RFA
2018-01-23
Cả Bộ trưởng quốc phòng của Nga và Hoa Kỳ đều có chuyến thăm Việt Nam gần như cùng một lúc để thảo luận về hợp tác quốc phòng về chiến lược cũng như thông thương vũ khí.
Hai chuyến đi này có ý nghĩa gì? Cuộc gặp giữa các bên mang thông điệp quan trọng nào?
Nhà nghiên cứu chính trị Hà Hoàng Hợp, từ Singapore dành cho RFA cuộc phỏng vấn.
Mục tiêu khác nhưng không trái ngược nhau
RFA: Xin chào Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp. Theo ông, chuyến viếng thăm Việt Nam của 2 Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ và Nga diễn ra trong cùng 1 tuần, có thể nói là cách nhau chỉ 1 ngày, có những ý nghĩa gì đặc biệt?
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp: Đây là câu hỏi rất thú vị. Trước đây thì Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch có đi Nga, sau đó mấy tuần thì đi Mỹ. Sau khi trở về thì có thoả thuận là Bộ trưởng Quốc phòng Nga và Mỹ cùng đến Việt Nam tuần này.
Sự tương đồng của 2 chuyến đi này là gì? Mỹ với Nga muốn giúp Việt Nam, muốn hợp tác tốt với Việt Nam để Việt Nam có điều kiện phát triển quốc phòng Việt Nam tốt hơn, có đủ năng lực tự vệ, bởi vì nền quốc phòng Việt Nam không nhằm vào tấn công, nhằm vào tự vệ thôi.
Sự khác biệt giữa Mỹ và Nga là chỗ này: Người Nga không muốn người Mỹ đụng vào vấn đề Biển Đông. Còn người Mỹ thì cam kết rằng can dự vào vấn đề Thái Bình Dương. Cụ thể hơn là chiến lược Châu Á Thái Bình Dương và Ấn Độ Thái Bình Dương (IndoPacific). Như vừa rồi Mỹ có giúp đỡ Việt Nam, Philippine, Indonesia và 1 số nước khác nữa về trang thiết bị tàu tuần tra ven biển, và họ sẵn sàng cung cấp các loại thiết bị tốt nhất cho các nước ở Đông Nam Á.
Với Việt Nam thì Nga cũng có những động tác như vậy, nhưng Nga có lợi ích của Nga ở Việt Nam vì Nga có mấy liên doanh về dầu khí. Nga phải có trách nhiệm cùng với Việt Nam, đặc biệt là hải quân Việt Nam để bảo vệ các điểm khai thác dầu và khí ở biển Việt Nam.
Đó là 1 trong những mục tiêu rất cụ thể của Bộ trưởng Quốc phòng Nga đến Việt Nam lần này.
Sự khác biệt giữa Mỹ và Nga là chỗ này: Người Nga không muốn người Mỹ đụng vào vấn đề Biển Đông. Còn người Mỹ thì cam kết rằng can dự vào vấn đề Thái Bình Dương – TS Hà Hoàng Hợp
RFA: Qua nhận định của ông thì Nga và Mỹ có 2 mục tiêu khác nhau khi đến thăm Việt Nam lần này?
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp: Vâng. Nhưng 2 mục tiêu không trái ngược nhau, đều muốn giúp cho Việt Nam có năng lực quốc phòng tốt hơn.
RFA: Liên quan đến hợp tác quốc phòng về chiến lược cũng như thông thương vũ khí, có sự khác biệt nào giữa 2 chuyến viếng thăm?
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp: Việt Nam là 1 khách hàng mua vũ khí và thiết bị quân sự truyền thống của Nga. Khoảng 14 năm nay Việt Nam chủ yếu nhập các loại vũ khí chủ yếu từ Nga, như máy bay phản lực chiến đấu, máy bay vận tải, tên lửa phòng không… Gần đây là tàu ngầm. Sắp tới là các thiết bị phục vụ cho đơn vị mới thành lập ở Việt Nam là đơn vị tác chiến không gian mạng.
Việt Nam chưa thể có cách nào thay đổi cơ cấu nhập khẩu hoặc giảm đi mua sắm quốc phòng từ phía Nga cả vì người ta đang dùng quen.
Đối với Mỹ thì như chúng ta biết phía Mỹ sẵn sàng bỏ cấm vận vũ khí với Việt Nam. Mỹ cũng nhiều lần hỏi ý Việt Nam như radar hiện đại, 1 số thiết bị dùng trong hải quân… nhưng Việt Nam cho đến nay chưa ký hợp đồng gì với phía Mỹ cả. Nhưng chắc chắn trong thời gian tới sẽ có 1 số hợp đồng mua sắm quốc phòng.
Tái khẳng định chiến lược của Mỹ
RFA: Ông Mattis trả lời với báo chí trước chuyến đi đến Châu Á rằng “Chúng ta đều có chung vùng Thái Bình Dương – một đại dương với cái tên có ý nghĩa là hòa bình – chúng tôi muốn thấy nó tiếp tục yên bình, để tất cả quốc gia đang sinh sống và sử dụng nó có thể tiếp tục thịnh vượng”, trong lúc đó, sức mạnh quân sự của Trung Quốc đang lớn dần trong khu vực, những điểm này có thể được cho là chuyến viếng thăm của ộng Bộ trưởng QP Hoa Kỳ đến Việt Nam là 1 thông điệp về vấn đề hợp tác quốc phòng trong tương lai giữa 2 quốc gia sẽ được tăng cường?
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp: Nhận định như thế chắc chắn là đúng. Vì khi Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch thăm Mỹ thì 2 bên đã thoả thuận và ký kết với nhau đối với tăng cường hợp tác quốc phòng, an ninh quốc phòng. Trong bối cảnh Trung Quốc có những hành động và chiến lược để tăng cường sự hiện diện của Trung Quốc ở Biển Đông, nói cụ thể hoá hơn là Trung Quốc đắp ngoài biển những đảo nhân tạo, vẫn tiếp tục trang thiết bị với những đảo đó, vẫn tăng cường trang bị vũ khí cho các đơn vị của Trung Quốc có thể đang và sẽ hiện diện ở Biển Đông, thì việc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đến thăm Việt Nam và cả Indonesia thì nó là tái khẳng định chính sách của Mỹ về sự hiện diện của Mỹ trong chiến lược không thay đổi.
Trước hết là để đảm bảo và để giúp các nước Đông Nam Á này có được sự đoàn kết cũng như năng lực đảm bảo tiến trình tạo hoà bình cho khu vực. Nói đúng hơn là các nước trong khu vực hợp tác với Mỹ và các nước khác, kể cả với Trung Quốc để đảm bảo kiến trúc an ninh của khu vực, đặc biệt ở Biển Đông.
Lời cảnh báo không có ý nghĩa
RFA: Hoàn Cầu Thời Báo hôm 22/1 cho rằng chuyến công du của Bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ đến hai nước lớn trong Khối ASEAN là Indonesia và Việt Nam với mối quan tâm mạnh mẽ đến Biển Đông, và đánh tiếng rằng nếu Hoa Kỳ không ngưng những hành động bị Bắc Kinh cho là ‘kích động’ tại Biển Đông thì Trung Quốc sẽ quân sự hóa các đảo tại đó. Ông bình luận thế nào về lời đe doạ này?
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp: Trung Quốc đưa ra 1 lời cảnh báo như thế là không đúng. Bởi vì nếu không có sự hiện diện của Mỹ hay Nga hay Nhật hay Ấn Độ thì Trung Quốc cũng đang tiến hành quân sự hoá Biển Đông này. Lời cảnh báo của người Trung Quốc thông qua tờ Hoàn Cầu Thời Báo cũng không có ý nghĩa gì nhiều lắm, chỉ là nhắc lại lời trước đây đã từng nói.
Nhưng quan trọng nhất là hãy nhìn vào hành động của họ, hành động ấy chứng tỏ họ quân sự hoá tất cả. Chi phí quân sự 12 năm nay mỗi năm tới hơn 100 tỷ. Năm 2017 là 160 tỷ. Điều ấy nói lên quá trình quân sự quá ở Trung Quốc cũng như quân sự hoá ở Biển Đông của Trung Quốc buộc tất cả những nước ở khu vực Biển Đông này, đặc biệt là Việt Nam và Indonesia phải chi phí quân sự cao hơn để mà cũng cố năng lực tự vệ, phòng thủ của mình.
Chuyến thăm của ông Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đến Việt Nam sẽ có 1 tác động tích cực đối với việc khích lệ Việt Nam cũng như các nước tronng Asian, đặc biệt những nước có tranh chấp ngoài biển là cũng cố niềm tin, chuẩn bị tốt hơn về năng lực phòng thủ và cũng là tín hiệu quan trọng nói với nước lớn phía Bắc là Trung Quốc là không thể làm gì vượt qua nền tảng pháp luật quốc tế. – TS Hà Hoàng Hợp
Ảnh hưởng của hai chuyến thăm
RFA: Dự đoán của ông sau khi chuyến thăm Việt Nam của 2 vị BTQP kết thúc?
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp: Chuyến thăm của Nga sẽ không có nhiều ảnh hưởng lắm, vì nước Nga quan hệ song phương với Việt Nam từ trước đến nay tập trung vào vũ khí và trang thiết bị. Những cái này không thay đổi trong vài năm tới.
Việt Nam là 1 nước sử dụng tín dụng người Nga cấp cho Việt Nam để đưa vào vũ khí, cho đến nay vẫn là duy nhất. Một vài nước khác thì chỉ là trên lời nói thôi.
Cho nên ảnh hưởng của chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Nga đến Việt Nam không lớn lắm. Chuyến thăm này chủ yếu nhằm vào hợp tác quốc phòng Việt Nam với Nga chủ yếu ở phần trang thiết bị và vũ khí thôi. Không có thay đổi gì về chiến lược. Ở nước Nga tất cả những quyết định của an ninh quốc phòng, chiến lược không thuộc thẩm quyền của ông Bộ trưởng Quốc phòng, mà thuộc quyền của Tổng thống Nga và Hội đồng An ninh quốc gia Nga.
Chuyến thăm của ông Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đến Việt Nam sẽ có 1 tác động tích cực đối với việc khích lệ VIệt Nam cũng như các nước tronng Asian, đặc biệt những nước có tranh chấp ngoài biển là cũng cố niềm tin, chuẩn bị tốt hơn về năng lực phòng thủ và cũng là tín hiệu quan trọng nói với nước lớn phía Bắc là Trung Quốc là không thể làm gì vượt qua nền tảng pháp luật quốc tế.
Đó là ý nghĩa quan trọng của chuyến viếng thăm của ông Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ.
RFA: Xin cảm ơn Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp.
***
Việt Nam đón Bộ trưởng Quốc phòng Nga và Mỹ
Cả Bộ trưởng quốc phòng của Liên bang Nga và Hoa Kỳ sẽ có chuyến thăm Việt Nam gần như cùng một lúc để thảo luận về hợp tác quốc phòng về chiến lược cũng như thông thương vũ khí.
Sáng hôm thứ Ba, 23/1, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoygu đã có cuộc gặp với người đồng cấp Việt Nam, tướng Ngô Xuân Lịch.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Jim Mattis thì đang có buổi hội đàm với Tổng thống Indonesia Joko Widodo và dự kiến sẽ sang thăm Việt Nam sau đó.
Theo AFP, trong chuyến thăm một tuần đến châu Á, ông Mattis hi vọng tăng cường hợp tác quốc phòng với Indonesia và Việt Nam, khi sức mạnh quân sự của Trung Quốc lớn mạnh dần trong khu vực.
“Chúng ta đều có chung vùng Thái Bình Dương – một đại dương với cái tên có ý nghĩa là hòa bình – chúng tôi muốn thấy nó tiếp tục yên bình, để tất cả quốc gia đang sinh sống và sử dụng nó có thể tiếp tục thịnh vượng,” ông Mattis nói với báo chí tháp tùng ông trên chiếc phi cơ đến Châu Á.
Chuyến thăm của hai tướng Nga, Mỹ có ý nghĩa gì?
Theo đánh giá nhận định của nhà nghiên cứu và phân tích chính trị Việt Nam và bang giao quốc tế Carl Thayer, việc gặp gỡ với cả hai quan chức quân đội cấp cao của Hoa Kỳ và Nga, cho thấy thể hiện chính sách của Việt Nam về “đa dạng hóa và đa phương hoá” về quan hệ với các cường quốc.
Mattis sẽ nói với Lịch rằng Hoa Kỳ coi Trung Quốc là một đối thủ chiến lược của Hoa Kỳ đang tìm cách làm suy yếu vị trí của Mỹ trong khu vực. Mattis sẽ thảo luận với Lịch về mức độ mà Việt Nam sẽ hợp tác với Hoa Kỳ để tạo ra một hệ thống liên kết an ninh góp phần ổn định khu vực và đảm bảo quyền tự do tiếp cận với Biển Đông.
Carl Thayer, Giáo sư Học viện Hải quân Úc
“Việt Nam quan tâm đến việc chứng minh rằng bản thân độc lập và đóng góp tích cực cho an ninh khu vực, do đó cả Nga và Hoa Kỳ đều quan tâm đến việc hỗ trợ Việt Nam. Ví dụ, Việt Nam có thể thảo luận về hợp tác quốc phòng với cả hai Bộ trưởng và tiến tới khi phù hợp với lợi ích quốc gia của Việt Nam,” ông Thayer viết trên phúc trình do ông đăng tải đánh giá chuyến thăm của Jim Mattis tới Việt Nam.
“Mattis sẽ nói với ông Ngô Xuân Lịch rằng Hoa Kỳ coi Trung Quốc là một đối thủ chiến lược của Hoa Kỳ đang tìm cách làm suy yếu vị trí của Mỹ trong khu vực. Mattis sẽ thảo luận với Lịch về mức độ mà Việt Nam sẽ hợp tác với Hoa Kỳ để tạo ra một hệ thống liên kết an ninh góp phần ổn định khu vực và đảm bảo quyền tự do tiếp cận với Biển Đông.
“Về vấn đề an ninh hàng hải, Bộ trưởng Mattis có thể sẽ nêu ra cách mà cả hai bên có thể tăng cường hơn nữa hợp tác, như các ghé cảng thường xuyên hơn của Hải quân Hoa Kỳ sau chuyến thăm của tàu sân bay Mỹ đầu tiên đến Cảng Quốc tế Cam Ranh vào cuối năm nay,” ông Thayer viết trong bản báo cáo.
Ông Thayer nhận định Trung Quốc sẽ rất muốn tìm hiểu xem Việt Nam dự định phát triển hợp tác quốc phòng với Hoa Kỳ đến đâu và sự hợp tác này sẽ nhắm đến Trung Quốc đến mức nào.
“Trung Quốc cũng sẽ quan tâm để tìm hiểu phạm vi của các vụ thông thương vũ khí của Nga cho Việt Nam. Nga hiện là nguồn cung cấp 57% vũ khí nhập khẩu cho Trung Quốc và 88% cho Việt Nam.
“Tất cả các nước khu vực ở Ấn Độ-Thái Bình Dương cũng sẽ quan tâm đến kết quả của chuyến thăm cả hai bộ trưởng quốc phòng đến Việt Nam”, ông Thayer kết luận.
Báo TQ nói ‘Hoa Kỳ khiến Trung Quốc tăng tốc quân sự hóa ở Biển Đông’
Hôm 22/1 khi ông Mattis vừa đến thủ đô Jakarta, tờ báo hàng đầu của Trung Quốc, Nhân dân Nhật báo, nói sự kiểm soát ở Biển Đông của Trung Quốc sẽ chỉ gia tăng và là phản ứng thích đáng với sự “khiêu khích” của Hoa Kỳ.
Tờ báo dẫn chứng việc tàu khu trục USS Hopper của Hoa Kỳ được cho hay trước đó đã đi vào khu vực 12 hải lý của bãi đá ngầm Scarborough, khu vực Philippines tuyên bố chủ quyền mà Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham.
Theo Reuters, tờ Nhân dân Nhật báo là tờ báo chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc nói, với tình hình đang cải thiện ở Biển Đông (TQ gọi là Biển Nam Trung Hoa), rõ ràng rằng Hoa Kỳ là phía quân sự hóa khu vực.
“Nếu bên liên quan một lần nữa làm rắc rối và gây căng thẳng, thì nó sẽ chỉ làm cho Trung Quốc đi đến kết luận này: để bảo vệ hòa bình ở Biển Nam Trung Hoa, Trung Quốc phải tăng cường và tăng tốc khả năng của mình ở đó,”
“Khi quy mô và chất lượng quân sự của Trung Quốc được cải thiện, việc kiểm soát Biển Nam Hải của Trung Quốc cũng sẽ được cải thiện. Trung Quốc có thể gửi nhiều tàu hải quân hơn để đáp trả và có thể thực hiện các bước như huy động các hòn đảo.”
Quân đội Hoa Kỳ cho biết họ thực hiện các hoạt động “tự do hàng hải” trên khắp thế giới, bao gồm cả trong các khu vực mà các đồng minh tuyên bố chủ quyền.