Thấy gì qua vụ chính quyền đập phá nhà dân ở khu vườn rau Lộc Hưng, Sài Gòn?

Nguyễn Cao – Nghiệp đoàn báo chí Việt Nam

9896788_2634970863196311_2411041013289189376_n.jpg

Ngày 04/01/2019, chính quyền phường 6, quận Tân Bình, TP.HCM đã bất ngờ thực hiện việc cưỡng chế khoảng trên chục căn nhà của người dân ở khu vườn rau Lộc Hưng, với lý do vi phạm xây dựng.

Ngày 04/8/2018, UBND phường 6, Tân Bình có đăng bản tin trên trang http://phuong6tanbinh.gov.vn/thong-tin-ve-du-an-khu-dat-cong-trinh-cong-cong-phuong-6/, thông báo có 84 trường hợp cụ thể nhà dân vi phạm xây dựng ở khu vườn rau Lộc Hưng sẽ bị cưỡng chế. Bản tin không cho biết thêm là các trình tự thủ tục hành chính cho việc cưỡng chế này được bắt đầu từ thời điểm nào?

Những ai có trách nhiệm liên đới về mặt quản lý địa chính về các công trình dân dụng được xây dựng ở khu vườn rau Lộc Hưng, cũng không thấy nêu tên trên trang web của UBND phường 6, Tân Bình.

Những mốc thời gian lưu ý

Theo thông tin đăng công khai trên trang web của phường 6, Tân Bình, thì “ngày 05/8/2013, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Quyết định số 4204/QĐ-UBND về điều chỉnh Quyết định số 1824/QĐ-UBND ngày 25/4/2008 của Ủy ban nhân dân thành phố, theo đó thu hồi khu đất có diện tích 49.320 m2 giao cho Ủy ban nhân dân quận Tân Bình để tổ chức thực hiện việc hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đầu tư dự án công trình công cộng (xây dựng trường học công lập theo tiêu chuẩn Quốc gia)”. [Nguồn đã dẫn].

Xét về mặt văn bản quy chuẩn pháp luật liên quan về vấn đề thu hồi đất theo Luật Đất đai, thời điểm xác định cụ thể phần diện tích đất nằm trong quy hoạch là vào ngày 05/8/2013.

Theo trang web đã dẫn ở trên của UBND phường 6, Tân Bình, thì có 15 trên tổng số 84 trường hợp “vi phạm xây dựng” xảy ra trong năm 2018, và đều “không xác định được đối tượng vi phạm”. Có 36 nhà dân nơi đây được cho là vi phạm trong thời gian từ năm 2013 (không rõ vào tháng mấy?) đến năm 2017.

Như vậy việc thông báo sẽ cưỡng chế 84 trường hợp nhà vi phạm xây dựng ở khu vườn rau Lộc Hưng là thiếu cẩn trọng, vì chưa xác định rõ thời gian theo quy định của pháp luật. Đó là chưa kể các trình tự thực hiện việc phê duyệt quy hoạch thu hồi đất có nhà dân ở ổn định tại khu vườn rau Lộc Hưng, còn nhiều khuất tất, thiếu rõ ràng.

Đơn cử như chính quyền đã liên tục thay đổi nội dung và quy mô dự án; các thông tin về quy hoạch đều không công khai cho người dân nơi đây biết theo quy định tại điều 21.7, Luật Đất đai 2003 (Luật này được thay thế bằng Luật Đất đai 2013, từ ngày 01/7/2014, tương ứng với điều 35.6).

Ví dụ như vụ việc ngày 26/6/2015, UBND quận Tân Bình có Văn bản số 1147/UBND-DA, kiến nghị UBND TP.HCM chấp thuận cho phép UBND quận Tân Bình tách Dự án xây dựng cụm trường học đạt chuẩn quốc gia tại khu đất công trình công cộng thành 02 Dự án riêng biệt, gồm: Dự án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng khu đất công trình công cộng, và Dự án đầu tư xây dựng cụm trường học đạt chuẩn quốc gia. Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân đã đồng ý để xuất ấy, nhưng không có văn bản nào công khai về điều chỉnh lại diện tích đất thu hồi cụ thể cho từng dự án.

Xét về mặt nguyên tắc, nhiều khả năng các văn bản này vi phạm về mặt hình thức, và đó sẽ là câu chuyện chi tiết mà người viết sẽ trở lại trong một dịp khác.

Cần xác định rõ nếu có vi phạm, thì những ai là đồng phạm?

Ngày 24/04/2018, Bộ Xây dựng đã ra Thông tư 03/2018/TT-BXD quy định chi tiết Nghị định 139/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng.

Theo Thông tư này, cá nhân, tổ chức xây dựng nhà ở riêng lẻ sai nội dung giấy phép xây dựng; xây dựng không có giấy phép; xây dựng sai thiết kế, sai quy hoạch… vẫn được nộp lại số lợi bất chính để được cấp giấy phép, hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng, thay vì phải tháo dỡ nếu đáp ứng đủ 06 điều kiện: (1) Vi phạm xảy ra từ 4/1/2008 và kết thúc trước ngày 15/1/2018, nhưng sau ngày 15/1/2018 mới bị phát hiện, hoặc bị phát hiện trước ngày 15/1/2018 và đã có biên bản xử phạt; (2) Không vi phạm chỉ giới xây dựng; (3) Không ảnh hưởng các công trình lân cận; (4) Không có tranh chấp; (5) Xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp; (6) Nay phù hợp với quy hoạch xây dựng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 12/06/2018.

Như vậy, nếu căn cứ theo Thông tư 03/2018/TT-BXD, chắc chắn sẽ không có chuyện đến 84 căn nhà của người dân ở khu vườn rau Lộc Hưng nằm trong danh sách bị chính quyền cưỡng chế phá bỏ.

Còn nếu chính quyền phường 6, Tân Bình vẫn tự tin cho rằng cả 84 căn nhà của người dân nơi đây cần bị cưỡng chế, thì trước tiên phải nêu bằng được danh tính cụ thể những quan chức, viên chức nào đã ‘nhắm mắt làm ngơ’ phó mặc cho người dân xây cất mà không qua thủ tục hành chính về giấy phép xây dựng?

Người dân bình thường mới đổ đống cát ngoài sân là đã thấy bóng dáng thanh tra xây dựng, lực lượng đô thị xuất hiện hỏi thăm. Còn ở phường 6, Tân Bình từ năm 2008 đến nay lại có đến 84 căn nhà mà chính quyền cho là vi phạm xây dựng, nên hiện tại cần phải cưỡng chế đập bỏ?

Trình tự cưỡng chế có được tuân thủ?

Ghi nhận phản ứng của cư dân vườn rau Lộc Hưng vào sáng ngày 04/01/2019 thì họ không hề nhận được văn bản quyết định về cưỡng chế do xây dựng vi phạm pháp luật. Chính quyền cho xe loa đến đây thông báo là nhà dân xây dựng vi phạm nên… đập. Có nhà đang đúc vài tấm cũng bị đập bỏ thô bạo.

Có các lưu ý về quy định pháp luật trong các trường hợp cụ thể này như sau: Công trình theo quy định của pháp luật về xây dựng trước thời điểm Luật Xây dựng năm 2014 có hiệu lực thuộc đối tượng không phải có giấy phép xây dựng (trong trường hợp nhà dân cư khu vườn rau Lộc Hưng, đó là công trình sửa chữa, cải tạo, lắp đặt thiết bị bên trong công trình không làm thay đổi kết cấu chịu lực, không làm thay đổi công năng sử dụng, không làm ảnh hưởng tới môi trường, an toàn công trình; Công trình sửa chữa, cải tạo làm thay đổi kiến trúc mặt ngoài không tiếp giáp với đường trong đô thị có yêu cầu về quản lý kiến trúc), nhưng theo quy định của Luật Xây dựng năm 2014 thuộc đối tượng phải có giấy phép xây dựng, nếu đã khởi công xây dựng trước ngày 01/01/2015 thì được tiếp tục xây dựng mà không phải đề nghị cấp giấy phép xây dựng, nếu chưa khởi công xây dựng thì chủ đầu tư phải đề nghị cấp giấy phép xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng năm 2014, Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng và hướng dẫn của Thông tư 15/2016/TT-BXD (trích điều 18.1, Thông tư 15/2016/TT-BXD).

Đối với hành vi xây dựng không có giấy phép xây dựng sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật, cụ thể tại điều 12 Nghị định 180/2013/NĐ-CP. Theo đó, nếu chính quyền muốn đập bỏ 84 căn nhà của người dân ở khu vườn rau Lộc Hưng, thì phải tuân thủ trình tự như sau:

– Bước 1, lập biên bản ngừng thi công xây dựng, yêu cầu chủ đầu tư tự phá dỡ công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng đô thị.

– Bước 2, trường hợp chủ đầu tư không ngừng thi công xây dựng phải bị đình chỉ thi công xây dựng, buộc phá dỡ công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng đô thị; đồng thời, áp dụng các biện pháp ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước và các dịch vụ khác liên quan đến xây dựng công trình; cấm các phương tiện vận tải chuyên chở vật tư, vật liệu, công nhân vào thi công xây dựng.

– Bước 3, cưỡng chế phá dỡ nếu chủ đầu tư không thực hiện quyết định đình chỉ thi công xây dựng. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm về toàn bộ chi phí lập phương án phá dỡ (nếu có) và chi phí tổ chức cưỡng chế phá dỡ.

Trong vụ đập phá nhà dân ở khu vườn rau Lộc Hưng hôm 04/1/2019 cho thấy trình tự luật định không được tôn trọng. Có thể xem đây là hành vi chính quyền công khai vi phạm pháp luật, và Hiến pháp 2013, điều 22.2 “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý”.

N.C.

Nguồn:  https://nghiepdoanbaochi.org/2019/01/06/thay-gi-qua-vu-chinh-quyen-dap-pha-nha-dan-o-khu-vuon-rau-loc-hung-sai-gon/?fbclid=IwAR0-WLLxKMAaTyPFtmsn0mp_nC_BVn-HpuCYA1TjptcvlgEfO1twBdNvYoY

This entry was posted in Sở hữu đất đai & Thu hồi đất đai. Bookmark the permalink.