“Chúng tôi không đủ sức trả nợ”: Malaysia đẩy lùi mơ ước của Trung Quốc

Hannah Beech

Dương Tấn Trung dịch

Một quốc gia đã từng ve vãn đầu tư của Trung Quốc bây giờ lo ngại trở nên mắc quá nhiều nợ vì các dự án không khả thi và cũng không cần thiết – ngoại trừ chỉ cho Trung Quốc.

https://static01.nyt.com/images/2018/08/20/world/00malaysia-china/merlin_138328938_0c0ceb3b-4dba-457f-9a6e-5e1bc00849c6-articleLarge.jpg?quality=75&auto=webp&disable=upscale

Melaka Gateway, một tập hợp các hòn đảo nhân tạo ở Malaysia, là một dự án chung giữa một nhóm đầu tư Malaysia và các công ty Trung Quốc. Ảnh của Lauren DeCicca cho The New York Times

KUANTAN, Malaysia – Tại một điểm nghẽn trên đường biển quan trọng nhất thế giới mà qua đó thương mại châu Á đi thông ngang, một công ty điện lực Trung Quốc đang đầu tư vào một cảng nước sâu đủ lớn để tiếp nhận tàu sân bay. Một công ty quốc doanh khác của Trung Quốc cũng đang cải tạo một bến cảng dọc theo Biển Đông đang bị tranh chấp dữ dội.

Gần đó, một mạng lưới đường sắt được tài trợ phần lớn bởi một ngân hàng nhà nước Trung Quốc đang được xây để làm tăng tốc số hàng hóa Trung Quốc chuyển dọc theo một con đường tơ lụa mới. Thêm vào đó, một nhà đầu tư Trung Quốc đang xây bốn hòn đảo nhân tạo, nơi có thể trở thành gia cư của gần ba phần tư triệu người và đang được rao bán rộng rãi cho người dân Trung Quốc.

Các dự án này đang được xây ở Malaysia, một quốc gia dân chủ ở Đông Nam Á, trung tâm của nỗ lực đạt được ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc.

Dầu rằng trước đây Malaysia đã từng dẫn đầu trong ve vãn đầu tư của Trung Quốc, ngày nay đó là nơi đi đầu cho một hiện tượng mới: sự kháng cự lại Bắc Kinh khi nhiều quốc gia lo sợ bị mắc quá nhiều nợ cho các dự án không khả thi hoặc không cần thiết – trong khi chúng có giá trị chiến lược đối với Trung Quốc hoặc được Trung Quốc sử dụng để chống lưng những người cầm quyền mạnh thân thiện với Bắc Kinh.

Sau chuyến đi 5 ngày tới Bắc Kinh, lãnh đạo mới của Malaysia, Mahathir Mohamad, hôm thứ Ba, nói là ông cho ngừng hai dự án lớn có dính líu đến Trung Quốc trị giá hơn 22 tỷ đô la, trong khi đó có cáo buộc là chính phủ tiền nhiệm đã cố tình ký những hợp đồng xấu với Trung Quốc để cứu vớt một quỹ đầu tư nhà nước bị tham nhũng và để tài trợ cho ông thủ tướng trước duy trì quyền lực.

Thông điệp của ông Mahathir Mohamad trong các cuộc họp với các quan chức, và trong các công bố công cộng, đã rất rõ ràng.

“Chúng tôi không muốn thấy có một phiên bản mới của chủ nghĩa thực dân xảy ra bởi vì các nước nghèo không thể cạnh tranh với các nước giàu”, ông Mahathir nói hôm thứ Hai tại Đại lễ đường Nhân dân (Great Hall of the People) ở Bắc Kinh sau cuộc họp với Thủ tướng Lý Khắc Cường.

https://static01.nyt.com/images/2018/08/20/world/asia/malaysia-map-1534791856124/malaysia-map-1534791856124-articleLarge.jpg?quality=75&auto=webp&disable=upscale

Trong một khoản thời gian, có vẻ như cách hành xử thường dùng để đạt lợi ích của Trung Quốc đã gặt được kết quả tại Malaysia. Họ đã thành công tán tỉnh người tiền nhiệm của ông Mahathir, ông Najib Razak, với các khoản cho vay dễ dãi, các dự án phô trương, và các hợp đồng làm ăn chắc chắn có giá trị chiến lược cho tham vọng của Trung Quốc.

Nhưng vào tháng 5 vừa qua, ông Najib bị mất ghế vì cử tri mệt mỏi với những vụ bê bối về tham nhũng, một số trong đó liên quan đến các dự án đầu tư nổi tiếng nhất của Trung Quốc tại Malaysia.

Ông Mahathir, 93 tuổi, đã được bầu lên với nhiệm vụ bao gồm việc đưa đất nước ông ra khỏi khoản nợ nghẹt thở – khoản 250 tỷ đô la, một phần là nợ các công ty Trung Quốc.

Từ Sri Lanka và Djibouti đến Myanmar và Montenegro, nhiều người nhận tiền từ chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng khổng lồ của Trung Quốc, Vành Đai và Con Đường (Belt and Road Initiative), đã phát hiện ra rằng đầu tư của Trung Quốc mang theo những phần phụ thuộc khó nuốt như các cuộc đấu thầu kín để độn cao giá thành và sự xâm nhập của lao động Trung Quốc, gạt người lao động địa phương ra.

Có nỗi lo sợ ngày càng tăng lên rằng Trung Quốc đang tung tiền ra nước ngoài để giành được chỗ đứng ở một số vị trí chiến lược nhất trên thế giới, và thậm chí có thể cố tình dụ dỗ các quốc gia yếu vào bẫy nợ để tăng cường sự thống trị của Trung Quốc trong khi ảnh hưởng của Mỹ mất dần ở các nước đang phát triển.

Khor Yu Leng, một nhà kinh tế chính trị Malaysia, người đã nghiên cứu về đầu tư của Trung Quốc vào khu vực Đông Nam Á, cho biết: “Người Trung Quốc hẳn đã suy nghĩ, ‘Chúng ta có thể lấy mọi thứ với giá rẻ ở đây’”. “Họ đã có đủ kiên nhẫn để chơi trò chơi dài, chờ đợi các tay thương gia địa phương vươn vướng quá xa và sẽ nhảy vào lấy tất cả vốn cổ phần cho Trung Quốc”.

Tại Bắc Kinh hôm thứ Ba, ông Mahathir nói ông cho ngừng một hợp đồng cho công ty China Communications Construction Company xây dựng tuyến đường sắt East Coast Rail Link, dự tính là sẽ tốn 20 tỷ đô la, cùng với một thỏa thuận trị giá 2,5 tỷ đô la cho một nhánh của một công ty năng lượng khổng lồ Trung Quốc xây dựng các đường ống dẫn khí. Trước kia ông đã cho đình chỉ các dự án đó khiến một số nhà phân tích nghĩ là ông muốn thương lượng lại các điều kiện trong chuyến đi Trung Quốc. Nhưng ngược lại, ông tuyên bố là hiện tại các thỏa thuận đó không còn nữa.

“Đây chỉ là việc vay quá nhiều tiền, mà chúng tôi không có khả năng và không thể trả được vì chúng tôi không cần những dự án này ở Malaysia”, ông Mahathir nói.

https://static01.nyt.com/images/2018/08/21/world/21malaysia-china2/merlin_139531572_c280a00d-e64b-4026-8c54-9722a42a4168-articleLarge.jpg?quality=75&auto=webp&disable=upscale

Thủ tướng Mahathir Mohamad đã được bầu giao trách nhiệm dẫn dắt Malaysia ra khỏi gần 250 tỷ đô la nợ, trong số đó là nợ các công ty Trung Quốc. Ảnh của Adam Dean cho The New York Times.

https://static01.nyt.com/images/2018/08/21/world/21malaysia-china11/merlin_138329226_0495066f-45ab-4764-8779-58d72f48fcd4-articleLarge.jpg?quality=75&auto=webp&disable=upscale

Một cái bar trên nóc Melaka Gateway. Ảnh của Lauren DeCicca cho The New York Times.

Một báo cáo Lầu Năm Góc công bố tuần trước cho biết “Sáng kiến ​​Vành đai và Con Đường” (‘Belt and Road Initiative’ (BRI)) nhằm phát triển mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ với các nước khác, định hướng lợi ích của họ để phù hợp với Trung Quốc và ngăn chặn sự đối đầu hoặc chỉ trích về cách tiếp cận của Trung Quốc đối với các vấn đề nhạy cảm “.

“Các nước tham gia BRI có thể bị phụ thuộc kinh tế vào vốn Trung Quốc, mà Trung Quốc có thể tận dụng để đạt được lợi ích riêng cho họ”, báo cáo cho biết.

Bộ trưởng Tài chính mới của Malaysia, Lim Guan Eng, đã nêu ví dụ Sri Lanka, nơi một cảng nước sâu được xây dựng bởi một công ty nhà nước Trung Quốc, đã không thu hút được nhiều thương vụ. Quốc đảo Nam Á bị mắc nợ nầy đã bị buộc phải giao cho Trung Quốc một hợp đồng thuê 99 năm trên cảng và nhiều vùng đất gần đó, cho Bắc Kinh một tiền đồn gần một trong những đường vận chuyển hàng hải bận rộn nhất.

“Chúng tôi không muốn một tình huống như Sri Lanka, nơi họ không thể trả nợ và cuối cùng người Trung Quốc đã tiếp quản dự án”, ông Lim nói.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với The New York Times, ông Mahathir đã nói rõ về những gì ông nghĩ về chiến lược của Trung Quốc “Họ biết rằng khi họ cho một đất nước nghèo mượn các khoản tiền lớn, cuối cùng họ có thể phải giữ lấy dự án cho họ”, ông nói.

“Trung Quốc biết rất rõ họ phải đối phó với các hiệp ước bất bình đẳng do các cường quốc phương Tây áp đặt lên Trung Quốc trong quá khứ”, ông Mahathir nói thêm, đề cập đến những nhượng bộ mà Trung Quốc phải đưa ra sau khi thất bại trong các cuộc chiến tranh á phiện. “Vậy Trung Quốc nên thông cảm với chúng tôi. Họ biết chúng tôi không có đủ khả năng này”.

Vị trí chiến lược

https://static01.nyt.com/images/2018/08/20/world/00malaysia-china3/merlin_138329535_24f5280a-ec10-4f5d-82b3-aab201cab9cf-articleLarge.jpg?quality=75&auto=webp&disable=upscale

Khu công nghiệp Kuantan Malaysia-Trung Quốc. Ảnh của Lauren DeCicca cho The New York Times.

Với tầm quan trọng địa chính trị lớn hơn kích thước tương đối nhỏ của nó, Malaysia từ lâu đã từng được coi như một phần thưởng cho các đế quốc. Người Bồ Đào Nha, Hà Lan và Anh đã đổ xô đến đây, hăm hở kiểm soát một điểm tựa nối kết Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương. Trung Quốc là sức mạnh mới nhất đang cố gắng dự phần chia sẻ tài nguyên.

Kuantan, một thành phố Malaysia nép mình trên bờ biển Đông, chưa bao giờ là một điểm nóng. Nhưng rồi Trung Quốc bắt đầu bổ sung lực lượng quân sự vào các khát vọng lãnh thổ của mình, nơi mà năm chính phủ khác, trong đó có Malaysia, có những tuyên bố chủ quyền.

Tiền của Trung Quốc bắt đầu đổ vào Kuantan cách đây 5 năm. Tập đoàn Guangxi Beibu Gulf International Port Group, một công ty nhà nước từ một khu tự trị mù mờ của Trung Quốc, đã giành được hợp đồng được Chính phủ Malaysia hỗ trợ để xây một cảng nước sâu và một khu công nghiệp. Gần đó sẽ là một trạm dừng của tuyến đường sắt East Coast Rail Link được tài trợ phần lớn bởi Ngân hàng Export-Import Bank of China của Chính phủ Trung Quốc.

Chủ trì sự ra mắt chính thức của khu công nghiệp Kuantan Malaysia-Trung Quốc năm 2013, ông Najib đã gắn cho dự án sự quan trọng toàn cầu.

“Trung Quốc và Malaysia vẫn gắn bó chặt chẽ với nhau ở thời điểm mà cán cân thương mại toàn cầu đang nghiêng về phía châu Á”, ông nói. “Về hợp tác kinh tế – và ngoại giao – tôi tự hào nói rằng Malaysia đang đi trước thế giới”.

Tuy nhiên, cư dân Kuantan đã từ lâu lo lắng rằng thành phố của họ có thể bị mắc kẹt với các dự án vô dụng đắt tiền (white-elephant projects).

“Chúng tôi hoan nghênh đầu tư và phát triển từ nước ngoài, nhưng chúng tôi đặt câu hỏi về cái giá khổng lồ mà chúng tôi sẽ phải trả”, Fuziah Salleh, một nhà lập pháp Kuantan cho chính phủ liên minh mới của Malaysia cho biết. “Ai là người hưởng lợi thực sự của tất cả sự tiêu tiền này? Người Malaysia hay người Trung Quốc?”.

“Tôi lo lắng rằng chủ quyền của chúng tôi đã được mang đi bán”, bà Fuziah nói.

Tuy nhiên, ông Mahathir không phải là người không dám đứng lên chống lại siêu cường. Ông đã là thủ tướng từ năm 1981 đến năm 2003, và khi đó ông đã xỉ vả Mỹ và các nước phương Tây vì ông nói họ có một âm mưu ngăn chặn các quốc gia đang phát triển như Malaysia.

“Mahathir nghĩ rằng Trung Quốc là một lực lượng bá chủ có thể kiểm soát các nền kinh tế như Malaysia”, Edmund Terence Gomez, một nhà kinh tế chính trị tại Đại học Malaya cho biết. “Ông ấy luôn lo lắng về các thế lực mạnh. Trước đó là Mỹ, bây giờ là Trung Quốc”.

Chính quyền Mahathir lên nắm quyền được hơn 100 ngày. Các quan chức Malaysia cho biết trong thời gian đó họ đã phát hiện ra rằng hàng tỷ đô la trong các hợp đồng với Trung Quốc đã được thổi phồng lên để sử dụng cho việc giải quyết các khoản nợ liên quan đến một quỹ đầu tư của Nhà nước Malaysia, trọng tâm của vụ tham nhũng dẫn đến sự sụp đổ của ông Najib.

https://static01.nyt.com/images/2018/08/20/world/00malaysia-china10/merlin_140752203_37a8b3a4-2908-4785-8c6b-5c9fe68ee5ff-articleLarge.jpg?quality=75&auto=webp&disable=upscale

Cựu thủ tướng Najib Razak đến tòa án ở Kuala Lumpur hồi tháng trước sau khi ông bị bắt vì tội tham nhũng. Ảnh của Fazry Ismail / EPA, thông qua Shutterstock

https://static01.nyt.com/images/2018/08/20/world/00malaysia-china4/merlin_138329532_5052f13c-84d5-47c3-8326-646dfd294ee5-articleLarge.jpg?quality=75&auto=webp&disable=upscale

Nơi xây dựng cảng nước sâu ở Kuantan. Ảnh của Lauren DeCicca cho The New York Times

Bộ Tài chính Mỹ đã cáo buộc ông Najib cùng gia đình và bạn bè đã cướp hàng tỷ đô la từ quỹ đó, 1Malaysia Development Berhad, hoặc 1MDB. Khi quỹ bị nợ bắt đầu bán đổ bán tháo tài sản, hai gã khổng lồ của Trung Quốc, China General Nuclear Power Corporation và China Railway Engineering Corporation, tiến vào, đưa đến đồn đoán rằng Bắc Kinh rất vui khi giữ cho chính phủ hết tiền của ông Najib được sống sót.

Ngồi tại bàn của mình trong một cuộc phỏng vấn sau cuộc bầu cử, ông Mahathir chỉ vào một mớ giấy tờ trước mặt. Đó là đề xuất từ ​​một công ty xây dựng Malaysia mà ông cho biết có bằng chứng cho thấy đường sắt East Coast Rail Link đã có thể được xây bởi một công ty Malaysia với giá ít hơn một nửa giá trị hợp đồng 13,4 tỷ đô la của China Communications Construction Company, một công ty nhà nước Trung Quốc với các hoạt động rộng lớn ở nước ngoài.

Đáng chú ý là qui trình đấu thầu cho hợp đồng đường sắt là qui trình kín.

Tuần trước, ông Lim, Bộ trưởng Tài chính, nói với Quốc hội rằng Malaysia sẽ không thể trang trải cho chi phí hoạt động cho đường sắt, chưa nói gì đến chi phí vốn, mà ông ước tính gần 20 tỷ đô la thay vì 13,4 tỷ.

Cả công ty Trung Quốc lẫn đối tác Malaysia đều không trả lời các yêu cầu bình luận.

“Có vẻ như không phải tất cả số tiền đang được sử dụng để xây dựng tuyến đường sắt”, ông Mahathir nói về cái thỏa thuận về đường sắt East Coast Rail Link. “Có khả năng là tiền đã bị đánh cắp”.

Các nhà điều tra Malaysia đang điều tra liệu xem một người liên hệ với con trai của ông Najib có thể đã là môi giới cho cái thỏa thuận về đường sắt đó để làm giảm bớt khoản nợ do 1MDB tích lũy, hoặc là để tài trợ cho chiến dịch tái tranh cử của ông Najib.

Bộ Tài chính Mỹ cho rằng người liên hệ đó, Jho Low, một nhà tài chính lưu vong và hiện đã có lệnh bắt giữ anh ta, là nhân vật chính trong vụ bê bối 1MDB. Vào đêm trước chuyến đi Trung Quốc của ông Mahathir, các quan chức Bộ Tài chính Malaysia cho biết họ tin rằng ông Low đang trốn ở Trung Quốc.

Chính quyền mới của Malaysia, sau khi lật đổ được một liên minh đã cai trị từ khi độc lập năm 1957, cũng đang xem xét lại thỏa thuận trị giá 2,5 tỷ đô la cho một công ty con của China National Petroleum Corporation để xây các đường ống dẫn năng lượng ở Malaysia. Ông Lim cho biết là sau khi nhậm chức ông đã phát hiện ra rằng Chính phủ Malaysia đã giải ngân hơn 2 tỷ đô la cho dự án.

Nhưng có một cái không ngờ. “Từ những gì chúng tôi biết”, ông Lim nói, “không một phần nào của chương trình xây dựng đã được thực hiện”.

Xây dựng các cảng lớn

https://static01.nyt.com/images/2018/08/20/world/00malaysia-china5/merlin_138329169_973b4a22-0a9b-4e0c-9559-1b8b2979b9f4-articleLarge.jpg?quality=75&auto=webp&disable=upscale

Melaka Gateway bao gồm ba đảo nhân tạo và một hòn đảo tự nhiên mở rộng. Ảnh của Lauren DeCicca cho The New York Times

Trong khi vai trò của tiền Trung Quốc được dùng để cứu sống chính quyền đầy nợ nần của ông Najib đã được chú ý đến nhiều nhất, một dự án đồ sộ khác của Trung Quốc đặt ra những câu hỏi quan trọng hơn về các mục tiêu địa chính trị của Bắc Kinh.

Thành phố Malacca của Malaysia từng là một đường dẫn cho các loại gia vị và châu báu đi từ châu Á đến châu Âu. Eo biển được đặt tên theo thành phố này vẫn là kênh mà phần lớn thương mại trên biển ở châu Á – và hầu hết các dòng nhập khẩu dầu của Trung Quốc – đều đi qua.

Tuy nhiên, cảng Malacca đã bị nghẽn bùn từ nhiều thế kỷ trước và bây giờ là môt nơi bị bỏ quên. Thay vào đó, Singapore ở gần đấy, ở cuối phía nam eo biển Malacca, được xếp hạng là trung tâm trung chuyển nhộn nhịp nhất thế giới.

Một dự án phát triển trị giá 10 tỷ đô la – được hỗ trợ bởi Power China International, một công ty lớn của Trung Quốc, và hai nhà phát triển cảng Trung Quốc – được cho là sẽ thúc đẩy Malacca lên tầm quan trọng toàn cầu, biến nó thành một điểm dừng hệ trọng trên tuyến thương mại hàng hải từ Shanghai đến Rotterdam.

Kế hoạch cho dự án này, Melaka Gateway, gồm ba hòn đảo nhân tạo và mở rộng một hòn đảo tự nhiên, sẽ có một khu công nghiệp, bến cho tàu chở khách du lịch, công viên giải trí, bến thuyền, trung tâm tài chính và khách sạn bảy sao.

Cũng sẽ có một cảng nước sâu mới, với cầu cảng đủ lớn cho một tàu sân bay. Nhà điều hành cảng đã được cho thuê trong 99 năm, chứ không phải là 30 năm như thường lệ.

Đối tác địa phương tại Melaka Gateway là KAJ Development, công ty trước đây có xây dựng những dự án như vườn thú địa phương và công viên chim.

https://static01.nyt.com/images/2018/08/20/world/00malaysia-china6/merlin_138329298_2a230f30-77fb-4646-9311-88aa4e34f3e1-articleLarge.jpg?quality=75&auto=webp&disable=upscale

Khách du lịch Trung Quốc trước biển hiệu “I Love Melaka” ở Malacca. Ảnh của Lauren DeCicca cho The New York Times

https://static01.nyt.com/images/2018/08/20/world/00malaysia-china12/merlin_138328902_13c30b99-190d-43fc-bc5d-5de2bc49c286-articleLarge.jpg?quality=75&auto=webp&disable=upscale

Một công nhân đang quét gần lối vào Melaka Gateway. Ảnh của Lauren DeCicca cho The New York Times

Để giải thích tại sao một công ty ít được biết đến có thể làm việc với các công ty Trung Quốc để biến đổi một vị trí chiến lược như vậy, người dân địa phương đã nói về mối quan hệ chặt chẽ giữa người đứng đầu KAJ Development và đảng của ông Najib. Công ty đã không trả lời một yêu cầu bình luận.

“Chúng tôi có rất nhiều câu hỏi về dự án nhưng không có câu trả lời”, Sim Tong Him, nhà cựu lập pháp từ Malacca cho biết. “KAJ đã nhận được hợp đồng như thế nào? Điều gì có thể xảy ra nếu phía Malaysia không thể trả tiền? Người Trung Quốc rất bí mật về điều này. Nó khiến chúng tôi cảm thấy bất an”.

Thống đốc mới của bang Malacca đã hứa sẽ có một cuộc điều tra về tính khả thi của toàn bộ dự án, bao gồm khả năng đất trên một hòn đảo có thể được bán như đất không có giới hạn sử dụng (freehold) cho công ty của nhà nước Trung Quốc.

Ít nhất là đối với người dân địa phương, sự cần thiết của Melaka Gateway chưa bao giờ được rõ ràng. Dầu sao, cảng Singapore gần đó khó có thể bị làm lu mờ. Và Malaysia đã mở rộng các cảng khác, ngay cả khi có nhiều cảng đang hoạt động dưới khả năng.

“Chúng tôi rất lo ngại vì trước hết là chúng tôi không cần thêm bất kỳ cảng nào”, ông Mahathir nói về dự án Malacca.

“Chúng tôi không cần phải phụ thuộc vào người nước ngoài”, ông nói thêm. “Khi họ xây dựng, họ sử dụng lao động nước ngoài, vật liệu nước ngoài. Chúng ta có được gì? Không có gì”.

Nhưng Bắc Kinh đã tài trợ cho việc xây dựng các cảng trên khắp Ấn Độ Dương, một chiến lược được gọi là xây dựng chuỗi ngọc trai. Các chuyên gia quân sự chỉ ra khả năng một ngày nào đó các cảng này có thể chào đón tàu chiến và tàu ngầm của Trung Quốc.

“Bạn nhìn vào bản đồ và bạn có thể thấy những nơi Trung Quốc đang âm mưu xây cảng và đầu tư, từ Myanmar đến Pakistan đến Sri Lanka, và tiến về Djibouti”, Liew Chin Tong, Phó Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia cho biết. “Cái gì là cái trọng yếu đối với tất cả các nơi đó? Nước Malaysia nhỏ của chúng tôi, và eo biển Malacca”.

Dưới thời ông Najib, Malaysia tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung với Trung Quốc và cho phép tàu ngầm tấn công Trung Quốc ghé vào cảng. Ông Mahathir đã thay đổi chánh sách.

“Tôi nói công khai rằng chúng tôi không muốn thấy các tàu chiến ở eo biển Malacca hay ở Biển Đông”, ông nói.

Thành phố của những giấc mơ

https://static01.nyt.com/images/2018/08/20/world/00malaysia-china7/merlin_138472794_181e4439-5a5f-4deb-87ae-90b4dc2c6685-articleLarge.jpg?quality=75&auto=webp&disable=upscale

Một mô hình của Forest City, một dự án bất động sản được tài trợ bởi Trung Quốc tại Johor Bahru, Malaysia. Ảnh của Lauren DeCicca cho The New York Times

Ở Forest City, một đô thị mới đang được xây ở cuối bán đảo Malaysia, một hướng dẫn viên du lịch nhìn lên một dãi màng hình giới thiệu công nghệ nhận diện khuôn mặt (face-recognition technology) mới nhất của Trung Quốc, và cố rao hàng với các nhà đầu tư từ một thị trấn than ở miền bắc Trung Quốc.

Forest City, ông nói bằng tiếng Quan Thoại, là một viên ngọc trên Biển Đông.

Tốt hơn hết tất cả, ông nói, tất cả mọi thứ trong thành phố được thiết kế cho khách hàng Trung Quốc, từ cách bố trí của các căn hộ sang trọng cho đến các bảng chỉ dẫn bằng tiếng Quan Thoại.

Dự án – gồm bốn hòn đảo nhân tạo với khoảng tám dặm vuông, đủ chỗ ở cho khoảng 700.000 người – được thai nghen bởi Country Garden, một trong những nhà đầu tư bất động sản tư nhân lớn nhất Trung Quốc, hợp tác với một tổ chức đầu tư có cổ đông lớn nhất là ông hoàng sultan ở địa phương.

Trong phòng bán hàng, một màn hình phô chiếu “vị trí chiến lược” của Forest City và đặt nó ở ngay trung tâm của bản đồ các dự án trong Sáng kiến ​​Vành đai và Con Đường của Bắc Kinh.

Theo như lời quảng cáo “Chúng tôi đang làm một việc sẽ làm thay đổi bản đồ thế giới”.

https://static01.nyt.com/images/2018/08/21/world/21MALAYSIA-CHINA/merlin_138328623_aaaa07af-c121-488b-b453-766b5c9ef2eb-articleLarge.jpg?quality=75&auto=webp&disable=upscale

Nhân viên phòng trưng bày Forest City phô diễn một chương trình bằng tiếng Trung Quốc cho trẻ con của những người có khả năng là khách hàng. Ảnh của Lauren DeCicca cho The New York Times

https://static01.nyt.com/images/2018/08/20/world/00china-malaysia9/merlin_138328680_5f9fec96-6def-450d-b588-a92f144229da-articleLarge.jpg?quality=75&auto=webp&disable=upscale

Sư tử biển bằng gốm trên bãi biển tại Forest City. Ảnh của Lauren DeCicca cho The New York Times

Trong bối cảnh có nghi ngờ là một nhà phát triển bất động sản Trung Quốc đã âm mưu làm biến dạng sự cân bằng mong manh về thành phần dân tộc của Malaysia, hơn bất kỳ dự án nào khác, Forest City đã làm thay đổi tình cảm của người dân địa phương đối với đồng tiền của Trung Quốc.

“Đây không phải là đầu tư của Trung Quốc mà là một việc định cư”, ông Mahathir nói trong chiến dịch tranh cử, sử dụng Forest City như một cái túi đấm thường xuyên.

Forest City không phải là một trò chơi chiến lược của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc để cho tàu chiến họ được đóng ở Malaysia. Nó cũng không được coi như một cách để Bắc Kinh tài trợ cho sự phung phí của một nhà lãnh đạo tham nhũng. Thay vào đó, nó đại diện cho một cái gì đó thậm chí còn nguy hiểm hơn cho người thường dân Malaysia – bốn hòn đảo nhân tạo mà ở đó người Trung Quốc có thể sống theo như ý thích của họ, và qua quá trình này, pha loãng bản sắc dân tộc của Malaysia.

Mặc dù phần lớn người Malaysia là người Hồi giáo Mã Lai, nhóm dân tộc lớn thứ hai của nước này là người Trung Quốc, tiếp theo là dân Ấn Độ. Nhiều người Trung Quốc di cư đến Malaysia trong thời kỳ thuộc địa, và cái cảm giác là họ đã được ưu đãi bởi người Anh vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.

Các chương trình hành động hỗ trợ chủng tộc (affirmative action) được đẩy mạnh trong thời gian Mahathir là thủ tướng trước kia đảm bảo rằng người Mã Lai và người dân bản địa có được ưu đãi hơn là người Malaysia gốc Trung Quốc.

Trong bối cảnh đó, viễn cảnh của một làn sóng di cư mới từ Trung Quốc, ngay cả khi chỉ có một số lượng người ở ngắn ngày, là một vấn đề nhạy cảm về mặt chính trị ở Malaysia.

Nhưng nếu thậm chí làn sóng định cư đó không xảy ra thì sao? Việc kiểm soát vốn ở Trung Quốc đã làm cho người Trung Quốc khó mang tiền ra mua bất động sản ở nước ngoài, đó là mối lo lắng của nhân viên bán hàng nói tiếng Quan Thoại tại Forest City. Ai sẽ mua tất cả những căn hộ chung cư này, với giá bán cao hơn nhiều so với giá thị trường bất động sản địa phương, nếu không phải là người Trung Quốc?

“Tất cả chúng tôi đều muốn thành phố Forest thành công, bởi vì chúng ta không thể để nó thất bại và trở thành một thành phố ma”, Wong Shu Qi, một thành viên của Quốc hội cho Democratic Action Party, một phần của đảng liên minh đang cầm quyền, nói.

“Thực tế là có được một nhượng bộ của Trung Quốc tại Malaysia là điều tốt nhất mà chúng tôi có thể hy vọng”, cô nói thêm. “Thật buồn làm sao?”

https://static01.nyt.com/images/2018/08/21/world/asia/21malaysia-china13/merlin_138328845_5f8070ac-3402-4400-a33f-1eab8b4d32c0-articleLarge.jpg?quality=75&auto=webp&disable=upscale

Một dự án chung cư đang được xây tại Forest City. Ảnh của Lauren DeCicca cho The New York Times

H.B.

(Sharon Tan có đóng góp cho báo cáo)

Bản gốc: https://www.nytimes.com/2018/08/20/world/asia/china-malaysia.html

Dịch giả gửi BVN

This entry was posted in Âm mưu thâm hiểm của Trung Cộng. Bookmark the permalink.