Tô Văn Trường
Cuộc tranh luận giữa hai vị tướng có thể nói chỉ gói lại trong một chữ “trước“. Có hay không cái chữ “trước” trong mệnh lệnh của cấp trên – có thể là cấp tối cao – truyền xuống binh đội Gạc Ma thuở đó: “Không được nổ súng” hay “Không được nổ súng trước“?
Hãy không biện giải vòng vo về ngôn từ mà cứ soi ngôn từ vào thực tiễn. Cứ giả định rằng trong lệnh truyền thuở bấy giờ vốn đã có chữ “trước” đi, nhưng nếu đã có chữ “trước” truyền xuống cho quân lính thì tất yếu cũng phải có trong đầu kẻ chịu trách nhiệm tối cao thuở ấy một chữ “sau“, chứ chẳng lẽ “không được nổ súng trước” mà tiếp theo lại hoàn toàn không còn gì, nhất là về mặt lo tính tổ chức hậu cần, tổ chức điều kiện cho bước kế tiếp? Vậy mà chữ “sau” đó là gì? Thực tế là cái chết tức tưởi của 64 con người chỉ biết đáp đền Tổ quốc bằng… chết!!! Có nghĩa anh đã hoàn toàn không tính toán cho quân đội bất kỳ một phương án nào để phản kích lại đối phương ngoài cái chết. Nói trắng ra, chính anh và phải là anh trước tiên, đã không hề có một chữ “sau” ở trong đầu. Bởi thế toàn bộ quân lính của anh – vốn là những con người hết sức yêu nước – đành dũng cảm… chịu chết. Từ một đối chiếu như vậy thì sự thực đã lòi đuôi là cái chữ “trước” cũng tuyệt nhiên không hề có trong đầu anh. Nó chỉ mới được thêm vào trong chuỗi nung nấu nhằm cho anh chạy tội sau này.
Thêm một chữ “trước” người ta hòng khôn khéo phủi bỏ một trách nhiệm về kết cục của Gạc Ma và cả của Trường Sa nặng ngang núi Thái Sơn, khiến đất nước lâm vào tình thế bi đát hôm nay. Tội ấy cực kỳ lớn và toàn bộ dân Việt không ai có thể chấp nhận.
Nguyễn Huệ Chi
Cuốn sách “Gạc Ma vòng tròn bất tử” vừa được xuất bản đã tạo nên một niềm vui xúc động trong cộng đồng những người kịch liệt lên án sự kiện Trung Quốc chiếm đảo Gạc Ma, nhưng điều đặc biệt gây xôn xao chú ý dư luận lại là cuộc tranh luận có tính xung đột giữa 2 vị tướng và là Anh hùng lực lượng vũ trang Lê Mã Lương và Hoàng Kiền về số phận của cuốn sách.
Thật buồn và đau
Bạn đọc ngạc nhiên và buồn về một sự kiện lịch sử bi tráng vừa diễn ra mới 30 năm, nhiều nhân chứng trong sự kiện còn đó, vậy mà cuốn sách ghi lại sự kiện đã gây ra sự phản ứng trái chiều gay gắt ngay giữa hai người từng là sĩ quan cao cấp có nhiều chiến công của Quân đội Việt Nam trong chính thời gian xảy ra sự kiện. Liệu đây chỉ là quan điểm riêng hai ông? Dù gì cũng mong hai ông hãy bày tỏ để bảo vệ lý lẽ của mình, chắc chắn sẽ được dư luận hoan nghênh, nếu có vì lý do khác thì cũng sẽ rất hữu ích cho nhận thức của cộng đồng.
Tôi chưa gặp cả 2 vị tướng này ở ngoài đời, chỉ xin nêu mấy ý chủ quan dưới góc nhìn riêng của mình về câu chuyện thật đáng buồn và không đáng có nói trên.
Việc thu thập thông tin, dữ liệu để viết sách rất công phu, là công sức của nhiều người, và xuất bản cuốn sách là một nỗ lực rất đáng trân trọng. Cuốn sách ghi lại những chi tiết thực về sự kiện Trung Quốc đã dùng vũ lực sát hại và bắt chiến sĩ Việt Nam để chiếm đảo, các chiến sĩ Việt Nam ngoan cường bảo vệ chủ quyền đảo là giá trị không thể phủ nhận của cuốn sách – điều chính đáng mọi người Việt Nam ủng hộ và góp phần đánh thức lương tri và sự cảnh giác của người dân Việt Nam hôm nay về hiểm họa nhãn tiền của đất nước đang đứng trước sự sống còn.
Mặt hạn chế là có vẻ việc tập hợp, ghi và thẩm định thông tin chưa đảm bảo hoàn toàn có những thông tin tốt nhất. Sáng nay, báo Dân Trí có nêu một trường hợp chiến sỹ được cho là đã mất nhưng thực ra vẫn còn sống là một ví dụ. Lẽ ra, những người biết sự thật (kể cả tướng Hoàng Kiền) nên tham gia đóng góp đầy đủ cho cuốn sách thì tránh được những sai sót không đáng có này. Các lỗi được công bố cho thấy các thiếu sót thông tin không nhiều (điều đương nhiên khi hồi tố một sự kiện), không phải sai trầm trọng, không làm giảm giá trị và ý nghĩa nói trên của cuốn sách, hơn nữa những người biên soạn sách sẵn sàng có thiện chí tiếp thu sai sót để chỉnh sửa.
Có 8 lỗi cần đính chính. Nguồn ảnh: Báo Thanh Niên
Ngẫm suy, đừng để những thế lực hắc ám “đục nước béo cò” hay nói cách khác, Tầu càng cười vào mũi chúng ta và khinh chúng ta: Tụi bay chịu để mất đảo rồi mà còn “đánh lộn” nhau nữa! Tuy nhiên, một vấn đề còn lại: Lịch sử là lịch sử, lúc này chưa làm được cái việc trả lại sự thật cho lịch sử thì chờ tiếp, rồi sẽ có lúc cái việc phải làm này sẽ đến!
Nỗ lực của những người viết sách
Việc nhóm tác giả phải rất vất vả mới tìm được nhà xuất bản “dám” in và phát hành cuốn sách cũng cho thấy có lực cản đáng kể từ những nhóm hay thế lực coi sự kiện Gạc Ma và sự xuất hiện cuốn sách ảnh hưởng đến sự nghiệp và uy tín chính trị của họ.
Với đa số người dân, những thế lực cản trở việc xuất bản cuốn sách là đi ngược quyền lợi của người dân Việt Nam. Người chủ biên đã có một “thương hiệu” mạnh là thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang Lê Mã Lương – một người nổi tiếng rất kiên quyết và là người có công lớn cho việc xuất bản cuốn sách.
Cuộc tranh luận giữa 2 vị tướng nếu chỉ thể hiện một sự chia rẽ trong xã hội ta về lịch sử cũng như cách nhìn về quan hệ Việt – Trung mới chỉ là nỗi buồn nhỏ, bởi có thể có nhiều dòng chảy quan điểm khác nhau về quan hệ này. Nỗi buồn lớn đáng sợ hơn chính là sự coi lợi ích cái “tôi” cao hơn quyền lợi của cộng đồng và đất nước cũng như văn hóa tranh luận ở Việt Nam, đó là:
Sự chia rẽ
Thế lực Trung Quốc muốn thôn tính chúng ta rất mạnh, chúng ta chỉ dựa vào lẽ phải, công lý và sự đại đoàn kết thì mới đứng vững được, nhưng với chỉ một việc như thế này mà dẫn đến mâu thuẫn thế kia thì đúng là ta khó mạnh! Lẽ ra các tướng lĩnh, các quân nhân yêu sự thật, biết sự thật, và hoàn toàn có điều kiện thuận lợi nên cùng nhau chung sức để có cuốn sách tốt nhất, gửi những thông tin chân thực nhất đến bạn đọc. Điều đó, không chỉ nâng cao giá trị cuốn sách mà còn là một minh chứng lịch sử oai hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam trong thời gian mà hai ông từng là những chỉ huy cao cấp.
Thiếu cầu thị
Tướng Hoàng Kiền chưa đọc cuốn sách “Gạc Ma vòng tròn bất tử” đã vội vã tấn công tướng Lê Mã Lương theo cách “một cú đánh từ sau lưng” hơn là một lời góp ý xây dựng: không trao đổi trực tiếp, không thảo luận trên tinh thần tôn trọng và tung ra như một lời xỉ vả trên Facebook là điều cộng đồng thấy khó hiểu.
Tình tiết “có lệnh không nổ súng” là đúng hay sai, còn cần có chứng cứ cụ thể nhưng đó không phải là ý chính trong cuốn sách mà chỉ là một tình tiết trong rất nhiều tình tiết. Cho dù không có lệnh này thì nội dung của cuốn sách cũng như bản chất sự kiện không hề thay đổi. Không thể chỉ vì vài ý chi tiết chưa chuẩn này mà phủ nhận toàn bộ cuốn sách, cho đó là “độc hại và nguy hiểm” có lẽ hơi cực đoan. Hơn nữa, những người biên soạn sách chưa hề từ chối tiếp thu và sửa chữa bổ sung.
Động cơ
Cái rất khó có thể khẳng định vì chỉ có người đó mới biết: Có vẻ như tướng Hoàng Kiền có một động cơ khác, một lý do khác để tấn công tướng Lê Mã Lương như vậy? Có một dấu hỏi phải chăng tướng Hoàng Kiền cho việc bảo vệ cái người được cho là đứng sau lệnh “không nổ súng” này là quan trọng nhất, nên chỉ cần động đến ông ấy là không được, và cần phải vứt bỏ cả cuốn sách công phu và đầy tâm huyết này? Nếu hai bên cùng nhìn nhận là sẽ phải kiểm tra xác minh lại tình tiết này để sau này sự thật sẽ được “đính chính” lại cho đúng thì đâu có khó khăn gì.
Sự tôn trọng
Cả hai đều là tướng, đều là Anh hùng lực lượng vũ trang trong giai đoạn lịch sử hào hùng của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ở cương vị ấy, công luận trông đợi những cư xử đúng mực, văn hóa và trượng nghĩa, những điều tướng Hoàng Kiền viết về cuốn sách và về tướng Lê Mã Lương, dư luận cho rằng đó là cú đánh sau lưng rất không thuyết phục.
Lời kết
Làm một cuốn sách, hay một sản phẩm sáng tạo trí tuệ, dù rất bài bản cũng không thể nào tránh khỏi những chỗ còn sai sót, việc cần được bạn đọc góp ý, bổ sung, hiệu đính là việc bình thường, huống chi là với cuốn sách đầy nhạy cảm như “Gạc Ma vòng tròn bất tử”. Cuốn sách này được xuất bản đã nói lên sự dũng cảm, tính hy sinh và công sức của những người tâm huyết với vận mệnh của đất nước phải được hết sức trân trọng.
Về những ý kiến, thái độ thiếu chia sẻ với những chi tiết sai sót của cuốn sách, xin mượn lời nhắn của vị trưởng thượng để kết luận cho bài viết này: “Để giặc chiếm mất Gạc Ma là một nỗi đau đời đời, xin đừng làm gì đau thêm nỗi đau này”.
T.V.T.
Tác giả gửi BVN