Phạm Chí Dũng
Công an đàn áp người biểu tình ở Đồng Nai năm 2016. (Hình: Getty Images)
Tròn một con Giáp sau sự kiện “Việt Nam được Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO) chấp thuận cho trở thành thành viên thứ 150,” kịch bản “vào trước, bắt sau” hầu như đang tái hiện ở Việt Nam. Lần này là Hiệp Định Thương Mại Tự Do Việt Nam – EU (EVFTA).
Vào năm 2006, chính thể Việt Nam đã nhún mình giảm đàn áp giới nhân quyền và bất đồng chính kiến để tiếp đón Tổng Thống Mỹ George Bush tại Hà Nội, và sang năm 2007 Việt Nam được Mỹ nhấc khỏi CPC (Danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo), tức được giảm cấm vận kinh tế, đồng thời. Nhưng chỉ một năm sau đó, từ năm 2008 trở đi, công an Việt Nam liên tiếp gia tăng tống giam người bất đồng như một kiểu “bắt bù.”
Nhưng, tình hình hiện thời không còn quá thuận lợi cho công an Việt Nam bắt bất đồng như vào nửa cuối năm 2016 và phần lớn năm 2017.
Một lần nữa kể từ giai đoạn “vận động TPP” từ giữa năm 2013 đến giữa năm 2016, biểu đồ đàn áp nhân quyền ở Việt Nam có chỉ dấu chùng bớt. Khoảng thời gian từ cuối năm 2017 đến nay đang có dấu hiệu về việc biểu đồ đàn áp nhân quyền có thể thiết lập vùng đỉnh của nó, để trong nửa cuối năm 2018 “vận động sớm thông qua EVFTA” thì cao độ của đường biểu diễn đàn áp này có thể thấp hơn, hoặc thấp hơn đáng kể, so với đỉnh điểm của nó vào năm 2017.
Gương mặt thất thần
Chính vào lúc này, quá nhiều khó khăn kinh tế đã tích tụ và chồng chất để trở thành nỗi bế tắc được định dạng ngay trên gương mặt thất thần của đảng Cộng Sản. Nếu không khẩn cấp tìm ra lối thoát kinh tế và tài chính, chẳng mấy năm nữa đảng sẽ sạch tiền, sẽ không còn tiền nuôi đội ngũ công chức viên chức “còn đảng còn mình” lên đến gần ba triệu người, cùng một lực lượng vũ trang và bán vũ trang hoặc chỉ biết đàn áp quyền làm người của dân chúng, hoặc chỉ lo làm “kinh tế quốc phòng” mà chẳng hề bảo vệ ngư dân Việt trong lúc tàu Trung Quốc hùng hổ tấn công, hành hung và bắn giết.
Trong toàn bộ bức tranh u tối kinh tế ở Việt Nam đương đại, Hiệp Định Thương Mại Tự Do Việt Nam – Châu Âu (EVFTA) là lối thoát được Bộ Chính Trị đảng ở Việt Nam kỳ vọng nhất.
Về thực chất, cái chế độ tham lam, tham nhũng và đang rơi vào cảnh đói khát chỉ còn EVFTA là hiệp định thương mại mang lại lợi lộc nhiều nhất ứng với đà xuất siêu của Việt Nam sang Châu Âu lên đến $25 tỷ mỗi năm – gần bằng giá trị nhập siêu lên đến $30 tỷ hàng năm (chỉ tính theo đường chính ngạch, chưa kể khoảng $20 tỷ nhập siêu theo đường tiểu ngạch) của Việt Nam từ Trung Quốc.
Nhưng muốn EVFTA được thông qua, Việt Nam lại cần có được toàn bộ đồng thuận của 28 Quốc Hội ở 28 nước Châu Âu, mà nếu chỉ một nước không đồng ý thì Hà Nội coi như trắng tay.
Đối với chính thể độc đảng ở Việt Nam, EVFTA quan trọng đến mức mà vào Tháng Ba năm 2018, người đứng đầu đảng là Nguyễn Phú Trọng đã phải tự thân đến Pháp, để vận động Nghị Viện Pháp cho EVFTA được Hội Đồng Châu Âu và Nghị Viện Châu Âu “linh hoạt sớm thông qua.”
Nhưng ngay sau cuộc gặp Macron – Trọng, không phải báo đảng Việt Nam, mà những hãng thông tấn của Pháp như AFP đã loan tin là trong cuộc gặp này, Tổng Thống Pháp Macron đã đề cập một cách nhấn mạnh về tình hình nhân quyền tại Việt Nam và trường hợp các blogger và các nhà bảo vệ nhân quyền bị bỏ tù, đồng thời kêu gọi Việt Nam thực hiện những cải cách để tăng cường nhà nước pháp quyền.
Đề cập và lời kêu gọi của Tổng Thống Macron là logic với đánh giá cho rằng chính phủ Pháp đã chủ động yêu cầu phía Việt Nam phải đưa nội dung “nhấn mạnh nhân quyền” vào tuyên bố chung Việt – Pháp 2018 và đôn nội dung này lên vị trí thứ 2 trong bản tuyên bố này, vượt hơn nhiều so với vị trí thứ 6 của chủ đề nhân quyền được thể hiện trong bản tuyên bố Việt – Pháp vào tháng Chín năm 2013 trong chuyến công du Pháp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Thủ Tướng Jean Marc Ayrault.
“Tối hậu thư” về nhân quyền
Liệu EVFTA, dù đã kết thúc giai đoạn đàm phán từ Tháng Mười Hai năm 2015 – thời điểm mà hệ thống tuyên giáo cùng báo đảng Việt Nam khoa trương hết lời về “sẽ phê chuẩn EVFTA ngay trong năm 2016,” và phải mất đến hai năm rưỡi sau đó hiệp định ngổn ngang này mới kết thúc giai đoạn rà soát pháp lý, trong khi thông thường khoảng thời gian rà soát pháp lý đối với những hiệp định tương tự chỉ mất từ 6 tháng đến 1 năm, sẽ được “Nghị Viện Châu Âu phê chuẩn vào đầu năm 2019” như tham vọng và cũng là “gợi ý” một cách đầy lộ liễu trên hệ thống báo đảng của giới chóp bu Việt Nam?
Cần nhìn lại những thông điệp được phát từ phía EU chứ không phải bởi Việt Nam.
“Hiệp Định Thương Mại Tự Do EU – Việt Nam có thể không được thông qua” là tựa đề của Bike, Europe, ngày 23 Tháng Giêng, 2018, dẫn nguồn từ EU – Vietnam Free Trade Agreement Threatened (người dịch: Vũ Quốc Ngữ, Việt Nam Thời Báo). Theo đó, việc phê chuẩn EVFTA đang gặp khó khăn khi Quốc Hội Châu Âu đặt câu hỏi về cách mà Việt Nam như một nhà nước Cộng Sản độc đảng đang đối xử với công nhân của mình. Đặc biệt khi Việt Nam có với 93 triệu dân, được coi là một trong những con hổ Châu Á mà Nghị Sĩ Bernd Lange nói rằng “Nếu không có tiến bộ về nhân quyền và đặc biệt là về quyền lao động thì thỏa thuận này không được Quốc Hội Châu Âu phê chuẩn.”
Vào Tháng Hai năm 2018, trang Borderlex của Châu Âu đã chính thức cho biết để thông qua EVFTA, “EU khăng khăng yêu cầu Việt Nam phê chuẩn ba hiệp ước của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế (ILO) về tự do lập hội, quyền tổ chức và thương lượng tập thể, và việc bãi bỏ lao động cưỡng bức dường như đã mang lại kết quả,” và khẳng định “Phía sau việc trì hoãn này (EVFTA) còn có một số lý do chính trị như: ưu tiên đưa ra thỏa thuận của EU với Nhật Bản, cuộc đụng độ ngoại giao giữa Berlin và Hà Nội, và Liên minh châu Âu nhấn mạnh rằng Việt Nam cần tôn trọng hơn các quyền con người và quyền lao động.”
Cho tới khi đó, hoàn toàn có thể xem thông điệp trên của EU là một “tối hậu thư” về nhân quyền đối với chính thể Việt Nam.
Không phải ngẫu nhiên mà cũng vào thời điểm trên, Đại Sứ Việt Nam tại EU là Vương Thừa Phong đã thình lình “hé môi” rằng Việt Nam đang lên kế hoạch phê chuẩn để thông qua các công ước trên vào năm 2019 và 2020.
EU có biết quy luật “vào trước, bắt sau”?
Từ giữa năm 2016, bàn cờ đối thoại và đàm phán về nhân quyền đã dần chuyển từ tay người Mỹ sang Liên Minh Châu Âu.
Nhưng một dấu hỏi đánh đố là khi nào Việt Nam sẽ thỏa mãn những đòi hỏi của EU về cải thiện nhân quyền là phê chuẩn ba hiệp ước của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế (ILO) về tự do lập hội, quyền tổ chức và thương lượng tập thể, bãi bỏ lao động cưỡng bức, tức ít nhất Việt Nam phải sớm ban hành luật về Hội và công nhận Công Đoàn Độc Lập? Trước hay sau khi EVFTA được Nghị viện Châu Âu thông qua?
“Kết thúc rà soát pháp lý EVFTA” chỉ là một trong nhiều công đoạn phải có trước khi hiệp định này được Nghị Viện Châu Âu quyết định có phê chuẩn hay không. Nhưng do nhiều gian lận thương mại của doanh nghiệp Việt Nam và tình trạng vi phạm nhân quyền quá trầm trọng của chính quyền Việt Nam mà đã khiến thời gian rà soát pháp lý EVFTA kéo dài đến hai năm rưỡi thay vì chỉ 6 tháng đến 1 năm; điều gì sẽ xảy ra, hoặc bao nhiêu năm nữa sẽ trôi biệt một khi chính thể Việt Nam không những không giảm bớt hành vi gian lận thương mại mà còn tiếp tục vi phạm nhân quyền khi vẫn liên tiếp hành hung tra tấn dã man người dân biểu tình vì an sinh và chủ quyền đất nước, bắt bớ và xử tù nặng nề các công dân yêu nước?
Tương lai “Nghị Viện Châu Âu phê chuẩn EVFTA” có rơi vào đầu năm 2019 hay trong năm 2019 như Hà Nội đang lập lờ hy vọng?
Liệu các nhà ngoại giao và đàm phán thương mại của EU có nắm được quy luật “vào trước, bắt sau” như một “đặc thù xã hội chủ nghĩa” ở Việt Nam? Hay sẽ lặp lại trang sử bi thảm của nhân quyền Việt Nam khi hàng loạt nhà hoạt động nhân quyền bị nhà cầm quyền tống giam ngay sau khi EVFTA được phê chuẩn?
P.C.D.
VNTB gửi BVN