NGƯỜI DÂN BIẾT GÌ VÀ NÓI GÌ VỀ ĐỘI NGŨ QUAN CHỨC HIỆN NAY?

Góp nhặt tiếng nói của dân về Hội nghị TW7 (khóa XII)

Sắc Ly

(Nhóm “Sưu tầm vui tính”)

Nội dung trọng tâm của Hội nghị TW7 (khóa XII) là vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược. Từ sau Hội nghị đến nay mọi người chúng ta được tiếp nhận khá nhiều thông tin đa chiều, nhưng nhiều nhất và có vẻ như lấn lướt tất cả thì chắc chắn là các thông tin một chiều, áp đặt từ các báo, đài mọi cấp, mà nội dung chủ yếu vẫn là các giọng điệu tô hồng, ca ngợi, động viên, hô hào ầm ĩ, sáo rỗng về các chủ trương đã được bàn thảo và nghị quyết. Nhóm “Sưu tầm vui tính” chúng tôi đã được tiếp xúc với khá nhiều tầng lớp nhân dân (chứ không phải quan chức), kể cả một bộ phận vốn từng là quan chức nay đã nghỉ hưu, nhưng bản chất là những người tử tế, có chính kiến độc lập. Khác hẳn với những bài viết, bài nói dài dòng, nặng tính ngụy biện, vòng vo, dối trá của truyền thông nhà nước, những ý kiến của người dân vẫn luôn có sức thuyết phục, vì mộc mạc, cụ thể, thẳng thắn, phản ánh đúng sự thực, và luôn đứng trên lợi ích tối cao của nhân dân và đất nước để soi xét, phản biện.

Đầu tháng 5, nhóm chúng tôi làm một cuộc hành trình ngắn theo Quốc lộ 1 từ Hà Nội vào đến thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh). Những buổi tiếp xúc thường là kết hợp với tham quan, tắm biển, tìm hiểu tình hình dân sinh, thưởng thức văn hóa ẩm thực,… Chúng tôi dừng chân lâu nhất là 2 ngày rưỡi ở thành phố Sầm Sơn, còn các điểm khác chỉ không quá một buổi (chợ Bầu – Phủ Lý, chợ Vườn Hoa và nhà Ga Thanh Hóa – Tp Thanh Hóa, bến xe Vinh và chợ Vinh – Nghệ An, chợ thị xã Hồng Lĩnh – Hà Tĩnh). Tại Sầm Sơn, chúng tôi tham gia họp đồng môn khóa đại học thời chống Mỹ, ở đó không những được tắm biển mà thú vị nhất là được gặp lại một số bạn học cũ quê Thanh Hóa (TH), nay đã nghỉ hưu và đang là hội viên Câu lạc bộ (CLB) Hàm Rồng (của cán bộ trung cao cấp của tỉnh TH). Đây là một cơ hội tốt để chúng tôi thực hiện được đầy đủ hơn mục đích chính của chuyến đi này. Tại các điểm dừng chân khác chúng tôi đều tiếp xúc chủ yếu là với các tầng lớp lao động (lái xe ôm, lái xe tắc xi, lao động tự do từ nông thôn lên, công nhân, tiểu thương, người bán hàng rong, bán cơm bình dân,…). Tất cả các đối tượng mà chúng tôi được tiếp xúc đều có một thái độ cởi mở, chân thành và một tinh thần trách nhiệm công dân đáng quí. Chúng tôi đã được nghe nhiều lời tâm sự gan ruột của họ, phần lớn là những lo lắng, ưu phiền, những chua xót, đắng cay, tủi hổ,… của những kiếp người bị trị, không có tự do, không được làm chủ, không được “mở miệng” thực sự, trong một thể chế có cái tên rất đẹp – CHXHCNVN! Chúng tôi không thể kể lại tất cả những gì họ đã nói, đã trao đổi và gửi gắm cho chúng tôi ngay một lúc được. Trong bài viết ngắn này chúng tôi chỉ xin nhặt ra và ghi lại một số những lời nói thật của bà con dân thường quanh cái chủ đề lớn mà ai cũng quan tâm: đội ngũ cán bộ các cấp, kể cả cán bộ cấp chiến lược.

1- Trước hết, về những nhìn nhận của giới “cựu tinh hoa” cấp tỉnh (mà đại diện là các hội viên CLB Hàm Rồng ở TH). Theo các bạn tường thuật lại thì sáng 30/4, đúng ngày sinh hoạt định kỳ của CLB, lãnh đạo tỉnh đã bố trí cho đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri với toàn thể hội viên CLB, mà tổ chức này lâu nay đã luôn được coi là cái “sân sau”, là chỗ dựa về ý thức hệ của lãnh đạo tỉnh. Một sự bất ngờ với mọi người, kể cả với giới lãnh đạo, là cái “cây cảnh” đó bỗng nhiên hóa thành “ổ kiến lửa”, nó bùng vỡ ra và chích đốt mấy nốt quá đau với các đại biểu lãnh đạo ngồi dự, làm cho đại biểu điếng người, tái mặt (có cả chính những vị bị vạch mặt tại trận, như ông Phi – Bí thư Thành ủy), không dám phản ứng và không thể kêu được với ai cả! Thời gian tiếp xúc các “đại cử tri” này chỉ có vỏn vẹn chưa đầy một buổi sáng, nên mới chỉ có 17 cụ được phát biểu. Nội dung ý kiến tuy cũng đề cập đến khá nhiều vấn đề về lãnh đạo và quản lý kinh tế – xã hội, nhưng nổi bật lên vẫn là chuyện cái Tâm, cái Tài và cái Tầm của giới quan chức hiện nay. Tình hình kinh tế – xã hội của Thanh Hóa (TH) đang bộn bề nhiều bất cập, khó khăn, và cả sai lầm, chứ đâu có “khởi sắc” như báo chí của họ đang ‘hót” khá hay! Những yếu kém, bê bết đó đều bắt nguồn từ chất lượng đội ngũ “công bộc”, mà những người đứng đầu là bí thư các huyện, trưởng các ban ngành cấp tỉnh, và cao nhất là Bí thư Tỉnh ủy.

– Sai phạm của TH trong lãnh đạo và quản lý chính trị – kinh tế – xã hội có nhiều lắm, đủ dạng, đủ loại, đủ mức độ trong hầu hết các lĩnh vực. Đã có nhiều vụ việc nổi cộm mà cả nước đều biết và lên tiếng, như vụ cô Quỳnh Anh được nâng đỡ không trong sáng, vụ tuyển dụng giáo viên tùy tiện ở Yên Định và Tp Thanh Hóa, các vụ cưỡng chế và tham nhũng đất đai phục vụ cho các đại gia (FLC, Vingroup,…) và các nhóm lợi ích địa phương, hàng loạt vụ bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo không đủ tiêu chuẩn và vượt số lượng qui định, những sai phạm chậm được khắc phục của ngành công an, mà người đứng đầu lại là một ông tướng có học hàm PGS vv… Những sai phạm trên tuy đã được báo chí nhắc nhở và cấp trên xử lý bước đầu (không triệt để), nhưng lãnh đạo TH hình như vẫn cố tình đeo đuổi, ngoan cố thực hiện mưu đồ cũ của mình, để rồi có thể sẽ sai phạm nặng hơn. Nổi cộm lên vẫn là chuyện cưỡng đoạt đất đai của dân và của công phục vụ cho các dự án kinh tế của các nhóm lợi ích. Ví dụ đất ở phường Đông Hương mà cụ Hòa đã tố cáo đích danh chủ mưu là ông Phi, đất các công sở và trường học trong nội đô bị bán cho các đại gia và sẽ đuổi các đơn vị cũ ra ngoại thành,… Việc này đang được thực hiện quyết liệt, nhưng cố không làm ồn ào như trước, và dân vẫn tiếp tục phản đối!

– Đã có một vài vị cán bộ chủ chốt bị lộ diện quá rõ, dư luận lên án gay gắt nên đã bị xử lý kỷ luật, đau nhất là Phó Chủ tịch tỉnh Ngô Văn Tuấn. Nhưng còn rất nhiều các vị khác có liên quan hoặc là tội phạm chính thì vẫn chưa bị “sờ gáy”, vẫn như chưa bị lộ, vẫn yên vị bám ghế! Rất mừng là các cụ bạn hội viên của chúng tôi (và có lẽ còn nhiều hội viên khác nữa) đã sớm nhận ra thực chất vấn đề. Họ đều biết tỏng là lãnh đạo TH đang cố né tránh cái “lò” nóng rực của cụ Tổng, họ đang làm động tác giả, cứ thử thí đi một vài “con dê tế thần” để trấn an dư luận và thăm dò thái độ của cấp cao nhất, rồi chờ tìm các kế sách khác, chứ TH chưa dám tự mình nổi lửa “đốt lò” theo cụ Tổng! Và cũng thật bất ngờ là ngay trong buổi tiếp xúc cử tri của đoàn đại biểu QH tỉnh TH, có nhiều cụ hội viên đã dũng cảm thay mặt đồng đội nói lên sự thật về những chuyện khuất tất, xấu xa, bẩn thỉu đang hiện hữu trong tỉnh để các ông bà “nghị” khỏi phải tiếp tục “bị mù” nữa! Chúng tôi nhớ nhất là những lời nói thật đã gây sốc, của vài ba cụ hội viên tại buổi tiếp xúc mà các bạn tôi đã kể lại. Chẳng hạn có cụ nêu rõ: Ở cái thành phố TH này (và trong cả tỉnh TH nữa) không ai lạ lẫm gì cái tên ông Nguyễn Xuân Phi, không phải vì ông ta là Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, mà là vì những tai tiếng ghê tởm, lì lợm của ông ta. Ông Phi vốn nổi tiếng từ khá lâu rồi, về khối tài sản “khủng” và về những “biệt tài” có một không hai ở cái xứ Thanh vốn hiền lành này. Biệt danh của ông ta là “hung thần cướp đất của dân”, là “phù thủy dạng mafia” có thể biến hóa khôn lường đất của dân và đất công thành đất tư của riêng mình và gia đình, là “dân áp phe chính trị” khá lọc lõi, có thể dùng tiền hoặc nhiều tiền để “mua” được các chức danh lãnh đạo, từ Tỉnh ủy viên cho đến Thường vụ Tỉnh ủy, rồi Bí thư Thành ủy. Ông ta còn “mua” được cả lãnh đạo CLB Hàm Rồng, khi các cụ kiến nghị với Tỉnh ủy không để ông ta vào Tỉnh ủy vì không đủ tiêu chuẩn! (và nghe các cụ nói ông ta còn mua được cả học vị TS đẻ tự trang điểm tên tuổi nữa?!). Dân Tp TH và dân những địa bàn có các doanh nghiệp lớn mà ông ta là một cổ đông nặng ký, đều gọi ông ta là “Thằng Phi” một cách khinh bỉ thật sự, ở bất cứ chỗ đông người nào! Các cụ chất vấn đoàn đại biểu QH là Tại sao lại để một kẻ đáng ghê tởm và nguy hiểm như vậy làm lãnh đạo nhiều khóa, từ cấp Thành phố cho lên đến cấp tỉnh, và trớ trêu hơn lại để làm cả Chủ tịch HĐND Tp, cơ quan đại diện cho quyền lực của nhân dân!?

– Tại buổi tiếp xúc với đoàn đại biểu QH, các cụ đã nêu lại trường hợp Phó Chủ tịch tỉnh Ngô Văn Tuấn, kẻ bị coi là tội phạm chính trong vụ Quỳnh Anh. Các cụ hỏi đoàn: Vì sao TH lại xử chậm và quá nhẹ để TW phải vào cuộc, sửa sai và làm lại? Ông Tuấn có phải là kẻ chủ mưu không, ai đứng đàng sau chống lưng cho ông ta? Lãnh đạo TH có thật sự thông suốt với sự chỉnh sửa của TW không, nếu đã thông rồi thì tại sao lại cố tình tìm cách cứu vớt và tiếp tục ưu ái với ông ta, bằng cách lại thu xếp để ông ta giữ một chức vụ lãnh đạo mới ở cấp tỉnh (tổ trưởng tổ tư vấn về các dự án phát triển đô thị và nhà ở của tỉnh)?

– Các cụ “đại cử tri” ở CLB Hàm Rồng đã đặt ra một câu hỏi lớn hơn cho đoàn đại biểu: Trách nhiệm của ông Trịnh Văn Chiến – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh – đến đâu về những sai phạm của lãnh đạo TH, và cả những sai phạm của cá nhân ông Chiến (kể cả tham nhũng), với tư cách là người đứng đầu cao nhất tỉnh? TW Đảng và QH có biết không, sao không có động thái gì, nên ông ta vẫn yên vị và tiếp tục độc quyền, lộng quyền, hàng ngày ông ta vẫn rao giảng và răn dạy đảng viên và dân lành trong tỉnh?! Các cụ đã cho đoàn đại biểu QH biết rõ là ở TH hiện nay ông Chiến không còn tí phần trăm uy tín nào cả với nhân dân, và hỏi: Liệu một con người đã tha hóa và mất hết uy tín đến như thế thì có nên tiếp tục để làm lãnh đạo nữa không, nhất là với một tỉnh lớn, đông dân, có truyền thống và nhiều tiềm năng như TH? Tại sao TW và QH vẫn cố tình bao che cho ông Chiến, từ nhiều năm nay?

– Nhóm sưu tầm chúng tôi còn được các bạn đồng môn đang là hội viên CLB cho biết thêm một tình tiết rất xấu nữa, xảy ra ngay sau ngày tiếp xúc cử tri tại CLB. Đó là chuyện có một nhóm côn đồ đến tận nhà cụ Hòa và vài cụ khác (đã dám nói thật trong buổi tiếp xúc), để làm cái việc mang tính du côn, mafia: “dằn mặt” các cụ vì cái tội dám “nói xấu” lãnh đạo cấp cao của Tp và tỉnh! Cụ Hòa đã trình báo với lãnh đạo CLB và các cơ quan chức năng. Dân thành phố và trong tỉnh cũng đã biết thông tin này và bày tỏ thái độ rất bất bình, phẫn nộ, đòi chính quyền phải mạnh tay trừng trị theo pháp luật. Hôm nay nhóm chúng tôi đã về đến Hà Nội, chúng tôi vừa nhận được tin nhắn của các bạn ở TH là: Tại buổi báo cáo thời sự của CLB sáng 30/5, chính cán bộ tuyên giáo tỉnh cũng đã xác nhận thông tin này, và cho biết đúng bọn này là côn đồ, cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra làm rõ để xử lý?! Anh em chúng tôi cùng có chung một suy nghĩ: Bản chất bọn côn đồ là chống đối pháp luật và chính quyền, không bao giờ chúng nó lại tự nguyện tự giác hợp tác với chính quyền, bênh vực chính quyền, bảo vệ quan chức cả (trừ khi chúng nó cũng là chính quyền)! Bọn này thực chất là tay chân của ông Phi, ông Chiến, của CA Thành phố và CA Tỉnh, chúng đóng vai côn đồ để thực thi nhiệm vụ “dằn mặt” do cấp trên giao! Anh em chúng tôi cùng đưa ra câu hỏi: Tại sao lãnh đạo TH lại bày ra (hoặc đồng tình với những tên tham mưu mất dạy dựng nên) cái trò ma quái bẩn thỉu này nhỉ, chính nghĩa ở đâu mà phải lén lút dùng đến “luật rừng”? Họ tưởng rằng dân chúng không thể biết được cái bụng dạ bẩn của họ, không hiểu được sự phi pháp của cái trò “dằn mặt” lộ liễu này đã từng diễn ra ở nhiều nơi rồi sao? Nếu là lãnh đạo chính danh và là những quan chức tử tế thì không bao giờ thèm nghĩ đến cái hạ sách này, và càng không dám làm cái trò mèo đó. Mà sao Tuyên giáo lại phải giải trình chuyện này, làm sao mà đánh lừa nổi cán bộ và nhân dân, làm sao lại phảii bảo vệ những kẻ không đáng bảo vệ, mà chỉ có thể làm giảm thêm uy tín của các vị ấy thôi! Tuyên giáo càng vào cuộc thì càng khó thoát ra, vì càng giải trình thì lại càng lòi cái “đuôi cáo” ra, càng rơi vào thế “lạy ông tôi ở bụi này”, gây thêm bất lợi cho lãnh đạo! Đây quả là một sự tính toán ngu xuẩn của những kẻ bất lương, đích danh là tội phạm! Chúng ta cực lực lên án và yêu cầu TH chấm dứt ngay sự đe dọa những người ngay thẳng, như vừa diễn ra, dưới mọi hình thức!

2- Xin nói tiếp về những ý kiến của một mảng cư dân quan trọng khác: các tầng lớp lao động. Do môi trường mưu sinh khá vất vả, hàng ngày hàng giờ luôn tiếp xúc với chuyện “cơm, áo, gạo, tiền” nên bà con đều có những nhận xét rất cụ thể, xác đáng về các vấn đề an sinh xã hội, dân chủ ở cơ sở,… Đó là những chuyện về đất đai, nhà ở, về nước sạch, điện sáng, về chi tiêu gia đình, đi lại, học hành, chữa bệnh, về gánh nặng thuế và phí, về quyền được biết, được bàn, được kiểm tra, được khiếu nại và tố cáo,… Chúng tôi đã được nghe bà con kể rất nhiều chuyện vô lý, đến mức phẫn nộ mà họ và người thân đang là nạn nhân. Chuyện về nhiều nông dân bị chiếm đất ruộng và đất ở, không chịu nhận tiền bồi thường quá bèo, nhưng vẫn bị cưỡng chế và trở thành những người không nhà, không nghề, đành dắt díu nhau lên thành phố kiếm sống vất vưởng bằng cái nghề hạ đẳng nhất – lao động “cửu vạn”! Chuyện về gánh nặng thuế, phí (kể cả nạn lạm thu ở trường học, viện phí quá cao,…) nên nhiều trẻ đành thất học và lam lũ như bố mẹ, nên nhiều người nghèo bệnh nặng đành nằm chờ chết! Chuyện về sự “vòi vĩnh” của công chức các cấp khi dân có việc liên quan phải tiếp cận (xin các thứ giấy tờ, làm thủ tục xuất khẩu lao động, vay vốn làm nghề, cho con đi học,…), thậm chí còn có chuyện ăn chặn tiền cứu trợ xã hội (ký nhận xong phải “biếu” lại một phần tiền), rồi chuyện nộp lệ phí thả vịt ra đồng đã gặt xong! Chuyện về nhiều địa bàn dân cư chưa hề được dùng điện, chưa hề được dùng nước sạch. Chuyện về môi trường sinh thái ngày càng ô nhiễm nặng nề, làm giảm sút sức khỏe người dân, làm phát sinh nhiều bệnh tật, kể cả bệnh hiểm nghèo! Chuyện về dân chủ hình thức, dân không được “mở miệng”,… nên phát sinh ngày càng nhiều các vụ khiếu kiện đông người, kéo dài hàng chục năm, nhiều nhất là về đất đai! Nhiều và còn nhiều lắm những cực khổ về vật chất, những oan khiên, đau đớn về tinh thần,… đã trở thành chuyện thường ngày, trong nhiều chục năm nay.

– Nhưng mặt khác, nhờ quan hệ giao tiếp rộng rãi và dựa vào phương tiện thông tin (hầu như ai cũng có điện thoại di động và kể cả điện thoại thông minh, ngoài tivi ở gia đình) nên bà con lao động không chỉ biết những chuyện cụ thể như trên, sát sườn với cuộc sống của mình, mà họ còn biết và hiểu đúng những chuyện khác của các địa phương xung quanh, chuyện lớn của đất nước, của thiên hạ toàn cấu, trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Kết nối những hiểu biết đó lại, bà con đã hiểu đúng tình hình đất nước, biết rõ cái trở lực lớn nhất, cả trước mắt và lâu dài, đối với sự phát triển bền vững của đất nước chính là những bất cập, yếu kém của đội ngũ cán bộ các cấp, kể từ cán bộ cấp chiến lược. Đã có một sự ngẫu nhiên hợp lô gích là ý kiến khái quát của bà con ở bộ phận này hầu như tương đồng, dù nơi cư trú khác nhau (thuộc 4 tỉnh), và có thể tóm lược các đại ý như sau: Số rất đông các quan chức ngày nay không thật lòng vì dân vì nước, như mồm họ “hót” đâu. Họ xa dân, không tin dân, không chịu lắng nghe dân, họ áp bức dân, bóc lột dân, họ sợ dân, thậm chí coi dân như kẻ thù, và thực tế đã trở thành đối lập với dân về lợi ích cơ bản, họ thuộc một giai cấp mới và khác hẳn. Dưới con mắt của quan chức thì người dân, nhất là dân đen như bà con lao động nghèo, chỉ như là rơm rác, giun dế,… chỉ là bộ phận tận cùng đáy của xã hội,… nên họ thỏa sức “hành” dân mà không chút lăn tăn, e ngại, lo sợ! Bà con lao động cũng tự cảm nhận được thân phận đó của mình, thấy tủi thân, do vậy mà thực tâm người dân đã mất hết lòng tin ở quan chức, thực lòng họ luôn phải cảnh giác với quan chức, thực lòng họ không muốn hợp tác và ủng hộ quan chức, vì suy đến cùng đều chỉ mang lại thiệt hại cho dân mà thôi, còn lợi quyền thì luôn chỉ có bọn quan chức được hưởng! Bà con còn rất nhớ các câu nói của ai đó rằng: “Quan chức ngày nay ở cấp xã, huyện chả khác gì bọn cường hào ác bá, cai tổng, quan huyện thời phong kiến ngày xưa, thậm chí còn xảo quyệt hơn, đểu cáng hơn!”, rằng “Bọn họ ăn của dân đủ mọi thứ, không chừa thứ gì!”, hoặc “Rất nhiều cán bộ ngày nay đã trở nên vô cảm với dân rồi!”,… thì quả là không sai và không oan tí nào!

– Với thói quen tư duy cụ thể, cùng với những lời nói thật về thực trạng xã hội, bà con ở bộ phận này đã rất cố gắng giúp chúng tôi được thấy tận mắt những Vật Chứng về sự hư hỏng, nhất là tội tham nhũng, của giới quan chức tại các địa phương (cả đương chức và đã nghỉ hưu). Chúng tôi đã được các bác lái xe ôm hoặc tắc xi cho đi thị sát các khu nhà sang trọng, các biệt thự, nhà vườn, các khu đất đã phân lô và chưa phân lô, các nhà thờ họ, các khu mộ gia tiên, họ tộc,… thuộc sở hữu của cán bộ chủ chốt các tỉnh mà chúng tôi dừng chân. Đúng là không ngờ lại có những chuyện thật như bịa, như chuyện thần thoại, quá sức tưởng tượng và lý giải của người dân thường! Có lẽ ấn tượng nhất là các tua xe đi ngắm các khu đất và biệt thự của ông Phi ở quanh Tp TH! (Do không đủ thời gian lưu lại ở các nơi dừng chân để kiểm chứng nên chúng tôi chưa dám đưa lên đây các bức ảnh đã chụp được, mặc dù rất tin những bà con dẫn đường).

– Lại có thêm một sự trùng hợp ngẫu nhiên khá thú vị nữa (xét về mặt nghiệp vụ sưu tầm sự kiện thôi) là ở cả 5 điểm dừng chân, khi tiếp xúc với anh em và bà con ở cả 2 diện, đặc biệt là các bác lái xe ôm hay tắc xi, chúng tôi đều được thưởng thức các bài vè về cùng một chủ đề Quan Chức thời nay. Giữa các dị bản, chúng tôi thấy có một số điểm khác nhau về hình thức bài vè, như câu chữ, thể loại 3 chữ hoặc 4 chữ, tiêu đề. Chúng tôi xin phép sao trích ra đây một trong các dị bản đó: bài vè 3 chữ có tiêu đề ÔNG HAY THẰNG?, do các bác lái xe tắc xi ở Phủ Lý và Sầm Sơn đọc để tặng lại chúng tôi (hai bản này gần giống nhau nhất).

Vè dân gian xó chợ

ÔNG HAY THẰNG?

Sắc Ly (st)

Tóc bạc trắng

Vì nghĩ lắm

Mưu triệt nhau

Mặt đỏ au

Vì dzô nhau

Vơ và nhậu

Đầu bã đậu

Khó nghĩ xa

Tâm đen tà

Sao lo tốt

Đã ngu dốt

Lại tham lam

Nói và làm

Đều rất chán

Giỏi mua bán

Chức, Danh, Lợi

Dân mất đợi

Nước hết trông

Một lũ ÔNG

Chỉ đáng THẰNG

Cứ đằng thằng

Còn thua ***!…

30/4 – 25/5/2018

3- Thay cho phần kết.

Xin ghi lại mấy lời thoại giữa chủ và khách chúng tôi trước các buổi chia tay, để thay cho phần kết của bài viết này.

Mấy bạn hội viên CLB Hàm Rồng hỏi chúng tôi:

– Các bạn đi qua nhiều tỉnh rồi, xin cho biết nhận định khái quát về thực trạng chất lượng đội ngũ quan chức các cấp hiện nay, tỷ lệ bộ phận còn có thể tin được, dùng được là bao nhiêu?

Câu trả lời của chúng tôi là:

– Chúng tôi đi chưa nhiều nhưng đọc thì không ít, nhưng đây là việc không đơn giản. Chúng tôi không có điều kiện để làm điều tra xã hội học nên rất khó nêu chính xác bằng con số. Nhưng lại vẫn có thể nói đúng thực trạng, theo yêu cầu của các bạn. Hạn chế chính để có thể đánh giá được đầy đủ là: các tố chất cơ bản của hai thành phần cốt lõi trong nhân cách mỗi con người, cái Tâm (đạo đức) và cái Tài (năng lực, trí tuệ), đều tồn tại ở dạng phi vật chất, không phải lúc nào cũng bộc lộ ra ở dạng vật chất để khách quan có thể cầm nắm được, nhìn thấy được, nghe ghi được,… nên rất khó đo đếm để định lượng. Nhưng bù lại để vẫn có thể đưa ra những đánh giá đúng bản chất của thực trạng nếu có phương pháp tiếp cận khoa học. Đó là căn cứ vào hành động, vào hiệu quả của việc làm mà đánh giá, là khai thác tốt “tai mắt” của nhân dân, là biết cảnh giác và biết cách loại trừ các biểu hiện ngụy tạo từ phía đối tượng, là phải nắm chắc và biết sử dụng phương pháp tư duy biện chứng, theo lô gích chặt chẽ,…Với cách tiếp cận nêu trên, chúng tôi tự tin và mạnh dạn nói rằng: tỷ lệ quan chức thực sự có trí tuệ, có năng lực, có cái Tâm thực sự thuộc về Tổ quốc và nhân dân, và thực sự có bản lĩnh xứng với cái Tầm là người lãnh đạo và quản lý đất nước và xã hội, thì rất thấp đang tiếp tục thấp dần đi, trong khi đó tỷ lệ các quan chức hư hỏng thì đã ở mức áp đảo đối với phần còn lại!…

– Có tỉnh nào tình hình cán bộ sáng sủa hơn TH không? Những điển hình là tấm gương xấu như ông Chiến, ông Phi, ở những vị trí người đứng đầu, có phải là phổ biến không, có vị nào còn xấu tệ hại hơn không?

– Điều này hơi khó nói thẳng ra vì đụng chạm đến sĩ diện cá nhân, nhưng vì lợi ích chung nên chúng tôi xin phép cứ nêu toạc ra để mọị người đối chiếu và liên hệ. Hình như chưa thấy tỉnh nào có tình hình cán bộ được coi là sáng sủa cả, đụng vào tỉnh nào, ngành nào cũng thấy nhầy nhụa các tiêu cực, lúc nhuc các quan chức tha hóa, phạm tội! Cứ mỗi ngày lại thấy có thêm vài tỉnh, vài ngành, cùng với hàng chục vị quan chức bị bêu danh và được luận tội. Chắc là ông Chiến, ông Phi chưa phải là điển hình xấu tệ hại nhất đâu, và cũng chưa phải là nhân vật cuối cùng phải phơi mặt và danh thiếp trên công luận?! Nhưng cho đến thời điểm này, cứ theo thông tin trên các mạng xã hội đứng đắn, thì có lẽ cái ê kíp người thân và thuộc hạ của ông cựu Bí thư Tp HCM Lê Thanh Hải đang được coi là “cộm cán” đầu bảng đấy! (những chỗ khác chúng tôi chưa nắm được).

– Cứ theo cái đà của tiến trình “đốt lò” này thì phải chăng Tổng Bí thư (TBT) có thể làm cho Đảng trong sạch hơn thật sao, nhưng rồi có thể không còn ai để làm việc cho Đảng nữa, và cũng không còn ai xứng đáng được ở lại để phục vụ nhân dân nữa sao?

– Lo sợ như vậy là hơi “yếu bóng vía” và bi quan, nhưng cũng không thể không nghĩ đến. Chắc điều này thì TBT và Bộ Chính trị cũng đã tính đến rồi, chúng ta phải chờ thôi! Nhưng người dân chúng ta thì đã cảm nhận được một sự không an toàn của một tương lai không còn xa nữa đâu!…

– Các bạn có nghĩ đến phương án qui hoạch, đào tạo và bồi dưỡng khoảng 600 cán bộ cấp chiến lược cho nhiệm kỳ khóa XIII không? Liệu đó có phải là một giải pháp căn cơ, tốt nhất và khả thi nhất trước thực trạng hiện nay không?

– Theo giải thích của TW thì cán bộ cấp chiến lược bao gồm các ủy viên TW Đảng (trong đó có các bí thư tỉnh, các bộ trưởng), Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh tương đương (hàm bộ trưởng). Con số này của khóa XII hiện nay và của khóa XIII sắp tới là đều khoảng 600 vị, đảm bảo phủ đủ và kín các chức danh chủ chốt (người đứng đầu) của toàn bộ hệ thống chính trị cả nước (Đảng, Chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị, chính trị – xã hội cấp TW,…). Nếu chỉ xét con số cơ học thì việc chọn số lượng này không khó, 600 mới sẽ thay thế 600 cũ, và hình như người ta đã chọn xong. Nhưng vấn đề cốt tử lại nằm ở cái nút thắt Chất Lượng: đủ Tâm, đủ Tài và đúng Tầm. Chúng tôi cho rằng đây không phải chỉ là một qui trình thay người, mà là một cuộc thay máu cho Đảng, cho bộ máy nhà nước, đầy cam go, trước hết là với các quan chức cấp chiến lược. Cái khó cho Đảng là ở chỗ này, vì phải bảo đảm tốt và sạch 100%, tuyệt đối không được thay bằng “máu” đã bị nhiễm bẩn. Vì đây là vấn đề vận mệnh của đất nước, như cảnh báo từ sự kiểm chứng thực tiễn lâu nay rồi. Ở đây cần làm sáng tỏ cái lý của việc chọn cử thì mói bật ra được cách chọn cử đúng. Chọn cử quan chức cấp cao này (và mọi loại quan chức khác) là để làm việc cho Dân cho Nước, để dẫn dắt nhân dân, phục vụ nhân dân, thì Dân phải có quyền lựa chọn, phải giữ quyền quyết định cao nhất trong việc lựa chọn. Thế nhưng lâu nay Dân không hề có quyền này, tất cả quyền này đều thuộc về Đảng, cao nhất là Bộ Chính trị. Đó là một sự vô lý nên tất yếu đã nảy sinh hàng loạt các hệ lụy, bất cập, bế tắc trong công tác cán bộ nói chung, trước hết là quy hoạch cán bộ cấp chiến lược! Vì làm sai nguyên lý trên nên chưa bao giờ chúng ta chọn được cán bộ tốt, và sự tha hóa cán bộ có lẽ phải xem xét từ nguyên nhân gốc rễ này mới đúng! Và nếu lần này vẫn tiếp tục cách làm như cũ thì chắc chắn phương án này sẽ không thể thành công, như mong muốn!

Một số lao động “cửu vạn” ở các điểm chúng tôi dừng chân đã hỏi chúng tôi:

– Bao giờ ở nước ta không còn loại hình lao động cùng cực này như chúng tôi đang làm nữa? Bao giờ thì tiếng nói và lợi quyền của tầng lớp lao động nghèo như chúng tôi thực sự được quan tâm và tôn trọng?

Và chúng tôi đã thưa lại rằng:

– Lúc nào chúng ta có được một đội ngũ quan chức (lãnh đạo và quản lý) thực sự đúng chuẩn về cả Tâm – Tài – Tầm, thực sự là người của Dân, do Dân và vì Dân, và không còn bóng dáng của loại quan chức tha hóa như hiện nay nữa, các bác ạ! Cực khó đấy, nên chúng ta phải cùng nhau phấn đấu quyết liệt, phải tự mình làm chứ không thể trông chờ, và tất nhiên phải kiên trì!

Một nhóm hội viên CLB Hàm Rồng lại trao đổi thêm:

– Chúng ta cùng nghĩ sâu thêm vấn đề này nữa: có những cán bộ trước khi đưa vào dự nguồn thì tốt, tốt thực sự, thế mà sau một thời gian làm cán bộ chủ chốt thì thay đổi hẳn, có trường hợp rất nhanh, bắt đầu từ sự tha hóa lối sống. Sự tha hóa này hình như đã trở nên phổ biến. Vậy đâu là nguyên nhân thực sự và chủ yếu, từ chủ quan đối tượng hay từ môi trường cơ chế, thể chế?

– Chúng tôi nghiêng nhiều về nguyên nhân khách quan, vì cho đó mới là cách nhìn nhận khoa học, không duy ý chí, không né tránh sự thật. Do đó phải nghĩ đến đòi hỏi thay đổi cơ chế, đổi mới thể chế!

Phần ghi chép lần này xin tạm dừng ở đây. Mong được cùng trao đổi!

Ngày 3 tháng 6 năm 2018

S.L.

Tác giả gửi BVN.

This entry was posted in quan chức, Ý dân. Bookmark the permalink.