CPTPP quy định người lao động được thành lập công đoàn độc lập như thế nào?

Thường Sơn

CTTPP sẽ cho phép đình công cấp ngành, đình công hưởng ứng và có thể có đình công “phản đối chính sách kinh tế – xã hội”.

https://2.bp.blogspot.com/-0EUph8P20ko/W-ubsjvm1mI/AAAAAAAAc3o/gq6gFS1u5K8xQSAFhvtxarfSfDhu7C2nQCLcBGAs/s640/dinh_cong_vqap.jpg

Vào năm 2015, gần 100.000 công nhân Pouyuen đã biểu tình phản đối điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 không cho người lao đông được nhận trợ cấp một lần. Đây chính là dạng ‘đình công phản đối chính sách kinh tế – xã hội’ mà CPTPP đã chính thức quy định được phép diễn ra ở các nước tham gia hiệp định này, trong đó có Việt Nam.

Vào cuối năm 2018, để được tham gia vào CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), lần đầu tiên Nguyễn Phú Trọng và chế độ độc trị của ông ta đã phải nhượng bộ chấp nhận điều kiện về cho phép người lao động được tự do thành lập các tổ chức nghiệp đoàn tự do để tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, tức về thực chất sẽ có một hình thái tổ chức nghiệp đoàn độc lập, hay còn gọi là công đoàn độc lập, tồn tại song song với hệ thống Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam từ trung ương xuống các địa phương. Không những thế, công nhân còn được thành lập nghiệp đoàn tự do không chỉ giới hạn ở từng khu vực mà còn trên cả nước, và các nghiệp đoàn độc lập này được kết nối với nhau…

Dưới đây là những nội dung cơ bản liên quan đến công đoàn trong Hiệp định CTTPP:

– Cho phép người lao động làm việc trong một doanh nghiệp được thành lập tổ chức của NLĐ/Công đoàn ở cấp cơ sở theo sự lựa chọn của họ. Để hoạt động, tổ chức này hoặc gia nhập vào Tổng Liên đoàn Lao động VN hoặc đăng ký hoạt động độc lập với cơ quan nhà nước có thẩm quyền (do Chính phủ quy định) tùy theo sự lựa chọn của tổ chức đó.

– Các tổ chức công đoàn – NLĐ này được quyền không kém hơn so với Công đoàn cơ sở; thuộc hệ thống của Tổng Liên đoàn Lao động VN.

– Tổ chức này có thể yêu cầu và nhận sự trợ giúp kỹ thuật và đào tạo từ các tổ chức hoạt động về lao động đang hoạt động hợp pháp tại VN.

– Lộ trình: Chậm nhất từ 5 đến 7 năm; kể từ khi CTTPP có hiệu lực; các tổ chức NLĐ – Công đoàn có thể gia nhập / hoặc thành lập tổ chức của NLĐ ở cấp cao hơn như: cấp ngành, cấp vùng lãnh thổ theo đúng trình tự đăng ký được pháp luật quy định.

Ngoài ra còn có những nội dung mới liên quan đến vấn đề lao động ở Việt Nam:

a/ Đình công: Hiện tại Pháp luật Việt Nam chỉ cho phép đình công trong các doanh nghiệp; đình công chỉ được thực hiện với tranh chấp lao động tập thể về lợi ích;

– Trong khi đó CTTPP sẽ cho phép đình công cấp ngành, đình công hưởng ứng và có thể có đình công “phản đối chính sách kinh tế – xã hội”.

b/ Lao động cưỡng bức: Pháp luật Lao động VN: Khoản 10, Điều 3 Bộ luật Lao động; định nghĩa lao động cưỡng bức phù hợp C.29; Cưỡng bức lao động đã bị cấm hoàn toàn (Khoản 3 Điều 8 – Bộ luật Lao động 2012).

– Trong khi đó CTTPP: Bổ sung “lao động gán nợ” là 1 hình thức của lao động cưỡng bức: “việc NLĐ vay hoặc ứng trước tiền lương từ người sử dụng lao động, bù lại NLĐ cam kết trả bằng sức lao động của mình. Đồng thời CTTPP cũng khép tội hình sự đối với hành vi khai thác trái phép Lao động cưỡng bức.

c/ Công việc không sử dụng lao động nữ (Điều 160 – Bộ luật Lao động 2012); Pháp luật lao động VN: Tiếp nối thực tiễn Bộ luật Lao động cũ, Bộ luật Lao động mới (2012) sửa đổi cũng cấm sử dụng lao động nữ trong một số công việc.

– Trong khi đó CTTPP: xóa bỏ quy định cấm sử dụng lao động nữ trong hầm mỏ và dưới nước theo đề xuất của Uỷ ban chuyên gia của ILO (theo CƯ số 45).

***

Trong rất nhiều năm trời, chính quyền Việt Nam đã chỉ trích Công đoàn Đoàn kết của Ba Lan vào những năm 80 của thế kỷ trước, gán ghép Công đoàn độc lập ở Việt Nam với Công đoàn Đoàn kết và coi đó là “một thủ đoạn nguy hiểm của Diễn biến hòa bình”, đồng thời cấm tiệt tất cả các cuộc đình công chính đáng và phù hợp hiến pháp của công nhân Việt Nam.

Trong khi đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam – tổ chức được xem là ‘cánh tay nối dài của Đảng’ – đã chỉ hiện hình như một cơ chế trung gian ‘ăn’ 3% (gồm 2% thu nhập của doanh nghiệp và 1% thu nhập của người lao động) và quá vô tích sự, nếu không nói là đã ‘phản động’ đến mức đi ngược lại quyền lợi của hàng chục triệu công nhân.

Ngay giờ đây, ở Việt Nam đã có mặt hai tổ chức về Công đoàn độc lập: Phong trào Lao động Việt và Liên đoàn Lao động Việt tự do. Theo quy định của CPTPP, Việt Nam sẽ phải chấp nhận cho phép tổ chức cộng đoàn độc lập của người lao động liên kết với nhau theo ngành hoặc theo vùng, trong một khu vực hay cả nước để thành lập tổ chức của ngành hoặc vùng.

Vai trò và số phận phải tiêu vong của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng bởi thế hầu như là một tương lai không còn hoài nghi, cho dù trong thời gian tới tổ chức này có tính kế ‘ve sầu thoát xác’ nhằm vớt vát một chút niềm tin của công nhân để kéo dài chút này hay chút ấy tuổi thọ tàn tạ của nó.

Khác hẳn với dĩ vãng, giờ đây trình độ và nhận thực của giai tầng công nhân Việt Nam đã vượt cao hẳn so với nhiều năm trước, công nhân không còn dễ bị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và giới tuyên giáo đảng mị dân phỉnh dụ. Đó chính là những cơ sở then chốt để có thể đặt niềm tin vào giai cấp công nhân Việt Nam – những con người đã được nâng cao hơn hẳn mặt bằng dân trí và nhận thức chính trị lẫn nhân quyền, những người sẽ biết cách tự tạo ra cho mình mô hình nghiệp đoàn độc lập để đấu tranh với giới chủ và với cả những chính sách bất công của chính quyền.

Vào năm 2015, gần 100.000 công nhân Pouyuen đã biểu tình phản đối điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 không cho người lao đông được nhận trợ cấp một lần. Đây chính là dạng ‘đình công phản đối chính sách kinh tế – xã hội’ mà CPTPP đã chính thức quy định được phép diễn ra ở các nước tham gia hiệp định này, trong đó có Việt Nam.

T.S.

VNTB gửi BVN

This entry was posted in Công đoàn độc lập, CPTPP. Bookmark the permalink.