Biểu tình của sinh viên Trung Quốc đòi dân chủ ở quảng trường Thiên An Môn năm 1989. Ảnh: Wikipedia
Trong những năm gần đây, giới tranh đấu Trung Quốc tiếp tục có nhiều hoạt động gây áp lực để đòi Bắc Kinh nhìn nhận sự thật về thảm sát Thiên An Môn. Tuy nhiên, ngay tại Hồng Kông, cái nôi của phong trào tưởng niệm Thiên An Môn, ngày càng có nhiều người đặt câu hỏi về hiệu quả của hướng đấu tranh này, đặc biệt trong giới trẻ. Một số hướng mới được đặt ra.
Cách nay 29 năm, đêm mùng 3 rạng sáng ngày 4/6/1989, chính quyền Bắc Kinh cho xe tăng và binh lính tấn công vào các sinh viên biểu tình ôn hòa trên quảng trường Thiên An Môn, đòi dân chủ. Vụ thảm sát bị chính quyền Trung Quốc dìm trong im lặng (xem thêm phần đóng khung cuối bài “Thư ngỏ của 128 bà mẹ Thiên An Môn gửi Tập Cận Bình”).
Dựng tượng Lưu Hiểu Ba ở Hồng Kông
Một hoạt động tưởng niệm Thiên An Môn tiêu biểu của năm nay tại Hồng Kông, là vụ dựng tượng của nhà tranh đấu Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo), giải Nobel hòa bình, qua đời trong tù hồi năm ngoái. Ông Lưu Hiểu Ba bị chính quyền Bắc Kinh kết án 11 năm tù vì đã thảo ra bản Hiến chương 08, kêu gọi cải cách chính trị tại Trung Quốc, nhận được sự ủng hộ của hơn 300 trí thức Trung Quốc hàng đầu.
Lưu Hiểu Ba là biểu tượng của cuộc đấu tranh vì dân chủ tại Trung Quốc. Cho đến khi qua đời, nhà tranh đấu bị tù tổng cộng bốn lần. Lần đầu tiên là sau khi ông tham gia vào cuộc biểu tình đòi dân chủ ở quảng trường Thiên An Môn, tháng 6/1989. Vào rạng sáng ngày 4/6/1989, chính Lưu Hiểu Ba là người đã cố gắng thương lượng lần chót với lãnh đạo sinh viên và các chỉ huy quân đội, với hy vọng sinh viên được an toàn rời khỏi quảng trường Thiên An Môn trước khi xe tăng ập đến.
Ngày 31/05, bức tượng bán thân Lưu Hiểu Ba được đặt tại một khu phố thương mại bình dân của Hồng Kông, thuộc khu Loan Tử (Wan Chai district) nơi có nhiều người Trung Quốc đến từ Hoa lục sinh sống(1).
Nhà điêu khắc Tsang Kin-shing cho biết ông “hy vọng là tác phẩm nghệ thuật này sẽ động viên mọi người tham gia đông đảo vào buổi lễ thắp nến tưởng niệm” hôm 4/6 tại quảng trường Victoria. Bức tượng giải Nobel Hòa bình cũng sẽ được đưa đến lễ tưởng niệm.
Sinh viên 8 đại học không tham gia thắp nến
Tại Hồng Kông, nơi duy nhất ở Trung Quốc, các hoạt động tưởng niệm diễn ra công khai, hôm 27/05, cả nghìn người tuần hành lên án cuộc đàn áp đẫm máu nhắm vào những sinh viên đòi dân chủ. Diễu hành trước Văn phòng đại diện của Bắc Kinh tại Hồng Kông, người biểu tình hô vang: “Hãy nhận trách nhiệm về vụ thảm sát”, “chấm dứt nền độc tài độc đảng” và giương cao khẩu hiệu: “Khóc cho ngày 6/4 / Chống chế độ độc đoán”. (đọc thêm: Thiên An Môn, nỗi ám ảnh khôn nguôi)
Tuy nhiên, hoạt động tưởng niệm Thiên An Môn trong những năm gần đây dường như không còn nhận được sự đồng thuận của xã hội Hồng Kông như những năm trước, từng được khoảng 200.000 người tham gia (theo ban tổ chức) hay 100.000 (theo con số cảnh sát) (bài của South China Morning Post ngày 01/06).
Năm nay, ngay từ giữa tháng 5/2018, các hiệp hội sinh viên của 8 trường đại học ở Hồng Kông tuyên bố sẽ không tham dự(2). Lý do chính thức mà họ đưa ra là việc đòi công lý cho các nạn nhân Thiên An Môn “không phải là trách nhiệm của người Hồng Kông”. Học sinh năm trường phổ thông, từng tổ chức một diễn đàn đêm trước ngày 4/6 hồi năm ngoái cũng tuyên bố không tham dự.
Việc một bộ phận khá đông đảo giới trẻ Hồng Kông tẩy chay lễ tưởng niệm từng được coi là bản sắc của phong trào dân chủ Hồng Kông cho thấy sự phân hóa sâu sắc trong hàng ngũ dân chủ, giữa một bên là những người tiếp tục gắn bó khăng khít với truyền thống đấu tranh, khởi nguồn từ Mùa Xuân Bắc Kinh, với bên kia muốn tập trung vào các vấn đề riêng của Hồng Kông.
Anh Chan Wai-yin, Chủ tịch Hiệp hội sinh viên Đại học Trung Văn Hồng Kông, giải thích là, hoạt động thắp nến do Liên minh Hồng Kông ủng hộ phong trào dân chủ yêu nước tại Trung Quốc, giờ đây mang tính hình thức. Theo nhà lãnh đạo sinh viên này, điều đó không có nghĩa là họ phủ nhận ý nghĩa của ngày 4/6, mà đơn giản là vì muốn dành ưu tiên cho các hoạt động khác, như kỉ niệm dịch SARS, hay các cuộc tranh đấu của phong trào Dù Vàng năm 2014 tại Hồng Kông.
Giới trẻ xa lánh Hoa lục – sách sử xóa bỏ “Thiên An Môn”
Nhiều sinh viên Hồng Kông giờ đây không còn cảm thấy mình là người Trung Quốc. Theo một lãnh đạo sinh viên trường Đại học Bách Khoa, anh Shue Yan, trách nhiệm mang lại công lý do các nạn nhân Thiên An Môn trước hết phải do chính người Trung Quốc. Theo vị lãnh đạo sinh viên này, quan điểm đòi độc lập cho Hồng Kông hay hướng về thể chế tự trị ngày càng chiếm lĩnh tình cảm của nhiều sinh viên học sinh hơn, kể từ phong trào 2014.
Trong bối cảnh giới trẻ ngày càng có xu hướng không cảm thấy mình là người Trung Quốc, chính quyền Hồng Kông ngày càng bị chính quyền trung ương chi phối mạnh hơn. Hôm 25/05, một cơ quan phụ trách giáo dục Hồng Kông quyết định, trong môn lịch sử ở bậc tiểu học, sẽ không giảng dạy lịch sử riêng của Hồng Kông, mà nhập làm một với môn lịch sử Trung Quốc(3). Các biến cố gây tranh cãi như thảm sát Thiên An Môn bị loại ra khỏi sách sử. Sách sẽ chính thức được sử dụng kể từ năm 2020 (xem thêm: Thảm sát Thiên An Môn 1989: Nhìn từ Việt Nam).
Nhà tranh đấu trẻ phối hợp với cựu lãnh đạo
Tuy nhiên, quan điểm tách rời cuộc đấu tranh dân chủ Hồng Kông với Hoa lục không hẳn đã là chủ đạo. Hôm nay, 04/06, đúng dịp tưởng niệm 29 năm vụ thảm sát, một số nhà lãnh đạo trẻ của phong trào dân chủ Hồng Kông trong đó có Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) phối hợp với các nhà ly khai Trung Quốc, lập ra một diễn đàn đấu tranh cho dân chủ, do ông Vương Đan (Wang Dan) phụ trách(4). Thông báo thành lập vào đúng ngày 4/6 mang tính biểu tượng cao.
Ông Vương Đan, sinh năm 1969, cũng là một lãnh đạo của phong trào Thiên An Môn năm xưa. Theo nhà lãnh đạo trẻ Hồng Kông Hoàng Chi Phong, “đối mặt với đàn áp gia tăng từ phía chế độ Trung Quốc”, “một sự kết nối tốt hơn với xã hội dân sự và cộng đồng quốc tế là rất quan trọng cho việc thúc đẩy dân chủ ở Hồng Kông”.
Theo một số nhà quan sát, việc giới trẻ đấu tranh cho dân chủ Hồng Kông và Trung Quốc phối hợp có lẽ là điều cần thiết hơn bao giờ hết trong bối cảnh năm 2018 hiện nay, có một số điểm giống với bước ngoặt địa chính trị năm 1989, khi khối cộng sản Đông Âu và Liên Xô tan rã.
Giờ đây, khu vực Đông Á đang đứng trước viễn cảnh chưa từng có, với việc hai miền Nam Bắc Triều Tiên nỗ lực bình thường hóa quan hệ, thượng đỉnh Mỹ-Triều sắp diễn ra. Trong mùa hè 2018, có nhiều yếu tố có thể dẫn đến một biến động địa chính trị tầm cỡ, làm đảo lộn cục diện thế giới(5).
“THƯ NGỎ” CỦA 128 BÀ MẸ THIÊN AN MÔN GỬI TẬP CẬN BÌNH
Một hoạt động tiêu biểu đợt kỉ niệm năm nay tại Hoa lục là “bức thư ngỏ” của 128 bà mẹ Thiên An Môn, tức hiệp hội những người mẹ có con là sinh viên bị giết trong cái đêm thảm khốc nói trên (Hongkongfp.com, 04/06/2018). Tại Hoa lục, vụ thảm sát Thiên An Môn luôn bị coi là một điều cấm kỵ, gần như một chuyện thuộc về bí mật quốc gia. Cho đến nay, chưa bao giờ con số chính thức về nạn nhân được công bố.
Trong những năm trước, chính quyền Trung Quốc thường xuyên ngăn chặn các bà mẹ Thiên An Môn tập hợp để tưởng niệm người thân bị giết hại, vào dịp lễ Thanh Minh tảo mộ cổ truyền của người Trung Quốc hay vào dịp ngày 4/6, bằng cách quản thúc tại gia, hay buộc họ phải rời đi xa. Lần này, nhóm các bà mẹ quyết định chọn cách viết thư ngỏ gửi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, bức thư được hiệp hội bảo vệ nhân quyền Human Right Watch công bố hồi tuần trước.
Trong lá thư gửi lãnh đạo đầy quyền lực của chế độ, người vừa được Hiến pháp Trung Quốc sửa đổi để ngỏ khả năng cầm quyền đến mãn đời, các bà mẹ Thiên An Môn nhấn mạnh là vụ thảm sát nói trên là “một tội ác chống nhân loại, làm nhục quốc thể”, chính quyền “nhân danh ổn định”, “mở cửa” và “cải cách”, để huy động hàng trăm nghìn binh sĩ, nổ súng giết hại các sinh viên không vũ khí. Súng nổ suốt dọc 10 cây số đại lộ Tràng An.
Vụ tàn sát đã để lại những chấn thương tinh thần khủng khiếp đối với cha mẹ những người ngã xuống. Bức thư nêu lên một số trường hợp, thân nhân sinh viên bị sát hại đã tìm đến cái chết để giải thoát khỏi nỗi tuyệt vọng, hay bệnh tật hiểm nghèo do kiệt quệ tinh thần. Những nỗi đau đó, tội ác thảm khốc đó đã không hề được chính quyền nhìn nhận trong hơn một phần tư thế kỷ nay, bất chấp các đòi hỏi của nhóm các bà mẹ, được thành lập từ năm 1995.
Đối với các bà mẹ Thiên An Môn, vụ thảm sát này chính là “một tội ác của Nhà nước chống lại nhân dân mình”. Một tội ác mà họ đòi hỏi phải được chính quyền hiện nay thừa nhận, nạn nhân phải được phục hồi danh dự. Kết thúc lá thư ngỏ, nhóm 128 bà mẹ Thiên An Môn khẳng định với Chủ tịch Trung Quốc là “giấc mơ Trung Hoa” (từ ngữ mà chính ông Tập Cận Bình thường dùng để cổ vũ tinh thần dân tộc của người Trung Quốc) của họ chính là nhìn thấy “công lý được phục hồi”.
T.T.
__________
1. South China Morning Post, 31/05/2018
2. Hong Kong Free Press, 19/05/2018
3. Hong Kong Free Press, 25/05/2018
4. South China Morning Post, 02/06/2018
5. “Beijing sees 2018 as watershed year reminiscent of 1989”, Nikkei Asia, 04/06/2018.