Vì sao Tập Cận Bình không bị ‘36%’ của Nguyễn Phú Trọng?

Thường Sơn  

Dù thời gian đã trôi nhanh qua già nửa nhiệm kỳ, “người em” Nguyễn Phú Trọng tuy có năm sinh trước “ông anh” Tập gần một chục năm và thâm niên làm tổng bí thư đảng hơn “ông anh” Tập cả năm, lại vẫn chưa đạt được những kết quả mang tính thực chất và khiến người ta có thể tin kết quả đó là bền vững…

https://1.bp.blogspot.com/-gZSYWUkqxJo/XCh24pIlSZI/AAAAAAAAdJE/yUo5DuA018Y4tz-4c2WE_PxdQC-ppuQAACLcBGAs/s640/_93545066_tap_trongtppfn0a001.jpg

   Bức ảnh này, nhất là phần chân, hẳn cho thấy ai ‘cao’ hơn…

Nhiều nhà bình luận chính trị độc lập ở Việt Nam đều có chung nhận xét và rất tương hợp với tình hình thực tế là, cho dù có ‘diệt’ được những quan chức bị xem là ‘trùm tham nhũng’ như Nguyễn Tấn Dũng và Lê Thanh Hải, ‘người đốt lò vĩ đại’ Nguyễn Phú Trọng vẫn phải đối mặt với rất đông đảo quan chức tham nhũng từ cấp Trung ương xuống các địa phương – những nhân sự đầu Bộ Ngành và đầu Tỉnh Thành không chỉ rơi rớt lại từ thời Nguyễn Tấn Dũng mà còn chính là nhân sự được ông Trọng và Ban Bí thư điều chuyển, chỉ định sau khi Dũng đã ‘trở về làm người tử tế’ và từ sau năm 2016 đến nay, và nói chung lớp nhân sự đó chính là con đẻ của một chế độ chính trị độc tài sinh ra đặc quyền và đặc lợi.

Việt Nam thời ‘hậu Trần Đại Quang’. Đang hiện ra những dấu hiệu cho thấy khả năng xuất hiện một số đông quan chức trực tiếp tham nhũng cấu kết với nhau và còn có thể lôi kéo được một số đông khác quan chức gián tiếp tham nhũng, biến thành một lực lượng đủ đông và đủ tinh vi để chống lại chủ trương của một Nhà nước trung ương tập quyền, đặc biệt là chủ trương ‘chống tham nhũng’.

Hiện tượng hơn 2/3 đại biểu quốc hội bỏ phiếu không tán đồng với một dự luật về truy thu tài sản có nguồn gốc bất minh của quan chức tại kỳ họp quốc hội tháng 10 -11 năm 2018, và có đến 36% ủy viên trung ương bỏ phiếu không đồng ý cách chức quan chức Tất Thành Cang tại Hội nghị Trung ương 9 vào tháng 12 năm 2018 đã phản ánh khả năng trên.

Cho đến nay, khả năng trên không chỉ còn là một giả thiết mơ hồ mà đang lờ mờ hiện hình trong chính giới Việt Nam – hiện tượng mà Tập Cận Bình đã phải vất vả đối phó ở Trung Quốc sau khi đã diệt những quan chức cấp Bộ Chính trị như Bạc Hy Lai – Bí thư Trùng Khánh, Chu Vĩnh Khang – Bộ trưởng Công an, Từ Tài Hậu – Phó Bí thư Quân ủy trung ương, …

Nhưng ở Trung Quốc, Tập Cận Bình đã thành công lớn trong không chỉ ‘đả hổ’ mà còn ‘diệt ruồi’.

Không phải là nhân vật có nhiều phát ngôn nổi bật và ưa trích dẫn kinh viện Mác-Lê như Nguyễn Phú Trọng, Tập Cận Bình đã tỏ ra là người thích hành động, hành động thâm trầm và bất ngờ hơn là nói và khoa trương thành tích.

Từ năm 2012 đến nay, có đến 1,3 triệu quan chức các cấp bị kỷ luật và xử lý hình sự – một con số cho thấy Tập đã tiến hành một cách không chỉ mang tính ‘ví dụ’ mà còn khá thực chất trong cuộc chiến chống chống tham nhũng, cho dù cuộc chiến này không chỉ làm trong sạch môi trường chính trị mà còn nhắm tới mục tiêu tôn tạo hình ảnh ‘hoàng đế Tập Cận Bình’ với uy quyền gần như tuyệt đối kể từ thời Mao Trạch Đông những năm 60 của thế kỷ XX.

Để đạt được thắng lợi đáng kể trên, Tập Cận Bình đã biết vận dụng một phương châm cộng sản ‘muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải có con người xã hội chủ nghĩa’. Cạnh Tập và trên thực tế là cánh tay phải của Tập là Vương Kỳ Sơn – vào thời đó còn là chủ nhiệm Ủy ban Kiểm ra Kỷ luật trung ương, một quan chức được xem là sạch sẽ, thâm trầm, lạnh lùng, tàn nhẫn và không nương tay đối với các đối thủ chính trị và quan tham. Tập Cận Bình chỉ trong một thời gian khá ngắn cũng xây dựng được một đội ngũ thừa hành ý đồ của mình, từ cấp trung ương xuống nhiều tỉnh và thành phố. Đặc biệt, Tập nắm chắc lực lượng Quân đội để vừa khống chế Công an, vừa không sợ bị đảo chính, đồng thời nắm chắc lực lượng Công an – ‘thanh bảo kiếm’ chém đông chặt tây và tống rất nhiều quan tham vào vòng lao lý.

Người ta đã ngạc nhiên vì cái cách mà Tập Cận Bình đã loại trừ một cách êm thắm ‘phái Giang Trạh Dân’ mà không gây ra đổ máu. Người ta cũng ngạc nhiên vì dù có hay không có tác động lãnh đạo hoặc kích động của những đối thủ chính trị và quan tham còn lại từ thời Giang Trạch Dân, đã không hề xảy ra một sự cấu kết trên diện rộng và theo chiều sâu của giới quan tham cấp tỉnh thành ở nhiều khu vực với nhau để chống lại Tập Cận Bình. Bằng chứng rõ rệt là tại đại hội 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào cuối năm 2017, họ Tập thậm chí còn được Quốc hội nước này gật đầu hủy bỏ cơ chế giới hạn tối đa hai nhiệm kỳ Chủ tịch nước, mà thực chất là làm ‘hoàng đế suốt đời’. Không những thế, Tập Cận Bình còn thu được kết quả cái gật đầu của tuyệt đại đa số Quốc hội và Ban Chấp hành trung ương về ‘tư tưởng Tập Cận Bình’ được đưa vào Hiến pháp Trung Hoa – điều mà trước đó chỉ Mao Trạch Đông mới giành được.

Còn ở Việt Nam, dù thời gian đã trôi nhanh qua già nửa nhiệm kỳ, “người em” Nguyễn Phú Trọng tuy có năm sinh trước “ông anh” Tập gần một chục năm và thâm niên làm Tổng bí thư Đảng hơn “ông anh” Tập cả năm, lại vẫn chưa đạt được những kết quả mang tính thực chất và khiến người ta có thể tin kết quả đó là bền vững, cho dù ông Trọng đã nắm được vai trò Bí thư Quân ủy trung ương từ trước và sau đại hội 12 của Đảng cầm quyền vào đầu năm 2016, thậm chí còn “tự cơ cấu” vào Đảng ủy Công an Trung ương vào cuối năm đó.

T.S.

VNTB gửi BVN

This entry was posted in Nguyễn Phú Trọng, Tập Cận Bình. Bookmark the permalink.