Sau 10 năm mở rộng Thủ đô lại lo vỡ đê theo “kế hoạch”

Tô Văn Trường

Trên mạng xã hội rất nhiều ý kiến của người dân tương phản với hình ảnh khoa trương chào đón nhân dịp kỷ niệm 10 năm mở rộng Thủ đô của chính quyền thành phố. Lịch sử sẽ phải đánh giá một cách khách quan và khoa học về bài toán “được và mất” của sự kiện này.

Cách đây 10 năm, khi “mở rộng” Thủ đô thì Hà Nội cũng gánh chịu một trận lụt khủng khiếp (9.2008). Mười năm sau cũng dịp này, dân Hà Nội vẫn lại lội ngụp trong nước, đặc biệt cuối tháng 7.2018 gần nghìn người dân và quân đội được huy động khẩn trương đắp đê ngăn không cho nước tràn qua đê tả sông Bùi, huyện Chương Mỹ uy hiếp cuộc sống của hàng vạn người dân Thủ đô.

Theo thông tin chính thức, mực nước sông Bùi tại Yên Duyệt 7,5m ngày 30/7, trên báo động 3 là 0,5m, cao hơn đỉnh lũ năm 2008 là 0,05m. Lũ rừng ngang đã tràn qua các khu vực Tân Mai, Bùi Xá của thị trấn Xuân Mai; Xuân Linh, Bùi Xá của xã Thủy Xuân Tiên. Nước dâng cao đã làm tràn nhiều đoạn của đê hữu Bùi, làm ngập đê Bùi 2, gây ngập úng cho hầu hết diện tích canh tác ở vùng hữu Bùi và các khu vực trũng thấp vùng tả sông Bùi – hữu sông Đáy.

Nước đã tràn vào 2.349 hộ của 10 xã, thị trấn, trong đó nhiều thôn, xóm, khu dân cư bị ngập sâu. Các thôn Yên Trình, Thuận Lương – xã Hoàng Văn Thụ bị cô lập.

Chính quyền địa phương lo ngại nếu không giữ được đê tả Bùi thì nước sẽ vào toàn bộ huyện và đi ngược lên các khu vực sâu bên trong Hà Nội, kể cả quận Hà Đông và một số quận nội thành. Các tuyến giao thông ra phía Tây sẽ bị chia cắt rất nghiêm trọng. Thiệt hại sẽ rất lớn. Hà Nội cũng đã tính đến phương án dùng hết các khu chứa ở đê hữu Bùi để giảm tải cho an toàn của đê tả Bùi v.v… Người dân chỉ mong sao khi nguy cấp, không bị động, sợ nhất là cho vỡ đê theo “kế hoạch”!

1. Tổng quan về sông Bùi

Sông Bùi bắt nguồn từ huyện Lương Sơn tỉnh Hòa Bình, có chiều dài khoảng 40km, đoạn thượng lưu dài 20km chảy theo hướng Tây – Đông đến Tân Trượng thì nhập với sông Tích, tiếp tục chảy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam và nhập vào sông Đáy tại Ba Thá.

Sông Bùi đoạn qua địa phận Hà Nội chảy qua huyện Chương Mỹ, chia huyện Chương Mỹ thành 2 vùng là vùng Tả Bùi với diện tích vùng bảo vệ khoảng 28.000ha, số dân được bảo vệ 596.000 người; vùng Hữu Bùi có diện tích 6.500ha, số dân được bảo vệ 75.000 người.

Tuyến đê Tả Bùi, có chiều dài 14,7km thuộc huyện Chương Mỹ, cao độ đê thiết kế +7,7 ÷ +8,0 mặt đê rộng 4-5m. Theo quy hoạch phòng chống lũ và đê điều sông Đáy, mực nước thiết kế trên sông Bùi tại Tân Trượng là 9.33m; tại Ba Thá là 8,22m. Như vậy, so với quy hoạch, cao trình đê Tả Bùi còn thiếu từ 0,5 – 1,5m.

Tuyến đê chính Hữu Bùi, có chiều dài 16,5km, cao độ đê hữu Bùi từ 7-7,5m, mặt đê rộng 3-4m. Ngoài ra, hiện tại chưa có giải pháp để ngăn lũ rừng ngang từ sườn núi phía Tây đổ về nên tuyến đê Hữu Bùi chưa được liền tuyền mà được ngăn cách từng đoạn bởi các tuyến đê bao. So với quy hoạch, cao trình đê Hữu Bùi và các tuyến đê bao còn thiếu từ 1,5 – 2,5m.

2. Tình hình mưa lũ trong tháng 7/2018 trên lưu vực sông Bùi

Theo số liệu quan trắc mưa từ trung tâm dự báo KTTVTW tổng lượng mưa trong tháng 7 trên trạm Lâm Sơn thuộc lưu vực sông Bùi là 1.075mm, tập trung vào 2 đợt, đợt 1 từ ngày 14-22/7 có lượng mưa 597mm; đợt 2 từ ngày 27-31/7 có lượng mưa 283mm. Theo tính toán thì lượng mưa tháng 7 tương ứng với tần suất 0,5%; vượt trung bình nhiều năm 2,6 lần.

Với lượng mưa quá lớn, độ dốc của lưu vực sông Bùi cũng lớn, nước tập trung nhanh về vùng hạ du, làm cho mực nước trên sông Bùi tại Yên Duyệt trong đợt mưa lớn từ ngày 14-22/7 lên mức 7,36m, làm cho một số đoạn đê Hữu Bùi bị tràn, gây các xã Hoàng Văn Thụ, Nam Phương Tiến, Tân Tiến đã bị tràn, gây ngập úng cho khoảng 2.200ha, bao gồm cả khu vực dân cư và khu vực canh tác. Từ ngày 24/7 đến ngày 29/7 nước trên sông Bùi rút rất chậm, chỉ vào khoảng 5cm/ngày, đến ngày 28-29/7 lại xảy ra mưa lớn với tổng lượng mưa 203mm, làm cho mực nước sông Bùi tiếp tục dâng cao đạt đỉnh 7,52m tại Yên Duyệt vào ngày 30/7.

Image result for sông bùi chương mỹ hà nội

Image result for sông bùi chương mỹ hà nội

Với mực nước trên thì khoảng 2km phía thượng lưu của đê Tả Bùi đã bị tràn, thành phố Hà Nội phải dùng bao cát để bảo vệ. Nhiều đoạn đê Tả Bùi đã ở mức báo động. Đê Hữu Bùi tiếp tục bị tràn trên 7km và các khu vực đã ngập 10 ngày nay lại tiếp tục bị ngập sâu hơn.

3. Giải pháp phòng chống lũ đối với sông Bùi

Với các số liệu nêu trên có thể khẳng định hiện tại cao trình, mặt cắt cả 2 tuyến đê Tả Bùi, Hữu Bùi đều chưa đảm bảo chống lũ thiết kế, giải pháp lâu dài để chống lũ sông Bùi bao gồm:

  • Cải tạo hai hồ chứa Đồng Sương, Văn Sơn để cắt một phần lũ rừng ngang.

  • Cải tạo sông Bến Gò sau tràn hồ Đồng Sương, kênh xả lũ hồ Văn Sơn để chuyển phần nước lũ còn lại của 2 hồ Đồng Sương và Văn Sơn ra sông Bùi.

  • Mở rộng lòng dẫn sông Bùi với B = 60 m, cao trình đáy tại Tân Trượng là -0,5 m, tại Ba Thá là -2,5 m.

  • Nâng cấp đê tả Tích, tả Bùi, hữu Bùi đảm bảo chống lũ với tần suất P=2% và kết hợp làm đường giao thông.

  • Bờ bao hữu Tích, hữu Bùi: Gia cố cải tạo mặt đê đảm bảo chống lũ rừng ngang trong điều kiện cho phép, kết hợp giao thông và bảo vệ bờ tả khi lũ rừng ngang vượt tiêu chuẩn thiết kế.

  • Nghiên cứu giải pháp xây dựng đê hoặc kênh cách ly lũ rừng ngang từ sườn núi phía Tây đổ về.

  • Cần giám sát chặt chẽ các hoạt động lấn chiếm lòng sông, tuyến thoát lũ.

  • Ngoài ra cần có giải pháp quy hoạch, bố trí dân cư, cơ sở hạ tầng và hoạt động sản xuất hợp lý, nâng cao năng lực ứng phó cho người dân, chủ động phòng chống lũ theo phương châm “4 tại chỗ”.

Lời kết

Sông Bùi là 1 con sông nhỏ với phạm vi qua huyện Chương Mỹ khoảng hơn chục km. Thực tế, nếu nhìn tổng thể thì rõ ràng vùng này  là vùng tập trung nước rất lớn. Vì chỉ cần với lượng mưa dài ngày ở thượng nguồn về khi gặp lũ trên sông Đáy chắc chắn sẽ khó thoát kịp. Tình trạng ngập lụt kéo dài như vậy là do lũ trên sông Bùi qua huyện Chương Mỹ dâng cao, suốt từ ngày 27/7-30/7  luôn trên báo động 3. Lũ cuồn cuộn đổ về bởi mưa lớn đã trút xuống cả nửa tháng nay ở thượng nguồn sông Bùi – huyện Lương Sơn, Hòa Bình. Tổng lượng mưa từ ngày 17 – 30/7 lên tới 619 mm.

Sau khi mưa giảm và hồ thượng nguồn ngừng xả nước thì mực nước ngày hôm nay 1/8 tại Yên Duyệt là 7,28m, giảm 14cm so với hôm qua. Tuy nhiên, diện tích ngập úng ít thay đổi, vẫn ở mức 2.200 ha  ở Chương Mỹ và 800 ha ở Quốc Oai. Trong vài ngày tới lượng mưa dự báo nhỏ, mực nước sẽ giảm dần khoảng 15cm/ngày.

Một số giải pháp nêu ở trên liên quan đến tăng cường mở rộng mặt cắt ướt. Với sông nhỏ này thì cần ưu tiên cải thiện nó trước tiên. Phương án lên đê phải tính toán kỹ xem lên ở mức nào là thích hợp vì bản thân khu vực này đang nằm trong vùng chứa lũ, thoát rất chậm. Kịch bản bất lợi là cả sông Bùi và sông Đáy cùng lên báo động cấp III thì còn nguy hiểm hơn nữa. Các nhà chuyên môn nên nghĩ đến xem xét giữa việc lên đê  với việc có thể điều chỉnh hoặc mở thêm tuyến dòng chảy theo hướng khác vào sông Đáy thuận hơn thay vì để chảy cắt ngang sông Đáy như vậy.

T.V.T.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Đê điều và sông ngòi Hà Nội. Bookmark the permalink.