Tự do của một tiếng nói
Phạm Lan Phương
Tờ Tuổi Trẻ Online vừa bị đình bản ba tháng. Có hai lý do được đưa ra là bài “”Tiếp xúc cử tri với vai trò đại biểu Quốc hội TP.HCM, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nói ông đồng tình với kiến nghị cử tri cần có Luật biểu tình và hứa báo cáo Quốc hội về nội dung này” – Thông tin này bị cho là ông không nói. Và bài báo là sai sự thật.
Ngoài ra, thông tin gây mất đoàn kết dân tộc trong phần bình luận bài viết “Sao trong quy hoạch chưa thấy cao tốc miền Tây?” đăng ngày 26/5/2017.
Trong thực thế, khi tin tức báo chí sai, sự buộc cải chính, chịu xử phạt hành chính, hoặc bị các bên ảnh hưởng kiện ra tòa, là động thái văn minh của báo chí – khi liên tục đấu tranh với biến động để buộc mình phải “cứng” hơn trong kiểm chứng và hành xử thông tin.
Nhưng bịt miệng một tờ báo, là một hành động hoàn toàn khác. Đình bản một tờ báo, nghĩa là tước bỏ quyền tường thuật của nó. Vụ bịt miệng Tuổi Trẻ Online cho thấy sự trừng phạt bằng cách “cắt lưỡi” không loại trừ tờ báo nào dù nhỏ hay lớn, giúp những tờ báo khổng lồ nhận diện rằng họ cũng là một công cụ truyền thông (quảng cáo) không khác gì với những tờ báo nhỏ hơn và có số phận mong manh hơn trong những sự vụ đầy màu sắc chính trị như vầy.
Tự do báo chí không thể được ban phát bởi một ai, bởi sự giàu có về mặt nhân sự, tiền bán báo, hay sức mạnh làm quảng cáo. Tự do báo chí được xây dựng từ ý thức muốn độc lập của những người thực hiện từng bài báo và trang báo mỗi ngày.
Ý thức này, tôi không nhận thấy tờ Tuổi Trẻ có, trong những ngày họ ca ngợi anh Đinh La Thăng như đấng cứu thế của Sài Gòn. Thời điểm đó, bất cứ ai làm báo cũng hiểu anh Thăng đã làm gì ở Bộ Giao Thông Vận Tải. Là người làm báo, nếu không thể dùng bài viết để thể hiện rõ thông tin, thì sự chừng mực trước nghi ngờ là cần thiết. Tờ báo này khi ấy làm tôi ngạc nhiên như một kênh PR cho anh Đinh La Thăng. Và tới khi anh vô tù, thì hệt như trang quảng cáo tội trạng của anh. Những ngày đó, khi mở tờ báo ra đọc, thứ duy nhất tôi cảm thấy là sự sỉ nhục – trong tư cách người đọc.
Với cá nhân tôi, tự do của một tờ báo có được từ ý thức tôn trọng thông tin – và đúng hơn – tôn trọng người đọc. Tại Philippines, khi tờ Rappler bị tổng thống Duterte đòi tước giấy phép hoạt động, tờ báo này đăng một cuộc crowdfunding, nói rằng họ cần độc giả, xin hãy chia sẻ khoản chi phí họ cần để duy trì thông tin độc lập, họ sẽ tiếp tục làm báo. Chỉ sau hơn một tuần, tờ báo vận động được hơn một nửa số tiền họ cần để sản xuất nội dung trong một năm. Rappler sản xuất ra những loạt phóng sự điều tra thành thật, dữ dội và đầy thông tin về cuộc chiến chống ma túy của Duterte. Một tờ báo trên mạng, một startup báo chí, đã làm cho báo chí phương Tây phải kính nể về trình độ tác nghiệp, khả năng sản xuất tin bài, và trên hết là sự kiên cường để độc lập tác nghiệp – vì độc giả.
Khi nhìn vào trang báo của Rappler tại Philippines, những vùng quảng cáo được thông tin rõ cho người đọc. Những trang tin bài là một phân vùng khác. Không có sự “mặc áo” quảng cáo làm nội dung. Ở một quốc gia lộn xộn, đói nghèo, lu xu bu như Philippines, ý thức về chuyên môn làm báo và giá trị của tự do thông tin mà Rappler theo đuổi đã tạo nên tiếng nói gây kinh ngạc cho cả khu vực Đông Nam Á – và cho người đọc.
Tôi không biết thế nào là định nghĩa về “tờ báo lớn nhất” hay “tờ báo uy tín nhất” hay “tờ báo giàu nhất” tại Việt Nam. Tôi tôn trọng từng nhà báo mà mình gặp và nhìn thấy họ đang đấu tranh cho từng milimet của thông tin đi đúng với những gì họ ghi nhận được. Đó là “tế bào” duy nhất của báo chí xứng đáng được tôn trọng.
Còn các tờ báo, dù lớn như Tuổi Trẻ Online, dù giàu như tờ báo giấy đã sinh ra nó, mà vẫn có thể khiến người đọc bật cười trước cả một trang chủ ca ngợi anh Đinh La Thăng, xong tới cả một trang chủ chửi anh vô tù, thì đó là tờ báo chưa hề coi trọng người đọc – thứ tự do duy nhất được cài lên áo họ.
Tự do ngôn luận chỉ dành cho những người tôn trọng tự do đó – dù là tờ báo nhỏ nhất hay lớn nhất. Và cuộc đình bản ngày hôm nay phơi bày chuyện đó – cho những ai còn tưởng mình “quyền lực” nhất.
K.Đ.
Nguồn: https://www.facebook.com/khaidon/posts/10213815466394688
*
Trả lại báo chí cho dân sự
Bao Trung Nguyen
Theo tìm hiểu thì ông Trần Đại Quang không nói cần có luật biểu tình như báo Tuổi Trẻ đã dẫn trong bài viết. Đó là ý kiến của một cử tri nhưng không hiểu sao phóng viên lại “gắn” cho ông Chủ tịch nước. Sai sót này có thể nói là nghiêm trọng. Đành rằng ông Chủ tịch nước hay một người dân thường đều có vai trò bằng nhau trên mặt báo, nhưng xưa nay các báo đều cử những phóng viên có kinh nghiệm già dặn đi “cover” các sự kiện có hiện diện của những nguyên thủ. Cho nên, phải nhìn thấy lỗi trước tiên thuộc về tác nghiệp của phóng viên và quy trình thẩm định thông tin của biên tập viên.
Bởi vì đây là sai sót nghiệp vụ và nếu ông Chủ tịch nước cho rằng điều này gây ảnh hưởng không tốt cho mình thì ông Quang có quyền khiếu nại theo Luật Báo chí, nếu thấy chưa đủ thì có thể nhờ đến sự phân xử của toà án. Đây là một phản ứng trong không gian của một xã hội dân sự bình thường. Tại Việt Nam không như vậy. Báo chí được khẳng định là “công cụ” của đảng cầm quyền, vì vậy thay vì để mọi thứ diễn ra như một hoạt động dân sự thì quy trình khiển trách bằng một quyết định hành chính đã được áp dụng. Cụ thể là số tiền phạt 220 triệu đồng và đình chỉ 3 tháng đối với ấn phẩm Tuổi Trẻ online.
Cũng trong một không gian dân sự lý tưởng, hình phạt nặng nhất với một tờ báo là bị độc giả quay lưng khi có sai sót và bị kiện bởi bên bị cho là ảnh hưởng do sai sót của tờ báo. Toà án là nơi ra quyết định phạt đối với tờ báo để đền bồi những thiệt hại cho nạn nhân của sai sót. Chính phủ làm nhiệm vụ bảo đảm các quy trình ấy hoạt động công bằng và xuyên suốt theo các bộ luật đã được ban hành. Chính phủ không phải và không thể là nơi ban hành quyết định phạt một tờ báo.
Đó là một ngày thứ 2 của tháng 4.2009, những công đoạn cuối cùng của số báo Du Lịch đã gần xong để đưa đi nhà in. Một cuộc điện thoại thông báo đình bản 3 tháng vì những “sai sót” trong số báo Xuân trước đó đã để lại một số báo mãi mãi không được xuất bản. Quy trình ứng xử với báo chí không hề thay đổi sau 9 năm, và chắc chắn không thay đổi sau nhiều năm nữa khi báo chí Việt Nam không thoát khỏi kiếp “công cụ”.
Cho đến giờ vẫn chưa có gì thay đổi quyết tâm “lãnh đạo toàn diện” đất nước của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhưng mọi thứ đều đã được luật hoá, tôi tự hỏi tại sao với báo chí, đảng cầm quyền lại không để nó vận hành như một doanh nghiệp. Chịu sự chi phối và điều phối bởi các bộ luật như mọi chủ thể khác đang hoạt động trên đất nước này. Có thể nhiều người ủng hộ quyền lực của đảng sẽ nạt nộ: “Thế thì loạn à?”, nhưng hãy nhớ lại chỉ 20 năm trước đây thôi thị trường chứng khoán vẫn còn bị coi là “công cụ bóc lột của giới chủ tư bản” trong nhiều văn kiện đảng, lùi xa hơn là 30 năm trước thì doanh nghiệp tư nhân vẫn là một hình thức “người bóc lột người”.
Báo chí cũng vậy, cũng chỉ là một “diện” của đời sống mà Đảng Cộng sản muốn quản lý. Có muốn hay không thì báo chí cũng sẽ tìm cho được cách hoạt động tự do, bởi những nhu cầu bắt buộc của xã hội. Vậy hãy quản lý bằng cách rút dần bàn tay điều hành trực tiếp ra khỏi lĩnh vực này mà để thị trường điều tiết và chi phối bằng luật pháp. Đồng thời, xin tha cho người làm báo cái vai trò “chiến sĩ thông tin” để rồi ra ân ra uy bằng cái thẻ. Hãy để họ được làm báo bằng các quy tắc nghề nghiệp đã có từ hàng trăm năm nay, đừng bắt những nhà báo có lương tâm phải đau khổ khi đứng trước những sự thật không được chuyển lên mặt báo, phải tủi nhục khi ai ai cũng có thể khinh khi rẻ rúng một nghề nghiệp đầy cao quý như nghề báo.
T.B.
Nguồn: https://www.facebook.com/trung.bao/posts/10212098494913297
*
Tuổi Trẻ
Truong Huy San
Tôi biết là rất trễ nhưng tôi vẫn mong các bên có thẩm quyền xử phạt, xét lại, để đối xử với Tuổi Trẻ không chỉ như một công cụ truyền thông mà còn như một doanh nghiệp. Ai sai kỷ luật người đó, đình bản một tờ báo còn là thắt bao tử của hàng trăm con người.
Nhiều tờ báo ra đời đã năm bảy chục năm, tới nay vẫn sống bằng ngân sách (hoặc cấp trực tiếp, hoặc thông qua nơi mua báo), Tuổi Trẻ, ngay từ những năm đầu, đã tự “hạch toán kinh doanh”. Đầu tư lớn nhất của Nhà nước cho Tuổi Trẻ là quyền được ra báo ngay sau năm 1975 và được bao cấp nhà đất để làm toà soạn.
Cơ sở vật chất và đặc biệt là thương hiệu mà Tuổi Trẻ tích luỹ được trong vòng 43 năm qua là rất lớn. Tuy nhiên, nó vẫn thuộc về Thành Đoàn chứ không thuộc về nhiều thế hệ đã thắt lưng buộc bụng, chắt chiu làm ra nó.
Tôi không đủ các dữ liệu để đánh giá thiệt hại về vật chất và thương hiệu cho Tuổi Trẻ khi bản online bị đóng cửa. Trong thời đại ngày nay, bản online, cho dù doanh thu trực tiếp có thể ít hơn, nhưng nó là một “chân” của tờ báo, nó giúp tờ báo in lan toả, giúp gia tăng giá trị (thương hiệu) và thu nhập. Tổn thất này của Tuổi Trẻ là vô cùng to lớn.
Trong hệ thống thứ bậc chính trị, Tuổi Trẻ, tuy chỉ là một tờ báo cấp phòng nhưng sức lan toả của nó lớn hơn rất nhiều những tờ cấp bộ và cấp vụ khác.
Tuổi Trẻ là một trong những tờ báo báo chí nhất và chuyên nhiệp nhất. Nhưng, ở góc độ công cụ tuyên truyền cho chế độ, Tuổi Trẻ cũng là đắc lực nhất. Trong không gian thông tin ngày nay, đình bản bản online những tờ báo chính thống như Tuổi Trẻ tuy có gây thiệt thòi cho người đọc nhưng xét kỹ, chính hệ thống tuyên truyền của Đảng mới thiệt hại rất nhiều.
T.H.S.
Nguồn: https://www.facebook.com/Osinhuyduc/posts/1697181746983666
*
Vỹ Đặng
Tôi vừa thuộc thế hệ “giữa bối”, lại là người ngoài, nên không hiểu những vấn đề về hậu trường của Tuổi Trẻ. Từ “hậu trường” ở đây không chỉ gói gọn trong nội bộ của Tuổi Trẻ, mà là “bao gồm nhưng không đầy đủ” là những vấn đề về tổ chức nội dung, cái nhìn của cơ quan quản lý báo chí, cách mà họ quản lý báo TT, những xử lý mà xưa nay họ đã dùng với TT, và những cú đánh dữ dội mà TT đã phải hứng chịu.
Do đó, tôi chỉ nói ngắn gọn những gì tôi thấy trên bề mặt. Vì dù sao đi nữa, người ta có xử kiểu gì, vẫn phải căn cứ những gì xảy ra trên mặt báo, cái lý là vậy.
Trước hết, cái gần đây nhất mà chúng ta thấy, TT là tờ báo làm rất tốt về vụ đất quốc phòng, đất sân bay, và vụ Mobifone-AVG. Còn xa hơn, 10 năm trước, họ đã làm cũng rất tốt vụ PMU18.
Nên nhớ, 2008 là trước… 2006! Khi đó VN đang trên đường gia nhập WTO, nên tiếng nói báo chí cũng có vẻ cởi mở lắm. Nhưng có lẽ giới báo chí đã sập bẫy. Bởi “cởi ra rồi lại buộc vào như chơi” là cách quản lý của ta hiện nay. Đừng tưởng bở mà đào mãi. Sau cú đó, Nguyễn Văn Hải thì tù, còn TBT Lê Hoàng, Tổng TKTS Bùi Thanh, số phận thế nào chúng ta biết rồi. Đau đớn nhất là anh Bùi Thanh, với “Tại sao?”, chết mà không hiểu tại sao mình chết!
Hãy điểm danh: Thế hệ tiền bối: Đó là những Vũ Kim Hạnh, Lê Văn Nuôi, Lê Hoàng, là lớp Tổng biên tập. Sau lớp Tổng biên tập, họ “chém” đến lớp liền kề, là Trương Quang Vĩnh, Huỳnh Sơn Phước. Hai anh Trương Quang Vĩnh và Huỳnh Sơn Phước, đến giờ cũng không hiểu vì đâu, tự dưng mất chức Phó TBT, từ Phó TBT một phát nhảy xuống làm chuyên viên. Rồi sau đó, họ đưa một mớ cán bộ Thành Đoàn về. Tôi nói “một mớ”, vì cũng là cán bộ Thành Đoàn, nhưng họ không phải những người như Lê Văn Nuôi. Toàn là ăn tục nói phét. Trong một bữa nhậu tôi nói với anh Bùi Thanh: “Họ muốn làm yếu TT đi thì họ đưa mớ đó về thôi!”
Mất TBT, Phó TBT này thì có TBT, Phó TBT khác. Tờ báo TT đã có truyền thống làm báo kiên cường của họ, nên anh về có thể đạt mục đích… làm yếu nó thật, nhưng anh không thể nào tồn tại với nó được, nếu anh đứng ở đó mà anh không xem nó là anh, không xem anh là nó. Vì vậy, những cán bộ Thành Đoàn, Thành ủy đưa về mà chỉ để làm con rối, rồi tự khắc bị chính cái cách làm báo của TT nó đào thải thôi. Sau đó rồi cũng phải “bật” ra khỏi TT, bị đào thải. Có thể họ cho rằng họ đã làm tròn “sứ mệnh” làm yếu TT, nhưng thực sự, tôi cam đoan, không ai đứng nổi trong tờ báo này nếu không xem nó là mình, mình là nó, làm việc và sống chết vì nó.
Báo “chính thống”, “lề phải” ở VN giờ có lẽ trên một ngàn, cho tất cả các loại hình; chưa kể các trang mà vẫn thường bị cho là trang cháu, trang con, trang… núp bóng, các trang thông tin điện tử. Dù bất cứ tờ báo nào làm kiểu gì, thì vẫn không dưới một lần họ phải nhìn về TT, “xem cái này Tuổi Trẻ làm theo hướng nào”. Tôi cũng biết võ vẽ nghề báo, và hiện cũng đã là đàn anh vài ba thế hệ sau này của lớp trẻ kể cả TT, nhưng trước các sự kiện, vấn đề, khi chưa có được góc nhìn, là tôi đọc TT xem họ nhìn như thế nào, giải pháp và tác nghiệp của họ ra sao. Tôi không được đứng trong tờ báo cứng cỏi về chuyên môn, đầy bản lĩnh chính trị ấy, chưa được học ở họ chữ nào ngay trong tòa soạn, nhưng chỉ cần đọc bài trên mặt báo thôi, tôi đã học được ở họ rất nhiều, từ góc nhìn, tư duy đề tài, đến giải pháp tác nghiệp, bản lĩnh thể hiện, sự khôn khéo trong việc “tránh né” để đạt mục đích cung cấp thông tin tốt nhất cho bạn đọc.
Với hơn 1.000 tờ báo, thì TT vẫn là lá cờ đầu. Mà lá cờ đầu bị… chặt cái cán, thì coi như xong! Quản lý báo chí như vậy hóa ra cũng dễ! Tôi đã từng nói với anh Bùi Thanh, người từ Tổng TKTS đã trở thành “lính” của các anh Tăng Hữu Phong, Trương Minh Nhựt, là “họ muốn trị bọn em dễ lắm, chỉ cần chặt gãy cái cán cờ TT, là bọn báo chí lóc nhóc tụi em xong hết thôi mà!”.
Riêng về 2 nội dung trên báo TT để dẫn đến bị xử trảm, bằng hiểu biết về nghề nghiệp của tôi, tôi cho rằng:
1. Bài về lời của CT nước Trần Đại Quang: Nếu TT viết sai thì Chủ tịch nước phản hồi cho TT, yêu cầu cải chính, bồi thường. Nếu TT không nhận thì TT đưa chứng cứ là băng ghi âm và nhân chứng là cử tri ra. Còn nếu TT sai thì cải chính, xin lỗi. Sau đó mới đến lượt CQ chủ quản xem xét mức độ sai, ra quyết định xử lý báo. Rồi sau đó mới đến lượt bộ TTTT ra quyết định xử lý báo, nếu quyền xử lý vượt quá thẩm quyền của Thành Đoàn TP.HCM. Hiện không/chưa thấy Chủ tịch nước, với tư cách người trong cuộc, có ý kiến, làm sao biết đúng/sai mà đã xử đình bản trang báo?
Và vì vậy, nếu chưa có phân định rõ đúng/sai, thì lý do này để ra quyết định tước giấy phép xuất bản 3 tháng, là chưa đủ cơ sở.
2. Bài thứ hai, do để cái comment của độc giả lọt lên mặt báo (phần ý kiến của bạn đọc bên dưới bài báo): Nếu đúng theo quy định của pháp luật là tôn trọng quyền tự do ngôn luận thì TT cũng không sai, vì họ tôn trọng ý kiến bạn đọc. Nhưng, chấp nhận, ở ta, báo chí do Đảng và Chính phủ quản lý, nói sai đường lối của Đảng là vi phạm. Nhưng phải xem lại, cái comment đó có đủ để kết luận “tội” của TT đã đến mức xử chém chưa? Comment đã gỡ rồi, độc giả cả nước phần lớn không biết cái cmt đó nói gì, thì lấy đâu để nói với bạn đọc rằng TT đáng tội chém?
Nếu vậy, để cho công bằng, TT phục vụ bạn đọc thì bạn đọc phải biết vì sao người bạn của mình chết, thì phải để đó cho bạn đọc họ đọc, phán xét. Riêng tôi thấy, các cmt kiểu đó, xuất hiện hàng ngày, đầy hàng vạn trên các trang xã hội đó thôi.
Kết: Không chỉ riêng tôi và đồng nghiệp làm báo mà quan sát trên dư luận hôm qua tới giờ, tôi thấy bạn đọc cả nước thất vọng với quyết định của Bộ TTTT. Họ không đồng tình, không phải chỉ vì họ yêu mến tờ báo, mà vì họ thấy bất công cho tờ báo.
V.Đ.
Nguồn: https://www.facebook.com/dangvysg/posts/10155783727193473
*
Giải mã hậu trường chính trị vụ xử phạt báo Tuổi Trẻ
Đỗ Minh Tuấn
Vì sao báo Tuổi trẻ bị xử phạt vì đăng lời Chủ tịch nước tỏ thái độ ủng hộ việc Quốc hội ban hành Luật Biểu tình? Nói thật, việc ủng hộ này cũng chẳng có gì là đặc biệt, cũng như ủng hộ con người được kêu cứu, được hắt hơi cho bay bụi bặm hay tạp vật lọt vào cơ thể mà thôi! Nhưng vì sao lại phải làm to chuyện? Vì Chủ tịch nước đã làm cái việc như thể cạnh trạnh quyền lực, hay phơi bày những người muốn giấu mặt sau 2 cái mẹt nặc danh có tên là TẬP THỂ LÃNH ĐẠO và ĐOÀN KẾT NHẤT TRÍ để tiếp tục chà đạp lên quyền sống, quyền biểu tình đúng luật của dân. Bây giờ Chủ tịch nước nói vậy, hoá ra sau cái “mẹt” chỉ là một vài người khốn nạn, chứ không phải là tất cả lãnh đạo! Vì thế những kẻ ném đá giấu tay sau cái mẹt “lãnh đạo tập thể” bị lộ nguyên hình, họ căm tức báo một phần, căm tức những người lột trần sự thật nhiều lần, nên xử phạt báo để dằn mặt cả Chủ tịch nước và báo chí.
Còn vụ không xây xa lộ cho Miền Tây thì chạm nọc quá nặng, vì đem chủ trương đường lối của Đảng CSVN để phê phán những người lãnh đạo hôm nay. Trong hơn nửa thế kỷ qua, đường lối đại đoàn kết dân tộc, bình đẳng về văn hoá của Đảng CSVN đã xây dựng được nền móng chung cho đại gia đình các dân tộc Việt Nam ở Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Nay đường lối đó bị đám cầm quyền hiện thời sao nhãng, vừa gián tiếp đe doạ các thành quả của chính sách dân tộc hơn nửa thế kỷ qua, vừa chạm vào cảnh ngộ của đồng bào Khmer trong bối cảnh vùng biên giới Tây Nam Bộ có nhiều vấn đề phức tạp và nhạy cảm. Người Khmer ở Tây Nam Bộ đã luôn bị đám người chống Việt Nam kích động, đã thường xuyên nghe đài, xem TV của Campuchia, buôn bán xuyên biên giới sang Campuchia, Miến Điện, Thái Lan… Nay lại thấy chính sách phát triển phân biệt đối xử với cộng đồng đa sắc tộc Tây Nam Bộ thì lòng dân vốn đã rạn nứt trong tâm thế chung của cả dân tộc, sẽ bị tổn thương thêm vì sự thiệt thòi, bị phân biệt đối xử. Đó là lúc các thế lực chống phá Việt Nam ở Campuchia lợi dụng, kích động và chia rẽ thêm cộng đồng Tây Nam Bộ. Tất nhiên, “Mặt mày méo mó chớ đổ lỗi tại gương”, chính sách phát triển hiện nay không hài hoà với chính sách dân tộc trong chiến lược và trong quá khứ, nói không đi đôi với làm, phân biệt đối xử trong chính thời phát triển và hội nhập… đó là vấn đề của Đảng và Chính phủ, báo chỉ phát hiện ra thôi! Nhưng sự thật bị phơi bày trên báo giống như đứa trẻ trong truyện của Anderxen reo lên “Ơ! Hoàng đế cởi truồng”, đưa ra một PHÁT HIỆN THỪA nhưng có giá trị kết nối nhận thức chung của cả cộng đồng. Đó là chưa kể Tây nam Bộ là hang ổ của đồng chí X. Báo Tuổi trẻ nói vậy hoá ra bác Tổng hay Thủ tướng xử sự hèn hạ tiểu nhân, bụng coi là “Củi tươi” mà không dám sờ vào, lại cúp bớt khẩu phần phát triển của “sào huyệt” miền Tây nơi anh Ba xưng hùng xưng bá. Cho nên, trị tội báo Tuổi trẻ là để đồng chí X và Quân khu 7 không bị đổ thêm dầu vào lửa, không gộp vụ này vào vụ Đặc khu mà nổi giận theo dân gây rắc rối lớn cho cánh thân Tàu trong đảng và nhóm lợi ích đặc khu!
Đ.M.T.
Nguồn: https://www.facebook.com/daodiendominhtuan/posts/2165939423640690