Nguyễn Khắc Mai
Đọc báo Tuổi trẻ mấy ngày gần đây, thấy Thành uỷ Sài Gòn họp bàn về 7 “cái” đột phá. Vào hôm khai mạc báo đưa tin: Tìm giải pháp đột phá cho Thành phố. GS Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư TP nói: Ý nghĩa kép của hội nghị là tìm giải pháp đột phá cho TP trong nửa nhiệm kỳ còn lại.
Hai chữ “đột phá” được nhắc đi nhắc lại nhiều trong tường thuật khi khai và bế mạc, tôi thấy rõ là họ thật sự lúng túng nhiều để đột phá. Nào là “phải có thay đổi mang tính đột phá trong triển khai các chương trình (đột phá) này”, nào là “khó khăn rất lớn về vốn, nếu không đột phá thì không thể nào làm được”, rồi còn “khó hoàn thành nếu không đột phá”. Đã đột phá chưa? Chưa! Họ đưa ra những giải pháp cho là có tính đột phá như: công nghệ thông minh, như đổi mới cơ quan chịu trách nhiệm, phân công lãnh đạo phụ trách từng “đột phá”, xã hội hoá để kiếm nguồn tài chính…
Có một giải pháp tôi gọi là rùng rợn khi Nguyễn Thiện Nhân đề nghị lấy 26.000 ha đất nông nghiệp của nông dân đấu thầu lấy một triệu rưỡi tỷ (1,5 triệu tỷ)! Hoá ra trong não trạng của họ cái đột phá thường trực là “cướp đất” của nông dân. Lấy đất của dân chi cho những công trình, giải pháp này xưa cũ quá. Thời nhà Trần sử chép, khi đắp đê nếu phạm vào ruộng của dân thì triều đình bỏ tiền ra mua ruộng ấy. Ông Nhân có định mua bán sòng phẳng hay “giải phóng ruộng đất và đền bù rẻ mạt?”
Bây giờ trở lại hai chữ “đột phá”. Đây là hai từ “Hán Việt”. “Đột” nghĩa là a/ Đâm thủng, b/ Bất chợt, thình lình (đột ngột, đường đột, đột tử…) c/ Nhô cao lên (đột khởi)… “Phá” thì ai cũng hiểu (phá hoại, phá nhà phá nước, phá rừng, phá hoại môi trường, phá đám, phá cổ, phá lệ, phá bỉnh, phá án, cả… phá trinh).
Hai chữ đột phá ghép lại thường dùng trong quân sự (đột phá khẩu – chọc thủng, mở một cửa để xung kích xông vào trận địa, một cách cấp tập, thình lình), một nhiệm vụ có ý nghĩa mở đường, tạo ra sự diễn tiến, biến đổi, chuyển động… tiếp theo.
Qua tường thuật báo chí, tôi thấy họ dùng hai chữ “đột phá” với nhiều nghĩa lẫn lộn, khi thì hiểu là quan trọng, cần thiết, cấp bách. Đôi chỗ họ có sự hiểu như sự mở đường.
Theo chỗ tôi hiểu, thì chỉ nên dùng “đột phá” như là một việc, nhiệm vụ, chương trình mũi nhọn để “đột phá” nhằm mở đường giải quyết những việc khác. Người ta lạm dụng chữ “đột phá” để tuyên truyền rằng, thành phố đang xông vào những việc rất to lớn… liên quan đến quốc kế dân sinh. Cố nhiên những việc quốc kế dân sinh thì cần thiết, quan trọng, cấp bách. Tuy nhiên dùng chữ theo thói quen “propagande” hoàn toàn khác với dùng chữ nghĩa có hàm lượng tri thức, tư tưởng, thể hiện một tầm tư duy không giản đơn, hời hợt.
Cơ mà, đã xác định đến bảy “đột phá” thì không còn là đột phá. Nó tựa như phương thức gai mít, cái gì cũng mũi nhọn. Trong bảy cái “đột phá” của các anh, tôi cho chỉ có cái thứ ba: “Nâng cao năng lực tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế TP” là đáng được coi như một mũi đột phá, và cái thứ nhất, cái thứ hai được coi như hai chương trình hỗ trợ – tả phù hữu bật! Nhịp nhàng biết mấy!
Tôi nghĩ các anh chị nên tìm học tư duy Breakthrough – Thinking. Người ta đã dịch là “Tư duy Đột phá”. Đây là phát kiến của hai Giáo sư: Shozo Pibino (Nhật) và Gerald Nadler (Mỹ). Họ đã nghiên cứu và đi tới xác định phạm trù học thuật này. Ban đầu họ xác định bảy nguyên tắc. Sau xây dựng thành: a/ Ba nguyên lý nền tảng. b/ Bốn giai đoạn đột phá và c/ Ba quy trình giai đoạn.
Tôi không diễn giảng dông dài, các anh chị muốn học, bảo thư ký mời trí thức thành phố đến giảng cho. Khá thú vị đấy. Riêng Ba nguyên lý nền tảng, tôi chú ý nhất Tính duy nhất, bởi vì tôi nhận thấy các anh chị đã vi phạm nó khi đã xác định đến 7 đột phá. Vì thế không có gì là “đột phá” nữa. Sự lúng túng của hội nghị qua tường thuật đã hiện rõ. Đấy là nói đột phá trong lĩnh vực kinh tế xã hội.
Riêng về Đảng thì tôi có lời khuyên: Đảng nên có một chương trình đột phá “Trả quyền dân cho Dân. Trả Chính quyền cho Dân”. Dân sẽ biết cách tập hợp những trí thức thứ thiệt hạng và thượng hạng để bầu ra Quốc hội, bầu trực tiếp Chủ tịch Nước hoặc Thủ tướng.
Trả lại quyền của dân cho Dân. Dân sẽ biết cách tạo ra một chính quyền thật sự do dân, vì dân và của dân. Từ đột phá này, tất yếu sẽ xảy ra ba quá trình và ba hiệu ứng lớn lao của Dân tộc và Đất nước.
A/. Dân và xã hội sẽ biết tập trung hiệu đính lại cái mà Các Mác gọi là sự bôi bác. Mác từng dẫn một cách ngôn La tinh: Cacatum non es pictum, nghĩa là cái bôi bác không phải là bức tranh. Cái gọi là công trình XHCN trên quê hương thực chất chỉ là một cacatum (sự bôi bác). Phải làm lại. Tham nhũng sẽ bị đẩy lùi, nền kinh tế sẽ lấy lại sức thanh xuân, trong sáng. Vị thế của Nước sẽ không còn là chư hầu lệ thuộc!
B/. Một nền chính trị Dân quyền sẽ được xây dựng. Cái thế hệ Tháng Tám năm xưa đã hát vang trên từng đường phố, trên từng xóm làng: LẬP QUYỀN DÂN TIẾN LÊN VIỆT NAM! 73 năm nay, quyền dân chưa được lập, nó bị tiếm đoạt dưới nhiều thủ đoạn tinh vi!
C/. Đảng (hiện nay) sẽ trở thành một Chính Đảng có tính chính danh, chính thống, chính nghĩa, thu hút những thành viên là những con người sáng giá trong xã hội, chứ không phải là “bọn làm quan phát tài”, lũ “sâu bọ cái gì cái gì cũng ăn”. Trong cái môi trường đua tranh mới, như Đông Kinh Nghĩa Thục nói “Chỉ phải tiến nhanh lên mà thôi”, những người “cộng sản” sẽ thật sự rũ bùn đứng dậy! Tôi nghĩ những người yêu nước của Sài Gòn, giới trẻ có ý thức, những đảng viên, cán bộ trăn trở thực với vận mệnh Đất nước, hãy tính tới một bước đột phá cho Đảng thứ thiệt của dân của nước.
Để Việt Nam thật sự siêu vượt lên trong tình thế Ấn Độ-Thái Bình Dương-Đông Á trong Thế kỷ XXI!
Để cho Sài Gòn trở lại là Hòn Ngọc Viễn Đông!
N.K.M.
VNTB gửi BVN