Thảo Vy
Lý giải một hiện tượng chính trị – xã hội ở Việt Nam hiện nay không thể là một việc dễ dàng, đơn giản. Ngay tác giả bài báo dưới đây cũng chỉ mới đặt ra được vài gợi ý. Và như Bauxite Việt Nam từng nhận định, sở dĩ ngày 2 tháng 9 vừa qua không có biểu tình là vì số đông còn nghi ngại nhiều điều về động cơ, mục đích, đối tượng kêu gọi và có thể không biểu tình vì chính nhân dân là chủ thể biểu tình còn chưa xác định rõ mục tiêu cụ thể của cuộc biểu tình. Trái lại, đã có những cuộc biểu tình rất quyết liệt như biểu tình chống ô nhiễm bởi chất thải nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân gây hại trực tiếp đến môi trường sinh hoạt và sinh kế của dân; hay cuộc biểu tình mới đây của nhân dân huyện Đức Phổ – Quảng Ngãi (mới xảy ra hôm qua 3-9), rất quyết liệt, người dân đã mang cả quan tài ra đặt trước mặt công an, để nói lên việc phản đối nhà máy rác thải đặt trong xã Phổ Thạnh đã gây ô nhiễm đến mức dân quanh vùng không thể sống nổi (mà những hiện tượng gây ô nhiễm môi trường đến mức “không thể chịu được” đã trở nên phổ biến trên hầu khắp đất nước)…
Những cuộc biểu tình dân sinh cụ thể như vậy, chính đáng sát sườn như vậy mà vẫn bị đàn áp khốc liệt, nói chi đến biểu tình vì mục tiêu xa xôi trừu tượng hơn, nhất là vì mục tiêu của ai đó với những gợi ý mơ hồ như của mấy ông lớn mà bài báo dưới đây cũng đã gợi ra?
Gần đây có những nhà đấu tranh (không nhiều) thường hay hấm hứ ngấm nguýt người dân đây đó, rằng bình thường không quan tâm việc an nguy chung của đất nước, chỉ đến khi đụng chạm đến quyền lợi sát sườn của mình thì mới “biết thân biết phận”. Không nên nhìn nhận như vậy, bất cứ đấu tranh ở mức độ nào cũng đều đáng quý, đáng trân trọng và ủng hộ, vì “chân lý là cụ thể” mà. Và đã ủng hộ những cuộc biểu tình vì quyền sống chính đáng, tối thiểu đó, thì càng phải quyết liệt phản đối những hành động đàn áp của nhà cầm quyền, vì chính họ đã hết sức vô trách nhiệm, đã không bảo đảm các điều kiện sống tối thiểu của người dân.
Bauxite Việt Nam
Ngày Quốc khánh vừa qua ở Sài Gòn không có cuộc xuống đường biểu tình nào diễn ra. Tuy nhiên trong ngày này, ở trụ sở hành chánh của quận, huyện đều triệu tập các tổ trưởng dân phố có mặt, nhằm để ‘lãnh người’ ở khu xóm mình trong trường hợp có biểu tình.
Chỉ có công an "biểu tình" vào ngày 2 tháng 9.
Vì sao không có cuộc biểu tình nào diễn ra, mặc dù ròng rã trước đó suốt một tháng trời rất nhiều diễn đàn mạng xã hội, và cá nhân liên tục ‘livestream’ kêu gọi biểu tình? Linh mục Lê Ngọc Thanh (Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn) và nhà báo Trúc Giang cùng đi tìm câu trả lời.
Có phải vì chính quyền ra tay đàn áp sớm?
Linh mục Lê Ngọc Thanh nói rằng câu trả lời chính xác thì phải cần đợi một thời gian nữa để có thêm thông tin.
“Nhưng chúng ta có thể nhìn sự việc của ngày 2 tháng chín, với lại ngày 10 tháng sáu để so sánh, thì chúng ta thấy thời điểm của ngày 2 tháng chín, trước đó hơn một tháng bắt đầu có nhiều nhóm khởi động đặt vấn đề có nên biểu tình hay không, cuối cùng đi đến việc cho rằng biểu tình rất là cần thiết. Ngay sau đó có nhiều video ‘livestream’ mang tính tập huấn về kỷ năng biểu tình rất là rầm rộ. Tất cả tạo cảm giác là sẽ có cuộc biểu tình rất là lớn nổ ra ở Việt Nam, ít nhứt là nổ ra ở Sài Gòn và Hà Nội.
Điểm thứ hai cần lưu ý là cái khởi động đó đa số xuất phát từ các anh chị em người nước ngoài gốc Việt, như ở Úc, như ở Mỹ, như ở Âu Châu. Điều đó cho thấy nó khác biệt căn bản với hôm 10 tháng sáu.
Hôm 10 tháng sáu thì cái khởi động của nó chỉ trong vòng 8 ngày thôi. Tức là khoảng mùng 1 đến mùng 8 tháng sáu. Mùng 9 là đã bắt đầu đi vào hoạt động rồi với vụ việc công nhân ở khu công nghiệp Pouchen tại Bình Tân, Sài Gòn. Cái khởi động của đợt đầu tháng sáu đó là xuất phát tại Việt Nam. Một nhóm nào đó cho đến giờ phút này vẫn chưa thể gọi tên chính xác đã tổ chức.
Chính các anh an ninh còn nói ra các mệnh đề như vậy. “Chắc là mình phải đi biểu tình, kẻo mình bị mất nước tới nơi rồi”.
Cái nữa mà chúng ta cần chú ý, là ở thời điểm của ngày 2 tháng 9 tại Sài Gòn, thì trước đó vài ngày bầu không khí căng thẳng gia tăng, với những tuyên truyền lên án biểu tình của nhà cầm quyền bắt đầu xuất hiện. Từ những tờ rơi gửi vào các công ty giáp ranh Sài Gòn, Bình Dương, Long An, Đồng Nai; gửi đến từng công nhân nói rằng cuộc biểu tình là do phản động giật dây, bà con không nên tham gia kẻo bị bắt. Rồi một số khu phố ở thành Hồ cũng được phát những tờ rơi này. An ninh và công an khu phố bắt đầu làm nhiều cái việc mang tính đe dọa cộng đồng.
Tối hôm trước ngày 2 tháng chín, khi chúng tôi đến dự sinh nhật con của một người bạn ở bên hông nhà thờ Phú Trung, thì an ninh đi theo và họ dừng xe ngay cái chỗ mình để xe, như thể họ đứng coi xe dùm mình vậy. Có một người chị em còn bị họ đưa lên xe chở tới nơi rồi họ đứng đợi. Khi ra về thì họ cũng lấy xe và đi theo sát vậy thôi. Tức là họ muốn gây ra một sự lo lắng hoảng sợ.
Trong khi thời điểm của ngày mùng 9 tháng sáu, điều ấy không xảy ra. Đúng hơn là chỉ xảy ra với một số nhà hoạt động đặc biệt thôi".
Áp đặt chính trị từ những lời kêu gọi biểu tình
“Tôi nhớ cái bầu không khí ngày mồng 7, 8, 9 tháng sáu, thậm chí là có một số anh an ninh mà hay lảng vảng ở các khu phố dân cư, nhắc khéo: “chắc là phải đi biểu tình”. Chính các anh an ninh còn nói ra các câu như vậy. “Chắc là mình phải đi biểu tình, kẻo mình bị mất nước tới nơi rồi”. Y như có kiểu cò mồi từ phía các giới chức. Và ngay những bà đạo đức ở Hội Legio Mariae, cầu nguyện thôi mà cũng bảo với tôi là chủ nhật này phải đi biểu tình, không mất nước tới nơi rồi. Tức là đã có một cái cách tiếp cận cộng đồng khá hữu hiệu trong chuyện kêu gọi xuống đường biểu tình”. Linh mục Lê Ngọc Thanh biện giải.
Vẫn theo lời của linh mục Thanh, lần kêu gọi biểu tình dịp đầu tháng chín, xuất phát từ bên ngoài Việt Nam, mặc dù anh chị em ngay tại Sài Gòn cũng muốn biểu tình đòi hỏi những quyền lợi dân sinh và quyền chính trị được Hiến pháp bảo hộ.
“Kêu gọi biểu tình 2 tháng chín vì mục đích gì? Hoàn toàn chưa rõ ràng. Nếu cụ thể là cần đình hoãn để sửa đổi những điều không hợp lý ở Luật An ninh mạng, nghĩa là cuộc biểu tình phải có mục đích cụ thể, thì chắc là tôi cũng tham gia, vì luật này ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận và tự do chính trị của công dân”. Linh mục Lê Ngọc Thanh chia sẻ.
Nhà báo Trúc Giang nhìn nhận chính việc một số cá nhân người nước ngoài gốc Việt kêu gọi người Việt trong nước biểu tình, với những mệnh đề mang tính mệnh lệnh cảm tính, xa rời thực tế của đời sống Việt Nam nên khó thể tạo hiệu ứng cộng đồng ủng hộ.
“Tại sao lại kêu gọi biểu tình lật đổ, và cho rằng các thế lực quân sự nước ngoài đang sẳn sàng tham gia vào cuộc lật đổ này? Ai sẽ lãnh đạo cuộc biểu tình đó? – Không có câu trả lời. Lật đổ như vậy có phải là đảo chánh? – Không có câu trả lời. Ở Thái Lan, biểu tình có thể làm nên một cuộc lật đổ, vì đơn giản là quân đội xứ Thái đứng ngoài các đảng phái chính trị”. Nhà báo Trúc Giang nhận định.
Cùng quan điểm với linh mục Lê Ngọc Thanh, trong biểu tình hôm 10 tháng sáu rồi, nhà báo Trúc Giang tin chắc là có kịch bản công phu của thế lực đủ mạnh trong chính quyền ngay tại Sài Gòn; và có thể thế lực ấy được thêm sự yểm trợ của Quân khu 7, mà vụ việc bạo động ở tỉnh Bình Thuận là một liên tưởng.
Thấy gì từ lời kêu gọi của Chủ tịch và cựu Chủ tịch Nước?
Sáng 30 tháng tám, 2018, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp cùng với Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Bộ Khoa học Công nghệ tổ chức lễ ra mắt "Sách vàng Sáng tạo Việt Nam".
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ Tổ quốc. “Tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, tư vấn, phản biện của các nhà khoa học” là những cụm từ nhấn mạnh trong diễn văn của ông Trần Đại Quang.
Bài viết về quyền lực và trách nhiệm của cựu Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trên báo Tuổi Trẻ
Phải chăng việc kêu gọi “Tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng”, cùng với bài báo “Thời gian và cơ hội không chờ chúng ta” trên tờ Tuổi Trẻ (báo in, phát hành ngày 1 tháng chín, 2018) của cựu Chủ tịch Trương Tấn Sang, là những dấu chỉ cho một cuộc biểu tình khác về sự cấp thiết điều chỉnh thể chế chính trị của Việt Nam?
T.V.
VNTB gửi BVN