Ngô Vĩnh Long
Vị trí địa chính trị của Đà Nẵng khi Pháp đánh chiếm Cửa Hàn năm 1858-1860 và trong bối cảnh hiện nay
Nói một cách rất đơn giản, địa chính trị có nghĩa là tương quan giữa địa lý và chính trị trong bối cảnh lịch sử nào đó. Địa lý của Cửa Hàn khi quân Pháp đánh chiếm năm 1858-1860, cùng với sự trợ giúp của quân Tây Ban Nha, so với Đà Nẵng hiện nay không khác gì lắm (ngoài những xây cất thêm trên đất liền từ đó đến nay).
Khác là vị trí chính trị lúc đó so với hiện nay không những ở Cửa Hàn (Đà Nẵng) mà còn trên bình diện của cả nước, nếu không nói là cả khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
1. Vài nhận xét về vị trí của Cửa Hàn trong bối cảnh giữa thế kỷ 19
Chi tiết về các trận đánh ở Cửa Hàn sau khi một đội 14 tàu chiến Pháp-Tây Ban Nha dưới sự chỉ huy của Đô đốc Rigault de Genouilly thả neo ở vịnh Cửa Hàn ngày 31 tháng 8 năm 1858 đã được mô tả trong một số tài liệu.1 Bài tham luận nầy chỉ nhắc một vài khía cạnh địa chính trị lúc ấy để mong qua đó thấy được hàm ý đối với vị trí địa chính trị của Đà Nẵng trong bối cảnh hiện nay.
Trước hết, lý do chính thức chính phủ Pháp và chính phủ Tây Ban Nha đưa ra trong việc hợp tác đánh vào Cửa Hàn là vì năm 1857 vua Tự Đức đã xử tử hai vị truyền giáo đạo Thiên Chúa người Tây Ban Nha. Tháng 11 năm 1857 Đại đế Napoleon III ra lệnh cho Đô đốc Rigault de Genouilly đánh Việt Nam để dạy cho triều đình Huế một bài học. Đánh vào Cửa Hàn là vì vịnh ở đây có nước sâu rất thuận lợi cho tàu chiến lúc đó tiến sát bờ cũng như có thể cắm neo lâu ngày. Thêm vào đó vị trí gần Huế của Đà Nẵng cũng tiện lợi cho việc doạ nạt triều đình Huế phải mau chóng đồng ý với đòi hỏi được quyền tự do truyền bá đạo Thiên Chúa.
Nhưng đây không phải là việc bất ngờ mà tình hình có thể thấy trước được để có thể chuẩn bị chiến lược đối phó. Trước đó, năm 1845 Thuyền trưởng John Percival của hải quân Mỹ đã đến Đà Nẵng trên chiến thuyền Constitution với ý định buộc triều đình Huế thả giám mục Pháp tên Lefebvre mà triều đình vua Thiệu Trị đã lên án tử hình. Percival bắt hầu hết quan lại địa phương giữ làm con tin để đòi triều đình trao đổi Lefebvre. Nhưng vì phía Việt Nam nhất định không chịu thương thuyết cho nên cuối cùng Percival thả hết những con tin vì không biết làm gì khác được, ngoài việc bắn phá trước khi nhổ neo.2
Một sự kiện liên quan đáng được chú ý là, theo tài liệu của Bộ Ngoại Giao Mỹ, năm 1849 bộ nầy phái Joseph Balestier sang “Biển Đông” (Eastern Seas) với mục đích chính là “đưa một lá thư bày tỏ tình bằng hữu và hoà giải đến cho Vua [của Việt Nam]từ Tổng thống Mỹ để không tán thành một cách chính thức những hành động xúc phạm được khẳng định mà Thuyền trưởng John Percival đã gây ra ở lãnh thổ cai trị của nhà vua khi chỉ huy chiến thuyền Constitution trong năm 1845 và tìm mọi cách có thể để giải thích và chuộc lỗi nếu vừa ý với sự chính xác của bản tường trình.”
(Nguyên văn tiếng Anh: “To deliver to the King a letter of friendship and conciliation from the President disavowing in a formal manner the alleged outrage reported to have been committed in his dominions by Captain John Percival whilst in command of the frigate Constitution in the year 1845 and to make every possible explanation and atonement if satisfied with the correctness of the report.”)
Balestier đến Đà Nẵng năm 1850 để đệ trình quốc thư của tổng thống Mỹ cho vua Tự Đức, nhưng vì quan lại ở Đà Nẵng từ chối không nhận thư để chuyển lại nên Balestier đành phải để lại lá thư trên bãi biển Đà Nẵng rồi rút neo ra khơi.3 Một câu hỏi được đặt ra ở đây là nếu vua Tự Đức lấy cơ hội gặp Balestier hay biết được chính sách thân thiện và hoà giải của Mỹ thì hai bên có thể đã trở thành đối tác tốt hay không? Và sự hiện diện ngoại giao của Mỹ ở Việt Nam sau nầy có thể phần nào hoá giải chính sách xâm chiếm của Pháp hay không? Lẽ dĩ nhiên là đến lúc Mỹ có nội chiến, từ năm 1861-1865, thì Mỹ không còn rảnh tay để can thiệp ở bên ngoài nữa.
Vua Tự Đức và triều đình biết Pháp sẽ viện cớ tự do truyền giáo để xâm chiếm Việt Nam, đặc biệt là qua Đà Nẵng. Nhưng triều đình lúc đó không có chính sách và chiến lược rõ ràng để phòng ngừa hay đối phó. Năm 1847 khi Tự Đức mới lên ngôi Pháp đã vào tàn phá Đà Nẵng.4 Năm 1858 thuyền trưởng Pháp tên Le Heur de Ville sur Arc đến pháo kích Đà Nẵng rồi bỏ đi. Tiếp đó lãnh sự Pháp ở Thái, tên de Montigny, đến Đà Nẵng đòi tự do truyền giáo và mậu dịch nhưng bị phía Việt Nam từ chối.5
Vua Tự Đức và triều đình cũng biết rõ sự cạnh tranh giữa các cường quốc phương Tây để thiết lập căn cứ ở Đông Á. Nhưng dưới triều Tự Đức các cuộc nổi loạn trong nước càng ngày càng tăng cho nên vua và quan lúc đó không nghĩ là họ có thể vận động nhân dân chống ngoại xâm và cũng không nghĩ là họ có thể dùng ngoại giao để chi phối áp lực của Pháp. Theo bài học “nội loạn, ngoại hoạn” của Trung Quốc thì ưu tiên là dẹp loạn, hay là đàn áp mọi chống đối ở trong nước trước đã. Do đó vua Tự Đức mong là có thể chặn đứng các đe doạ từ bên ngoài bằng cách dẹp hết tất cả các cơ hội tiếp xúc của các phần tử trong nước với bên ngoài. Đây là lý do tại sao chính sách của vua Tự Đức lúc ấy là triệt để đàn áp giáo dân Thiên Chúa.6
Sự đàn áp giáo dân Thiên Chúa một phần nào cũng được kích thích bởi việc các ông “cố đạo” thường phóng đại việc giáo dân có thể nổi dậy để làm hậu tuyến cho việc xâm chiếm của Pháp. Lý do là các vị cố đạo nầy muốn Pháp, hay một nước Thiên Chúa giáo khác, xâm chiếm Việt Nam để họ có thể củng cố vai trò của họ và của cộng đồng giáo dân. Một ví dụ cụ thể là trước khi Đô đốc Rigault de Genouilly đánh vào Cửa Hàn thì cố đạo Pellerin, một trong những người thường thúc đẩy mạnh việc xâm chiếm Việt Nam, đã quả quyết với vị đô đốc nầy là có 600 ngàn giáo dân đã chuẩn bị sẵn sàng để trợ giúp cuộc xâm chiếm. Đó là một trong những lý do Rigault de Genouilly đưa 14 chiến thuyền với 3000 quân Pháp và Tây Ban Nha xuống từ Trung Quốc đến Cửa Hàn. Nhưng khi bắt đầu đánh vào thì không những không có tín đồ nào đứng ra “nối giáo cho giặc” mà, trái lại, có một số giáo dân đã gia nhập cuộc kháng chiến của nhân dân địa phương cùng với sự đánh trả của khoảng 2000 quân dưới sự chỉ huy của quan Lê Đình Lý.7 Việc nầy đáng lẽ đã phải làm cho triều đình Huế hiểu rõ thêm lòng yêu nước của nhân dân bất cứ có tôn giáo hay tín ngưỡng gì.
Sau khi khoảng 10 ngàn quân dưới sự chỉ huy của Nguyễn Tri Phương đến Đà Nẵng thì quân Pháp và Tây Ban Nha không thể phát huy thế lực được nữa. Thêm vào đó thì họ lại bị bệnh dịch tả nên phải tìm cách di chuyển đến nơi khác. Kích thích tố đạo giáo có thể là lý do chủ yếu để Tây Ban Nha tham gia trận đánh vào Cửa Hàn. Nhưng về phía Pháp thì việc tự do truyền giáo chỉ là một cái cớ. Mục đích chính của quân Pháp là muốn chiếm đóng một phần nào đó của lãnh thổ Việt Nam để làm thuộc địa. Đây cũng là yếu tố tại sao Pháp và Anh đã hợp tác trong cuộc viễn chinh ở Trung Quốc trong những năm 1858-1860.8 Do đó người chỉ huy Pháp đưa quân vào miền Nam bằng đường biển để đánh chiếm Sàigòn vào ngày 18 tháng 2 năm 1859. Nhưng mãi đến ngày 25 tháng 2 năm 1861, sau khi có tăng viện của quân đội viễn chinh được đưa xuống từ Trung Quốc với 70 chiến thuyền và 3500 quân Pháp và Tây Ban Nha thì các quân lực nước ngoài nầy mới có thể thật sự chiếm đóng Sàigòn. Sau đó các quân lực nầy bắt đầu đánh chiếm Gia Định, Biên Hoà và Định Tường.9
Có hai lý do chính cho việc thúc thủ của Sàigòn, Gia Định, Biên Hoà và Định Tường. Lý do thứ nhứt là mặc dầu phía Pháp và Tây Ban Nha chỉ có 8 ngàn quân so với khoảng 32 ngàn quân dưới dự chỉ huy của Nguyễn Tri Phương, họ có vũ khí tối tân trong khi chỉ có 5 ngàn quân Việt Nam sử dụng súng thô sơ. Số còn lại dùng giáo, mác, và gậy gộc. Lý do thứ hai của việc thúc thủ là triều đình Huế nhất quyết không chịu tiếp viện cho đạo quân của Nguyễn Tri Phương và kháng chiến của nhân dân miền Nam vì lúc đó ưu tiên là dẹp loạn ở miền Bắc.10 Không những kháng chiến ở miền Nam không được tiếp viện mà sau khi Gia Định, Biên Hoà và Định Tường bị thúc thủ thì Nguyễn Tri Phương bị tước quyền chỉ huy ở miền Nam và được gởi ra Bắc.11 Để có thể tập trung vào việc dẹp loạn ở miền Bắc, triều đình quyết định thương thuyết với với Pháp. Cuối cùng đi đến hiệp ước ngày 5 tháng 6 năm 1862 chấp nhận tự do tôn giáo, tự do thương mãi ở ba cảng Đà Nẵng, Bala và Quảng Yên, chuyển nhượng chủ quyền ở những tỉnh miền Nam đã bị chiếm đóng cho Pháp, và chịu bồi thường chiến tranh với 4 triệu đô la Mêhicô trong 10 năm.12 Như ta đã biết, Pháp không chịu dừng ở đó mà tiếp tục đánh chiếm để gây áp lực lên triều đình nhà Nguyễn cho đến khi 6 tỉnh miền Nam trở thành thuộc địa chính thức năm 1868 với tên là Cochinchine. Rồi đến năm 1884 miền Trung và miền Bắc trở thành thuộc địa trá hình dưới danh nghĩa “bảo hộ.”
Qua tóm tắt phía trên người ta có thể đi đến nhận định ngắn gọn là vị trí địa chính trị của Đà Nẵng vào những năm giữa thế kỷ 19 tuỳ thuộc rất lớn vào vị trí chính trị của triều đình Huế và vị trí địa lý của Việt Nam ở Á Đông, đặc biệt là vì Việt Nam có lãnh thổ và lãnh hải gần như dọc suốt Biển Đông nơi tàu bè của các cường quốc trên thế giới cần qua lại.
2. Một vài nhận xét về bối cảnh địa chính trị hiện nay
Vào năm 1974 Trung Quốc chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa, tức chỉ khoảng 400 cây số đường chim bay khi nhìn thẳng ra từ Đà Nẵng. Lúc đó ít người hiểu được đây là bước đầu trong kế hoạch độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Năm 1988 Trung Quốc đánh chiếm đảo Gạc Ma (Johnson Reef) của Việt Nam trong quần đảo Trường Sa và giết hại 64 thuỷ thủ người Việt cũng như gây thương tích cho nhiều người khác ở đó. Những hành động nầy xảy ra trong khi Mỹ còn chơi cái gọi là “lá bài Trung Quốc” (the China card) trong “cuộc chiến tranh uỷ nhiệm” (proxy war) với Liên Xô và Việt Nam cho nên những người chống Liên Xô và Việt Nam đều làm ngơ. Nhưng năm 1995 Trung Quốc lại đánh chiếm Mischief Reef, một thực thể ở Trường Sa cách tỉnh Palawan của Philippines 150 hải lý về phía tây, và lập tức xây dựng các cơ sở quân sự trên đó. Philippines chạy sang thông báo với Quốc Hội Mỹ để cầu cứu, nhưng Nhà Trắng vẫn tiếp tục chơi “lá bài Trung Quốc” vì lý do kinh tế . Hơn thế nữa Mỹ đã cật lực giúp Trung Quốc vào Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (World Trade Organization, WTO) vì nghĩ rằng việc nầy sẽ có lợi cho hai bên và sẽ đẩy Trung Quốc trở thành một nước dân chủ khi nước nầy phát triển kinh tế.
Sau khi Trung Quốc vào WTO thì xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ cũng như nhập siêu của Mỹ đối với Trung Quốc càng ngày càng lớn như biểu đồ phía dưới đây cho thấy (với giá trị bằng tỷ đô la, $billions). Gạch đen là xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc, gạch xám là nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc, và gạch đỏ là nhập siêu của Mỹ đối với Trung Quốc.
Có lẽ vì cảm thấy được khích lệ bởi thế đứng cộng sinh với Mỹ trên lãnh vực kinh tế, nếu không nói là thế thượng phong trong mậu dịch, Trung Quốc từ năm 2005 đã càng ngày càng đòi hỏi Mỹ chia sẽ quyền lực ở khu vực Thái Bình Dương. Trong cuộc họp báo vào ngày 18 tháng 12 năm 2008 tại Washington Đô đốc Timothy Keating, chỉ huy trưởng của Hải Quân Mỹ ở Thái Bình Dương cho biết một đô đốc Trung Quốc đã đề nghị với ông là hải quân của Mỹ nên rút về phía đông của quần đảo Hawaii và để cho hải quân của Trung Quốc tuần tra toàn bộ Thái Bình Dương phía tây của Hawaii và khi có chuyện gì thì Trung Quốc sẽ báo cho Mỹ biết để cho Mỹ khỏi phải phí công và phí tiền. Nhưng Đô đốc Keating nói là ông từ khước đề nghị đó của Trung Quốc.13
Vì bị Mỹ từ chối việc chia Thái Bình Dương Trung Quốc sau đó càng ngày càng tăng cường áp lực trên các nước lân cận ở Biển Đông, cho rằng hầu hết Biển Đông là thuộc quyền sở hữu của Trung Quốc. Cuối cùng vào ngày 7 tháng 9 năm 2009 Trung Quốc đệ trình lên Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc một bản đồ mơ hồ với đường 9 đoạn không có toạ độ vĩ tuyến và kinh tuyến và nói rằng Trung Quốc có quyền sở hữu không thể chối cãi trên hết tất cả các đảo ở Biển Đông và tất cả các tài nguyên trên biển, trong biển, và dưới thềm của biển trong đường chín đoạn.14 Đường chín đoạn, cũng được gọi là đường chữ U (U-shape line) lấn chiếm rất sâu vào thềm lục địa và “Vùng độc quyền kinh tế” (Exclusive Economic Zones, EEZ) của hầu hết các nước Đông Nam Á ven Biển Đông như bản đồ sau đây cho thấy:
Từ năm 2009 Trung Quốc cũng hằng năm đơn phương cấm ngư dân các nước trong khu vực đánh cá ở nhiều nơi và đã bắt giữ những ngư dân (phần lớn là Việt Nam), đánh đập họ, và tịch thu hay đâm chìm thuyền của họ. Nhưng tháng 4 năm 2012 khi ngư dân Trung Quốc đánh cá trái phép trong bãi cạn gọi là Scarborough Shoal của Philippines và kiểm ngư của nước nầy định bắt những ngư dân đó thì Trung Quốc cho một đội tàu tuần dương đến bao vây bãi cạn nầy và ngăn cản không cho tàu kiểm ngư của Philippines vào. Trung Quốc cũng phái hơn 100 chiếc tàu đánh cá đến chiếm toàn bộ bãi cạn Scarborough. Sau hai tháng thương lượng Philippines tuyên bố là hai nước đã đồng ý cùng rút ra khỏi nơi nầy. Nhưng ngay sau đó Trung Quốc lại phái tàu đến và chiếm luôn bãi cạn Scarborough.
Philippines tìm đủ mọi cách để giải quyết các vấn đề trên biển với Trung Quốc nhưng không đi đến đâu. Cuối cùng Philippines phải đem Trung Quốc ra kiện trước Toà Trọng Tài Thường Trực (Permanent Court of Arbitration, PCA) ở The Hague. Tháng 7 năm 2016 toà PCA đưa ra một phán quyết trên 150 trang phân tích tại sao Trung Quốc không có lý do lịch sử hay luật pháp nào để đòi chủ quyền trên Biển Đông, tại sao Trung Quốc không được cấm các nước khác trong những khu vực đánh cá truyền thống của họ, tại sao không có một thực thể nào ở quần đảo Trường Sa có thể được gọi là đảo và như thế Trung Quốc (cũng như các nước khác) không thể chiếm các thực thể nầy, xây cất rộng ra, rồi qua đó đòi có được những EEZ, v.v. 15
Nói chung thì Philippines thắng Trung Quốc gần như hoàn toàn đối với hết tất cả các yêu cầu được đưa ra trước PCA. Nhưng ý định của bài nầy không phải là phân tích vấn đề Biển Đông hay cơ sở luật pháp của phán quyết PCA đối với vấn đề tranh chấp của Trung Quốc ở Biển Đông. Mục đích của tóm tắt ở trên trong bài nầy về chính sách và hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông là để cho thấy quan hệ của nó đối với chiến lược toàn cầu và tham vọng làm bá chủ khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của Trung Quốc. Qua đó ta có thể nhận xét vị thế địa chính trị của Đà Nẵng nói riêng và của nước Việt Nam nói chung.
Tham vọng làm bá chủ khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của Trung Quốc, nếu không nói là toàn cầu, được Tập Cận Bình đưa ra tháng 11 năm 2012 với khẩu hiệu “Trung Quốc Mộng” (中国梦Zhōngguó Mèng) để làm quốc sách cho Trung Quốc sau khi ông trở thành Tổng bí thư của Đảng Cộng Sản.16 Sau đó Tập Cận Bình và các nhà làm chính sách Trung Quốc giải thích rằng Trung Quốc Mộng là để “truyền sinh lực mới cho chủ nghĩa xã hội với đặc sắc Trung Quốc” hầu đến năm 2049 Trung Quốc có thể thành một siêu cường. Trung Quốc Mộng gồm có 4 phần: Phần thứ nhất là một nước Trung Quốc hùng mạnh trên các lãnh vực kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao, và khoa học. Phần thứ hai là một nước văn minh có công bằng xã hội, văn hoá phong phú, và tinh thần cao. Phần thứ ba là một nước có xã hội hài hoà. Và thứ tư là một nước đẹp có môi trường và môi sinh lành mạnh. Cốt lõi, như Tập Cận Bình thường nhấn mạnh, là để phục hồi sức mạnh của Trung Quốc và để “sẵn sàng chiến đấu dành thắng lợi trong mọi cuộc chiến,” đặc biệt là thắng lợi trên biển trong khu vực kề cận Trung Quốc.17
Ngày 28 tháng 7 năm 2017, tờ South China Morning Post—một tờ báo tiếng Anh ở Hồng Công do Trung Quốc điều khiển—cho biết rằng tờ báo chính thống của Học viện Trung ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc có đăng một bài xã luận khen ngợi Tập Cận Bình đã đích thân đưa ra “hàng loạt các biện pháp để bành trướng lợi thế chiến lược [của Trung Quốc] và để bảo vệ lợi ích quốc gia” đối với các nước khác trong khu vực. Tờ báo Đảng nầy viết tiếp: “Đối với Nam Hải [Tập Cận Bình] đã đích thân quyết định xây dựng các đảo và bồi đắp các vỉa san hô cũng như thành lập thành phố Tam Sa. [Những quyết định nầy] đã căn bản thay đổi vị thế chiến lược ở Nam Hải.”18 Chính Tập Cận Bình cũng tự nhận nhiều lần là ông ta đã trực tiếp đưa ra những quyết định trên. Ví dụ như trong ngay phần đầu của bài diễn văn thật dài vào ngày 18 tháng 10 năm 2017 trước Đại hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc, Tập Cận Bình lại khẳng định một lần nữa chủ quyền của Trung Quốc ở Nam Hải (Biển Đông) và nói rằng quyết định xây các đảo nhân tạo trên vùng biển nầy là thành tựu nổi bật nhất trong 5 năm đầu dưới sự lãnh đạo của ông. Sau đó, theo tường thuật của tờ New York Times, đây là câu mà ông nhận được sự vỗ tay hưởng ứng rầm rộ nhất: “Chúng ta sẽ không để cho bất cứ một cá nhân nào, một tổ chức nào, hay một đảng phái nào, bất cứ lúc nào và dưới bất cứ hình thức nào, tách ra bất cứ một bộ phận nào của lãnh thổ Trung Quốc.”19 Trong cuộc hội kiến với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, tướng Jim Mattis, ngày 27 tháng 6 năm 2018, Tập Cận Bình nhấn mạnh: “Đối với vấn đề chủ quyền và tính toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc thì lập trường của chúng tôi kiên định và rõ ràng. Chúng tôi không để mất một tấc lãnh thổ nào mà tổ tiên chúng tôi để lại trong khi chúng tôi không tìm cách lấy một tí gì của người khác cả.”20
Hai câu trên của Tập Cận Bình là cách ăn nói lấp liếm, nếu không nói ngụy biện, vì Tập Cận Bình đã nhiều lần tuyên bố Biển Đông là lãnh thổ của Trung Quốc từ thời cổ đại, ngay cả trong cuộc trả lời báo chí với Tổng thống Mỹ Obama trước Nhà Trắng ngày 25 tháng 9 năm 2015. Nhưng như phán quyết tháng 7 năm 2016 của Toà án Trọng tài Thường trực (PCA) đã khẳng định, Trung Quốc không có cơ sở lịch sử và pháp lý để đòi chủ quyền ở Biển Đông. Thế tại sao Tập Cận Bình lại tiếp tục viện cớ lịch sử và tổ tiên để tiếp tục chiếm đoạt lãnh thổ và lãnh hải của các nước láng giềng, trong đó có của Việt Nam?
Đó là tại vì Tập Cận Bình và các nhà làm chính sách của Trung Quốc muốn sử dụng lịch sử, dù có mơ hồ cách mấy đi nữa, để biện hộ cho chiến lược bành trướng của Trung Quốc trong hiện tại và trong tương lai. Họ nhấn mạnh việc sử dụng lịch sử, tư tưởng và “văn hoá truyền thống” để vận động dư luận ủng hộ chính sách bá quyền của Trung Quốc. Mô hình lịch sử mà họ thích dùng nhất là thời Đông Chu (770-256 trước Công nguyên), đặc biệt là giai đoạn Chiến Quốc (475-221 trước Công nguyên). Tập Cận Bình tuyên bố trong một bài diễn văn dài ngày 5 tháng 8 năm 2016 rằng tư duy và văn hoá truyền thống là “linh hồn” (灵魂) của Trung Quốc.21 Một ví dụ nữa là vào ngày 5 tháng 9 năm 2016, Tập Cận Bình lại khẳng định rằng tư duy và văn hoá truyền thống xuất sắc của Trung Quốc là nền tảng cho sự phục hồi và phát triển của Trung Quốc và do đó phải là cốt lõi ý thức hệ của Đảng Cộng Sản.22
Từ khoảng thế kỷ thứ 10 trước Công nguyên nhà Chu đã tự gọi lãnh thổ mình cai trị là Trung Quốc (zhongguó中國), có thể vì địa thế ở giữa các nước khác và cũng có thể vì đó là trung tâm quyền lực. Song song với tên Trung Quốc hai chữ Trung Hoa (zhonghuá中華) được dùng đồng nghĩa, có thể là để chứng minh rằng vì mình có văn hoá đẹp nhất và huy hoàng nhất. Trong thời kỳ nầy Trung Quốc “bình thiên hạ” (平天下), tức là “đánh đông dẹp tây,” bằng sức mạnh vật chất mà được gọi là “uy” (wei威). Cùng lúc họ dùng “đức” (de 德)—tức là sức mạnh mềm—để cai trị và bành trướng. Từ “Trung Hoa” được dùng để chứng minh rằng việc thôn tính và bành trướng lúc ấy là khai hoá các dân tộc hay các nước kém văn minh ở xung quanh.
Để thực hiện giấc mơ trên Trung Quốc đã đưa ra hàng loạt các chiến lược, trong đó có “Sáng kiến một vành đai, một con đường” mà Tập Cận Bình công bố vào năm 2013. Sau đó chiến lược nầy được gọi ngắn bằng tiếng Anh là “Sáng kiến Vành đai và Con đường” (Belt and Road Initiative, BRI). Trung Quốc chính thức gọi sáng kiến nầy là: “Đường tơ lụa vành đai kinh tế và đường tơ lụa thế kỷ thứ 21 trên biển” (Sīchóu zhī lù jīngjìdài hé èrshíyī shìjì hǎishàng sīchóu zhī lù 絲綢之路經濟帶和21世紀海上絲綢之路). Đường tơ lụa vành đai kinh tế là các đường bộ, đường xe hoả xuyên qua lục địa đến Trung Đông và Âu Châu cũng như xuống các nước Đông Nam Á cùng với hệ thống cơ sở hạ tầng ở một số nước đó. Đường tơ lụa trên biển” là để kết nối với các nước Đông Nam Á và Ấn Độ Dương rồi sau đó với các nước Á Rập, Phi Châu và cuối cùng là đến Âu Châu. Đường trên đất liền có 6 hành lang bắt đầu từ các địa điểm ở Trung Quốc (xem sơ đồ số 1 ở trang sau để thấy chung chung các vành đai và con đường. Sơ đồ 2 ở trang tiếp cho thêm chi tiết hành lang từ Côn Minh qua Myanmar, Lào, Việt Nam, Thái Lan, Campuchia, Mã Lai rồi xuống đến Singapore.)
Tuy nói là “vành đai kinh tế” nhưng thật ra các hành lang trên bộ không kinh tế vì tốn rất nhiều trăm tỷ đô la để xây dựng nhưng giá thành chuyên chở đắt hơn đường biển và không tiện bằng máy bay. Ngoài vấn đề địa lý trắc trở còn có rất nhiều khó khăn trong lãnh vực chính trị và an ninh vì phải qua nhiều nước không có ổn định chính trị. Trường hợp Pakistan là một ví dụ. Tuy hành lang ở Pakistan không mắc phải vấn đề an ninh trầm trọng như những hành lang khác, nó rất trắc trở. Đường chim bay từ Kashgar ở biên giới miền tây Trung Quốc đến Karachi và Ấn Đô Dương là khoảng 1100 dặm nhưng phải qua vùng núi ngoằn ngèo và cao khoảng 4 đến 5 ngàn mét trên mặt biển. Từ Thượng Hải đến Kashgar là khoảng 2500 dặm và hơn phân nửa đoạn đường nầy là qua những vùng ít người ở. Chính phủ Trung Quốc đã hứa cung cấp 57 tỷ đô la để làm đường và xây hạ tầng cơ sở ở Pakistan. Nhưng một nhà nghiên cứu viết rằng ông không hiểu Trung Quốc hưởng được gì ngoài lợi ích chính trị ngắn hạn.23
Sơ đồ số 1: “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc
Sơ đồ số 2: Hành lang trên đất liền qua các nước Đông Nam Á
3. Vị thế địa chính trị của Đà Nẵng và Việt Nam
Đã có một số tường thuật về việc Trung Quốc thành lập một căn cứ quân sự có trên 10 ngàn lính ở Djibouti, về việc Trung Quốc đã chiếm cảng Hambantota ở Sri Lanka, về việc thiết lập căn cứ ở cảng Gwanda bên Pakistan, v.v., và lý do tại sao. Đối với thế đứng địa chính trị của Việt Nam thì ở đây chúng ta không cần đi vào chi tiết để giải thích về tình trạng ở các nước nầy.
Về mặt địa lý thì chỉ nhìn sơ qua bản đồ cũng thấy ngay tầm quan trọng của lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam đối với Trung Quốc cũng như đối với các nước khác. Khoảng 60% tất cả các hàng hoá di chuyển bằng đường biển trên thế giới đi qua Biển Đông. Trong đó khoảng 90% các thuyền bè nầy, từ các cảng lớn nhất trên thế giới, qua eo biển Malacca (giữa Malaysia và Sumatra) rồi đi dọc lãnh hải của Việt Nam. Phần còn lại là qua các eo biển Sunda và Lombak (Xem bản đồ trang sau). Qua trình bày sơ lược ở trên và qua sơ đồ số 1 và 2 về con đường tơ lụa trên biển và trên đất liền, ta có thể thấy Việt Nam là mắt xích đầu tiên để củng cố hay làm đứt đoạn đường tơ lụa của Trung Quốc trên biển cũng như trên đất liền. Việt Nam là tấm chắn cũng như là cửa ngõ đến các nơi khác từ Đông Nam Á qua đến Sri Lanka, Ấn Độ, Pakistan, Châu Phi, v.v. Để đến các nơi đó thì hải quân và thuyền bè Trung Quốc trước hết phải di chuyển qua Biển Đông và theo dọc theo lãnh hải của Việt Nam. Do đó Trung Quốc đã và đang xiết Việt Nam với hai gọng kềm từ biển vào (với những xây dựng các căn cứ ở Hoàng Sa và Trường Sa) và từ đất liền ra với những cơ sở ở dọc các bờ biển.
Bản đồ các eo biển chiến lược ở Đông Nam Á
Đối với Trung Quốc thì vị trí địa lý của Đà Nẵng đối với chiến lược trên Biển Đông rất quan trọng. Khi nhìn bản đồ thì người ta có thể hình dung ngay một tam giác với mỗi cạnh khoảng 400 cây số từ Đà Nẵng đến Hoàng Sa, từ Đà Nẵng đến Hải Nam, và từ Hoàng Sa đến đảo Hải Nam. Nếu Trung Quốc kiểm soát được tam giác nầy thì có thể nói là Trung Quốc đã nắm được yết hầu của toàn bộ Biển Đông để thực hiện mộng bá quyền của Trung Quốc. Không phải ngẫu nhiên mà ngày 21 tháng 6 năm 2012, Trung Quốc tuyên bố là đã thành lập thành phố Tam Sa trên đảo Phú Lâm để điều khiển toàn bộ Biển Đông. Do đó Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung không thể chờ đến khi Trung Quốc bắt đầu phong toả cảng Đà Nẵng hay đe doạ ngoài khơi hoặc trên đất liền thì mới phản ứng như triều Nguyễn đã làm trong những năm 1858-1860. Đà Nẵng và Việt Nam cũng không có thể chỉ chuẩn bị phản ứng bằng đường lối quân sự như trong thời kỳ Tự Đức. Trung Quốc hiện nay có sức mạnh quân sự rất lớn, không như hải quân Pháp và Tây Ban Nha khi xưa. Đà Nẵng và Việt Nam cần sử dụng “sức mạnh mềm”, trong đó có luật pháp và ngoại giao, để bảo vệ lấy mình.
Về thế đứng của Việt Nam trên mặt trận chính trị đối với bên ngoài thì ta có thể đi vào chi tiết để phân tích quan hệ với từng nước, trong đó có các nước ASEAN, Nhật, Mỹ, Ấn Độ, Nga, Úc, và một số nước trong cộng đồng Âu Châu. Trong một bài tham luận ngắn chúng ta khó có thể làm việc nầy. Nhưng qua trình bày ở trên chúng ta có thể đi đến kết luận sơ lược rằng nhiều nước trên thế giới đã thấy là sự bành trướng của Trung Quốc sẽ gây xáo trộn lớn; và “giấc mơ Trung Quốc” có thể sẽ là một cơn ác mộng cho nhiều nước trên thế giới cũng như cho chính cả Trung Quốc. Trung Quốc ngày nay xuất hiện như là một đế quốc thực dân mới nguy hiểm gấp bội đế quốc thực dân Pháp và Tây Ban Nha vào thế kỷ 19.
Vấn đề là Việt Nam có dựa vào vị thế đặc biệt của mình mà vận động những nước khác để cùng bảo vệ an ninh và lợi ích chung hay không. Để làm tốt việc nầy thì cần có sự quyết tâm không những của chính quyền mà còn của toàn dân. Không thể bắt chước triều đình Tự Đức lấy cớ dẹp nội loạn mà thờ ơ trước đe doạ của bên ngoài và lững lờ với an ninh của đất nước.
N.V.L.
Bài nói tại Hội thảo Đà Nẵng chống liên quân Pháp – Tây Ban Nha (1858 – 1860) : Quá khứ và Hiện tại, Đà Nẵng 31.8.2018, tác giả gửi cho Diễn Đàn.
Chú thích:
1 A. Thomazi, La conquête de l’Indochine (Paris, 1934), trang 25-30; A. Thomazi, Histoire militaire de l’Indochine française (Hanoi, 1931), trang 24-27; G. R. Baulmont, “La prise de Touraine, Septembre 1858 et Mai 1859-15 Septembre 1859,” Revue Indochinoise, 12 (1904), trang 691-703; 13 (1905), trang 13-28; Oscar Chapuis, The Last Emperors of Vietnam: From Tu Duc to Bao Dai (Greenwood Press, Westport, Connecticut, 2000), trang 48-49; H. De Ponchalon, Souvenirs de voyage et de campagne, 1858-1860 (Tours, 1896).
2 Oscar Chapuis, The Last Emperors of Vietnam: From Tu Duc to Bao Dai, trang 47; Jean Chesneaux, Contribution à l’histoire de la nation Vietnamienne (Paris, 1955), trang 95; John F. Cady, The Roots of French Imperialism in Eastern Asia (Ithaca, New York, 1954, trang 59 và 73.
3 National Archives, Washington, “Special Agents, 1849-1851,” vol. 18, Department of State, Balestier, trang 1.
4 Jean Chesneaux, trang 55.
5 Oscar Chapuis, như trên, trang 47.
6 J. R. Shorland, The Persecutions of Annam: A History of Christianity in Cochinchina and Tongking (London, 1875), trang 327-424; Trần Minh Tiết, Histoire des persecutions au Vietnam (Paris, 1961), trang 61-90.
7 Oscar Chapuis, như trên, trang 47.
8 Cady, như trên, trang 232-266; Philippe Devillers, “Au Sud Vietnam, il y a cent ans…,” France-Asie/Asia (Paris, Hiver, 1965-66), vol. 20, trang 140.
9 A. Thomazi, Histoire militaire de l’Indochine française, trang 25-27; Oscar Chapuis, như trên, trang 49.
10 A. Thomazi, như trên, trang 28-31; Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược (Saigon, 1951), trang 492; “La campagne de Saigon,” Revue des Deux Mondes, 1er mai 1861, trang 242-248. Có hai cuộc nổi loạn lớn ở miền Bắc lúc đó. Một là của Nguyễn văn Thịnh đã đánh chiếm 3 tỉnh Quảng Yên, Hải Dương và Bắc Ninh dưới danh nghĩa nhà Lê. Một cuộc “khởi nghĩa” khác là của một giáo dân với tên Pedro Lê Duy Phùng (tên thật là Tạ Văn Phùng), cũng lấy danh nghĩa nhà Lê để vận động những người phò Lê cũng như giáo dân Thiên Chúa. Ông nầy tự gọi mình là hoàng đế phương Bắc.
11 Phan Trần Chúc và Lê Quế, Nguyễn Tri Phương (Saigon, 1956), trang 88-89.
12 Toàn văn của hiệp định nầy đã được in trong cuốn sách của George Taboulet, La geste française en Indochine (Paris, 1956), Tập 2, trang 472-476. Một đô la Mêhicô trong thời điểm đó được trị giá chính thức là 72% của một lạng (tael) bạc nguyên chỉ.
13 “Asia-Pacific U.S. Military Overview,” http://fpc.state.gov/113312.htm. Nguyên văn tiếng Anh lời nói của Đô đốc trong cuộc họp báo mà Bộ Ngoại Giao Mỹ trích trong tài liệu nầy là: “How about we make a deal: You stay east of Hawaii, we’ll stay west of Hawaii and we can save you the time and the expense of coming all the way to the western Pacific. You tell us what happens where you are, we’ll tell you what happens where we are and everything will be hunky-dory. I declined the offer.”
14 Xem bản đồ đường 9 đoạn mà chính phủ Trung Quốc nộp cho Tổng Thư Ký Liên Hợp Quốc ở liên kết sau đây: www.un.org/Depts/los/clcs_new/submissions_files/mysvnm33_09/chn_2009re_mys_vnm_e.pdf ;
Và xem toàn bộ lá thư nộp cho Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc ở liên kết sau đây: www.un.org/Depts/los/clcs_new/submissions_files/vnm37_09/chn_2009re_vnm.pdf.
15 Xem bản thông cáo cho báo chí bằng tiếng Anh của PCA tóm tắt những phần chính của phán quyết nầy qua liên kết sau: https://pca-cpa.org/wp-content/uploads/sites/175/2016/07/PH-CN-20160712-Press-Release-No-11-English.pdf; toàn văn
16 The Economist, ngày 4 tháng 5 năm 2013, tr 11. https://www.economist.com/news/leaders/21577070-vision-chinas-new-president-should-serve-his-people-not-nationalist-state-xi-jinping)
17 https://www.nytimes.com/2013/06/05/opinion/global/xi-jinpings-chinese-dream.html
19 https://www.nytimes.com/2017/10/18/world/asia/china-xi-jinping-party-congress.html
21 Xem: http://news.xinhuanet.com/politics/2016-08/05/c_1119330939.htm
22 Xem: http://guoxue.ifeng.com/a/20160905/49899799_0.shtml
23 Philip Bowring, “China’s Silk Road Illusions” (Những ảo tưởng về con đường tơ lụa của Trung Quốc).
Xem: http://www.nybooks.com/daily/2017/10/25/chinas-silk-road-illusions/
24 Như trên: : http://www.nybooks.com/daily/2017/10/25/chinas-silk-road-illusions/
25 http://news.163.com/17/1018/15/D11S5V3Q0001899O.htmlhttps://jamestown.org/program/ccp-revises-constitution-new-era/
Nguyên văn chữ Trung Quốc là: 习近平新时代中国特色社会主义思想
26 http://en.ndrc.gov.cn/newsrelease/201503/t20150330_669367.html
27 Toàn bộ tài liệu được đăng trên Xinhua ngày 17 tháng 3 năm 2016 ở các liên kết sau đây:
http://www.china.com.cn/lianghui/news/2016-03/17/content_38053101.htm
http://www.china.com.cn/lianghui/news/2016-03/17/content_38053101.htm
http://www.china.com.cn/lianghui/news/2016-03/17/content_38053101_11.htm
http://www.china.com.cn/lianghui/news/201603/17/content_38053101_11.htm
http://www.china.com.cn/lianghui/news/2016-03/17/content_38053101_14.htm
http://www.china.com.cn/lianghui/news/201603/17/content_38053101_14.htm
http://www.china.com.cn/lianghui/news/2016-03/17/content_38053101_20.htm
http://www.china.com.cn/lianghui/news/201603/17/content_38053101_20.htm
28 http://theory.people.com.cn/n1/2017/0728/c40531-29435180-2.html
29 http://news.163.com/17/1018/15/D11S5V3Q0001899O.html; http://www.nybooks.com/daily/2017/10/25/chinas-silk-road-illusions/
Nguồn: https://www.diendan.org/phe-binh-nghien-cuu/vi-tri-dia-chinh-tri-cua-da-nang-nam-1858-va-ngay-nay