Các giải pháp để kinh tế VN không cần 3 đặc khu

ÔNG ĐINH TRƯỜNG HINH

Tác giả nói ba vùng quan yếu về địa chính trị của Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển du lịch mà không cần quy chế đặc khu cho người nước ngoài đến sinh sống miễn trừ visa. HOANG DINH NAM/GETTY IMAGES

Tiến sĩ kinh tế Đinh Trường Hinh ở Virginia, Hoa Kỳ nói chính phủ Việt Nam nên tìm các giải pháp khác để thúc đẩy kinh tế bền vững thay cho cách làm ba đặc khu ở nơi quan yếu về địa lý và chính trị.

Trả lời câu hỏi của BBC nhân sự kiện Luật ba đặc khu (SEZ) tạm được hoãn bỏ phiếu trong Quốc hội Việt Nam dư luận phản đối nhưng có vẻ như Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn quyết tâm làm, ông gợi ý giải pháp gì để ba khu vực Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc vẫn phát triển được ra sao.

Ông cũng nói về cách mà Việt Nam về lâu dài không bị thua thiệt, hoặc như một số ý kiến, là gặp nguy hiểm về an ninh, quốc phòng nếu cho xây ba đặc khu này:

TS Đinh Trường Hinh: Tôi vẫn chưa hiểu lý do tại sao phải lập ra ba đặc khu này. Nếu mục đích là để tăng phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm vững chắc lâu bền cho dân chúng thì ba đặc khu này sẽ không giúp gì cho mục đích đó. Thứ nhất, các nước như Trung Quốc vào thời kỳ bắt đầu cải tổ kinh tế đã dùng bốn đặc khu kinh tế Sán Đầu, Hạ Môn, Thâm Quyến, và Chu Hải (Shantou, Xiamen, Shenzhen, và Zhuhai) làm thí điểm để rút kinh nghiệm trước khi đem ra áp dụng những cái cách kinh tế này vào toàn trong cả nước và đã thành công. Nhưng sau đó, khoản từ 1979 đến 1989, các đặc khu này không còn đóng vai trò gì đáng kể.

Thứ hai, vấn đề Việt Nam đang gặp không phải là thiếu vốn đầu tư mà là thiếu kém về chất lượng đầu tư và thiếu đầu tư vào những lănh vực đặc biệt mà Việt Nam đang cần để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Những lãnh vực này là những ngành công kỹ nghệ cao có thể đem lại giá trị sản xuất cao hơn và tận dụng trí tuệ của dân Việt Nam.

vấn đề cần nhất của Việt Nam là làm sao để các công ty tư nhân trong nước được lớn mạnh và cạnh tranh thành công trên thế giới

TS Đinh Trường Hinh

Muốn như vậy, điều quan trọng hơn hết là Việt Nam cần phải rà soát lại những đầu tư nước ngoài để chú trọng hơn về chất lượng và phải làm sao giúp các công ty nội địa (Việt Nam) nối kết với các công ty ngoại quốc hầu có thể thu nhập kỹ thuật và học hỏi để tiến lên.

Thứ ba, muốn Việt Nam phát triển kinh tế và tạo công ăn việc làm lâu dài cho người dân thì phải nâng cấp (upgrade) các công ty nhỏ và vừa hoặc các công ty gia đình Việt Nam trong nước (chứ không phải các công ty ngoại quốc) để gia nhập và cạnh tranh thành công trên thị trường thế giới.

Bìa cuốn Công nghiệp nhẹ tại Việt Nam, các xu hướng phát triển. Bản quyền hình ảnh DINH TRUONG HINH

TS Đinh Trường Hinh (bìa trái hình) trong một buổi làm việc của Ngân hàng Thế giới. Bản quyền hình ảnh ĐINH TRƯỜNG HINH

Như vậy trọng tâm của các cuộc cải cách cần có hiện nay là giúp đỡ các doanh nghiệp nội địa phát triển chứ không nhắm đến các doanh nghiệp nước ngoài. Tôi đã trình bày những rào cản cho sự phát triển kỹ nghệ Việt Nam trong cuốn sách ‘Light Manufacturing in Vietnam’ (Công nghiệp nhẹ tại Việt Nam).

Cho nên, thay vì lập những đặc khu kinh tế này, Việt Nam nên thí nghiệm các cải cách muốn làm ở các khu công nghiệp hiện có (thay vì sẽ có).

Có thể lập ra ba khu kinh tế đã hoạt động dựa trên những công ty đã ghi danh trước với chính phủ (vào cuối năm 2017 [?] chẳng hạn) và đem những cải cách đó thử trong một thời gian. Nếu chỉ dùng những công ty hiện hữu thì cũng tránh được những lời ra tiếng vào về đầu tư của một nước lạ làm ảnh hưởng đến nền độc lập và tự chủ của nước ta.

Còn nếu mục đích lập các đặc khu này là để phát triển về du lịch giải trí và một mặt khác để tách những ảnh hưởng xấu của du khách ra khỏi xã hội Việt Nam chẳng hạn như casinos thì không nên cho người nước ngoài mua bán đất đai và cũng không cần phải theo các luật lệ nước ngoài làm gì.

BBC: Qua quan sát của các ông, Việt Nam Cộng hòa trước đây, và các nước khác ở châu Á, đã đi qua giai đoạn thúc đẩy phát triển kinh tế hoặc mở SEZ thế nào, phần hơn thiệt ra sao?

TS Đinh Trường Hinh: Tôi đã viết khá nhiều về SEZ cho các nước đang phát triển và trong phạm vi của một bài phỏng vấn như thế này, khó có thể trình bày cho hết ý. Nói tóm tắt là không phải mở SEZ ra ở đâu cũng thành công cả. Có rất nhiều các nước mà SEZ đã thất bại hoàn toàn. Cho nên vấn đề quan trọng nhất là phải định hướng rõ mục đích của SEZ và học hỏi những bài học của những nước đã thành công. Những bài học của Trung Quốc tôi đã viết ra trong cuốn sách ‘Tales from the Development Frontier’.

Theo Ngân hàng Thế giới, từ ngữ đặc khu kinh tế SEZ rất tổng quát, bao gồm nhiều khái niệm khác nhau như khu thương mại tự do, khu công nghiệp, cảng tự do, khu thương mại nước ngoài, khu chế xuất, khu kinh tế đặc biệt, khu xuất khẩu tự do, khu hợp tác thương mại và kinh tế, khu chế xuất…

Cảnh vùng biển Vân Đồn, Quảng Ninh

Mặc dù có nhiều biến thể về tên và hình thức, tất cả có thể được định nghĩa một cách rộng rãi là các khu vực đã được phân ranh giới trong phạm vi của một quốc gia mà ở trong các khu vực này, điều lệ kinh doanh khác với các điều lệ trong lãnh thổ quốc gia. Các điều lệ khác biệt này chủ yếu liên quan đến các điều kiện đầu tư, thương mại quốc tế, hải quan, thuế và môi trường pháp lý; theo đó, môi trường kinh doanh trong các khu vực này thường tự do hơn và hiệu quả hơn là môi trường kinh doanh trong lãnh thổ quốc gia.

Chính vì định nghĩa tổng quát ở trên của SEZ trên thế giới, bao gồm cả khu công nghiệp, nên những kinh nghiệm về SEZ trên thế giới dều là những kinh nghiệm chung chứ không phải là kinh nghiệm cho đặc khu như Vân Đồn, Bắc Vân Phong hay Phú Quốc là những trường hợp đặc biệt khác với khu công nghiệp thông thường chẳng hạn như về cho thuê đất đai hay luật lệ.

Theo định nghĩa tổng quát này, hiện nay trên thế giới đã có trên 130 nước có SEZ và con số SEZ cũng đã tăng từ 79 năm 1975 lên đến 3500 năm 2006.


Hong Kong nhìn từ Thâm Quyến: Đặc khu kinh tế của Trung Quốc lập ra từ thời Đặng Tiểu Bình có lợi thế là nằm sát Hong Kong, khi đó còn là thuộc địa Anh. Bản quyền hình ảnh TOMMY CHENG

Vai trò của SEZ thay đổi tùy theo quốc gia, chẳng hạn vào năm 2000, SEZ đã chiếm 81% của FDI ở Philippines, 80% ở Trung Quốc và 23% ở Mexico.

Nhiều quốc gia trên thế giới nhất là ở Phi Châu như là Nigeria, Senegal, Malawi, Namibia, và Mali đã gặp nhiều vấn đề với SEZ. Một số những yếu tố góp phần vào sự thất bại này là lập kế hoạch chiến lược kém, không phù hợp với lợi thế so sánh (comparative advantage).

Nhiều SEZ đã được bắt đầu mà không có nghiên cứu cẩn thận về nhu cầu thị trường hoặc lập kế hoạch chiến lược. Một số thất bại vì lựa chọn vị trí kém, chẳng hạn vị trí khu vực được xác định quá thường xuyên bởi chính trị hơn là cân nhắc về kinh tế hoặc thương mại.

Một số vì không đủ đầu tư vào cơ sở hạ tầng hoặc vì khả năng thực hiện kém và thiếu thẩm quyền hay thiếu sự hỗ trợ cấp cao và ổn định chính sách.

Các phân tích của WB cho thấy muốn SEZ thành công cần có một số các điều kiện tiên quyết sau đây ở các nước đang phát triển:

  • – Phải tập trung SEZ ở những nơi có thể bổ sung và hỗ trợ tốt nhất cho lợi thế so sánh được xác thực thông qua một quy hoạch chiến lược chi tiết, bản báo cáo feasibility và quy trình lập kế hoạch tổng thể.

  • – Nhập SEZ vào gói chính sách phát triển kinh tế, thương mại và kinh tế rộng lớn hơn.

  • – Nhập và hỗ trợ SEZ vào cụm công nghiệp hiện có thay vì để thay thế các cụm này.

  • – Thúc đẩy các trao đổi giữa SEZ và môi trường trong nước thông qua các cải cách chính sách và hành chính.

  • – Hỗ trợ việc cung cấp các cơ sở hạ tầng cứng và mềm bao gồm SEZ, các khu đô thị trọng điểm và các cửa ngõ thương mại

  • – Phát triển các khung pháp lý và củng cố chúng bằng cách giải quyết những thách thức về thiết kế và phối hợp thể chế.

  • – Thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân và các quan hệ đối tác công-tư, cùng với sự hỗ trợ kỹ thuật với việc cấu trúc và đàm phán các PPP.

  • – Thiết lập các tiêu chuẩn rõ ràng về tuân thủ môi trường, lao động và xã hội, và xác định các trách nhiệm pháp lý để theo dõi và thực thi.

  • – Xây dựng và thực hiện một chương trình giám sát và đánh giá toàn diện ngay từ đầu, với các biện pháp bảo vệ tại chỗ để đảm bảo các chương trình phát triển chương trình SEZ vẫn phù hợp với các kế hoạch chiến lược và tổng thể.

Trong thời gian vừa mới cải tổ kinh tế, các khu công nghiệp giúp Trung Quốc giải quyết được một số vướng mắc quan trọng về phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của công kỹ nghệ như thiếu đầu vào, thiếu mặt bằng sản xuất, kinh doanh, thiếu vốn, kho vận thương mại yếu kém, quản lý kém, hay trình độ lao động thấp (Xin xem thêm chương 3 của sách Tales from the Development Frontier).

Các khu công nghiệp ở Trung Quốc phát triển qua ba giai đoạn. Ở giai đoạn đầu (1980-91), các khu công nghiệp là một phần của các đặc khu kinh tế được lập ra để thiết lập những phương thức mới nhằm thu hút vốn FDI, phát triển sản xuất hàng xuất khẩu. Đến giai đoạn hai (1992-98), những cải cách này được mở rộng quy mô lên cấp quốc gia. Số lượng các khu công nghiệp tăng nhanh khi các địa phương tham gia vào cuộc đua tăng trưởng trên toàn quốc.

Bìa một cuốn sách nghiên cứu mà ông Đinh Trường Hinh đã xuất bản về kinh nghiệm phát triển kinh tế của TQ. Bản quyền hình ảnh DINH TRUONG HINH

Trong giai đoạn ba (1999 đến nay), sau cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997-98 và việc Trung Quốc gia nhập WTO, Bắc Kinh phát động Chiến lược ‘Tây bộ đại khai phá’, tập trung đầu tư quy mô lớn để giúp các tỉnh miền tây bắt kịp với những khu vực duyên hải phát triển. Trọng tâm phát triển các ngành sản xuất có hàm lượng lao động cao đã chuyển dịch vào các khu vực vùng sâu vùng xa, đồng thời các khu công nghiệp ven biển cũng bắt đầu chuyển dịch sang các ngành hàng có hàm lượng vốn, công nghệ cao hơn.

Khu kinh tế đầu tiên của Trung Quốc được thành lập ở Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông năm 1980. Mùa xuân năm 1992, sau chuyến công tác của Đặng Tiểu Bình tới miền nam Trung Quốc và lời khẳng định lại về cam kết cải cách kinh tế của Trung Quốc, chủ trương nới lỏng quy định về ngoại thương và đầu tư dần dần được áp dụng mở rộng ra cho các thành phố lớn và toàn bộ khu vực ven biển, đồng thời các khu kinh tế, phát triển công nghệ cũng ngày càng xuất hiện nhiều. Một số khu kinh tế đã có đóng góp đáng kể vào tăng trưởng vùng miền và nguồn thu của địa phương.

Thành công này khuyến khích các tỉnh khác thành lập, khuyến khích thành lập các khu kinh tế riêng của mình, cũng như khắc phục những trở ngại về môi trường kinh doanh bằng cách xây dựng thêm cơ sở hạ tầng, cải cách chính sách cho những khu vực trọng điểm. Phong trào xây dựng khu kinh tế trọng điểm bùng nổ ở Trung Quốc. Tính đến cuối năm 1992, hơn 2.700 khu kinh tế trọng điểm đã mọc lên ở khắp nước, cao gấp 23 lần năm 1991.

Tác giả nói khái niệm đặc khu kinh tế bao gồm rất nhiều mô hình khác nhau và tùy nơi mà phát huy tác dụng hoặc gây hại cho kinh tế nước chủ nhà. AFP

Sau đó, chính quyền các cấp còn tiếp tục xây dựng thêm các khu kinh tế trọng điểm. Đến giữa năm 2012 đã có tới năm đặc khu kinh tế (Hải Nam, Sán Đầu, Thâm Quyến, Hạ Môn, Châu Hải), 90 khu kinh tế trọng điểm quốc gia, 88 khu phát triển công nghiệp công nghệ cao quốc gia, 22 khu phi thuế quan và 15 khu hợp tác kinh tế cửa khẩu. Tất cả những khu kinh tế này đều được hưởng ưu đãi đặc biệt của chính quyền trung ương. Chính quyền cấp tỉnh và địa phương hỗ trợ hơn 1000 khu phát triển công nghiệp khác. Năm 2010, các khu kinh tế trọng điểm cấp quốc gia đóng góp 7% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), 11% sản lượng sản xuất, 15% kim ngạch ngoại thương. Những khu kinh tế này cũng chiếm tới 29% lượng vốn FDI.

Nên nhớ miền nam Trung Quốc được chọn để xây dựng bốn đặc khu kinh tế đầu tiên của Trung Quốc vì một số lý do. Thứ nhất, vị trí này cho phép thu hút các thương nhân Hoa kiều vì hầu hết những người này đều có nguồn gốc từ đây. Mục đích là tận dụng nguồn vốn, trình độ quản lý, kiến thức về công nghệ cao của đối tượng này. Thâm Quyến và Chu Hải có chung đường biên với Hong Kong và Ma Cao, trong khi Sán Đầu và Hạ Môn có quan hệ với Hong Kong, Đài Loan và các cộng đồng Hoa kiều ở Đông Nam Á. Người dân ở những khu vực này có liên hệ mật thiết với nước ngoài và có truyền thống giao tiếp với thế giới bên ngoài.


Luật Đặc khu ở Việt Nam đã bị biểu tình phản đối. FACEBOOK

Dù cơ sở hạ tầng của Đại Liên, Thanh Đảo, Thượng Hải và những nơi khác còn nhiều yếu kém nhưng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn có thể yên tâm rằng các khu kinh tế sẽ bảo đảm được cho họ môi trường hoạt động gần chuẩn mực thị trường nếu nằm ở xa những trung tâm công nghiệp chính của Trung Quốc cũng như cách xa những thế lực cực đoan có khả năng phản đối cải cách hơn.

BBC: Nhiều ý kiến lo ngại về đồng tiền và nhân sự Trung Quốc liên quan đến ba đặc khu nêu trên, vậy nếu để thu hút các nhà đầu tư từ nước khác, chính phủ Việt Nam cần làm gì?

TS Đinh Trường Hinh: Quan trọng nhất vẫn là chất xám của người Việt Nam. Do đó để thu hút các nhà đầu tư và một mặt khác để vượt lên trên bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam cần phải có những cải tổ đột phá về giáo dục và về đào tạo trường dạy nghề. Đã có biết bao nhiêu là những báo cáo nói về đề tài này nhưng những cái cách đó vẫn chưa được thực hiện. Chẳng hạn trong cuốn sách về Việt Nam ở trên, tôi đã đề nghị một số các biện pháp chính sách cần được triển khai để tăng số lượng và chất lượng công nhân có tay nghề, giúp nền kinh tế vươn lên mức cao hơn trên bậc thang giá trị gia tăng:

  • – Tăng cường sự phối hợp giữa Bộ Giáo Dục Đào Tạo (GDĐT) và Bộ Lao Động, Thương Binh, và Xã Hội (LĐTBXH). Đây là bước đi căn bản trong nỗ lực củng cố hệ thống GDĐT dạy nghề kỹ thuật.

  • – Nới lỏng các gánh nặng và sự kiểm soát hành chính đối với các trường đại học và cơ sở GDĐT dạy nghề kỹ thuật, và xác định các ưu tiên phát triển sao cho trường đại học và cơ sở GDĐT dạy nghề kỹ thuật có thể được mở rộng để đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và nâng cao tiêu chuẩn giáo dục.

  • – Tăng cường sự liên kết giữa trường đại học và ngành, xây dựng khung pháp lý để các cơ sở GDĐT có cơ hội đối thoại với các chủ thể kinh tế khác trong môi trường xung quanh, thí dụ như với doanh nghiệp, ngành, đại diện về chuyên môn trong các cơ quan nhà nước quản lý giáo dục, ủy ban thẩm định chương trình đào tạo, các nhóm đánh giá nghiên cứu, và các hội đồng đánh giá luận án.

  • – Tạo động lực để xây dựng cơ chế khuyến khích doanh nghiệp nhận học viên thực tập và tạo nhiều khuyến khích hơn để có cơ hội tích lũy kinh nghiệm tại nơi làm việc.

  • – Khuyến khích đầu tư tư nhân vào GDĐT dạy nghề kỹ thuật bằng cách tạo khung pháp lý minh bạch. Cơ chế mới cần tính đến cả việc tư nhân hóa và cổ phần hóa các trường công và đầu tư tư nhân mới, cũng như tăng đầu tư của chủ doanh nghiệp trong GDĐT dạy nghề kỹ thuật.

  • – Tăng cường hỗ trợ thể chế thị trường lao động. Các thể chế thị trường lao động này cần tăng cường dịch vụ hướng nghiệp, tư vấn nghề nghiệp và các dịch vụ khác.

BBC: Ông đã từng làm việc cho Ngân hàng Thế giới, và biết nhiều về các nước châu Phi, châu Á, vậy bài học chung nhất ông có thể nói cho Việt Nam vào thời điểm này gì?


Trái cây ở chợ Dương Đông, Phú Quốc, Việt Nam – hình chỉ có tính minh họa. Bản quyền hình ảnh GODONG/GETTY IMAGES

Tiến sĩ Đinh Trường Hinh: Là một nhà kinh tế, tôi luôn luôn đặt các đề nghị về giải pháp kinh tế vào trong bối cảnh chính trị xã hội. Nước Việt Nam có một láng giềng lớn mà lại nhiều thủ đoạn luôn luôn muốn xâm chiếm các nước khác nhỏ hơn. Trong tình thế đó Việt Nam phải luôn luôn đề cao cảnh giác và nếu phải hy sinh về những mối lợi kinh tế ngắn hạn để được độc lập tự chủ lâu dài thì là một điều phải làm. Việt Nam không nên lựa chọn những địa điểm nhạy cảm về quốc phòng chẳng hạn như Vân Đồn, Bắc Vân Phong hay Phú Quốc để lập đặc khu.

Hơn nữa cần phải xác định rõ tại sao muốn chọn đặc khu trong thời điểm này.

Như đã trình bày ở trên, muốn kinh tế phát triển lâu dài thì phải thay đổi chính sách kinh tế đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong nước chứ không phải tăng FDI vào những ngành về dịch vụ như du lịch hoặc là mở sòng bài. Trong trường hợp muốn tăng trưởng các dịch vụ này thì chỉ nên dùng các luật hiện hành ở các khu doanh nghiệp và không nên cho các đặc chế về cho thuê đất đai hay là dùng luật nước ngoài và cần nhất là không nên cho miễn visa đối với các nước láng giềng để tránh những tai hại lâu dài về độc lập và tự chủ của nước Việt Nam.

Cũng cần nhớ rằng gần đây Trung Quốc hô hào về các đặc khu về du lịch như Hải Nam là vì trong mấy năm gần đây, nguồn FDI net vào Trung Quốc đã cạn, vì xin nhớ là net FDI là sự khác biệt giữa FDI đầu vào và FDI đầu ra.

Chẳng hạn như từ năm 2015 đến nay, net FDI của Trung Quốc đã là số âm trong khi đó net FDI của Việt Nam vẫn là 11-12 tỷ đô la.

Nếu tính net FDI theo đầu người thì Việt Nam hiện hơn xa Trung Quốc và là một nước mà nguồn đầu tư FDI vào nhiều nhất. Vấn đề do đó là Việt Nam có vận dụng để hưởng tối đa những ích lợi từ FDI hay không mà thôi.

Theo như tôi thấy vấn đề cần nhất của Việt Nam là làm sao để các công ty tư nhân trong nước được lớn mạnh và cạnh tranh thành công trên thế giới. Đó là cách tăng trưởng kinh tế bền vững và lâu dài nhất.

Đ.T.H.

Tiến sĩ Đinh Trường Hinh hiện là Chủ Tịch Công Ty EGAT tại Hoa Kỳ. Ông nguyên là Chuyên gia kinh tế chính, Văn phòng Phó chủ tịch và Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới ở Washington, D.C. (1978-2014).

Hiện sống tạ̣i bang Virginia, Hoa Kỳ, ông đã đăng tải các tác phẩm Công nghiệp nhẹ châu Phi (2012), Các câu chuyện kể từ mặt trận phát triển kinh tế (2013), Phát triển công nghiệp nhẹ tại Việt Nam (2013), và Công việc làm, kỹ nghệ hoá, và toàn cầu hoá (2017).

Nguồn: https://www.bbc.com/vietnamese/forum-44519804

This entry was posted in đặc khu. Bookmark the permalink.