GS Đặng Hữu gửi Quốc hội, Thủ tướng 4 kiến nghị về Luật An ninh mạng

Lê Quỳnh

Kiến nghị thu hẹp phạm vi điều chỉnh Luật An ninh mạng, tập trung vào bảo đảm an ninh mạng trong các Cơ quan Nhà nước; bãi bỏ các quy định tạo ra rào cản, gánh nặng kéo lùi sự phát triển của khu vực tư nhân,… là một trong các nội dung kiến nghị mà nhóm chuyên gia đã từng đánh giá và chuẩn bị đưa internet vào Việt Nam cách đây 21 năm, do GS. Đặng Hữu thay mặt, vừa gửi Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ.

GS Đặng Hữu, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ vừa đại diện nhóm chuyên gia trong lĩnh vực quản lý Công nghệ Thông tin gồm Đặng Hữu, Chu Hảo, Mai Liêm Trực vừa gửi tới Chủ tịch Quốc hội, đại biểu Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Thư kiến nghị về Luật An ninh mạng.

http://uploads.nguoidothi.net.vn/content/d1a9f3e7-b885-460e-9b29-5c653fd1266d.jpg

GS Đặng Hữu

Đây là những chuyên gia đã được Chính phủ giao đánh giá và chuẩn bị đưa internet vào Việt Nam cuối thập niên 1990.

Với việc đưa được internet vào Việt Nam vào năm 1997 (chậm so với khởi đầu của thế giới khoảng 7-8 năm; so với các dịch vụ viễn thông của Việt Nam mở ra chậm hơn thế giới khoảng 40-50 năm, dịch vụ điện thoại di động chậm hơn khoảng 15-20 năm), theo nhiều đánh giá, dù Việt Nam đã bỏ lỡ cơ hội với 3 cuộc cách mạng công nghiệp trước, nhưng riêng với internet, Việt Nam đã không chậm hơn, và đó là điều kiện để Việt Nam rút ngắn khoảng cách so với các nước.

Tuy nhiên, ở dự thảo Luật An ninh mạng hiện nay, nhóm chuyên gia do GS. Đặng Hữu thay mặt, qua nghiên cứu kỹ lưỡng, đã cho rằng: “các điều luật đề xuất không giải quyết được vấn đề tấn công mạng; không giúp bảo vệ được an toàn internet của Nhà nước và người dân, và có thể kéo lùi sự phát triển của internet, kinh tế số và xã hội thông tin Việt Nam”.

Nhóm chuyên gia quan điểm, an ninh mạng là “cuộc chiến kỹ thuật”, các giải pháp sử dụng công cụ pháp lý hình sự hay hành chính không phải là lựa chọn tối ưu.

Đồng thời, với vấn đề địa phương hoá dữ liệu-tức máy chủ, dữ liệu phải đặt trong phạm vi một quốc gia-nếu áp dụng cho Việt Nam thời điểm này là quá sớm. Bởi đây là vấn đề phức tạp, mới mẻ và đang gây tranh cãi ở nhiều nước; tính hiệu quả thực thi chưa được xác thực, nhưng chi phí thực thi lớn.

Theo đó, nhóm chuyên gia đưa ra 4 điểm kiến nghị, cụ thể: Dự thảo luật chỉ nên thông qua khi thu hẹp phạm vi điều chỉnh, tập trung vào bảo đảm an ninh mạng trong các cơ quan Nhà nước.

Kiến nghị Bãi bỏ hoàn toàn Điều 24, 26, 38, 39 và 40 của dự thảo, do tác động thu hẹp quyền tiếp cận và cơ hội sử dụng internet cho việc học tập, nghiên cứu, kinh doanh, trao đổi thông tin của người dân; ảnh hưởng đến quyền dân sự, chính trị của công dân, có thể đặt doanh nghiệp vào rủi ro phạm pháp; rủi ro lớn xâm phạm quyền riêng tư của cá nhân, bí mật an toàn thư tín,…

Thư kiến nghị Quốc hội giao Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thẩm tra dự thảo, thay vì giao cho Uỷ ban Quốc phòng An ninh.

Kiến nghị tiếp tục nghiên cứu vấn đề bảo vệ dữ liệu người dùng, và xây dựng bổ sung luật sau,…

“Trên internet có thông tin không chính xác; có thông tin chống đối Đảng và Nhà nước, nhưng tự do thông tin, theo chúng tôi, không làm Đảng và Nhà nước yếu đi mà ngược lại, giúp cho Nhà nước mạnh hơn thông qua tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình với người dân”., Thư kiến nghị viết.

http://uploads.nguoidothi.net.vn/content/6589fff9-7c95-49f6-b75b-5954faa349ca.jpg

Ảnh chụp một phần nội dung Thư kiến nghị về Luật an ninh mạng.

L.Q.

Nguồn: http://nguoidothi.net.vn/gs-dang-huu-gui-quoc-hoi-thu-tuong-4-kien-nghi-ve-luat-an-ninh-mang-13967.html

This entry was posted in an ninh, Tự do báo chí. Bookmark the permalink.