Phùng Hi
Môi trường giáo dục đang chịu tác động quá lớn từ mạng xã hội, tích cực lẫn tiêu cực, làm đảo lộn nhiều giá trị vốn đã được định dạng. Thử ví dụ: xưa thầy đứng trên một bậc so với cha mẹ (Quân Sư Phụ), nay thầy chỉ là người làm công hạng xoàng. Học sinh, phụ huynh với chiếc điện thoại “thông minh”, tay vuốt vuốt màn hình mọi lúc mọi nơi, coi như biết tuốt mọi thứ.
Đến lúc giáo viên, phụ huynh cần “định nghĩa lại” về nhau để cư xử… cho đẹp.
VỀ PHÍA GIÁO VIÊN
Giáo viên cần nhớ rằng phụ huynh bây giờ biết khá rõ chương trình giáo dục, phương pháp giáo dục và kể cả luật giáo dục dựa trên Công ước quốc tế về quyền trẻ em, quyền con người.
Dù phũ phàng, giáo viên phải biết phần lớn phụ huynh không còn tôn trọng mình theo kiểu “bắc cầu kiều”, “một chữ cũng thầy” hay hô hào tôn sư trọng đạo, nghề giáo là nghề cao quý… Giáo viên không nên quên, rằng nhiều phụ huynh bây giờ chỉ coi: “nghề dạy học như lao động bình thường, không mợ thì có cậu, đừng tưởng bở, thất nghiệp đầy ra kìa”. Hỏi giáo viên đau không?
Tôi là giáo viên, đôi lúc thấy mình còn bị khinh. Xã hội đối đãi giáo viên như thế, đồng lương ít ỏi lép vế kéo dài bao năm; giáo viên dạy thêm, làm thêm đủ nghề, tất sẽ bị xem thường ở cái thời đồng tiền chiếm địa vị độc tôn.
Giáo viên ơi, bạn không nên giận lẩy “mặc kệ nó” nhưng cũng đừng nóng vội khi học sinh không chịu vào khuôn phép, khi vài học sinh mất đứt khả năng học tập nhưng dư thừa khả năng quậy phá. Giáo dục phổ thông kéo dài 12 năm, lo gì. Học cả đời chứ đâu chỉ ngày một ngày hai. Albert Einstein cũng khuyên (phỏng ý): “Giáo viên đừng lo học sinh còn điều gì chưa hiểu mà tìm xem học sinh đã hiểu hoặc có thể hiểu những gì”, có phải nhẹ nhàng hơn không? Đói nghèo chưa hẳn đến với kẻ dốt nát. Giàu sang cũng đâu tỷ lệ thuận với người giỏi giang.
Hình như “ghét giáo viên” đã trở thành căn bịnh xã hội, như ghét nhân viên y tế, ghét trạm BOT, ghét công an. “Thằng thầy này, con cô kia” là cách không ít phụ huynh nhắc đến giáo viên. Thầy nghèo bị phụ huynh khinh bỉ, thầy làm thêm có tiền phụ huynh đố kỵ ra mặt.
Tôi kể một chuyện, hết tiết dạy Toán lớp 12, một nam sinh chạy ra hành lang gọi tôi: “Ê thằng kia, mày ngon hả mậy” (Tôi hơn 50 tuổi rồi)! Tôi tưởng như mình khụy xuống không đi nổi. Nam sinh ấy bảo rất ghét tôi. Tôi cho đó là sản phẩm bị lỗi, như quái vật Frankenstein do giáo dục tạo ra, nó làm tôi ghê ghê. Tôi vẫn đến lớp, đâu còn cách nào khác, tôi dằn lòng mình. Nam sinh ấy ngủ gục trên bàn hoặc chơi game trên điện thoại hoặc nói chuyện rất to.
Học sinh không cần học vẫn lên lớp, không chuyên cần vẫn đậu kỳ thi quốc gia. Vì đâu nên nỗi? Câu hỏi này xin gửi đến chính phủ, đến Bộ Giáo dục.
Luật không cho phép đụng đến thân thể học sinh, đừng lấy chuyện thầy cô xưa phạt học trò quỳ để biện hộ. Dùng lời nói dè bỉu, so sánh hay hạ thấp nhân phẩm học sinh ư? Lợi bất cập hại. Phạt học sinh bằng điểm số ư? Bạn sẽ bị Ban Giám hiệu than phiền, quở phạt, cắt thi đua. Bạn thấy không, cái quyền hẳn nhiên và cuối cùng này của giáo viên cũng bị tước bỏ, vậy bạn làm gì? Tận tâm, tận lực ư? Ừ, phải gắng thôi. Và luôn thật lòng. Học sinh sẽ đến với bạn, chỉ còn con đường ấy.
VỀ PHÍA PHỤ HUYNH
Phụ huynh cần biết giáo viên không phải người giỏi nhất. Nhà nước trả lương giáo viên thua tiền công nhật của thợ xây thì người học giỏi nào tìm đến nghề sư phạm?
Phụ huynh đừng thấy quanh mình cô nọ, thầy kia bình thường như bao người, từ quá trình học vấn đến cách sống mà lo lắng. Với mấy năm sư phạm, không lẽ trường đại học cho “ra lò” giáo sinh không dạy học được? Hơn nữa trường phổ thông còn một ban giám hiệu, họ không nhận ra năng lực mỗi thầy cô giáo để phân công hợp lý công việc hay sao?
Nhiều chuyên gia giáo dục từng nói, đại ý, chương trình phổ thông lên khuôn sẵn kia không cần thiết người quá giỏi để dạy học. Tôi cũng khuyên học trò kha khá thôi nhưng tính tình cẩn thận, chỉn chu nên đi sư phạm. Vì tôi tiếc học sinh giỏi vô sư phạm sau này không dùng hết năng lực.
So đũa chọn cột cờ hay theo định luật Pareto 80 – 20, 20% sẽ là giáo viên giỏi trong một trường học, nhưng không giáo viên giỏi nào muốn phụ huynh thương hại mình vì sự đãi ngộ thiếu công bằng.
Phụ huynh cũng cần để ý, cô luôn nhiều hơn thầy trong trường, cô giáo kiêm chăm sóc gia đình, lo việc bếp núc với nỗi ám ảnh chi tiêu dè dặt thì vất vả đến chừng nào, và cả dễ tổn thương.
Kính trọng một kẻ ăn mày trước mặt con cái, phụ huynh giáo dục lòng nhân từ cho con, thì mất mát gì không kính trọng giáo viên đang dạy con mình? Trường học phải là nơi tôn nghiêm (như sân chùa, giáo đường), phụ huynh có ngưỡng vọng thì con em mới nên người. Nhiều phụ huynh nghĩ rằng, hoặc lầm tưởng rằng, có thể tự dạy tốt cho con. Vậy nếu không có nhiều thời gian đem con về tự dạy thì sao không hỗ trợ cùng giáo viên, cùng nhà trường giáo dục con cái?
Tôi có người bạn “có ăn có học”, hồi con gái bạn học lớp Hai, anh kể với tôi chuyện cô chủ nhiệm của cháu, với vẻ phẫn nộ: “Tao hăm rồi, đụng đến con tao là tao không tha”! Nghe xong tôi cười méo xệch. Thấy lạ quá, người có học, người giàu có tí chút, lắm kẻ kém lễ kém nhân như thế! Nó ngược với câu dân gian đúc kết: “Phú quý sinh lễ nghĩa”.
Phụ huynh nhớ cho, giáo viên với đồng lương cầm hơi đừng bắt phải hy sinh quá nhiều, tội nghiệp người ta chứ. Xin đừng trút giận dữ về sự bất cập, lạc hậu, tiêu cực, tham nhũng… đâu đó trong ngành giáo dục lên đầu giáo viên, họ đâu tội tình gì! Suy cho cùng, phụ huynh với giáo viên nếu hiểu đúng về nhau thì nên đứng “cùng phe”.
Viết từ Sông Hinh
P.H.
Tác giả gửi BVN