Hai thí dụ đưa khoa học – kỹ thuật vào đời sống

Đặng Đình Cung – Kỹ sư tư vấn

Một nhà khoa học có ba nghĩa vụ: đóng góp vào vốn kiến thức của nhân loại, phổ biến kiến thức mới và đưa kiến thức mới vào cuộc sống. Trong bài này, tôi xin kể về chuyện hai anh em Giáo sư Conrad Schlumberger và kỹ sư Marcel Schlumberger cùng hai anh em thạc sĩ Trần Đặng Minh Trí và bác sĩ Trần Đặng Đình Áng đã đưa kiến thức mới vào đời sống và đã thành công.

Năm 1926, Conrad Schlumberger và em là Marcel Schlumberger thành lập công ty Schlumberger Ltd tại nước Pháp. Năm 1927, công ty này đăng ký bản quyền sáng chế về một phương pháp đo lường điện trên mặt đất để dự báo trữ lượng dầu thô ở dưới mặt đất. Khi chiến tranh thế giới thứ 2 bùng nổ, trụ sở chính của công ty được dời sang Mỹ để lánh nạn Đức quốc xã. Từ khi được thành lập, công ty liên tục cải thiện và đa dạng hóa các phương pháp đo lường áp dụng cho ngành thăm dò dầu khí. Nhờ đó mà công ty luôn đi trước các đối thủ cạnh tranh và trở thành nhà cung cấp các dịch vụ đo đạc, thăm dò địa chất gần như duy nhất của các công ty dầu khí trên thế giới. Nhiều sáng chế của công ty được áp dụng trong các ngành công nghệ cao khác và công ty trở thành một đối tác không thể thiếu về thiết bị điện tử cho các ngành công nghiệp dân sự và quân sự.

Năm 2016, hai anh em Trần Đặng Minh Trí và Trần Đặng Đình Áng thành lập Công ty Harrison AI, chuyên về ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong ngành y tế. Năm nay hai anh em đã đăng ký phát minh sản phẩm đầu tiên về thụ tinh nhân tạo gọi là Ivy. Virtus Health, một cơ sở dịch vụ hỗ trợ sinh sản (Assisted Reproductive Services), đánh giá rất cao sáng chế này, nhận thấy rằng xác suất thành công của mỗi ca thụ tinh tăng từ 63% với phương pháp thủ công lên gần 89% với hệ trí tuệ nhân tạo Ivy. Được biết Harrison AI đang tiến hành nghiên cứu áp dụng trí tuệ nhân tạo cho việc chữa trị bệnh phổi và mắt. Hiện công ty mới được… hai tuổi nên chưa phỏng đoán được sang thế kỷ tới thì công ty sẽ ra sao.

Hai ví dụ đưa kết quả nghiên cứu khoa học kỹ thuật vào đời sống này cách nhau 90 năm, tương đồng một số nhân tố để thành công:

1. Sáng chế thỏa mãn một nhu cầu cụ thể, tiềm tàng hay có sẵn nhưng chưa có giải đáp thích đáng. Chỉ có như vậy thì sáng chế mới có thị trường và thị trường đó chưa có đối thủ cạnh tranh.

Đào một giếng dầu tốn cả triệu đô la Mỹ nên các công ty dầu khí quốc tế sẵn sàng trả rất đắt dịch vụ dự báo chính xác trữ lượng một túi dầu. Cho tới đầu thế kỷ 20, người ta chỉ biết trữ lượng của một túi dầu nhờ một vài người có kinh nghiệm đoán mò. Hai anh em Schlumberger đề ra một phương pháp ước lượng nhanh, rẻ và chính xác hơn để giúp các công ty khai thác dầu thô ở quê nội, bên Alsace, miền đông nước Pháp, chọn lựa vị trí khoan một giếng dầu có nhiều tiềm năng.

Theo Tiến sĩ YK Simon Cooke, Giám đốc khoa học của IVF Úc, một cơ sở thụ tinh nhân tạo thuộc tập đoàn Virtus Health, thụ tinh nhân tạo theo phương pháp chọn lựa thủ công vừa lâu, vừa đắt, lại vừa có xác suất thành công kém. Thử tưởng tượng một cặp vợ chồng hiếm muộn hồi hộp hy vọng chờ kết quả khổ đau đến bực nào khi bác sĩ thông báo ca thụ tinh đã thất bại. Để giảm thiểu những trường hợp khổ đau đó, Trần Đặng Đình Áng chế tạo một “mạng thần kinh nhân tạo” (neural network) được đặt tên là Ivy để tuyển chọn những phôi có tiềm năng thành công cao nhất.

2. Sáng chế liên quan đến một ngành công nghệ sơ khai. Trong một ngành công nghệ đã trưởng thành thì chỉ còn những cơ hội cải tiến chứ có ít khả năng sáng chế một sản phẩm hay dịch vụ có tính cách đột phá. Ngược lại, khi công nghệ vẫn còn ở giai đoạn sơ khai thì các định luật khoa học gần như đã được biết hết rồi chỉ chờ các nhà mạo hiểm áp dụng để giải quyết những vấn đề thiết thực.

Khi Công ty Schlumberger được thành lập đầu thế kỷ trước thì nhân loại đã biết tất cả các định luật về điện rồi. Nhưng người ta mới bắt đầu nói đến “bà tiên điện lực”, đa số những thiết bị điện tử, điện cơ mà bây giờ chúng ta thường dùng thì chưa có. Hai anh em Schlumberger dựa trên những định luật khoa học có sẵn để đề ra một phương pháp đo lường hoàn toàn mới.

Hầu hết các định lý và thuật toán cần thiết cho công nghệ trí tuệ nhân tạo đã được chứng minh từ trước thập niên 1970. Nhờ những máy tính bây giờ đã trở nên đủ mạnh, anh em nhà Trần Đặng đã có thể tận dụng các định lý và thuật toán đó để sáng chế những hệ trí tuệ nhân tạo nhằm giải quyết những khó khăn của ngành y tế.

3. Những người thành lập công ty có kiến thức rộng lớn. Nhờ có kiến thức rộng lớn mà những người được đào tạo bài bản có khả năng liên kết một số khái niệm khoa học kỹ thuật với một nhu cầu vật chất.

Conrad Schlumberger tốt nghiệp trường Ecole des Mines de Paris (trường Kỹ sư hầm mỏ Paris), một trường kỹ sư nổi tiếng ở Pháp. Marcel Schlumberger, tốt nghiệp trường Ecole Centrale des Arts et Manufactures (trường Công nghệ trung ương), cũng là một trường kỹ sư nhất nhì của nước Pháp. Từ bé hai anh em Schlumberger đã thử nghiệm những lắp ráp điện tìm thấy trên các tạp chí phổ cập khoa học. Mẹ lại còn cho mượn bồn tắm để các con đổ cát vào mà mô phỏng một kết cấu địa chất chứa dầu thô. Bồn tắm này được trưng bày tại bảo tàng về dầu mỏ ở Crevecoeur-en-Auge, Normandy, Pháp.

Hai anh em nhà Trần Đặng xuất thân từ Đại học UNSW (University of New South Wales), trường đã đào tạo nhiều tinh hoa cho nước Úc. Trần Đặng Minh Trí có bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA). Trần Đặng Đình Áng vừa mới tốt nghiệp bác sĩ. Hồi nhỏ, hai anh em nhà Trần Đặng được bố mẹ cho mượn máy tính để chơi trò chơi điện tử. Khi được cô giáo khen thì được thưởng bằng linh kiện tin học. Thời đó hãng IBM mới tung ra máy PC (Personnal Computer), đa số học sinh trong nước lập trình trên giấy. Áng đã chế tạo một robot được giải thưởng ở một cuộc thi sáng tạo sau khi tham dự buổi trình diễn robot Asimo của hãng Honda.

4. Ít nhất hai người hùn nhau thành lập công ty. Ít người có khiếu về cả kỹ thuật lẫn quản trị kinh doanh. Để xác suất thành công cao nhất khi thành lập một công ty thì nên có hai người, một người chuyên về khoa học kỹ thuật và một người chuyên về quản lý và thương mại. Hai người phải có chung một lợi ích. Lý tưởng là các thành viên họ hàng với nhau hay bạn bè rất thân thiết. Đây là trường hợp của hai anh em Schlumberger và hai anh em Trần Đặng.

Kỹ sư Conrad Schlumberger là một nhà khoa học kỳ cựu về vật lý địa chất, giáo sư trường Mines de Paris và Mines de Saint-Etienne. Trước khi thành lập công ty thì kỹ sư Marcel Schlumberger làm giám đốc thương mại cho công ty chế tạo máy dệt của gia đình.

Thạc sĩ Trần Đặng Minh Trí đã có thành tích ấn tượng về quản trị công ty trong một tập đoàn y tế lớn của Úc. Khi còn là sinh viên thì bác sĩ Trần Đặng Đình Áng đã được bạn học và đồng nghiệp bầu làm đầu đàn của nhiều phân khoa y học ở Đại học UNSW.

Mỗi quốc gia có một số “người hùng” làm gương cho giới trẻ nước họ. Ví dụ nước Pháp có Zinedine Zidane, cầu thủ đội đá bóng Pháp, vô địch thế giới năm 1998. Cầu thủ này được ngưỡng mộ đến nỗi số học sinh Pháp đăng ký chơi môn bóng đá lên đến hơn hai triệu, nhiều hơn tổng số tất cả học sinh chọn những môn thể thao khác. Nếu ở nước Việt Nam chúng ta học sinh hay bị “thôi miên” bởi công nghệ thông tin và có nhiều người giỏi trong ngành này, phải chăng vì ta đã có kỹ sư Trương Trọng Thi sáng chế máy vi tính? Vậy thì thật vui mừng với việc hai anh em Trần Đặng thành công với hệ Ivy để có nhiều người trẻ tha thiết với công nghệ trí tuệ nhân tạo, đưa nước ta gia nhập câu lạc bộ các cường quốc công nghệ tiên tiến.

Đ.Đ.C.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Khoa Học. Bookmark the permalink.