Nguyễn Đình Cống
Việc Bộ Chính trị ĐCS đề xuất lập 3 đặc khu, cho soạn thảo luật, rồi thúc ép Quốc hội thông qua chứng tỏ đang mong tìm một món lợi hoặc thể hiện một ý đồ nào đó. Luật đã được nhiều người quan tâm. Vậy phải chăng nó là sản phẩm trí tuệ cao của tầng lớp tinh hoa? Không phải! Tôi đã đọc dự thảo gồm 6 chương với 85 điều và 6 phụ lục (khoảng 35 ngàn chữ), thấy rằng gần 90% nội dung là những điều nhàm chán hoặc rác rưởi, khoảng vài phần trăm là các dự kiến khoác lác, dối trá, còn lại là một số mưu đồ. Dự thảo là sản phẩm của một số đầu óc kém trí tuệ, thiếu khoa học, nhưng có thừa xảo ngôn và chước quỷ mưu ma. Nó đã gặp sự phản đối gay gắt và rộng rãi từ phía các tổ chức Xã hội dân sự, của nhiều trí thức và các tầng lớp nhân dân.
Những phản biện chỉ ra rằng, các đặc khu định thực hiện chỉ có thể phát huy tác dụng cách đây vài chục năm, trong hoàn cảnh cuối thế kỷ 20. Với tình hình hiện nay, các đặc khu như vậy không còn thích hợp, mang lại lợi ít, hại nhiều. Lợi cho một nhóm người nào đó, cho dã tâm bành trướng của Trung cộng, còn thiệt hại lớn cho Dân tộc.
Trong lúc phản đối 3 đặc khu trong dự thảo luật thì tôi thấy VN lại rất nên làm một đặc khu về thể chế. Hình mẫu của nó gần giống như Hồng Công (Một nước 2 thể chế). Nhưng Hồng Công là tiếp nối do Anh để lại mà Đặng Tiểu Bình đã khôn khéo chấp nhận. Còn đặc khu về thế chế ở VN là do chủ động lập nên. Đó là một vùng làm thí điểm, xây dựng thể chế dân chủ với tam quyền phân lập, với đa nguyên chính trị.
Về thể chế, Đảng CS kiên trì Chủ nghĩa Mác Lê với độc quyền đảng trị. Nhiều ý kiến cho rằng đó là môi trường làm phát sinh và nuôi dưỡng mọi tai họa như tham nhũng, mua quan bán chức, kìm hãm sự phát triển, xuống cấp giáo dục và đạo đức v.v… Nhiều ý kiến cho rằng, muốn phát triển đất nước thì việc quan trọng đầu tiên là cải cách thể chế, hay là đổi mới lần 2, đổi mới về chính trị, dựa trên nền hành chính pháp quyền, kinh tế thị trường và xã hội dân sự. Tuy vậy, Đảng không muốn cải cách theo hướng đó mà vẫn cố giữ thể chế độc tài đảng trị với Chủ nghĩa Mác Lê. Đảng cho rằng thể chế đó là ưu việt, trong khi nhiều phản biện nhận xét rằng nó là tai họa của nhân loại.
Vậy để biết đúng sai như thế nào thì trước hết Đảng cần chấp nhận đối thoại. Khi Đảng không thắng được trong đối thoại thì hãy nới lỏng ra một chút để dân làm thử xem sao. Đảng không muốn nới lỏng thì dân đoàn kết lại, đấu tranh buộc Đảng phải nới. Đó là diễn biến hòa bình, chưa phải trong toàn quốc mà mới chỉ trong một đặc khu. Tôi mong ước Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đứng ra nhận làm đặc khu như vậy, làm chủ vận mệnh của mình và nếu thành công tốt đẹp thì cả nước làm theo.
Đặc khu về thể chế nhằm đến thịnh vượng trên cơ sở giải phóng năng lực và phát triển phẩm giá con người, mang lại Tự do và Hạnh phúc cho nhân dân. Có 2 cách để lập ra đặc khu: Cách 1 – Từ trên xuống. Cách 2 – Từ dưới lên. Cách nào cũng phải xuất phát từ nhận thức và quyết tâm của một người hoặc nhóm người nòng cốt, từ đó vận động rộng ra để nhận được ủng hộ của số đông. Cách 1 xuất phát từ người có cương vị từ trong giới lãnh đạo. Cách 2 – từ người trong phong trào quần chúng, từ tổ chức xã hội dân sự.
Cần xác định rõ nghĩa vụ của đặc khu đối với Quốc gia. Đó là nghĩa vụ nộp ngân sách (đóng thuế), nghĩa vụ bảo vệ và phát triển đất nước. Những công việc cụ thể về tổ chức bộ máy pháp quyền, về phát triển kinh tế thị trường (không theo định hướng nào cả), về hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự sẽ tuân theo những qui ước chung của thông lệ quốc tế, Hiến pháp và Pháp luật hiện hành của VN. Nếu có những điều vượt ra ngoài Hiến pháp và Pháp luật thì cần xin phép Chính phủ hoặc Quốc hội và công khai cho toàn dân biết.
Trong trường hợp đặc khu được lập theo cách 2 thì Đảng không cần ra nghị quyết, Quốc hội không cần ban hành luật, chính phủ không phải chỉ đạo. Lúc này Đảng chỉ cần tôn trọng quyền lợi chính đáng của dân, có bất đồng gì thì đấu tranh bằng ngôn luận và nghị trường, không dùng vũ lực đàn áp, Quốc hội chỉ cần ra thông báo công nhận đặc khu, theo dõi, kiểm tra sự tuân thủ Hiến pháp, Chính phủ chỉ cần đôn đốc thực hiện nghĩa vụ, phát hiện và ngăn cản việc làm có hại đến quốc gia.
Sẽ có nhiều ý kiến cho rằng đây là giấc mơ giữa ban ngày, là siêu thực, là viễn tưởng. Nhưng cũng đã có nhiều người tài năng, biến được giấc mơ và viễn tưởng của mình hoặc của người khác thành hiện thực. Vậy xin thuật lại giấc mơ để bạn bè tham khảo.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN.