Từ ông Tập đến ông Tổng: cảnh giác trước sự trỗi dậy độc tài

Ánh Liên

Tập Cận Bình, người ở độ tuổi 64 nhưng đã thiết lập quyền lực tối cao của mình ở đất nước hơn 1 tỷ dân qua việc: xóa bỏ giới hạn 2 nhiệm kỳ dành cho Chủ tịch.

Ông Tập từng nhiều lần tuyên bố sẽ lãnh đạo Trung Quốc – một cường quốc lớn thứ 2 về kinh tế và là một trong những quốc gia có lực lượng quân sự lớn. Và nếu ông duy trì sự cố kết quyền lực, ông sẽ giống như V.Putin, ngồi trên ngai vàng quyền lực 10-20 năm, hoặc có thể lâu hơn thế nữa.

Quan trọng của một nền độc tài quyền lực chính là, lộ trình phát triển, nguyên tắc phát triển sẽ phần lớn phụ thuộc vào một cá nhân. Nhưng điều tuyệt vời của thế giới phẳng hiện nay là, thực tiễn khắc nghiệt của đời sống và sự phát triển đang chứng minh: khi anh ngồi trên ghế quá lâu, anh sẽ đổ đốn.

Sự đổ đốn có thể khiến cho đất nước từng là cường quốc châu Phi như Zimbabwe thực hành ‘cân hàng kg tiền’ để mua trứng hay thậm chí, biến một quốc gia ‘giàu nứt đổ vách’  như Venezuela trở thành một quốc gia mà nhân dân phải móc bọc rác để tìm thức ăn.

https://3.bp.blogspot.com/-Bdy0yVMK0Xs/W2cvr3H5zfI/AAAAAAAAANw/6uj1DK0xXSoP0K_ncJ9z48CFK_AtLz74QCLcBGAs/s640/Capture.JPG

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và TBT Nguyễn Phú Trọng duyệt binh danh dự tại Hà Nội.

Trung Quốc cũng vậy, từng có những đại cách mạng về văn hóa lẫn nhảy vọt để lại hàng triệu người chết và ly tán về tinh thần.

Tất nhiên, người dân Trung Quốc sẽ không im lặng, bởi đất nước của họ không thể để bị nhào nặn bởi tham vọng quyền lực của một vài người mà họ biết rằng, nó sẽ đưa họ vào “thiên đường tối tăm”.

Vấn đề là, dù có cố gắng thống nhất đến mấy trong nội bộ Đảng Cộng sản, thì khi quyền lực về tay một người, sẽ đến một lúc nó xuất hiện nứt vỡ.

Theo trang Theguardian ngày 4 – 8, Tập đã bị phê bình gián tiếp trên báo chí, tên của ông dần ít xuất hiện trên tờ Nhân dân nhật báo, các chân dung cũng dần được gỡ xuống; những tin đồn về việc đảo chính ở Bắc Kinh bắt đầu xuất hiện. Những chuyển biến nhỏ này tuy không giúp ‘đảo chính’ được Tập nhưng lại làm mờ quyền lực của ông.

Giới trí thức tự do Trung Quốc là một trong nhóm đối tượng đả phá kịch liệt nhất sự độc tôn quyền lực, họ cũng đã có thư ngỏ về điều này. Và khi chỉ trích, họ sẽ bị bắt, như trường hợp Giáo sư Tôn Văn Quảng (Sun Wenguang), 84 tuổi gần đây.

Sở dĩ phải diễn giải dài dòng về Tập và những chuyển động chính tại Trung Quốc vì tại vùng đất phía Nam, có một quốc gia cũng có những động thái tương tự.

Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư (TBT) Đảng CSVN, người từng được không ít nhà chính trị đánh giá là khù khờ – dễ bảo từ thời điểm làm Bí thư thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội và gần nửa nhiệm kỳ TBT. Trong giai đoạn mà ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Chính phủ đưa bàn tay chi phối các ngóc ngách của bộ máy chính trị, không ai nghĩ, một Nguyễn Phú Trọng, tuổi đã cao lại bắt đầu ngồi dậy và hình thành quyền lực dường như là tuyệt đối.

Dư luận nhìn về ông Nguyễn Phú Trọng với ánh mắt dè dặt khi ông tiến hành các động thái khôi phục lại sự ‘lãnh đạo toàn diện’ của Đảng từ Quân đội, Công an (Đảng ủy), kinh tế (Ban kinh tế Trung ương) cho đến chính trị (Ủy ban KTKL). Và rồi, đã có sự bất ngờ và ngưỡng vọng khi ông tiến hành các hoạt động chống tham nhũng trong nội bộ cấp cao của các ban ngành.

Những con sâu to bự được lôi ra ánh sáng, nhân dân hồ hởi về điều này, họ cho rằng, dưới thời ông Trọng, đã có vẻ làm tốt chống tham nhũng (một vấn đề quốc nạn) hơn ông Dũng và các vị tiền nhiệm trước. Có vẻ, ông Trọng đang cố gắng đưa Đảng CS trở về đúng với câu nói: Đảng là trí tuệ, danh dự của thời đại chúng ta; Đảng là hiện thân của sự khôn ngoan, tinh hoa của dân tộc.

Nhưng điều gì làm nên những yếu tố có phần hoa mỹ đó, phải chăng là tập trung tối đa thu vén quyền lực thông qua người đứng đầu?

Không phải vậy, Việt Nam chưa bao giờ là Trung Quốc, ngay trong thời kỳ mà Đảng CS ngự trị tại miền Bắc, ngay cả ông Hồ – dù là một Chủ tịch ĐCS, nhưng ông khác với Lenin, Stalin hay Mao Trạch Đông. Thanh trừng phe phái, tuyệt đối hóa quyền lực không hiện diện đậm nét bằng sự thỏa hiệp.

Tại sao phải lùi về quá khứ? Vì thực tế cho thấy, sự ngưỡng mộ công cuộc chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng đang chuyển hướng thành mong muốn ông ngồi vị trí lâu hơn, hay thậm chí tôn sùng ông như một lãnh tụ. Điều này về cơ bản không khác gì giai đoạn đầu của ông Tập.

Sự ngồi quá lâu hay độc tôn có thể không gây khó khăn gì trong chiến tranh, nhưng hòa bình hay thời kỳ hội nhập thì nó lại là một mối nguy hại. Cái thời kỳ ăn bobo và xin từng gram thịt dưới thời ông Lê Duẩn vẫn ám ảnh không ít người độ tuổi xế chiều.

Nhiều người không thích ông Trọng về sự ‘cố thủ CNXH’ của ông, nhưng họ không thể phớt lờ về thành quả chống tham nhũng hiện thời. Giới trí thức tự do cũng vậy, nhưng cạnh đó họ vẫn có một nỗi lo lớn về cái gọi là: sự thâu tóm quyền lực tuyệt đối. Họ không muốn một Lê Duẩn thời hiện đại, một Tập Cận Bình tại Việt nam. Họ muốn chính trị là sự chia ba hơn là tập trung vô một – dù cho rằng, nó còn ít nhiều hình thức.

Khi ông TBT Nguyễn Phú Trọng khen trà Trung Quốc ngon hơn trà Việt Nam, nhiều người nhạy cảm rùng mình khi nghĩ đến viễn cảnh học theo chính trị thu vén quyền lực như Tập Cận Bình, có chút gì đó tỏ ra tham vọng.

Khi ông TBT tuyên bố ‘toàn người bất hảo’ hay ‘không để ai muốn nói gì thì nói’, không ít người rùng mình vì tư duy ngôn luận đó chỉ có trong thời kỳ chiến tranh.

Do vậy, nhìn vào cuộc chiến chống tham nhũng ở ông Trọng, người ta luôn trong tâm thế ‘cẩn trọng’. Hoan nghênh kết quả, nhưng phê phán đường lối tôn sùng quyền lực. Vì lẽ đó mà khi có sự hoan nghênh việc ông Tổng Trọng đưa cả Trung tướng Phan Văn Vĩnh, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) ra ánh sáng vì bảo kê nạn cờ bạc, thì cũng đồng thời phê phán cả vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh trên đất Đức.

Không thể im lặng trước biểu hiện thái quá của quyền lực tập trung, và càng không để hình thành một Tập Cận Bình tại Việt nam bởi những hệ quả đau đớn từ sự ‘độc tài quyền lực’ vẫn đang biểu hiện sinh động trong quá khứ.

Giới trí thức tự do, và cả những con người tự do đang nhìn từng động thái nhỏ của ông TBT Nguyễn Phú Trọng.

Hãy cảnh giác, nếu không độc tài sẽ trỗi dậy: hẳn đây là quan điểm của không ít người.

A.L.

VNTB gửi BVN

This entry was posted in độc tài. Bookmark the permalink.