Gửi Thủ tướng: Chúng ta cần một cuộc cách mạng thực phẩm triệt để!

Ánh Liên (VNTB)

Thực phẩm bẩn hiện nay là siêu lợi nhuận, đi ngược lại với lợi ích chung của đồng loại, làm suy nhược giống nòi, dưới sự hoạt động thản nhiên của không ít người dân và sự bao che, quản lý lỏng lẻo của một số cá nhân, tổ chức – ban ngành.

Café pin con ó là một trong những sự kiện như thế, khiến cho thủ phủ cà phê vùng Tây Nguyên đứng trước nguy cơ bị xóa sổ vì tính an toàn người dùng; cũng như ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động tiêu thụ – sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Nhưng ngoài café pin con ó ra, thì còn hàng trăm loại thực phẩm khác đang ngày ngày được các cá nhân người Việt tẩm ướp bằng hóa chất để tối đa hóa lợi nhuận. Kết quả là đất nước vốn là nông nghiệp, nhưng người dân được tiếp cận thực phẩm sạch ngày một hiếm hoi. Và vô hình chung, thực phẩm sạch trở thành một biểu hiện đậm nét của khoảng cách giàu nghèo trong xã hội; khi người giàu chi nhiều tiền hơn để có được đồ ăn sạch, trong khi người nghèo bị bỏ rơi và chịu trận.

Hệ quả lớn nhất như đề cập trên là làm suy nhược giống nòi. Trong một báo cáo liên quan đến Chương trình sàng lọc ung thư đại trực tràng do BV Thu Cúc thực hiện, thì 6% trong 5.000 người dân ở Tây Hồ (Hà Nội) dương tính liên quan đến các bệnh về đường tiêu hóa như ung thư, viêm loét,… Số bệnh ung thư liên quan đường tiêu hóa ngày càng gia tăng, đặc bệnh ở giới trẻ.

Mới đây nhất, tại hội thảo Diễn đàn chuyên gia ung thư các nước Đông Dương do Bệnh viện K tổ chức ngày 20.04 tại Hà Nội, GS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K cho biết: Theo số liệu của Ghi nhận ung thư toàn cầu (GLOBOCAL) và ước tính của ghi nhận ung thư Việt Nam, mỗi năm Việt Nam có hơn 126.000 ca mắc mới và khoảng 94.000 người tử vong vì ung thư.

Ung thư dĩ nhiên xuất phát từ nhiều nguồn, và thực phẩm bẩn là một trong những nguyên nhân làm nên điều đó.

Người viết hoan nghênh ý kiến của Thủ tướng về việc ‘cần lên án mạnh mẽ những cơ sở sản xuất, người dân làm bừa, làm ẩu, vì lợi ích trước mắt’, nhưng Thủ tướng cần phải xét đến cả vai trò quản lý – kiểm tra của đội ngũ quản lý thị trường. Bởi nếu thực sự quản lý chặt chẽ, thì nguồn hóa chất và tiêu thụ thực phẩm bẩn, thực phẩm giả sẽ không công khai buôn bán đến mức tràn lan như hiện nay.

Việc Thủ tướng ‘yêu cầu các bộ ngành, hiệp hội làm sao để tạo lên làn sóng cách mạng trong đời sống nhân dân’ là điều cần làm, nhưng chế tài lớn nhất vẫn là pháp luật. Cần phải có những động thái mang tính răn đe thực tế đối với vấn đề này, để tránh tính siêu lợi nhuận khiến những mức phạt về hành chính (lẫn hình sự) chỉ như là ‘cưỡi ngựa xem hoa’.

Hãy nhìn qua Trung Quốc, nơi từng một thời là ổ dịch về vấn đề an toàn lương thực – thực phẩm (nhất là sự kiện sữa kết hợp với melamine gây chấn động nước này vào năm 2008 khiến 6 đứa trẻ chết và 300 nghìn người bị ảnh hưởng). Và chính trong sự ‘lo ngại’ đó, Tòa án Tối cao Trung Quốc đã ra lệnh cho các thẩm phán trên toàn quốc đưa ra những bản án khắc nghiệt hơn, bao gồm án tử hình, cho những người bị kết tội vi phạm các quy định an toàn thực phẩm. Trong Bộ luật Hình sự Trung Quốc cũng quy định: nếu nhà sản xuất, phân phối thực phẩm không an toàn gây ngộ độc nghiêm trọng hoặc gây ra căn bệnh nghiêm trọng sẽ đối mặt với 3 năm tù giam; nếu gây nghiêm trọng cho sức khỏe người dân sẽ lên đến 7 năm; nếu trộn lẫn thực phẩm độc hại vào thực phẩm, nguyên liệu được sản xuất và bán thì có thể đối diện với tù chung thân, thậm chí là tử hình trong tình huống nghiêm trọng.

Rõ ràng, những mức án nêu trên mang tính răn đe thực sự, mặc dù, về mặt tội danh nó không phải là thể loại ‘tội phạm bạo lực’, tuy nhiên hệ quả của nó là rộng lớn và có sức hủy diệt lâu dài.

Vào năm 2011, Trung Quốc cũng đã tiến hành bắt giữ 2.000 cá nhân và đóng cửa 4.900 doanh nghiệp vì nghi ngờ tham gia vào các vi phạm an toàn thực phẩm (sản xuất, sử dụng chất phụ da thực phẩm có hại). Những quan chức nghi ngờ bao che hoặc có hành vi tiếp tay, cũng từng bước bị loại bỏ ra khỏi chức vụ quyền hạn.

Việt Nam rõ ràng cần phải theo đuổi đường lối cứng rắn hơn trong các vấn đề ảnh hưởng đến giống nòi, nhất là khi nó ‘đe dọa nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân và gây ra các phản ứng xã hội mạnh’. Và thực tế, ở một góc nhìn nào đó, cần phải xếp an toàn thực phẩm lên ngang với tội phạm ma túy về tính nguy cơ của nó.

Chúng ta đã có Luật an toàn thực phẩm nhưng sự hiện diện thực tế của nó trong đời sống xã hội còn mờ nhạt. Chừng nào, chúng ta chưa xác định tính cần thiết và an toàn của thực phẩm là ưu tiên hàng đầu, liên quan chặt chẽ đến đời sống – sức khỏe – kinh tế của người dân và niềm tin xã hội. Chừng nào chúng ta chưa thể tiến hành một hệ thống an toàn thực phẩm bao gồm các công ty thực phẩm, các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm có tính kỷ luật, sự giám sát từ phía Chính phủ và công cộng có tính thực tế thì chúng ta sẽ không thể nào có được cuộc ‘cách mạng’, ngay cả trong khía cạnh lên ‘phát động’ người dân lên tiếng tố cáo hay phản ánh về tệ nạn này.

Việc thành lập một Ủy ban An toàn thực phẩm (tương tự Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia) là điều cần thiết trước mắt. Ít nhất đảm bảo tính ưu tiên và nghiêm trọng của vấn đề. Ủy ban này phải bao gồm các vị quan chức cấp bộ trưởng, trực tiếp thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, phân tích tính an toàn thực phẩm, giám sát trách nhiệm trong vấn đề an toàn thực phẩm. Tiếp đó, tiến tới thay đổi Luật Hình sự trong đó gia tăng mức phạt nặng đối với loại hành vi sản xuất – buôn bán thực phẩm giả, thực phẩm độc hại cũng như hành vi bao che – yếu kém trong quản lý nhà nước trong lĩnh vực thực phẩm độc hại.

Thủ tướng! Chúng ta cần một cuộc cách mạng thực phẩm triệt để!

A.L.

VNTB gửi BVN.

This entry was posted in Chính phủ. Bookmark the permalink.