Hỏi và Đáp về Phong trào Dân chủ Việt Nam (Bài 6)

Nguyễn Vũ Bình

Câu hỏi: Xin cho biết một số vấn đề về phương pháp đấu tranh?

Trả lời: Về phương pháp đấu tranh có ba vấn đề cần quán triệt.

– Một là, phương pháp chung áp dụng cho những vấn đề thuộc về vận động xã hội, đó là đặt mục tiêu, mục đích, xây dựng chương trình, kế hoạch, các biện pháp thực hiện qua từng giai đoạn, thời kỳ, các công cụ hỗ trợ… Tóm lại, đó là phương pháp chung cho việc vận động xã hội.

– Hai là, đấu tranh có tổ chức. Về nguyên tắc, đấu tranh có tổ chức là phương pháp hoàn toàn đúng, nó nâng hiệu quả của việc đấu tranh so với đấu tranh cá nhân, đơn lẻ lên gấp nhiều lần, cấp số nhân. Tuy nhiên, trong môi trường độc tài toàn trị hiện nay, vấn đề tổ chức đang là điều cấm kỵ, là mục tiêu đánh phá số một của chế độ. Các tổ chức xã hội dân sự được thành lập và hoạt động mấy năm trước đây đã phải hạn chế các hoạt động, thậm chí bị rã đám, ngưng hoạt động do sự đàn áp nặng nề. Chính vì vậy, việc đấu tranh theo phương pháp tổ chức đúng nghĩa hiện nay còn hạn chế, chưa thực hiện được.

– Ba là, nên đấu tranh theo phương thức công khai, hạn chế phương thức bí mật bởi sự chi phối các phương tiện, hệ thống thông tin liên lạc của nhà cầm quyền, sự cài cắm nhân sự của an ninh, và người đấu tranh không được đào tạo về hoạt động bí mật.

Câu hỏi: Có thể chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình hoạt động?

Trả lời: Có một số kinh nghiệm xin được chia sẻ để mọi người tham khảo.

     – Luôn xác định và tâm niệm việc đấu tranh trong xã hội độc tài toàn trị là nguy hiểm, bản thân có thể bị bắt, cầm tù bất cứ lúc nào và sẵn sàng chấp nhận. Khi đã tâm niệm như vậy, cá nhân sẽ không còn sợ hãi, từ đó có thể thanh thản làm việc theo các dự định, kế hoạch của bản thân. Một điều quan trọng nữa, nếu việc tù đày xảy ra, khi đã có sự chuẩn bị tinh thần thì trước hết cá nhân không bị sốc, sau đó là việc chịu đựng những năm tháng tù đày bớt nặng nề rất nhiều. Kinh nghiệm cho thấy, nhiều người không chuẩn bị những tình huống này, khi xảy ra sự việc, rất lúng túng và có nhiều điều đáng tiếc xảy ra.

     – Tự trau dồi kiến thức về thực tế các chế độ cộng sản nói chung và cộng sản Việt Nam nói riêng. Hiện nay tài liệu, sách báo về những vấn đề này rất phong phú. Cùng với đó là tìm hiểu về Phong trào Dân chủ. Đây là hai vấn đề kiến thức cần thiết nhất khi tham gia đấu tranh trong Phong trào Dân chủ. Việc tìm hiểu có thể thông qua các tác giả hoặc tác phẩm. Luôn đặt ra các câu hỏi và tự trả lời, trường hợp không trả lời được, có thể nhờ sự giúp đỡ của những người di trước, những người có đủ kiến thức.

     – Gặp gỡ, giao lưu, trao đổi với nhiều người trong Phong trào Dân chủ với tinh thần cầu thị, khiêm tốn học hỏi. Việc này có những lợi ích sau:

     + Học hỏi được kiến thức, kinh nghiệm của những người đi trước.

     + Khi có nhiều mối quan hệ, sẽ phần nào tăng thêm khả năng bảo vệ bản thân. Nếu hoạt động đơn lẻ, không ai biết hoặc ít người biết thì khả năng bị đàn áp bắt bớ sẽ tăng cao. Và khi bị bắt sẽ ít người quan tâm, lên tiếng đấu tranh cho cá nhân sẽ là một bất lợi.

     + Khi giao lưu, trao đổi và chia sẻ sẽ nảy sinh nhiều vấn đề, nhiều ý kiến và sáng kiến. Từ đó có thể giúp cho hoạt động được hiệu quả hơn.

Hà Nội, ngày 26/11/2018

N.V.B.

Nguồn: http://www.rfavietnam.com/node/4855

This entry was posted in Đấu tranh dân chủ. Bookmark the permalink.