Trịnh Hữu Long
Muốn thiên hạ có "nghĩa" với mình khi mình chết thì tối thiểu khi còn sống cũng phải có "nghĩa" với thiên hạ.
Còn khi sống mà trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra tội ác, hoặc im lặng về hùa với kẻ ác, thì đừng trách người ta vui mừng khi mình chết, bởi cái chết đồng nghĩa với việc không còn khả năng gây ra tội ác nữa.
Nhưng một xã hội mà phải chờ đến khi kẻ ác chết tự nhiên thì mới ngăn chặn được cái ác thì xã hội ấy là một xã hội rất tuyệt vọng. Một xã hội tốt sẽ ngăn chặn được tội ác mà không cần phải lấy mạng kẻ thủ ác (theo thủ tục xử tử hình) hoặc chờ đến khi kẻ ác chết tự nhiên.
Trần Đại Quang và các đồng chí của ông không cho nhân dân một cơ hội nào để đòi được công lý theo những thủ tục pháp lý văn minh. Trái lại, nhân dân chết trong đồn công an mà không trăn trối được với gia đình một lời nào, nhân dân mất nhà mất cửa mất ruộng mất vườn dưới dùi cui công an mà không thưa kiện được ai, nhân dân cắn lưỡi nhổ răng khâu mồm im lặng dưới đòn thù của công an mà không biết phải làm thế nào.
Hãy hỏi Trần Đại Quang cái "nghĩa" của ông ta ở đâu trước tang quyến của những người đã chết dưới dùi cui công an, ngay trong thời kỳ ông ta là Bộ trưởng.
Hãy hỏi Trần Đại Quang cái "nghĩa" của ông ta ở đâu trước hàng trăm nghìn người ngày ngày kéo nhau lên trụ sở công quyền đòi lại đất.
Hãy hỏi Trần Đại Quang cái "nghĩa" của ông ta ở đâu khi hạ bút ký ban hành Luật An ninh mạng, đứa con đẻ mà ông ta hằng đau đáu ngay cả khi lâm bệnh.
Dĩ nhiên, Trần Đại Quang chết rồi, làm sao mà hỏi được nữa. Những câu hỏi đó, tất cả những phản ứng vui mừng đó của người dân, là dành cho cái ác và những kẻ ác còn đang sống.
Nếu về cuối đời, Trần Đại Quang, với thẩm quyền duy nhất của mình với tư cách là Chủ tịch nước, tha được tội chết (oan) cho Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Chưởng, Lê Văn Mạnh và Đặng Văn Hiến thì nhân dân không vui mừng trước cái chết của ông ta đến như thế.
Nếu về cuối đời, Trần Đại Quang, cũng với thẩm quyền duy nhất của mình với tư cách là Chủ tịch nước, từ chối ký ban hành Luật An ninh mạng, thì người ta có khi còn tung hô ông lên trời.
Nhưng Trần Đại Quang đã không làm như thế. Ông ta đã chọn ghi tên mình vào những trang sử đen tối nhất của đất nước này.
Nói những điều này không có nghĩa là tôi không tôn trọng gia quyến và tôn trọng nỗi đau của những người thân yêu của Trần Đại Quang. Mỗi con người đều có nhiều khía cạnh khác nhau. Vừa là quan chức nhưng vừa là chồng, là cha, là ông, là hàng xóm, là bạn bè, v.v. Mỗi người tiếp xúc với ông Quang theo những khía cạnh khác nhau. Còn công chúng chỉ tiếp xúc với khía cạnh quan chức của ông ấy. Đừng kỳ vọng và đừng bắt công chúng phải phản ứng với ông ấy như gia đình hay bạn bè của ông ấy.
Phản ứng của người dân trước cái chết của một nguyên thủ là chiếc hàn thử biểu đo đạc lòng dân với chế độ. Muốn khi chết đi được người ta nhớ đến và tôn trọng thì ngay lúc này hãy bắt tay vào mà làm việc thiện, mà việc thiện cần kíp nhất là khởi động ngay một tiến trình dân chủ hoá đất nước. Làm được như thế, không có lý do gì mà mồ không yên, mả không đẹp.
T.H.L.
Nguồn: FB Trinh Huu Long