng” như Thành ủy viên, Phó ban cải cách tư pháp thành phố, Trưởng ban chỉ đạo các vụ “tranh chấp dân sự và khiếu kiện hành chính”. Đặc biệt chức vụ “phán xét thiên hạ” này được giao cho Tất Thành Cang trước hôm Ban chấp hành TW đảng họp kỷ luật ông chỉ vài ngày (6/11 và 12/11/2018). Chứng tỏ ông ta vẫn còn thế lực mạnh ủng hộ.
Sự “tập quyền” tham nhũng thành sức mạnh đến nối Cục trưởng chống tham nhũng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Trọng Đạt phải thốt lên giữa hội nghị: “Tham nhũng là những người có quyền hạn… chống lại có khi chúng tôi chết trước”. Cũng do “tập quyền” tham nhũng quá lớn mạnh nên “năm lần, bảy lượt” Quốc hội bàn về xử lý tài sản bất minh (cướp, tham nhũng, trộm cắp) mà loanh quanh mãi không kết luận được…
3/- Một nguy hiểm nữa là “tập quyền tham nhũng” chính là bộ phận bộ máy nhà nước tha hóa thông đồng, cướp bóc nhưng dân vẫn tưởng đó là nhà nước nên chỉ kêu khóc, lần lữa kiện cáo vô vọng còn bọn tham nhũng thì “đánh đâu thắng đó”. Từ đây “tập quyền tham nhũng” càng lớn mạnh, phát triển, “đánh cắp tài nguyên quốc gia như ngày hội”(báo Tuổi trẻ thủ đô). Năm 2018 duy nhất có dân Đồng Tâm (Mỹ Đức, TP. Hà Nội) cùng một số đảng viên tốt bước đầu chặn được “tập quyền tham nhũng” ở địa phương nhờ xác định: Dù bất cứ thế lực nào có đủ lệ bộ của chính quyền nhưng cố tình làm sai pháp luật, quan điểm của Nhà nước (với dân) thì cũng chỉ là bọn tham nhũng, cướp bóc dân có quyền ứng xử với họ bằng hành động tương xứng với những gì chúng ứng xử với dân. Từ đó, sau bao nhiêu khiếu kiện việc bị cướp 59 ha đất đồng Sênh đi khắp cơ quan chức năng, thẩm quyền không ai trả lời, giải quyết, dân Đồng Tâm đã đoàn kết một lòng kiên quyết sẵn sàng chống trả bọn tham nhũng nếu dùng vũ lực bắt người, cướp đất và đã tạm thời giữ được cánh đồng Sênh một trong ôn hòa.
4- Nguy hiểm thứ 4 là “tập quyền tham nhũng” đủ cả một “dây” quyền lực nên chúng có thể tạo ra chính sách, luật pháp để tham nhũng. Rất nhiều những điều luật mập mờ để bọn tham nhũng lợi dụng, điển hình nhất là quy định giá đất. Quan chức liên minh với doanh nghiệp thực sự là những kẻ kinh doanh BĐS nhưng kẻ mua quy định giá bèo rồi bán ra với giá thị trường…
Gần đây nhiều vụ tham nhũng lớn nhất từ trước đến nay đã bị xử lý nhưng chỉ là “phần nổi của tảng băng”. Việc 36% ủy viên trung ương và phần lớn ủy viên ban chấp hành đảng ủy TP HCM không đồng ý cách chức ông Tất Thành Cang chứng tỏ điều đó. Ông TBT, CTN Nguyễn Phú Trọng đã tuyên bố: “Chống tham nhũng, ai nhụt chí thì đứng sang một bên để người khác làm”. Thế nhưng xem ra còn rất nhiều cán bộ cao cấp “nhụt chí” lại công khai “không đứng ra một bên”. Ở Ban chấp hành trung ương còn như thế thì ở các cơ quan, đơn vị cơ sở có đến bao nhiêu vị “nhụt chí” không “đứng sang một bên”?
Chứng tỏ tham nhũng đã mang tính chất nhà nước, trở thành một thế lực quá lớn tàn hại dân tộc, đất nước, là “tử huyệt” của chế độ đã bao năm dung dưỡng chúng.
N.Đ.A.
VNTB gửi BVN
…